Điểm tin ngày 15/11/2015

16/11/2015 | 10:44 AM

 | 

I.THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

 

1. Quảng Nam tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến tận khu phố, khu dân cư: Để đạt mục tiêu đến năm 2020 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế đến tận khu phố, khu dân cư, thôn, xóm... Thực hiện chương trình công tác tuyên truyền năm 2015, trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam đã thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT đạt được những kết quả khá tốt. Theo ông Phạm Ngọc Hà, Phó Giám đốc BHXH Quảng Nam, đơn vị quan tâm rất lớn đến công tác tuyên truyền về các chính sách BHYT, BHXH trên địa bàn. Theo đó, BHXH Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, sở, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật BHXH (sửa đổi) đến các cấp ủy Đảng. Ngoài ra phối hợp với các đơn vị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Thanh tra tỉnh, ngành LĐTB-XH, Liên Hiệp Hội Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn lao động, ngành GD-ĐT, ngành Y tế, Mặt trận... để tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Do đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng về BHYT, BHXH được tăng lên.

 

2. Hơn 500 người dân nghèo vùng biên giới Tây Nam được khám chữa bệnh miễn phí: Ngày 14.11, trên 500 người dân nghèo ở xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang đã được đoàn quân y của Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang và các bác sĩ Công ty CP Dược Hậu Giang khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Các bệnh nhân được khám và điều trị trong đợt này chủ yếu là cụ già, phụ nữ và trẻ em, có hoàn cảnh khó khăn. Rất nhiều người trong số này là đồng bào dân tộc Chăm đang sinh sống trên địa bàn biên giới.  Ông Íp Rô Thêm, 82 tuổi ở ấp Bình Di, xã Khánh Bình được con rể chở bằng xe máy đến để khám bệnh. Ông cho biết: “Tui thường xuyên bị nhức xương khớp, trị hoài mà không dứt. Lần này được đia phương thông báo có đoàn y bác sĩ của bộ đội đến khám bệnh miễn phí nên tui đến. Các chú bác sĩ khám bệnh rất nhiệt tình, hướng dẫn đầy đủ và cho nhiều thuốc. Tôi rất cảm ơn”. Còn chị Ay Sá, 45 tuổi, ở ấp Bình Di thì cho biết chị bị đau bao tử và viêm xoang mạn tính. Mỗi lúc bị đau thì chị hay ra Trạm Quân dân y của Bộ đội Biên phòng ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú để trị bệnh. Lần này đoàn đến tận nơi để khám cho người dân, chị thấy rất vui mừng. Theo trung tá Nguyễn Văn Duyên, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, tổng trị giá trị thuốc men chi phí trong đợt khám bệnh này khoảng 50 triệu đồng, do Công ty CP Dược Hậu Giang hỗ trợ.  Việc khám và chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo là một trong những nội dung hoạt động theo chương trình “Tết quân - dân” của tỉnh An Giang. 

 

3. Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh khám và điều trị đau mạn tính: Theo thống kê tại Mỹ, hơn 100 triệu người cho biết họ gặp phải các cơn đau mạn tính. Nguyên nhân phần lớn là do viêm khớp, đau nửa đầu, đau cơ, lưng hoặc bất cứ vị trí nào trên cơ thể mà không tìm được nguyên nhân. Bệnh nhân thường cho đây là triệu chứng đau mạn tính. Xuất phát từ những nhu cầu thực tế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã quyết định thành lập Đơn vị điều trị và phòng khám đau mạn tính, thực hiện điều trị chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân có vấn đề về các cơn đau kéo dài. Đến với phòng khám, bệnh nhân sẽ được thăm khám và đánh giá toàn diện về bệnh tật, tư vấn tâm lý để giúp cho quá trình lành bệnh tốt về cả thực thể và tinh thần. Với phương châm điều trị đa mô thức cho nhóm bệnh lý đau mạn tính, phòng khám hoạt động phối hợp nhiều chuyên khoa (Nội Thần Kinh, Ngoại Thần Kinh, Gây Mê Hồi Sức) nhằm thực hiện điều trị nội khoa tích cực, cũng như kết hợp với các chuyên gia các nước (Thụy Sĩ, Pháp…) trong việc thực hiện các thủ thuật mới trong điều trị đau.

 

4. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới: đó là thông tin được ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đưa ta tại buổi gặp mặt báo chí nhân triển khai tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc năm 2015, vào chiều ngày 14/11 tại thành phố Hồ Chí Minh. Giải thích nguyên nhân tỷ lệ kháng thuốc cao ở Việt Nam, ông Thái cho rằng người dân có thói quen sử dụng kháng sinh tùy tiện không có đơn của bác sĩ, và thường tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc. Ngoài ra, có không ít dược sĩ bán thuốc không đúng quy định, các bác sĩ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp...Trả lời về vấn đề quản lý việc bán và sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam, ông Thái cho biết nhà nước đã có biện pháp chế tài xử phạt những hành động làm trái quy định nhưng do nhận thức chưa cao của người dân và của người bán thuốc, cũng như hình thức xử lý còn nhẹ, tính răn đe chưa cao, nên việc quản lý còn nhiều khó khăn. Tình trạng kháng thuốc đang tạo ra gánh nặng lớn và ngày càng gia tăng ở các nước có mức thu nhập cao, trung bình và thấp. Nhận thức được hậu quả đến sức khỏe và nền kinh tế, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam tổ chức Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc từ ngày 16 đến 22-11. Chiến dịch truyền thông này, với khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa,” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về kháng thuốc, phòng chống kháng thuốc trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường.

 

5. Cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu sẽ giảm nguy cơ đột tử: Trong giai đoạn từ 2- 4 tháng tuổi, trẻ được tiêm phòng nhiều loại vắc xin khác nhau để phòng trừ bệnh tật. Cũng trong độ tuổi này, Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh xảy ra với tỷ lệ cao. Để giảm nguy cơ đột tử trẻ sơ sinh, các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho trẻ nằm ngửa khi ngủ.  Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, tên tiếng Anh là sudden infant death syndrome (SIDS) là cụm từ chuyên môn dùng để chỉ trường hợp xảy ra tử vong mà không thể lý giải nguyên nhân ở trẻ dưới 1 năm tuổi. Vì thế, mọi trường hợp tử vong SIDS ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt ở giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi luôn khiến cộng đồng đặt ra câu hỏi nguyên nhân nào đã gây ra cái chết ở trẻ. Hiện các liều vắc xin phòng chống dịch bệnh được tiêm cho trẻ vào đúng thời kỳ này, do vậy vắc xin dễ dàng trở thành một nghi vấn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc xin không phải là nguyên nhân liên quan đến SIDS. Theo số liệu thống kê, tại Mỹ, hơn 2.000 trẻ chết không rõ nguyên nhân trong năm 2010, trong đó có 90% trẻ đột tử nằm trong nhóm tuổi dưới 6 tháng tuổi. Đa phần SIDS xảy ra với trẻ dưới 1 năm tuổi và xảy ra lặng lẽ, bất ngờ với ngay cả trẻ dường như đang rất khỏe mạnh. Tại Việt Nam, hàng ngày ước tính có khoảng 70 trẻ em dưới 1 tuổi bị tử vong không rõ nguyên nhân hoặc do các nguyên nhân khác nhau. Do vậy để giảm nguy cơ đột tử trẻ sơ sinh, các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho trẻ nằm ngửa khi ngủ. Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ SIDS, thai phụ nên chú trọng việc chăm sóc sức khỏe thai sản từ sớm, thường xuyên và liên tục.  Phụ nữ tránh hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất cấm khi mang thai và sau khi sinh. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ được bú mẹ trong 6 tháng đầu ít có nguy cơ bị SIDS so với trẻ không được bú mẹ.

 

6. Hải quan thu giữ mỹ phẩm, dược phẩm nhập lậu trị giá hàng chục tỷ đồng:

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Công điện số 90/CĐ-BCĐ về việc phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (từ 15-7 đến 15-10-2015), Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong Ngành quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai hiệu quả Công điện trên (tại Công văn số 134/TCHQ-ĐTCBL ngày 17-7-2015). Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của đơn vị mình phụ trách; có biện pháp kiên quyết để xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nghiêm trọng; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiêu cực. Tại dây chuyền thủ tục, công chức Hải quan được yêu cầu thực hiện đúng quy trình, thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng NK. Qua đó xác định trọng điểm, áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro, phân luồng, kiểm tra thực tế đối với các DN, lô hàng rủi ro cao, có nghi vấn về hoạt động NK mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tại địa bàn một số tỉnh biên giới phía Bắc, Tây Nam và các thành phố lớn:  Hà Nội, Hải Phòng và Hồ Chí Minh, lực lượng Hải quan chủ động kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu và các khu vực thuộc địa bàn hoạt động hải quan.

 

7. Sốt xuất huyết ở Khánh Hòa tăng với tốc độ báo động với 5.000 ca: Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, địa phương này đã ghi nhận hơn 5.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), với 300 ổ dịch, trong đó 2 trường hợp tử vong ở huyện Vạn Ninh. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức cuộc họp để bàn các giải pháp phòng, chống SXH. Tuy nhiên, SXH vẫn không ngừng tăng ở tỉnh này. Thành phố Nha Trang hiện đang có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh, chiếm hơn 1.250 ca; thị xã Ninh Hòa hơn 1.200 ca; huyện Diên Khánh hơn 900 ca và huyện Vạn Ninh hơn 800 ca… Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, tình hình SXH Dengue đã vượt ngưỡng số mắc trung bình 5 năm trước đó. SXH Dengue đang trong tình trạng đáng báo động và có nguy cơ bùng dịch lớn… Trước tình trạng sốt SXH tại Khánh Hòa gia tăng, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa vừa công bố đường dây “nóng” để hướng dẫn chuyên môn cho các tuyến dưới điều trị SXH. Cụ thể, đó là số: 0583.760.115 của Khoa Hồi sức cấp cứu hoặc số: 0914.488.329 trực lãnh đạo bệnh viện. Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa kêu gọi các địa phương phát động chiến dịch toàn dân, cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia diệt bọ gậy, lăng quăng tại nơi cư trú. Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa khuyến khích việc xử phạt các đơn vị, tổ chức, cá nhân không tham phòng, chống SXH, để lăng quăng, bọ gậy phát triển.

 

8. Muốn tồn tại và phát triển, bệnh viện công phải đổi mới: Tại hội nghị triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện (BV) và khảo sát sự hài lòng của người bệnh do Bộ Y tế tổ chức ngày 12.11 tại Hà Nội, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, lưu ý việc đổi mới phong cách phục vụ, từ bảo vệ đến các khoa phòng và phải làm thực chất. Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, khảo sát vừa qua cho thấy BV tuyến trên được hài lòng về chất lượng chuyên môn kỹ thuật nhưng bị phàn nàn về quá tải. Với BV tuyến dưới thì người bệnh chưa hài lòng về chuyên môn. Đó là những tiêu chí cần khắc phục. Ngoài ra, điều kiện điện nước, vệ sinh cũng là tiêu chí để đánh giá chất lượng dịch vụ tại BV, nhằm chấm dứt cảnh nhà vệ sinh cho nhân viên y tế sạch sẽ nhưng khóa kín, còn bệnh nhân và người nhà mỗi sáng vẫn phải dậy từ 5 - 6 giờ sáng xếp hàng chờ đợi do nhà vệ sinh cũng quá tải. Đại diện BV HuyệnNga Sơn (Thanh Hóa) khẳng định, để tồn tại, BV phải nâng cao chất lượng chuyên môn, giải quyết các vấn đề mà người bệnh hay phàn nàn, như vệ sinh BV, chờ đợi lâu, nhiễm khuẩn... Sau khi khắc phục những vấn đề này, người sử dụng dịch vụ của BV đã tăng lên rõ rệt, hiện đã có 90.000 lượt bệnh nhân mỗi năm. Bác sĩ Cao Ngọc Thắng, Phó giám đốc BV đa khoa tỉnh Yên Bái, cho rằng khi giá dịch vụ y tế được thống nhất trên toàn quốc, các BV buộc phải cạnh tranh về chất lượng. BV đang mở chiến dịch “nâng cấp” về nhân lực với chính sách hỗ trợ 8 triệu đồng/tháng cho bác sĩ đi học nâng cao; bố trí chỗ ở cho bác sĩ xa nhà; ngân sách tỉnh hỗ trợ tiến sĩ về công tác 120 triệu đồng và 80 triệu đồng đối với thạc sĩ. “Chúng tôi đang phát triển cho các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, điều trị đột quỵ não; điều trị ung thư”, bác sĩ Thắng chia sẻ. Đặc biệt, BV “tỉnh lẻ” này đã lên chiến lược marketing đến năm 2020 và đang khẩn trương triển khai

 

9. Một phụ nữ nhiễm trùng nặng vì đắp lá cây lạ chữa bỏng: Tối 13-11, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đã tiếp nhận bà C.T.M. (SN 1977, ngụ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) với vết thương nhiễm trùng hai chân, hai tay. Bà M. bị phỏng lửa gas cách đây 1 tuần và điều trị bằng cách đắp lá cây. Bà M. cho biết: “Trong lúc nấu ăn, bình gas bùng cháy dữ dội. Tôi chạy không kịp nên bị phỏng cả hai tay, hai chân. Do nhà nghèo, không có tiền đến bệnh viện nên tôi có nhờ người thân tìm thầy thuốc nam chữa phỏng”. Qua người quen, bà M. được một thầy thuốc nam ở tỉnh Lâm Đồng đồng ý chữa trị vết phỏng bằng cách đắp lá cây. Cứ 2 ngày, người này đắp lên vết phỏng của bà một loại lá không rõ chủng loại. Sau khi điều trị khoảng 1 tuần, vết phỏng không thuyên giảm mà có dấu hiệu bị nhiễm trùng và ngày càng nặng hơn. Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy, từng chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động: “Phỏng do lửa rất thường gặp trong cuộc sống. Khi xảy ra sự cố phải đưa người bị phỏng đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ sơ cứu bằng những loại thuốc đặc trị. Tránh trường hợp đắp lá cây, thoa kem đánh răng, thoa nước mắm vào vết phỏng vì cách điều trị không khoa học này sẽ làm vết thương bị nhiễm trùng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng”.

 

10. Phát triển ứng dụng eDoctor trên điện thoại thông minh: Một nhóm bạn trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển ứng dụng eDoctor trên điện thoại thông minh giúp người dùng dễ dàng theo dõi sức khỏe cá nhân và gia đình hằng giờ, hằng ngày. Người dùng có thể kết nối với bác sỹ ngay trên điện thoại di động. eDoctor có tính năng chính là hỏi đáp với bác sĩ có chuyên môn cao đang làm việc tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội một cách dễ dàng thông qua trang web, hệ thống tổng đài thông minh, ứng dụng trên điện thoại thông minh, các thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân thông minh. Người dùng có thể gọi điện đến tổng đài 19006115 kết nối trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn 24/7. Hiện tại eDoctor đã kết nối được hàng trăm bác sĩ và có trên 100.000 người đã tham gia dịch vụ chăm sóc sức khỏe chủ động thông qua tổng đài này. Ngoài tính năng chính là hỏi đáp trực tiếp với bác sĩ, ứng dụng eDoctor còn có thể tự động nhắc nhở người dùng tuân thủ tư vấn của bác sĩ như tăng cường hoạt động thể chất, bổ sung dinh dưỡng hợp lý… hoặc cảnh báo người dùng trước những bệnh theo mùa hay phòng tránh dịch và cung cấp những thông tin y tế.  Ứng dụng còn nhiều tính năng quan trọng khác như tra cứu thuốc, tìm phòng khám gần nhất… nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dùng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Điều này giúp người dùng chủ động hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình. Ứng dụng cũng giúp các bác sĩ có nhiều thời gian hơn, linh động hơn về vị trí, qua đó giảm chi phí tối đa để mọi người đều có thể tiếp cận được dịch vụ với chất lượng tốt nhất.  eDoctor được cung cấp hoàn toàn miễn phí trên các kho ứng dụng AppStore, Google Play và Windows Phone. Trong giai đoạn thử nghiệm, ứng dụng khởi nghiệp này đang đón nhận những ý kiến phản hồi thiết thực từ những người dùng để ngày càng hoàn thiện. Người dùng chỉ cần đăng ký tại trang web app.edoctor.vn để nhận mã kích hoạt sau khi tải ứng dụng về và bắt đầu kết nối với bác sĩ.

 

11. Bộ Y tế triển khai đánh giá sự hài lòng của người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên toàn quốc: Từ tháng 11 năm 2015, một cuộc đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng của người bệnh sẽ được tiến hành trên toàn quốc. Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết như trên tại hội nghị được tổ chức ở Hà Nội ngày 13-11 để hướng dẫn triển khai hoạt động này. Theo ông Khuê, đợt đánh giá chất lượng bệnh viện này sẽ dựa trên bộ tiêu chí gồm 83 điểm như hướng đến người bệnh hay chưa, phát triển nguồn nhân lực y tế như thế nào, hoạt động chuyên môn đúng quy trình hay không, cải tiến chất lượng bệnh viện ra sao... Các bệnh viện sẽ tự chấm điểm theo bộ tiêu chí, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Y tế và các sở y tế, cơ quan báo chí sẽ giám sát việc đánh giá này. Ông Khuê cho rằng so với cách đánh giá cũ, việc đánh giá chất lượng bệnh viện theo bộ tiêu chí mới sẽ thực chất hơn. Dịp này, Bộ Y tế cũng công bố chương trình hành động quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám chữa bệnh từ nay đến năm 2025. Theo đó, Bộ Y tế cho biết từ năm 2016 việc đánh giá và công bố công khai chất lượng bệnh viện sẽ được tiến hành hằng năm.

 

12. Rắn lục đuôi đỏ tấn công hàng loạt người hái cà phê ở Đăk Lawk: Từ ngày 13/11 đến 15/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk đã tiếp nhận gần 20 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Đa số là người dân bị rắn cắn trong lúc thu hái cà phê. Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc - cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 3-4 ca. Ngày cao điểm có 5-7 ca do bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Bệnh nhân nhập viện đủ mọi trường hợp từ trẻ em, người già, thậm chí có cả phụ nữ đang mang thai. Điển hình, ngày 10/11, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân 32 tuổi, trú tại huyện Cư M’gar trong tình trạng vết cắn bị sưng, rối loạn đông máu và có triệu chứng bị sốt huyết nhau thai.  Bệnh nhân cho biết khi cùng người nhà vào rẫy hái cà phê thì bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay. Sau khi được người thân sơ cứu, chị được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu. “Cũng may là gia đình chuyển lên bệnh viện kịp thời chứ không sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi 7 tháng”, bác sĩ Nhựt nói. Cũng theo bác sĩ Nhựt, trong những bệnh nhân nhập viện do bị rắn cắn có trường hợp vì chủ quan. Nhiều người dùng thuốc lá đắp sơ cứu và để người bệnh quá lâu ở nhà nên khi nhập viện, việc chữa trị gặp khó khăn. Đơn cử, trường hợp của bà Đặng Thị Sự (80 tuổi, huyện Krông Pắk), sau khi bị rắn cắn người nhà đã nhập viện chậm. Nọc độc phát tán trong cơ thể nên đã điều trị gần một tháng nhưng vẫn chưa khỏi.

 

13. Giám đốc Bệnh viện trung ương Huế được trao Giải thưởng Global Award 2015: Là người Việt Nam đầu tiên ghép thành công tim nhân tạo, giáo sư Bùi Đức Phú vừa được vinh danh tại lễ trao giải Global Award 2015 tối 14/11. Giáo sư Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung Ương Huế là một trong những người tiên phong đặt nền tảng cho lĩnh vực tim mạch tại Việt Nam, là học trò xuất sắc của giáo sư Tôn Thất Tùng. Năm 2012, lần đầu tiên vị giáo sư sinh năm 1956 đã thực hiện thành công việc thay tim từ một thi thể người chết cho một bệnh nhân tim. Bệnh nhân đó đến nay vẫn sống khỏe mạnh. Ngày 6/6/2014, ông là người chỉ huy ghép thành công tim nhân tạo đầu tiên cả nước cho bệnh nhân chờ ghép tim 39 tuổi. Vì những đóng góp xuất sắc cho lĩnh vực y học, "chiếc kéo vàng" của Hội Ngoại khoa Việt Nam đã được nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Ngoài ra ông còn là Chủ tịch của Hội Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực Châu Á.  Giải thưởng Global Award 2015 cũng đã trao giải trung tâm phẫu thuật tim mạch tốt nhất cho Bệnh viện Trung ương Huế. Nơi đây đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của phẫu thuật tim mạch và tim mạch can thiệp tại Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng. Sau 8 năm trung tâm đã thực hiện hơn 20.000 ca chụp mạch vành, 4.000 ca can thiệp mạch vành qua da, 200 ca can thiệp bệnh tim bẩm sinh, 700 ca thăm dò điện sinh lý cơ tim và 500 ca điều trị bằng sóng cao tần, 1.000 ca cấy máy tạo nhịp. Việc đặt stent động mạch chủ và thay van động mạch chủ qua catheter được trung tâm triển khai thực hiện bước đầu. Giải thưởng Global Award 2015 do Ủy ban kết nghĩa thành phố San Francisco, Mỹ - TP HCM thực hiện. Giải thưởng tổ chức lần đầu tiên vào năm 2011 với mục đích vinh danh những cá nhân, tổ chức có nhiều cống hiến trong các hoạt động cộng đồng. Sau 2 lần tổ chức thành công, năm 2015 giải thưởng vinh danh 11 cá nhân và tổ chức có thành tích và nỗ lực đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, văn hóa, giáo dục, y học, kiến trúc và các hoạt động xã hội.

 

14. Trung tâm chăm sóc người cao tuổi OriHome khám chữa bệnh cho 30 cụ già:  Nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia vì người cao tuổi 2015, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi OriHome, Hà Nội vừa diễn ra chương trình khám bệnh cho hơn 30 cụ già.  Vào sáng nay (14/11) tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi OriHome, Hà Nội đã diễn ra chương trình khám bệnh tổng quát cho các cụ già.  Trong buổi sáng, các bác sỹ của Bệnh viện Lão khoa đã qua trung tâm thăm khám bệnh cho các cụ già hiện đang được chăm sóc ở Trung tâm chăm sóc người cao tuổi OriHome.  Tại đây, các cụ già được khám tổng quát từ kiểm tra trí nhớ, chiều cao, đi bộ, đo huyết áp, nhịp tim…  Bà Đỗ Hoàng Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Orihome cho biết: “Sự kiện này nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bệnh viện Lão khoa với Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Orihome và trong chương trình mục tiêu quốc gia vì người cao tuổi. Hợp tác với bệnh viện Lão khoa là bởi đây là bệnh viện đầu ngành nhất là có thể đào tạo cho nguồn nhân lực của chúng tôi có kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng cho các cụ.” Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2014, nhưng Trung tâm chăm sóc người cao tuổi OriHome đã và đang tiếp tục là địa chỉ tin cậy, là nơi để các cụ có những phút giây thư giãn thoải mái.

 

15. Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện một cơ sở chăn nuôi dùng chất Auramine có khả năng gây ung thư: Thanh tra Bộ NNPTNT phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường tiến hành niêm phong, xử lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) để nuôi gia cầm. Đây là hoạt chất cực độc, có khả năng gây ung thư nếu sử dụng lâu dài.  Ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng Thanh tra (Bộ NNPTNT) cho biết, sau khi lấy mẫu, xét nghiệm, cơ quan Thanh tra chuyên ngành – Bộ NNPNT đã phát hiện chất cấm mới có khả năng gây ung thư đã được Cty TNHH TACN Trường Phú (có địa chỉ tại phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) sử dụng để sản xuất TACN nhằm tạo màu vàng hấp dẫn trên thịt gia cầm. Chất cấm đó có tên khoa học là Auramine, không thuộc danh mục sử dụng trong sản xuất TACN, là chất cực độc, có khả năng gây ung thư cao, xếp thứ 5 trong số 20 chất có khả năng gây ung thư nếu tồn dư trong cơ thể. Chất độc này có khả năng gây ung thư chỉ sau Asen trong nước uống. Thanh tra Bộ NNPTNT, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) phối hợp với Cục cảnh sát môi trường tiến hành niêm phong, xử lý “kho” TACN có chứa chất cấm Auramine Yellow O của Cty TNHH TACN Trường Phú. Trước đó, ngày 12.11.2015, đoàn công tác của Bộ NNPTNT và Cục Cảnh sát môi trường bất ngờ kiểm tra cơ sở TACN này và phát hiện đơn vị này sử dụng chất vàng ô - là chất được sử dụng trong công nghiệp giấy và dệt nhuộm, có khả năng gây ung thư cao. Các cơ quan chức năng đã tiến hành niêm phong, lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra hoạt chất cấm như Sabutamol thì phát hiện chất Auramine Yellow O như đã nói ở trên. "Đây là hành vi cực kỳ tàn độc, tàn phá sức khỏe con người, cần phải nghiêm trị" - Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

 

16. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cảnh báo rủi ro khi tiêm vắc xin dịch vụ không chính thức: Lợi dụng việc khan hiếm vắc xin, hiện nay ở Hà Nội xuất hiện tình trạng tiêm chủng dịch vụ "chui", rao giá 6 triệu đồng/mũi vắc xin “6 trong 1” và 5,5 triệu đồng/mũi vắc xin "5 trong 1", đến tận nhà tiêm. Bộ Y tế khuyến cáo tuyệt đối cấm tiêm vắc xin tại nhà. Tiêm vắc xin chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế đủ điều kiện đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép; trước tiêm, trẻ cần được khám sàng lọc để xác định tình trạng sức khỏe phù hợp; cần được theo dõi phản ứng sau tiêm chủng. Theo ông Phu, các gia đình cũng không được mua vắc xin từ nước ngoài để tự tiêm chủng, bởi việc nhập khẩu vắc xin phải do Bộ Y tế cấp phép; vắc xin sử dụng tại VN phải có số đăng ký lưu hành hợp pháp do Bộ Y tế cấp. Các vắc xin không được lưu hành hợp pháp sẽ không được kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, vắc xin đòi hỏi được bảo quản nghiêm ngặt về nhiệt độ trong khi nguồn không chính thống sẽ không được kiểm soát việc duy trì các điều kiện này, do đó không đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, thậm chí nguy hiểm cho người tiêm.

 

17. Bộ Y tế phát động “Tuần lễ chống kháng thuốc”: Chiều 14/11 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức Tuần lễ truyền thông này, bắt đầu từ 16 đến 22/11 nhằm thu hút sự chú ý của toàn xã hội về phòng, chống kháng thuốc. với các mục tiêu: Mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn; sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ; sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản theo đúng hướng dẫn. Theo ThS Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kháng thuốc hiện nay là vấn đề toàn cầu, thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

 

18. Có 62 tỉnh thành có bệnh nhân mắc tay chân miệng: Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 44.000 ca mắc tay chân miệng (TCM) tại 62 tỉnh thành, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết số mắc TCM giảm 30% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ tử vong nếu trẻ không được xử trí kịp thời khi có diễn biến nặng, đặc biệt lưu ý các tỉnh phía nam do nhiều ca bệnh có nguyên nhân do vi rút Entero 71 (EV 71). Đây là vi rút có độc lực mạnh, có thể gây biến chứng tim, não. Triệu chứng ban đầu của TCM là trẻ sốt, loét miệng, nổi hồng ban có bóng nước ở bàn tay, bàn chân, gối hoặc mông. Khi có triệu chứng nặng như: sốt cao, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, run giật tay chân, co giật, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

 

19. Hành động vì Ngày đái tháo đường thế giới: Sáng 15/1, hưởng ứng chương trình hành động Vì ngày đái tháo đường thế giới, Bệnh viện quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tư vấn về bệnh lý đái tháo đường thu hút hàng trăm người tham gia. Những người đang được điều trị bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện quận Thủ Đức và nhiều người dân sống trên địa bàn quận được các bác sĩ hướng dẫn cách phòng ngừa, cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp, cách điều trị khi mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra bệnh viện còn tiến hành tư vấn và kiểm tra đường huyết miễn phí cho người dân. Bệnh đái tháo đường đang ngày càng tăng nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh ở người trưởng thành tăng cao. Nhưng đa số người bệnh chưa được chẩn đoán sớm và không có kiến thức về bệnh đái tháo đường.

 

20. Một trong những nguyên nhân gây kháng thuốc là kê đơn thuốc không hợp lý: Đó là thông tin được ông Cao Hưng Thái – Phó cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết tại buổi “Triển khai tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc (từ 16 đến 22.11.2015) hôm 14/11. Theo ông Thái, hiện nay kinh tế Việt Nam còn nghèo, chi phí cho y tế còn thấp, chi tiền thuốc chỉ có 33 USD/người/năm. Hiện nay chúng ta vẫn chua có những Labo định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ xác định loại vi khuẩn để kê toa kháng sinh cho bệnh nhân một cách chính xác. “Hiện Việt Nam có khoảng 76% bác sĩ kê toa kháng sinh cho bệnh nhân không hợp lý. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc”, ông Thái nhấn mạnh. Ông Thái cho rằng, sở dĩ các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay mới chỉ dùng kháng sinh thế hệ thứ 1, còn Việt Nam đã dùng đến kháng sinh thế hệ thứ 3, thậm chí thế hệ 4 gây ra tình trạng kháng thuốc, nguy cơ không có thuốc chữa bệnh là do những quốc gia này có Labo định danh vi khuẩn. Ở Mỹ, một bệnh nhân khi mắc bệnh, để sử dụng kháng sinh phù hợp, bệnh nhân sẽ được định danh vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ để có sự chỉ định kháng sinh chính xác nhất. Trong thời gian chờ đợi làm kháng sinh đồ khoảng 2 ngày, các bác sĩ có thể bằng kinh nghiệm của mình tự kê kháng sinh cho bệnh nhân sử dụng tạm thời. Tuy nhiên, sau 2 ngày có kết quả kháng sinh đồ, bệnh nhân được sử dụng kháng sinh phù hợp với vi khuẩn đó. Trong khi đó, tại Việt Nam lại không có được điều đó. Vì thế, rất nhiều bệnh nhân không được bác sĩ kê toa kháng sinh hợp lý, gây nên tình trạng kháng thuốc.

 

 

21. Bộ Y tế sẽ xây dựng hàng rào kỹ thuật để quản lý kháng sinh: Theo ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, tực tế trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã ban quy chế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các nhà thuốc GPP (nhà thuốc thực hành tốt), trong các cơ sở khám chữa bệnh. Tất nhiên có ban hành quy chế thì có chế tài, xử phạt nếu không thực hiện đúng. Tuy nhiên, các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các cơ sở tư nhân, bác sĩ vì muốn bán được kháng sinh, thu lợi nhuận cao nên có những bệnh không đáng sử dụng kháng sinh cũng kê toa sử dụng kháng sinh, thậm chí sử dụng cùng lúc 2, 3 loại kháng sinh; còn các nhà thuốc cũng vì lợi nhuận, vì thu nhập đã bất chấp quy định, vẫn bán kháng sinh cho người bệnh một cách vô tư không cần bác sĩ kê toa. Việc kiểm tra, giám sát các nhà thuốc trên là điều cực kỳ khó khăn đối với ngành y tế. Hơn 30 nghìn nhà thuốc hành nghề nhưng với một lực lượng y tế quá mỏng như hiện nay rất khó để kiểm tra, giám sát hết được. Ông Thái cho biết, để hướng đến việc quản lý, sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế sẽ xây dựng hàng rào kỹ thuật. Những bệnh nào sẽ được điều trị kháng sinh nào, bệnh nào không điều trị kháng sinh, có hẳn một quy trình và các cơ sơ khám chữa bệnh phải tuân thủ quy trình đó. Nếu cơ sơ khám, chữa bệnh nào làm sai, không đúng quy trình sẽ bị xử phạt. Đó cũng là cơ sở để bệnh nhân có thể khiếu nại các cơ sở khám chữa bệnh làm sai quy trình trong quá trình khám chữa bệnh.

 

22. Ở Việt Nam, bán vaccine qua mạng là vi phạm luật pháp: Ở Việt Nam, việc “bán thuốc qua mạng” là hành vi vi phạm pháp luật, vì thuốc là hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng; việc kinh doanh thuốc (bao gồm cả vaccine) là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Trước tình trạng vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 (sử dụng trong tiêm dịch vụ) đang khan hiếm, một số cá nhân đã rao bán các loại vaccine này qua mạng xã hội theo hình thức "xách tay". Chất lượng cũng như bảo đảm an toàn khi tiêm cho trẻ những loại vaccine này đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), tại Việt Nam, việc “bán thuốc qua mạng” là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi thuốc là hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng, kinh doanh thuốc (bao gồm cả vaccine) là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Thuốc (bao gồm cả vaccine) chỉ được lưu hành tại Việt Nam sau khi đã được cấp số đăng ký hoặc giấy phép nhập khẩu. Hơn nữa, các công ty nhập khẩu vaccine chỉ được bán buôn cho các cơ sở kinh doanh dược đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi kinh doanh tương ứng. Đây là quy định bắt buộc, bởi thuốc cần được bảo quản đúng với điều kiện bảo quản của nhà sản xuất, nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng. Việc kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc là hành vi bị cấm theo Luật Dược 2005. Mặt khác, việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây nguy hiểm cho người sử dùng.

 

 

 

II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI

 

23. Tảo biến đổi gene có thể tiêu diệt 90 % tế bào ung thư: Các nhà khoa học Australia đã tạo ra một loại tảo biến đổi gene có khả năng giết chết 90 % tế bào ung thư trong cơ thể người mà không gây hại cho những tế bào khỏe mạnh. Tảo đĩa biến đổi gene chỉ đưa hóa chất trị liệu đến những tế bào ung thư và không gây hại cho tế bào khỏe mạnh. Nico Voelcker đến từ Đại học Nam Australia cộng tác với các nhà nghiên cứu ở Dresden, Đức, biến đổi tảo đĩa và dùng loại tảo này để mang hóa chất trị liệu vào cơ thể. Nhóm nghiên cứu phát hiện khi họ tiêm phân tử nano vào cơ thể chuột, các khối u dần thoái hóa. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 10/11. Tảo đĩa là một loại tảo rất nhỏ dạng đơn bào và tồn tại bằng quang hợp. Nó có đường kính 4 - 6 micromet và được bao quanh bởi một bộ khung rỗ làm từ silica. Do hóa chất trị liệu rất độc với mô khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu có thể cất thuốc bên trong tảo. Nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ biến đổi gene trên tảo đĩa để sản sinh một loại protein liên kết với kháng thể trên bề mặt lớp vỏ của chúng. Loại protein này chỉ liên kết với những phân tử trên tế bào ung thư và có thể đưa thuốc đến những tế bào đích. "Các dữ liệu chỉ ra tảo đĩa (biosilica frustules) có thể được sử dụng như một phương tiện linh hoạt nhằm đưa thuốc chống ung thư khó hòa tan trong nước đến khu vực khối u", IB Times dẫn lời Voelcker. Do tảo chủ yếu phát triển dựa vào nước và ánh sáng, nhóm nghiên cứu tin rằng kỹ thuật này sẽ giúp giảm chi phí cũng như chất thải từ quá trình sản xuất phân tử nano và có tiềm năng lớn đối với chữa trị ung thư trong tương lai. "Dù vẫn còn ở giai đoạn phát triển ban đầu, hệ thống vận chuyển thuốc mới dựa trên vật liệu dễ tái tạo và điều chỉnh bằng công nghệ sinh học, có thể là chìa khóa để điều trị u cứng, bao gồm những khối u não hiện chưa có cách chữa trị", Voelcker cho biết.

 

24. Cấy ghép tử cung giúp tăng cơ hội làm mẹ cho nhiều phụ nữ: Trong vài tháng tới, một phụ nữ sẽ được cấy ghép tử cung tại Bệnh viện Cleveland Clinic, bang Ohio, để có thể mang bầu và sinh con như người bình thường. Theo New York Times, người được cấy ghép thuộc nhóm đối tượng không có tử cung bẩm sinh hoặc đã phải cắt bỏ do bộ phận này bị tổn thương. Tử cung cấy ghép sẽ có thể được tháo ra sau khi người phụ nữ sinh được một hoặc hai con, nhằm giúp họ không phải tiếp tục dùng thuốc chống đào thải. Phẫu thuật cấy ghép tử cung từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi cả về mặt y khoa lẫn đạo đức. Tuy nhiên nếu ca phẫu thuật tới đây tại Bệnh viện Cleveland Clinic thành công, nhiều phụ nữ sẽ có cơ hội làm mẹ. Ở Mỹ, ước tính khoảng 50.000 phụ nữ có nhu cầu này. Tuy nhiên, những nguy cơ liên quan tới phẫu thuật này cũng không ít. Người được cấy ghép tử cung phải chấp nhận những rủi ro trong quá trình tiến hành cấy ghép và tác dụng phụ của những loại thuốc chống đào thải sau phẫu thuật. Đã có tám phụ nữ bắt đầu các thử nghiệm tại Bệnh viện Cleveland Clinic với hi vọng được chọn là người cấy ghép tử cung đầu tiên. Tử cung để cấy ghép được lấy từ nguồn hiến tặng. Trong điều kiện bảo quản lạnh, tử cung có thể “sống” ngoài cơ thể từ 6 - 8 giờ. Bệnh viện Cleveland Clinic dự kiến sẽ tiến hành 10 ca phẫu thuật dạng này trong giai đoạn thử nghiệm. 

 

25. Chuyên gia y tế khuyến cáo thực hiện chế độ ăn ít thịt sẽ giúp giảm nguy cơ mù lòa: Một chế độ ăn truyền thống của vùng Địa Trung Hải, như nhiều rau, trái cây, cá và ít các sản phẩm thịt, có thể giúp giảm nguy cơ mù lòa đến 26%. Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, chế độ ăn uống là điều quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại sự thoái hóa điểm vàng liên quan đến độ tuổi (AMD). Người lớn thường xuyên ăn thức ăn kiểu Địa Trung Hải sẽ giảm nguy cơ mù lòa đến là 26%. Một số chuyên gia tại Anh lo ngại khi người già tại đất nước này bị ảnh hưởng bởi AMD gia tăng đáng kể. Khoảng 600.000 người được cho mắc bệnh về AMD. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng thêm trong vài năm tới. Ông Cathy Yelf, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Macular ở Anh, cho biết: "AMD đang là nguyên nhân lớn nhất gây mất thị lực hiện nay". Căn bệnh này thường xuất hiện ở những người sau tuổi 50. Nguyên nhân là do sự tăng trưởng của các mạch máu trên điểm vàng, khi các mạch máu bị rò rỉ chất lỏng, gây ra các vết sẹo và phá hủy thị lực ở trung tâm của mắt, ảnh hưởng đến tầm nhìn. Các chuyên gia Mỹ thuộc Trường Y Harvard và Đại học Tufts ở Boston đã nghiên cứu 2.500 tình nguyện viên nam và nữ về thói quen ăn uống của họ. Nghiên cứu đã kéo dài trong suốt 13 năm. Kết quả cho thấy, những người thường xuyên tiêu thụ các loại cá béo như cá hồi và rau có thị lực rất tốt. Một chất chống oxy hóa cho rằng để bảo vệ mắt là lutein, có rất nhiều trong các loại thực phẩm như cải xoăn. Một chế độ ăn lành mạnh bao gồm nhiều trái cây tươi và rau quả, hạt, dầu oliu, đồ biển, nhiều cá, ít thịt... sẽ bảo vệ và ngăn chặn mọi tác nhân gây hại cho đôi mắt của bạn. Phát hiện này được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ.

 

26. Đã đến thời đại sửa gien lỗi ở người? Một loại protein có tên cas9 sẽ cho phép cắt bỏ các phần bị lỗi của ADN, cho phép con người chỉnh sửa gen để khắc phục bệnh tật. Câu hỏi đặt ra là, liệu công nghệ này đã đủ trưởng thành để sử dụng trên con người hay chưa, và nếu câu trả lời là "rồi", thì điều gì sẽ xảy ra nếu như cas9 cắt nhầm gen không nên bị cắt bỏ? Vào tuần trước, một công ty khởi nghiệp tại Cambridge, Massachusetts, Mỹ có tên Editas Medicine đưa ra tuyên bố đã sẵn sàng sử dụng chu trình cắt gen CRISPR-cas9 để chữa trị một căn bệnh mù lòa bẩm sinh hiếm gặp vào năm 2017. Tuyên bố của CEO Katrine Bosley không hề hé lộ liệu công ty này đã thực hiện thử nghiệm trên động vật hay chưa và cũng không làm rõ kỹ thuật cắt gen này có tuân thủ theo các điều luật liên bang về dược phẩm mới hay không. Đại diện của Editas cho biết các nhà lãnh đạo của công ty đều đang bận việc và không thể đưa ra câu trả lời. Trong một cuộc hội thảo, CEO Bosley cho biết CRISPR – bao gồm nhiều đoạn ADN có chứa các mã gốc được lặp lại – sẽ là phương pháp chữa trị hiệu quả đối với các căn bệnh do "gen lỗi" gây ra, ví dụ như bệnh Huntington hoặc u nang. Công ty này cho biết đang muốn thử nghiệm liệu pháp trên với các bệnh nhân bị hội chứng Leber congenital amaurosis (LCA) gây mù võng mạc với khoảng 600 bệnh nhân tại Mỹ. Liệu pháp này sẽ đưa các con virus lành tính vào các tế bào nhạy sáng của võng mạc. Các con virus này chứa hướng dẫn để tạo ra các thành phần của CRISPR, bao gồm cả một loại protein có tên cas9 có thể cắt ADN tại một số vị trí cụ thể. Sau đó, cas9 có thể tạo ra một loại enzym có khả năng cắt đi các phần bị hư tổn của ADN trên một gen xác định trong tế bào nhạy sáng của võng mạc. Theo CEO Bosley, ADN khỏe mạnh sau đó sẽ gắn liền với nhau và các tế bào này sẽ hoạt động bình thường.

 

27. Thiếu ngủ có thể gây hại thận: Ngủ ít có thể khiến chức năng thận suy giảm nhanh, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Brigham&Women’s (Mỹ).  Mọi hoạt động bên trong cơ thể diễn tiến theo đồng hồ sinh học, vốn dựa theo chu kỳ ngủ - thức. Nghiên cứu cho thấy chức năng thận có thể bị tổn hại khi chu kỳ tự nhiên này bị gián đoạn.  Khảo sát ở 4.238 người trong 11 năm, các chuyên gia phát hiện rằng thời gian ngủ ngắn hơn có liên quan đáng kể với tình trạng chức năng thận suy giảm nhanh hơn. Chẳng hạn ở những phụ nữ ngủ 5 giờ/đêm, nguy cơ suy giảm chức năng thận tăng 65% so với các chị em ngủ từ 7 - 8 giờ/đêm. 

 

28. Bác sỹ người Nepal giúp 100 ngàn người mù sáng mắt: Chỉ với ca tiểu phẫu khoảng năm phút, bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng người Nepal Sanduk Ruit đã mang lại ánh sáng cho những người bị mù vì chứng đục thủy tinh thể (còn gọi là bệnh cườm mắt). Báo New York Times tuần rồi đăng bài viết về chuyên gia nhãn khoa Sanduk Ruit, người đã khôi phục thị lực cho hơn 100.000 người mù, có lẽ nhiều hơn bất cứ một chuyên gia nhãn khoa nào trong lịch sử thế giới. Hiện tại bệnh nhân, nhất là những người nghèo, từ khắp nơi vẫn tiếp tục vượt đường sá tới tìm ông với hi vọng lại được nhìn thấy những người thân yêu của họ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, toàn cầu hiện có khoảng 39 triệu người bị mù, khoảng một nửa trong số đó bị mù do đục thủy tinh thể và khoảng 246 triệu người khác bị suy giảm thị lực. Với những người nghèo bị mù, hi vọng sáng lại mắt gần như là không tưởng. Nhưng bác sĩ Ruit đã là người tiên phong trong kỹ thuật tiểu phẫu đục thủy tinh thể đơn giản chỉ tốn 25 USD cho mỗi bệnh nhân và gần như lúc nào cũng thành công. Trên thực tế, “phương pháp Nepal” của ông hiện đang được dạy tại các trường y khoa của Mỹ. Thoạt đầu nhiều người còn nghi ngờ, thậm chí giễu cợt những sáng kiến của ông. Nhưng rồi sau đó Tạp chí Nhãn khoa Mỹ (American Journal of Ophthalmology) công bố nghiên cứu về một thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy kỹ thuật phẫu thuật của bác sĩ Ruit mang lại kết quả thành công tương đương tới 98% so với kết quả phẫu thuật của các máy móc phức tạp phương Tây. Khác biệt chỉ là phương pháp của bác sĩ Ruit nhanh hơn và rẻ hơn. “Các kết quả thật đáng kinh ngạc” - bác sĩ Geoffrey Tabin, chuyên gia về mắt tại Trung tâm nhãn khoa Moran của Đại học Utah, nói. Bác sĩ Tabin cũng đã học phương pháp phẫu thuật đặc biệt của bác sĩ Ruit. Ông cho biết những người bệnh được phẫu thuật theo cách này cũng thu được kết quả tốt y như những người bệnh của ông tại thành phố Salt Lake ở tiểu bang Utah, Hoa Kỳ.

 

29. Cơ chế hình thành chí nhớ để kiểm soát ăn uống: Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Trường ĐH bang Georgia (Hoa Kỳ) vừa cho biết việc ăn những thức ăn ngọt có thể làm cho não hình thành một trí nhớ về bữa ăn. Theo các nhà nghiên cứu, nếu hiểu được cơ chế hình thành của loại trí nhớ này có thể giúp họ kiểm soát được thói quen và những rối loạn do ăn uống. Khi thử nghiệm trên chuột được cho uống những thức uống có đường như sucrose hay saccharin, họ đã nhận thấy có sự gia tăng một cách có ý nghĩa những hoạt động của các thụ thể Arc tại các khớp nối thần kinh. Sự hoạt động này rất cần thiết cho quá trình hình thành trí nhớ ngắn hạn ở vùng lưng hồi hải mã. Trí nhớ ngắn hạn sẽ giúp cơ thể quyết định khi nào ăn và nên ăn cái gì. Các nhà nghiên cứu hi vọng với những hiểu biết thêm về trí nhớ ngắn hạn có liên quan đến thức ăn, họ sẽ xây dựng được một cách thức để “ghi nhớ” một chế độ ăn uống lành mạnh. Nhờ đó có thể giúp cơ thể chống lại những rối loạn liên quan đến ăn uống như béo phì hay đái tháo đường type 2.

 

30. Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh: Trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, trẻ được tiêm phòng nhiều loại vaccine khác nhau để phòng trừ bệnh tật. Đây cũng là thời kỳ cao điểm dễ xảy ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome - SIDS). Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ, SIDS là trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chết đột ngột, bất ngờ, không rõ nguyên nhân, ngay cả sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước điều tra chuyên môn. Điều tra trên bao gồm thực hiện khám nghiệm tử thi, kiểm tra hiện trường và xem xét lại lịch sử lâm sàng của trẻ tử vong. Do các liều vaccine phòng chống dịch bệnh được tiêm cho trẻ vào đúng thời kỳ này, vaccine dễ dàng trở thành một nghi vấn. Tuy nhiên, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vaccine không phải là nguyên nhân liên quan đến SIDS. Đã có nhiều nghiên cứu khác nhau tìm kiếm mối liên hệ giữa vaccine và SIDS. Kết quả đều cho thấy vaccine hoàn toàn không phải là nguyên nhân gây ra SIDS. Đối với phản ứng của cơ thể trẻ trong tiêm chủng, các bác sĩ chuyên khoa khẳng định: Chỉ có vài tác dụng phụ có thể xảy ra mà cả thế giới ghi nhận là đau, sốt phát ban, cao hơn nữa là sốc phản vệ và hiện tượng này chỉ xảy ra vài ngày rồi chấm dứt. Trên thực tế, có những trường hợp trẻ bị SIDS trùng với thời điểm tiêm chủng. Điều này khiến dư luận băn khoăn và nghi ngờ nguyên nhân xuất phát từ quá trình tiêm chủng. Khoa học đã chứng minh những nghi ngờ trên là vô căn cứ. Một nghiên cứu theo dõi về mối liên quan giữa độ tuổi và thay đổi mùa trong năm tới cái chết của trẻ nhỏ sau khi tiêm vaccine. Hệ thống báo cáo những sự kiện bất ổn về vaccine (VAERS) đã công bố nghiên cứu này. Theo đó, vaccine DTP và vaccine viêm gan B không liên quan đến các trường hợp SIDS. Nghiên cứu năm 2003 của Viện Y dược của Mỹ có tên “Đánh giá an toàn tiêm chủng: Vaccine và cái chết bất ngờ ở trẻ sơ sinh” cũng báo cáo rằng: mọi bằng chứng khoa học đã bác bỏ hoàn toàn nghi ngờ vaccine liên quan đến những trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ. Nhóm chuyên gia về An toàn vaccine quốc tế của Brighton Collaboration đã nghiên cứu sâu về SIDS và khẳng định tương tự, không hề có bất kì bằng chứng nào cho thấy SIDS liên quan đến vaccine. Theo nghiên cứu của Học viện Bệnh nhi Mỹ vào năm 1992 khuyến nghị đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ cũng giảm thiểu nguy cơ SIDS. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ được bú mẹ trong 6 tháng đầu ít có nguy cơ bị SIDS so với trẻ không được bú mẹ. Ngoài ra, cần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bé và lưu tâm đến từng thay đổi nhỏ của trẻ để có thể phản ứng kịp thời trong các trường hợp nguy hiểm.  ​


Thăm dò ý kiến