Điểm tin ngày 13/11/2015
14/11/2015 | 10:43 AM



1. Tổ chức từ thiện Cộng hòa Liên bang Đức viện trợ thiết bị chẩn đoán tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo trị giá hàng triệu Euro: Hôm nay (12.11) tổ chức từ thiện “Trái tim vì trái tim” (Cộng hòa liên bang Đức) đã trao tặng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM – nơi tiếp nhận nhiều chương trình mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo một chiếc máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA. Đây được xem là thiết bị hiện đại nhất trong chẩn đoán bệnh tim mạch. Thiết bị này sẽ giúp các bác sĩ xác định chính xác các triệu chứng bất thường của mạch máu như các chứng nghẽn mạch, chít hẹp, xơ vữa hay phình động mạch… Kỹ thuật DSA thường được dùng để chẩn đoán trong một số trường hợp như tái tạo mạch tim, đặt Stent động mạch, can thiệp mật, chụp X-quang động mạch vành, đặt máy tạo nhịp tim…Thiết bị DSA trị giá khoảng 1 triệu Euro (tương đương 26 tỷ đồng). Trước đó, tổ chức từ thiện “Trái tim vì trái tim” đã hỗ trợ cho Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM một phòng thông tim can thiệp nhằm hỗ trợ điều trị miễn phí cho trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và một số vùng sâu, vùng xa khác.
2. Bộ Y tế bác bỏ thông tin viện phí tăng 2-7 lần: Viện phí nếu tính đầy đủ tiền lương vào cũng chỉ tăng 3-7%, một số ít dịch vụ, phẫu thuật phức tạp, kéo dài thì mức tăng mới cao. Thông tin viện phí tăng 2-7 lần trong thời gian tới là không chính xác. Đây là thông tin được ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ Y tế) đưa ra tại buổi tọa đàm trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều 6/11. Tại tòa đàm, ông Liên tin tưởng thời gian tới cùng với nâng giá dịch vụ y tế và hàng loạt giải pháp như chuyển giao kỹ thuật, đổi mới cung cách phục vụ... thì chất lượng y tế các tuyến sẽ từng bước được nâng lên.
3. Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuật lần đầu tiên cứu soosg một sản phụ bị sa dây rốn: Ngày 12/11, bác sĩ Lại Quang Miễn, Phó giám đốc Bệnh viên Đa khoa TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa cứu sống sản phụ Nguyễn Thị Bé Bi (sinh năm 1989, trú tại xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc) bị sa dây rốn, một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm, mà bệnh viện lần đầu tiếp nhận. Trước đó, sản phụ được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột trong tình trạng nguy kịch với các biểu hiện khó thở, vỡ ối, huyết áp không đo được. Sau thăm khám, các bác sĩ xác định chị Bi có thai tuần thứ 40, thai ngôi đầu, sa dây rốn, tim thai suy lúc có lúc không. Bệnh viện đã huy động các bác sĩ tiến hành cấp cứu, mổ lấy thai và đã cứu được cả mẹ và con. Bác sĩ Lại Quang Miễn, người trực tiếp chỉ đạo ê-kíp mổ cho biết: Sản phụ Bi mang thai lần thứ 3, ối vỡ, sa dây rốn, chèn ép dây rốn làm suy thai, do đó, trong quá trình vào viện, chúng tôi chỉ đạo khẩn cấp phải mổ lấy thai nhi và cứu sống thai nhi. Chúng tôi vừa vận chuyển vừa xử lý để đầu thai nhi không chèn ép vào dây rốn gây thiếu máu và ô-xy, tránh để ảnh hưởng đến thai nhi trong quá trình vận chuyển.
4. Sở Y tế Hà Nội xử phạt Cty CP Dược Sơn Lâm 29 triệu đồng: Theo yêu cầu của UBND TP.Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội vừa tiến hành thanh tra và xử phạt Cty CP Dược Sơn Lâm vì những hành vi gian lận thương mại, vi phạm trong việc nhập khẩu, bảo quản, chế biến dược liệu, vị thuốc đông y. Cty CP Dược Sơn Lâm (70 tổ 5, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có hành vi gian lận thương mại, kho bãi lưu trữ hàng hóa không đúng tiêu chuẩn quy định; chất lượng dược phẩm nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về y tế... Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và ngày 24.10 tiến hành kiểm tra. Tại buổi làm việc giữa Thanh tra Sở Y tế với đại diện của Cty CP Dược Sơn Lâm ngày 29.10, ông Phạm Văn Cách - Giám đốc Cty cho biết, do không xem xét kỹ văn bản cho nên Cty đã ghi dòng chữ “Sở Y tế Hà Nội” lên biển hiệu của Cty. Ngay sau khi đoàn thanh tra có ý kiến, Cty đã làm lại biểu hiệu theo đúng quy định. Cty đang hoàn thiện lại hệ thống lưới phòng chống côn trùng và đã bổ sung bảng giá các mặt hàng đang kinh doanh. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, kiểm nghiệm dược liệu và làm việc với lãnh đạo Cty, Cty CP Dược Sơn Lâm đã thừa nhận một số sai phạm. Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản xử phạt hành chính Cty CP Dược Sơn Lâm 29 triệu đồng với các hành vi: Chưa thực hiện việc ghi chép sổ sách đầy đủ để theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định của pháp luật; kinh doanh thuốc tại địa chỉ km 10+400 đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì mà chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; bán thuốc dược liệu đã qua sơ chế không đảm bảo chất lượng. Sở Y tế cũng yêu cầu công ty chấm dứt ngay việc kinh doanh thuốc tại tầng 3 tòa nhà Trung tâm thương mại dịch vụ Thanh Trì cho đến khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Thực hiện nghiêm túc các quy định kinh doanh thuốc theo Luật Dược và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Với hai mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn về độ ẩm công ty phải phơi sấy đảm bảo đúng quy định về độ ẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
5. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam giúp phụ nữ Việt phòng ngừa Ung thư cổ tử cung (UTCTC): Đây là loại ung thư dễ dàng phòng ngừa nhất trong tất cả các loại ung thư bằng hai cấp dự phòng. Trong đó, dự phòng cấp 1 là trang bị những kiến thức cơ bản về bệnh để ngăn ngừa ngay từ ban đầu và tiêm vaccine phòng bệnh. Còn Dự phòng cấp 2 là phát hiện vi-rút HPV ( Human Papilloma viruses), nguyên nhân chính gây ra hơn 99% các trường hợp ung thư, hoặc phát hiện các tổn thương tiền xâm lấn của UTCTC từ đó có những can thiệp y khoa kịp thời. Với mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ Việt Nam về phát hiện sớm nguy cơ UTCTC, ngày 31/10/2015 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) đã cùng Trung tâm Xét nghiệm và Chẩn đoán Y khoa (Medical Diag Center) phối hợp thực hiện hội thảo “Hành động ngay vì Phụ nữ Việt Nam - Phát hiện sớm HPV và nguy cơ ung thư cổ tử cung”, do Công ty TNHH Roche Việt Nam tài trợ. Chương trình có sự góp mặt và trình bày của ThS.BS. Lê Văn Hiền, Phó Giám đốc Chuyên môn, Bệnh viện Phụ sản Mekong, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Tp. HCM cùng các chuyên gia y tế khác trong vai trò tư vấn. Bên cạnh việc cung cấp thông tin và kiến thức cơ bản về UTCTC, các phương pháp tầm soát, đặc biệt là phát hiện sớm HPV và nguy cơ UTCTC, chương trình cũng khuyến khích các chị em hành động ngay vì sức khỏe của bản thân bằng cách hỗ trợ phiếu giảm giá cho gói khám phụ khoa và tầm soát nguy cơ UTCTC với xét nghiệm cobas HPV tại Medical Diag Center.
6. Cảnh sát môi trường phát hiện doanh nghiệp trộn chất gây ung thư vào thức ăn chăn nuôi: Một công ty ở Hải Dương đã bị phát hiện sử dụng chất vàng ô có thể gây ung thư vào sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Sáng 12.11, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phối hợp với Cục Chăn nuôi và Thanh tra của Bộ NN - PTNT kiểm tra và phát hiện 14kg chất vàng ô trong công ty TNHH sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú ở khu công nghiệp Cẩm Thượng, TP.Hải Dương, Hải Dương. Doanh nghiệp này đã trộn chất vàng ô vào thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhà chức trách đã tịch thu và niêm phong chất vàng ô và lấy mẫu sản phẩm để phục vụ quá trình kiểm tra các thành phần chất cấm khác. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ NN - PTNT, vàng ô là chất không được phép sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi vì có thể gây ung thư. “Chất này chỉ được phép sử dụng để tạo màu cho công nghiệp dệt, nhuộm, giấy. Việc sử dụng chất vàng ô trong công nghiệp vào sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm tạo màu là hành vi vô đạo đức”, ông Dũng nói. Cũng theo Thanh tra Bộ NN - PTNT, sau khi lập biên bản, sẽ tiếp tục điều tra vụ việc, tiến hành xử lý vi phạm theo quy định đối với doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp thu hồi các sản phẩm trên thị trường và tiêu hủy những sản phẩm này.
7. Ở thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm đồng giới cao hơn gái mại dâm: Tỉ lệ người nhiễm HIV trên nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 12,7%, chỉ thua nhóm nghiện chích ma túy (chiếm 16,7%), cao hơn nhóm phụ nữ hành nghề mại dâm (chiếm 3,7%). Theo thống kê, nhóm người trẻ (từ 25-39 tuổi) chiếm chủ yếu trong các trường hợp nhiễm HIV (69%). Ngoài ra, ghi nhận 100% quận, huyện và 100% phường, xã, thị trấn thuộc thành phố báo cáo có người nhiễm HIV. Đáng chú ý, tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục đang chiếm 57,5%, cao hơn tỉ lệ lây qua đường máu (chiếm 41,3%). Ở giai đoạn 5 năm trước, tỉ lệ này là 24% và 59%. Như vậy, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng, cảnh báo xu hướng lây lan trong cộng đồng dân cư có thể gia tăng ở một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định như trên tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2015-2020. Báo cáo tại hội nghị, Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12.1990 đến hết tháng 6.2015, TP.HCM có 40.956 trường hợp nhiễm HIV được quản lý, trong đó có 10.887 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2015 sẽ có 41.841 trường hợp nhiễm HIV được quản lý và 11.067 trường hợp tử vong.
8. Thêm Khoa Cấp cứu và Khoa Thận nhân tạp tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai: Ngày 12-11, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đưa hai khoa dịch vụ tại khu B gồm khoa Cấp cứu và khoa Thận nhân tạo vào hoạt động, phục vụ bệnh nhân theo yêu cầu Khoa Cấp cứu dịch vụ hoạt động 24/24, được trang bị đầy đủ các thiết bị y học hiện đại: máy siêu âm cấp cứu, máy sốc điện, điện tim, máy thở xâm nhập và không xâm nhập, X-Quang kỹ thuật số, 8 giường bệnh tiêu chuẩn quốc tế... cùng đội ngũ y bác sĩ hùng hậu, sẵn sàng chăm sóc và điều trị cho lượng đông đảo bệnh nhân. Giải thích lý do thành lập thêm khoa cấp cứu khi đã có một khoa tương tự tại bênh viện, các sĩ Phan Huy Anh Vũ - giám đốc bệnh viện, cho biết từ khi bệnh viện mới được đưa vào hoạt động vào tháng 5, khoa Cấp cứu luôn trong tình trạng quá tải. Cụ thể, mỗi ngày khoa khám và điều trị cho trên 200 ca, cá biệt có ngày đón trên 250 ca. Trong khi đó, thiết kế tối đa của khoa tiếp nhận 150 ca/ ngày. Vì không còn chỉ tiêu biên chế, bệnh viện không thể mở rộng khoa để phục vụ bệnh nhân vào cấp cứu ngày càng đông. Do đó, bệnh viện quyết định mở thêm khoa Cấp cứu dịch vụ tại khu B (khu bệnh viện tư) để giảm tại cho khu A (khu bệnh viện công) và phục vụ các bệnh nhân có nhu cầu hưởng dịch vụ cao hơn. Về quy trình hoạt động của hai khoa cấp cứu, bệnh nhân vẫn được đưa vào khu A như bình thường. Tại đây, bệnh viện sẽ bố trí nhân viên hướng dẫn, phương tiện để đưa bệnh nhân qua khu B nếu bệnh nhân có yêu cầu. Sau khi cấp cứu ở khu B, bệnh nhân vẫn có thể chọn quay lại khu A nằm nghỉ để hưởng chế độ BHYT phù hợp.
9. Thực hiện chính sách hỗ trợ sinh sản, sắp có 10 trẻ ra đời nhờ mang thai hộ: Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia Nguyễn Viết Tiến cho biết như vậy bên lề lễ kỷ niệm 1 năm thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Vinmec ngày 11/11. Theo ông Tiến, hiện VN có 22 trung tâm hỗ trợ sinh sản, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 5.000 trẻ ra đời nhờ kỹ thuật này. So với các nước như Úc và so với nhu cầu, số người được hỗ trợ sinh sản còn ít ỏi, do tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh ở VN lên tới 7,7%, chưa kể có những phụ nữ 20 tuổi đã đến thực hiện dịch vụ hỗ trợ sinh sản vì gặp khó khăn trong sinh đẻ tự nhiên. Cũng theo thứ trưởng Tiến, hiện đã có trên 10 phụ nữ mang thai hộ mang thai thành công, cuối 2015 và đầu 2016 tới sẽ có khoảng 10 trẻ ra đời từ các bà mẹ mang thai hộ. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng hồ sơ để được mang thai hộ còn nhiều trở ngại, khó khăn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, nhất là việc chứng nhận là chị em cùng hàng. Hoặc có người không có chị em cùng hàng nhưng có họ hàng khác hoặc bạn bè thân sẵn sàng hỗ trợ mang thai, nhưng quy định hiện hành không cho phép. Theo ông Tiến, nên đề xuất sửa quy định này để các cặp vợ chồng hiếm muộn đỡ khó khăn trong quá trình làm hồ sơ. Hiện tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản tại VN khoảng 40-50%, tương đương với các nước phát triển.
10. Bệnh viện Đà Nẵng được trang bị máy siêu âm xách tay: Sáng 9/11, Tổ chức từ thiện Trái tim vì trái tim (Đức) đã trao tặng cho khoa phẫu thuật - can thiệp tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng một máy siêu âm tim xách tay Philips có trị giá hơn 1 tỉ đồng. Máy siêu âm này sẽ giúp nhiều trẻ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa trong việc phát hiện sớm, kịp thời các bệnh về tim. Cũng dịp này, Tổ chức từ thiện Trái tim vì trái tim ký một cam kết tài trợ trị giá 3 tỉ đồng trong 5 năm để duy tu, bảo dưỡng hệ thống chụp mạch kỹ thuật số xóa nền - DSA, một thiết bị mới được sử dụng trong chẩn đoán bệnh tim mạch và các bệnh liên quan đến mạch máu.
11. Hà Nội giảm chuyển tuyến ở lĩnh vực ngoại khoa: Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - giám đốc Sở Y tế Hà Nội, năm 2015 Hà Nội đã đầu tư thêm 8 hệ thống phẫu thuật nội soi cho 8 bệnh viện tuyến huyện. Hiện 100% bệnh viện huyện của Hà Nội có thể phẫu thuật nội soi các dịch vụ như nội soi ruột thừa, u xơ cổ tử cung, một số bệnh viện có thể nội soi điều trị u xơ tuyến tiền liệt, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức có thể nội soi điều trị thủng dạ dày... Ông Hiền cho rằng nhờ mở rộng phẫu thuật nội soi ở tuyến dưới, bệnh nhân phải chuyển viện trong lĩnh vực ngoại khoa ở Hà Nội có giảm, tuy nhiên thời gian tới còn các lĩnh vực như hồi sức cấp cứu, cấp cứu sản, nhi thì Hà Nội cần phải cải thiện chất lượng dịch vụ. "Hà Nội có cách làm riêng là một bệnh viện tuyến trên hỗ trợ 2 - 3 bệnh viện tuyến dưới, không làm theo cách 2 - 3 bệnh viện tuyến trên hỗ trợ một bệnh viện tuyến dưới, sau này tuyến dưới không cải thiện chất lượng không ai chịu trách nhiệm" - ông Hiền nói.
12. Bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng cao ở Đồng Tháp: Ông Đoàn Tấn Bửu, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có gần 3.100 ca mắc bệnh tay chân miệng với 1 ca tử vong. Mặc dù số ca bệnh thấp hơn cùng kỳ năm 2014 nhưng bệnh đang có dấu hiệu tăng cao. Cụ thể là từ tuần 38 đến tuần 43 số ca mắc tăng cao đột biến, đưa Đồng Tháp trở thành tỉnh thành có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao thứ ba trong cả nước. Cũng theo ông Bửu, trước tình hình bệnh tăng cao, ngành y tế đã có nhiều biện pháp như đôn đốc tuyến dưới về hoạt động phòng chống dịch, đảm bảo công tác giám sát bệnh, giám sát virút... Ngoài ra, ông Bửu khuyến cáo bệnh tay chân miệng lây theo đường tiêu hóa, do đó người dân cần thường xuyên rửa tay đúng cách, ăn chín, uống chín, vệ sinh nhà cửa và các vật dụng sinh hoạt. Khi phát hiện bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và xử lý kịp thời.
13. Xâm hại tiền của Dự án, bác sỹ Bệnh viện Nội tiết T.Ư bị ra tòa: trong phiên xét xử hôm 11/11, 6 bị cáo trong vụ án xảy ra tại bệnh viện Nội tiết Trung ương (BVNTTƯ) đều thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình. 6 bị cáo bị truy tố gồm: Lê Phong, (Bác sĩ, nguyên phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến), Mai Anh Tuấn (Bác sĩ, Phó phòng chỉ đạo tuyến), Vũ Minh Phúc (Bác sĩ, Cán bộ chỉ đạo tuyến), Nguyễn Quốc Việt (Bác sĩ, nguyên Phó phòng chỉ đạo tuyến); Nguyễn Thị Ngọc Oanh (Cán bộ chỉ đạo tuyến) và Nguyễn Văn Tuấn (Kỹ thuật viên xét nghiệm). Theo cáo trạng truy tố, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2010 – 12/2011, các bị cáo trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm trái công vụ để chiếm đoạt tiền Nhà nước: Khai khống 1 ngày tập huấn thành 2 ngày tập huấn; lập danh sách học viên nhận tiền ăn tiền ngủ của các học viên rồi để trống số tiền học viên được nhận trong danh sách, sau khi có chữ ký của học viên mới ghi số tiền mà học viên được nhận. Ngoài ra, các lớp tập huấn về bệnh đái tháo đường ở Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh… chỉ sử dụng hội trường của trung tâm y tế các huyện nhưng các bị can vẫn ký hợp đồng, thanh lý hợp đồng khống và lấy hóa đơn của khách sạn, nhà khách để được bệnh viện thanh quyết toán các chi phí này theo dự trù kinh phí. Hành vi này đã gây thất thoát hơn 275 triệu đồng, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Ngành Y tế nói chung và BVNTTƯ nói riêng.
14. Khả năng dịch tả lây lan vào Việt Nam thấp: Đó là thông báo mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trước tình hình dịch tả bùng phát tại Iraq và lan sang một số nước trong khu vực Trung Đông. Được biết, từ tháng 9 đến nay, riêng tại Iraq đã có 2.200 người mắc, 6 trường hợp tử vong. Hiện, Cục Y tế dự phòng đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tả tại Iraq. Cục Y tế dự phòng nhận định, nguy cơ dịch tả từ Iraq xâm nhập vào nước ta là thấp, do bệnh lây lan qua đường tiêu hóa, trong khi sự giao lưu thương mại, du lịch và lao động của Việt Nam và Iraq trong thời điểm hiện nay không nhiều. Tuy nhiên, ngành Y tế và người dân cũng không nên chủ quan do mầm bệnh có thể xâm nhập theo những du khách, người dân đi, đến và qua vùng dịch từ khu vực Iraq. Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, bệnh tả nguy hiểm, lây lan nhanh và dễ tử vong nhưng có thể đề phòng được. Do vậy, để đề phòng dịch tả, người dân cần đảm bảo tốt điều kiện vệ sinh môi trường, thực hiện an toàn thực phẩm…
15. Số người bị ngộ độc sau khi ăn con nưa đã lên đến 12 người: Ngày 11/11, ông Lê Quang Huấn - trưởng thôn Tân Tiến (xã Trang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) xác nhận thông tin trong thôn có 12 người ngộ độc nặng, nghi do ăn phải thịt con nưa. Hiện năm người đã được chuyển xuống điều trị ở TP. HCM, bảy người khác vẫn cố chữa chạy nhiều nơi. Đây là lần thứ hai tại Gia Lai xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm đông người vì ăn phải thịt con nưa. Trước đó, vào ngày 22-8-2010, cũng xảy ra vụ ngộ độc tương tự khiến 23 người phải đi cấp cứu và phải điều trị rất lâu mới khỏi.
16. Bệnh viện quân dân y 7B cứu sống hai người bị điện giật chết lâm sàng: Ngày 11/11, BV Quân dân y 7B cho biết vừa cứu sống hai trường hợp bệnh nhân bị điện giật đã ngưng tim, chết lâm sàng. Đó là bệnh nhân Nguyễn Văn Trọng (21 tuổi) và Huỳnh Phong Lưu (50 tuổi, cả hai đều ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai). Theo BS Nguyễn Thế Sâm, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV 7B, hiện sức khỏe của hai bệnh nhân đã được phục hồi, ổn định. “Đối với những trường hợp bị điện giật, đuối nước rất khó cứu, nếu như trước đó bệnh nhân không được thực hiện các hình thức sơ cứu kịp thời” - BS Sâm nói. Ngày 11/11, bệnh nhân Trọng bị đện giật khi đang làm việc tại một công trình xây dựng thuộc phường Trảng Dài (TP Biên Hòa, Đồng Nai) và được đưa vào BV 7B cấp cứu trong tình trạng ngưng tuần hoàn hô hấp, toàn thân tím tái, đồng tử giãn. Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện biện pháp hồi sinh tổng hợp, sốc điện.Sau đó bệnh nhân đã hồi phục tuần hoàn. Trước đó, vào ngày 5/11, BV 7B cũng cứu sống bệnh nhân Huỳnh Phong Lưu (50 tuổi) bị điện giật trong khi đang đào giếng tại phường Tân Phong (TP Biên Hòa). Ông Lưu đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim.
17. Lo ngại tình trạng thiếu kinh phí cho bệnh nhân HIV: Mặc dù số lượng bệnh nhân nhiễm HIV tăng dần đều hàng năm song theo Bộ Y tế, hiện kinh phí cho việc dự phòng và điều trị cho bệnh nhân lại hết sức khó khăn. Theo ông Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS thì: công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, nhất là việc tìm kiếm kinh phí để trợ giúp cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS. Hiện hơn 70% kinh phí dự phòng và điều trị cho bệnh nhân HIV là từ nguồn viện trợ và thời gian tới nguồn viện trợ này sẽ bắt đầu cắt giảm dần. Nhiều Dự án tài trợ, mỗi năm cắt giảm từ 30- 50% và đến năm 2017 thì chính thức rút hẳn. Bên cạnh đó ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động này cũng bị cắt giảm nghiêm trọng, từ 245 tỷ (năm 2013) cắt 2/3 chỉ còn 85 tỷ (2014), năm 2015 tăng lên 120 tỷ đồng nhưng không đủ bù đắp cho công tác dự phòng và điều trị HIV. Đứng trước những khó khăn về kinh phí, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, thời gian tới ngành Y tế sẽ tập trung nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ở Trung ương cho các hoạt động thiết yếu, có hiệu quả để đảm bảo tính bền vững của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
18. Gia Lai tổ chức tập huấn tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai cho biết: Nhằm triển khai Kế hoạch số 445/KH-CCATVSTP ngày 05/10/2015, từ ngày 22/10 đến ngày 29/10, Chi cục đã tổ chức 03 lớp tập huấn tại các cụm huyện Phú Thiện, thị xã An khê và thành phố Pleiku cho 170 cán bộ y tế tuyến xã thuộc 16/17 huyện, thị xã nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn và trang bị nghiệp vụ công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho cán bộ y tế tuyến xã. Thông qua các buổi tập huấn, cán bộ y tế xã đã được tập huấn kiến thức và kỹ năng tuyên truyền miệng kiến thức an toàn thực phẩm. Cũng tại buổi tập huấn, Chi cục đã tiếp nhận một số ý kiến của các học viên về những khó khăn trong công tác tuyên truyền tại địa bàn như diện tích rộng, dân cư thưa thớt, mức sống của người dân thấp; nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, có phong tục tập quán sinh hoạt khác nhau,... Mặt khác, thù lao cho cộng tác viên tuyến xã làm công tác an toàn thực phẩm thấp nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
19. Công an Thanh Hóa tạm giữ xe tải cùng sáu tấn thực phẩm bẩn: 9 giờ 20 phút ngày 11/11, trên quốc lộ 1A, đoạn thuộc xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, tổ công tác của Trạm Cảnh sát giao thông quốc lộ 1A, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện xe ô tô tải BKS 51C – 317.72 do Nguyễn Quốc Huy, sinh năm 1981 ở thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu điều khiển chở trên xe sáu tấn thực phẩm. Số lượng thực phẩm trên gồm các nội tạng động vật nhưng đang trong quá trình phân hủy, được ướp lạnh trong các thùng xốp. Lái xe Nguyễn Quốc Huy không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và khai nhận chở thuê số thực phẩm bẩn này cho một chủ hàng từ Hà Nội vào các tỉnh phía nam tiêu thụ. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ phương tiện cùng số lượng thực phẩm bẩn trên cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
20. Sở Y tế Hà Nội xử lý sai phạm của Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm: Sở Y tế Hà Nội cho biết sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh việc Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm (địa chỉ tại 70 tổ 5, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có hàng loạt sai phạm trong nhập khẩu, bảo quản, chế biến dược liệu, vị thuốc đông y, từ ngày 24/10 đến nay, Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm trong hoạt động của công ty này. Tại thời điểm kiểm tra, trên biển hiệu của Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm có ghi “Sở Y tế Hà Nội”, kho thuốc chưa có hệ thống phòng chống côn trùng, chưa có bảng báo giá; chưa thực hiện việc ghi chép sổ sách đầy đủ để theo dõi hoạt động mua bán thuốc theo quy định. Việc quản lý kho GPs đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.Công ty có các giấy phép đảm bảo đủ điều kiện nhập khẩu dược liệu và dược liệu nhập có tờ khai hải quan.Đoàn đã lập biên bản và lấy 6 mẫu dược liệu gửi Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội kiểm nghiệm chất lượng thuốc. Theo kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc của Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội về 6 mẫu dược liệu, có 4 mẫu dược liệu là Kim Ngân hoa, Thăng Ma, Hoàng Kỳ, Hoài Sơn đạt yêu cầu; mẫu dược liệu Hồng Hoa, Bạch Linh chưa đạt tiêu chuẩn về độ ẩm, cụ thể Hồng Hoa có độ ẩm 14% (tiêu chuẩn quy định không quá 13%), Bạch Linh 14,4% (tiêu chuẩn quy định không quá 12%). Trên cơ sở kết quả kiểm tra, kiểm nghiệm dược liệu và làm việc với lãnh đạo công ty, Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản xử phạt hành chính Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm 29 triệu đồng với các hành vi chưa thực hiện việc ghi chép sổ sách đầy đủ để theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định của pháp luật; kinh doanh thuốc tại địa chỉ km 10+400 đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) mà chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; bán thuốc dược liệu đã qua sơ chế không đảm bảo chất lượng. Sở Y tế cũng yêu cầu công ty chấm dứt ngay việc kinh doanh thuốc tại tầng 3 tòa nhà Trung tâm thương mại dịch vụ Thanh Trì cho đến khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; thực hiện nghiêm túc các quy định kinh doanh thuốc theo Luật Dược và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Với hai mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn về độ ẩm, công ty phải phơi sấy đảm bảo đúng quy định về độ ẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
21. Hà Nội phát hiện cốm Cansua3+ giả tại Hà Nội: TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa báo cáo Cục An toàn thực phẩm về tình hình hiện nay trên thị trường đang lưu hành lô sản phẩm thực phẩm chức năng cốm Cansua 3+ (số lô 012015, NSX: 21032015 – HSD: 20032017) giả mạo sản phẩm thực phẩm chức năng cốm Cansua 3+ của Công ty TNHH Dược phẩm Mê Linh công bố và sản xuất (địa chỉ: Duyên Trường, Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội), Công ty TMHH Dược phẩm và TBYT Minh Phát phân phối (địa chỉ số 31, tập thể Cục An ninh quân đội, Tổ 50, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
22. Năm 2016 sẽ có Bộ Tiêu chí quốc gia về chất lượng bệnh viện: Được thí điểm từ năm 2013, sau 2 năm áp dụng, chỉnh sửa, Bộ Tiêu chí quốc gia chất lượng bệnh viện (BV) đã được bổ sung 20 tiêu chí mới sát với thực tế hoạt động của các BV Việt Nam và dự kiến áp dụng trong năm 2016. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm vừa qua, giảm quá tải BV và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh luôn là mục tiêu ưu tiên của ngành y tế. Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Đề án giảm quá tải BV, xây dựng và triển khai Đề án BV vệ tinh, Đề án bác sĩ gia đình, cải tiến quy trình khám bệnh, triển khai Chỉ thị số 09 về tăng cường hiệu quả hoạt động đường dây nóng tại BV... Bên cạnh các giải pháp nêu, việc đánh giá chất lượng, phân loại chất lượng BV cũng là một trong những giải pháp lâu dài để tiến tới giảm quá tải, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các BV hơn nữa. Sự ra đời Bộ Tiêu chí sẽ giúp các BV tự nhìn lại thực trạng của mình, xác định những vấn đề tồn tại, lựa chọn các vấn đề cấp bách và “những việc cần làm ngay” để nâng cao chất lượng, đáp ứng mong mỏi của người dân. Mục tiêu chung của Bộ Tiêu chí là khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các BV tiến hành các hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả và đem lại sự hài lòng cho người bệnh, người dân và nhân viên y tế, đồng thời phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội đất nước.
23. Đắk Lắk có trên 75% người dân tham gia bảo hiểm y tế: Sau khi nhận chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đã đồng loạt triển khai đồng loạt nhiều biện pháp và tăng cường, tuyên truyền vận động nhân dân. Đến nay, tỉnh đã vượt chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT được Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao cho. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Đắk Lắk, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã có 1.358.144 người tham gia BHYT chiếm 75,4% . Vượt mức tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT được Chính phủ giao cho tỉnh Đắk Lắk là 74% và Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao là 75%. Trong đó, đối tượng tham gia BHYT là hộ gia đình có xu hướng tăng, có 202.42 người, tăng 94.749 người so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT là 195.308 người, chiếm 85%.
II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI
24. 40 học sinh Anh đồng loạt bị ngất mà chưa rõ nguyên nhân: Ngày 11/11, khoảng bốn mươi học sinh tại một ngôi trường ở miền bắc nước Anh đột nhiên ngất xỉu, ngã đồng loạt một cách bí ẩn. Theo AFP, vụ việc xảy ra tại trường Outwood Academy ở thị trấn Ripon trong một hội trường tổ chức ngày lễ Armistice Day (Ngày Đình chiến), kỷ niệm sự kiện chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Hàng chục học sinh bỗng nhiên cùng có triệu chứng bất thường, các em ngất xỉu và ngã xuống đất. Tuy nhiên khi lực lượng cấp cứu được điều đến, họ cho biết không phát hiện dấu hiệu các em bị ngộ độc khí carbon monoxide (CO) hay các chất nguy hiểm khác.
Ông Dave Winspear thuộc cơ quan cứu hỏa North Yorkshire nói: “Chúng tôi chứng kiến cảnh các em bị ngất xỉu và có một hiệu ứng lan truyền kiểu sóng vỗ (ripple effect) trong toàn trường. Nhiều em khác cũng thấy sợ hãi và bắt đầu choáng váng, tình trạng căng thẳng thêm”. Ông Dave cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành đánh giá kỹ lưỡng khu vực xảy ra sự việc nhưng không tìm ra loại chất độc nào”. Lực lượng cảnh sát, xe cứu thương cùng bác sĨ và nhân viên y tế đã mau chóng được điều động tới trường học.