Điểm tin ngày 12/12/2013
12/12/2013 | 02:00 AM



I.TIN THÀNH TỰU Y HỌC, TÍCH CỰC
1. Mười đột phá y học thế giới
10 phát minh công nghệ dưới đây trong y học được các chuyên gia tại Bệnh viện Cleveland Clinic, Mỹ đánh giá là “những đột phá thực sự mang lại những thay đổi có ý nghĩa cho cuộc sống của nhiều người” trong năm 2013 này.
Mắt “mô phỏng sinh học”
Có tên là “Argus II”, thiết bị mắt “phỏng sinh học” thu nhận tín hiệu video từ một camera gắn trên kính và truyền hình ảnh “không dây” về bộ tiếp nhận cấy trên võng mạc của người bị mất thị lực. Mặc dù đã được phê chuẩn ở châu Âu từ năm 2011, song phải đến đầu năm nay Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ mới phê chuẩn thiết bị “như phim viễn tưởng này”.
Hệ thống hiện còn chưa hoàn hảo. Nó giúp người mù những chức năng cơ bản như đi bộ trên vỉa hè mà không bị vấp, và phân biệt màu đen với màu trắng, nhưng chỉ giúp người mang đọc được chữ với kích thước lớn bằng màn hình Kindle. Thêm vào đó, khi võng mạc tự liền trùm lên bộ tiếp nhận thì chất lượng hình ảnh bị giảm đi. Argus II hiện mới chỉ được phê chuẩn cho người bị mất thị lực do bệnh sắc tố võng mạc – căn bệnh gặp ở 1/4000 người Mỹ. Nhưng công nghệ này có thể sớm giúp ích cho hơn 1.75 triệu người bị thoái hóa hoàng điểm
Nhận dạng gen ung thư
Không phải tất cả các loại ung thư đều ác tính như nhau - ví dụ người bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ có khả năng sống thêm lâu hơn những người bị ung thư não. Nhưng ngay cả ung thư tuyến tiền liệt cũng có nhiều dạng - từ có thể điều trị được tới tiên lượng cực kỳ xấu. Bằng cách phân tích bộ gen đột biến của khối u, các bác sĩ có thể chỉ ra liệu ung thư đó có nhạy cảm với một dạng hóa trị liệu nào đó hay không, hay là hoàn toàn không đáp ứng với tất cả các điều trị hiện có. Việc biết được thể bệnh sẽ giúp chuyển thẳng sang thử nghiệm lâm sàng có thể cứu sống tính mạng người bệnh
Thiết bị chặn đứng cơn động kinh
Đối với hơn 840.000 người Mỹ đang bị những cơn co giật đột ngột không kiểm soát được của bệnh động kinh, thì thiết bị NeuroPace giống như “máy khử rung dành cho não”. Hệ thống bao gồm những cảm biến cấy trong não có thể phát hiện những cơn “run rẩy” đầu tiên của cơn động kinh sắp xảy ra. Khi đó nó sẽ phát đi những xung điện vô hiệu hóa những tín hiệu “nhiễu loạn” của não, chặn đứng cơn động kinh. Điều ấn tượng hơn là các bác sĩ có thể “tinh chỉnh”
NeuroPace dựa trên hoạt động của nó. Trong năm đầu tiên mang thiết bị này, số cơn động kinh giảm trung bình 40% - nhưng 2 năm sau đó, con số giảm là 53%.
Chữa khỏi bệnh viêm gan
Cho đến gần đây, viên điều trị viêm gan C rơi vào thế “tốt thì có tốt, nhưng không tuyệt vời lắm”, với chỉ có khoảng 70% số bệnh nhân được chữa khỏi. Và kết quả này chỉ đạt được sau 48 tuần với phác đồ thuốc chống vi rút nghiêm ngặt, bao gồm nhiều mũi tiêm interferon – thường gây những tác dụng phụ nặng nề. Những loại thuốc mới có tên là Sofosbuvir có công dụng điều trị viêm gan C mạnh hơn nhiều, với thành công đạt được ở 95% số bệnh nhân. Hơn nữa, thuốc được uống trong 12 tuần, không cần tiêm interferon.
IPad của bác sĩ gây mê
Bác sĩ phẫu thuật thường nhận được những ánh mắt kính nể, nhưng để bạn “sống sót” qua ca mổ, có lẽ bác sĩ gây mê hồi sức mới là người đóng vai trò quyết định. Họ là khuôn mặt cuối cùng mà bạn nhìn thấy trước khi chìm vào giấc ngủ nhờ thuốc mê. Ngoài việc theo dõi nhịp tim, nhịp thở và chức năng não của bạn, bác sĩ gây mê hồi sức còn phải thông thuộc các giai đoạn của thủ thuật để có thể điều chỉnh liều thuốc an thần và giảm đau mà không gây biến chứng.
“Hệ thống quản lý thông tin quanh cuộc mổ” mới bao gồm phần mềm trên màn hình cảm ứng có thể cảnh báo các bác sĩ nếu có điều gì đó xảy ra, đi đúng tiến trình của các sĩ phẫu thuật, và ghi lại tất cả các bước của thủ thuật. Tất cả những điều này là hết sức quan trọng khi có những ca mổ kéo dài tới 16 giờ đồng hồ và thông tin cần được chuyển giao từ kíp trước cho kíp sau.
“Ghép…chất thải”
Ý tưởng lấy “chất thải” từ ruột người khác để đưa vào ruột mình nghe thật “kinh dị”, nhưng cách điều trị này đã được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt để chữa khỏi nhiễm C. difficile – một loại vi khuẩn giết chết 15.000 người Mỹ mỗi năm. Nhưng hãy yên tâm, các nhà nghiên cứu Canada đã triển khai một phương pháp để chỉ đưa vi khuẩn có trong “chất thải” của người cho vào người nhận qua thuốc uống. Bạn sẽ không phải nhận những cặn bã thức ăn, mà chỉ đơn giản là đưa vào cơ thể một số vi khuẩn có ích sống trong ruột của người cho – giống như nhà nông chọn những hạt giống tốt nhất để gieo trồng trên mảnh đất của mình.
Hoóc môn “bà bầu” bảo vệ tim
Khoảng 1/4 số người phải nhập viện vì suy tim sẽ phải đầu hàng số phận sau không quá một năm. Nhưng loại thuốc mới có tên là Serelaxin đã làm tăng khả năng sống thêm 37%. Đấy là phiên bản tổng hợp của hoóc môn relaxin, thường được sản sinh ra trong cơ thể người mẹ khi mang thai để giúp tim thích nghi với stress do thai nghén gây ra. Hoóc môn này không chỉ giúp mạch máu thông thoáng của cung cấp ô xy cho các cơ quan, mà còn có đặc tính chống viêm. Khả năng cứu sống bệnh nhân của Serelaxin ấn tượng đến mức FDA đã gọi đây là “liệu pháp đột phá” và đưa nó vào quy trình phê chuẩn nhanh cho các bệnh viện.
Robot bác sĩ
Nếu phải soi đại tràng, bạn sẽ muốn dùng thứ thuốc gì đó để đỡ đau. Nhưng ngay cả liều thuốc giảm đau an thần nhẹ để giúp bạn thiếp đi trong khi bác sĩ làm thủ thuật cũng cần sự có mặt của bác sĩ gây mê – nghĩa là chi phí y tế sẽ bị tăng thêm một khoản đáng kể - chừng một tỷ đô la mỗi năm ở Mỹ, theo một nghiên cứu trên tờ Journal of the American Medical Association.
Giải pháp cho vấn đề này là Sedasys: một thiết bị gồm máy tính nối với đường truyền tĩnh mạch có gắp đồng hồ đo lượng thuốc giảm đau an thần và theo dõi các chỉ số sinh tồn. Thậm chí nó còn bao gồm cả tai nghe để đánh thức bệnh nhân nếu cần. Thiết bị này cho phép bác sĩ tự cho bệnh dùng liều thuốc an thần “từ nhẹ đến vừa phải” và mọt bác sĩ gây mê có thể theo dõi nhiều bệnh nhân. .
Xét nghiệm phát hiện nguy cơ đau tim chính xác hơn
Hiện nay mọi người thường làm xét nghiệm cholesterol để đánh giá nguy cơ đau tim, nhưng nồng độ trimethylamine N-oxide (TMAO) mới là thứ đáng lo ngại hơn. Những người có nồng độ TMAO cao nhất trong máu có nguy cơ bị đau tim cao gấp 2,5 lần người có nồng độ thấp nhất. TMAO là chất được các vi khuẩn ruột tạo ra khi bạn ăn cholin – có trong trứng, thịt đỏ và sữa.
Khi có mặt trong máu, TMAO thúc đẩy cholesterol tạo thành những mảng bám trong động mạch. Đó là lý do tại sao thịt đỏ lại có hại. Ngoài việc tránh ăn thịt đỏ, xét nghiệm TMAO còn mở đường cho những bước phòng bệnh tiếp theo như sử dụng vi khuẩn có lợi (probiotics) hoặc thuốc để chặn đứng quá trình sản sinh TMAO.
Điều trị ung thư trúng đích
Mục tiêu khó khăn nhất trong điều trị ung thư là tiêu diệt khối u mà không “đụng chạm” đến những tế bào bình thường. Hiểu biết mới đây về điều gì khiến các tế bào ung thư “sống dai” như vậy đã cho phép các nhà khoa học phát triển một nhóm thuốc nhằm đúng vào “tử huyệt” trong quá trình phát triển không kiểm soát được của ung thư. Ví dụ, trong bệnh lympho và bệnh bạch cầu (ung thư máu), các nhà nghiên cứu đã xác định được rằng sự tăng sinh của bệnh được kiểm soát bởi một protein có tên là Bruton's tyrosine kinase (BTK). Sau một năm thử nghiệm, các bác sĩ đã triển khai được loại thuốc mới có tên Ibrutinib, ngăn chặn BTK.
Hai nghiên cứu trên tờ New England Journal of Medicine thấy rằng loại thuốc mới đã giúp ích cho 71% số bệnh nhân bị bệnh bạch cầu mạn và 68% số bệnh nhân bị u lympho không Hodgkin. Quan trọng nhất là Ibrutinib thực sự tiêu diệt u lympho mà không gây hại cho hệ miễn dịch. Điều này mở ra con đường dẫn tới cả một nhóm thuốc mới đặc trị cho từng loại tế bào ung thư.
2. Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương: Tìm ra nguyên nhân "bệnh lạ" chảy máu khó cầm ở Bắc Giang
Ngày 11/12, Đoàn chuyên gia của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (T.Ư) đã tìm ra chất độc khiến nhiều người dân Bắc Giang bị "bệnh lạ" chảy máu khó cầm.
Liên quan đến thông tin nhiều người dân ở tỉnh Bắc Giang bỗng dưng bị chảy máu khó cầm, ngày 11/12 Đoàn chuyên gia của Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết, các xét nghiệm máu đã tìm thấy chất warfarin trong máu bệnh nhân. Đây được xác định là tác nhân gây kháng đông máu.
Warfarin vốn tồn tại trong nhiều loại thuốc diệt chuột. Hiện các nhà khoa học chưa xác định được vì sao chất này lại nhiễm vào cơ thể người gây chảy máu khó cầm, tuy nhiên không loại trừ khả năng chuột chết do ăn phải bả chuột gây nhiễm độc nguồn nước.
Theo ông Trương Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, hiện có 8 bệnh nhân bị bệnh chảy máu khó cầm đang được theo dõi sức khỏe tại địa phương, còn 2 bệnh nhân khác đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư.
Trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư đã điều trị cho khoảng 20 trường hợp có biểu hiện chảy máu dưới da, chảy máu chân răng lâu, khó cầm máu, trong số này có 9 người cùng sinh sống tại thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đáng lưu ý là nhiều bệnh nhân sau khi điều trị khỏi, khi về địa phương sinh sống một thời gian, bệnh lại tái phát.
Hiện việc xét nghiệm mẫu nước, đất đang được tiến hành.
3. Bệnh viện K: Điều trị ung thư vú bằng cắt… buồng trứng
Kết quả thử nghiệm lâm sàng quốc tế của Hoa Kỳ tại 3 bệnh viện ở Việt Nam cho thấy việc áp dụng điều trị nội tiết bằng cắt buồng trứng và tamoxifen cho bệnh nhân (BN) tại Bệnh viện K đã nâng tỷ lệ sống thêm không bệnh từ 58% lên 75%.
Dự án nghiên cứu điều trị bổ trợ cho bệnh nhân ung thư vú còn kinh nguyệt có thụ thể nội tiết dương tính bằng phẫu thuật cắt buồng trứng theo các pha của chu kỳ kinh nguyệt là một thử nghiệm lâm sàng quốc tế được GS Richard Love và các cộng sự tại châu Á tiến hành từ cuối năm 2003.
Thử nghiệm lâm sàng này sau khi được các cấp có thẩm quyền của Hoa Kỳ chấp thuận, cũng đã được Bộ Y tế Việt Nam thông qua với 3 cơ sở tham gia là Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa TW Huế và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, trong đó Bệnh viện K là cơ sở chính.
Sau 10 năm, đã có 262 bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu, thực hiện được trên 5.000 lượt khám lại cho các bệnh nhân trong chương trình nghiên cứu, cấp hơn 450.000 viên tamoxifen cho người bệnh.
Trong buổi chiều ngày 10/12, GS Love và các thầy thuốc tại Bệnh viện K có gặp gỡ trao đổi với các bệnh nhân ung thư vú đã và đang được điều trị tại Bệnh viện K. Nội dung cuộc gặp mặt xoay quanh những thành tựu về điều trị nội tiết ung thư vú đã và đang được áp dụng trên thế giới và Bệnh viện K. Theo đó việc áp dụng điều trị nội tiết bằng cắt buồng trứng và tamoxifen cho BN tại Bệnh viện K đã nâng tỷ lệ sống thêm không bệnh từ 58% lên 75%.
Điều trị nội tiết là một phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân ung thư vú. Bên cạnh đó, điều hết sức có ý nghĩa là chi phí cho điều trị nội tiết lại tương đối rẻ hơn so với các phương pháp khác, điều rất quan trọng cho bệnh nhân có hoàn cảnh kinh tế còn hạn chế.
Đánh giá về các hoạt động và đóng góp của GS Love, PGS.TS Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng GS Love đã có những cống hiến quan trọng giúp nâng cao trình độ năng lực chuyên môn tại Bệnh viện K, góp phần đưa việc chẩn đoán và điều trị ung thư vú tại đây ngang tầm với các nước tiên tiến, đồng thời giúp cứu sống hàng nghìn bệnh nhân ung thư vú.
II.TIN Y TẾ KHÁC
1. Mỗi năm, An Giang cần thêm 110 bác sĩ
Ngày 11/12, ông Từ Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, nhu cầu bác sĩ ở tỉnh này từ nay đến năm 2020 rất lớn, bình quân mỗi năm cần bổ sung 110 bác sĩ.
Từ năm 2008-2013, ngoài số học sinh thi đậu chính thức vào các trường đại học y dược, An Giang đã xét chọn 431 người đi đào tạo theo địa chỉ và cử tuyển, trong đó đào tạo bác sĩ có 298 người.
Theo ông Tuấn, nếu tính số bác sĩ đang làm việc trong cả cơ sở y tế công lập và tư nhân thì hiện tại An Giang mới có 5,4 bác sĩ/10.000 người dân. Nếu bổ sung từ các hình thức đào tạo nói trên, dự kiến đến năm 2020 tỉ lệ này chỉ đạt 7 bác sĩ/10.000 dân.
2. Cục An toàn thực phẩm: Cách phòng ngừa ngộ độc rượu
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ngày 10/12 đã có cảnh báo về tác hại, nguyên nhân và cách phòng ngừa ngộ độc rượu.
Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho rằng, ngộ độc rượu là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác.
Ngộ độc rượu biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng với các biểu hiện: Nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp có thể tử vong nếu không được cấp cứu.
Ngộ độc rượu có thể do uống phải rượu giả, rượu có chứa methanol hoặc uống rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác) có chứa các độc tố. Vì vậy, Cục ATTP đã có khuyến cáo người dân cách phòng ngừa ngộ độc rượu:
- Không uống quá nhiều rượu (<30 ml/người/ngày nồng độ từ 30 độ trở lên/ngày).
- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol >0,05% vì gây mù mắt và tử vong cao;
Không uống rượu khi:
- Không biết đó là nước gì.
- Rượu không rõ nguồn gốc.
- Khi đang đói, mệt hoặc căng thẳng.
- Rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá, hay những rượu ngâm theo theo kinh nghiệm các nhân.
- Cấm trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia, cấm người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) uống rượu hoặc các loại nước uống có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên.
3. Đường dây nóng ngành Y tế "nóng máy"
Tại cuộc họp về vấn đề đường dây nóng ở Hà Nội, ngày 10/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Sau 1 tháng triển khai, đến nay, đã có 1.469 cuộc gọi đến đường dây nóng thông qua số 0973306306. Trung bình mỗi ngày có 50 - 60 cuộc gọi, hầu hết tập trung phản ánh về chuyên môn, thái độ, trách nhiệm của nhân viên y tế; nhân viên y tế nhận hối lộ, gian lận, sự phiền hà khi khám bảo hiểm y tế; những việc làm sai quy định của cơ sở y tế; cơ sở vật chất, nội quy của cơ sở y tế...
Điều đó cho thấy, đường dây nóng đã và đang là một kênh thu thập thông tin về chất lượng dịch vụ và mức độ hài lòng của người dân; đồng thời là một công cụ rất tốt giúp cho việc quản lý, giám sát trong ngành Y tế. Ngay trong tháng đầu tiên thiết lập đường dây nóng, việc tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân đã được Bộ Y tế xử lý khẩn trương, kịp thời. Những trường hợp phản ánh cụ thể, khẩn cấp liên quan đến sức khỏe người dân đã được chỉ đạo trực tiếp bằng điện thoại đến ngay Sở Y tế hoặc các bệnh viện (BV), cơ sở y tế, để yêu cầu xử lý.
Điển hình là trường hợp cháu Nguyễn Tấn Phát (5 tháng tuổi) được bố mẹ đưa đi tiêm vaccin tại Trạm Y tế xã Lộc An, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và bị từ chối vì không có hộ khẩu thường trú. Sau khi gia đình cháu Phát gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế, Sở Y tế Long An đã tiếp nhận thông tin và chỉ đạo Trạm Y tế tiêm phòng cho cháu. Từ khi người dân thắc mắc đến khi giải quyết xong chỉ chưa đầy 2 tiếng. Một số vụ việc ở Sở Y tế Phú Thọ, Tuyên Quang cũng được Bộ Y tế xử lý kịp thời và thông tin ngay cho báo chí để phối hợp phản ánh.
Chánh văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường cho biết: Theo thống kê, đến ngày 9/12, Bộ Y tế đã yêu cầu kiểm tra và xử lý 42 trường hợp, các đơn vị đều đã có văn bản báo cáo đầy đủ về kết quả xử lý. Ở Hà Nội, các cơ sở y tế tư nhân có vi phạm đều đã bị đình chỉ. Các báo cáo giải quyết ý kiến của người dân của Sở Y tế Phú Thọ, Tuyên Quang và BVĐK Vân Đình đều đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, tiếp thu và sửa chữa với cá nhân vi phạm, đồng thời, cũng tiến hành chấn chỉnh chung với toàn thể nhân viên trong BV về ý thức và trách nhiệm trong giao tiếp, ứng xử cũng như công tác chuyên môn.
Để nâng cao hiệu quả của đường dây nóng phải là công tác xử lý vi phạm, TS. Nguyễn Xuân Trường khẳng định: Những nội dung phản ánh ở đường dây nóng đều đã được xem xét và xử lý nghiêm vi phạm. Để hoạt động đường dây nóng đi vào nề nếp, duy trì hiệu quả, ngành Y tế đang xây dựng qui chế thi đua cụ thể với tiêu chí cho từng cá nhân và đơn vị. Với quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Y tế và toàn ngành, chúng tôi xác định đường dây nóng là một công cụ để quản lý và theo dõi giám sát hoạt động toàn ngành, cũng để người dân phản ánh những vấn đề bức xúc, hay những gương tốt như các bác sĩ ở Thái Bình tận tình cứu chữa bệnh nhân vừa qua.
4.TP.HCM: Sẽ tăng giá gần 2.000 dịch vụ y tế
Quyết định tăng giá viện phí kể từ ngày 1/6/2014 vừa được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua. Đến ngày 1/6/2016 giá viện phí của gần 2.000 dịch vụ y tế trên địa bàn thành phố sẽ tăng 100% theo khung giá quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Theo đó mức tăng trên sẽ áp dụng với cơ sở y tế công lập ở các dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh/ngày, các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm kể từ ngày 1/6/2014.
Thành phố sẽ tăng viện phí bằng 100% giá quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài chính qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 1/6/2014 tăng 75% đối với 477 dịch vụ trong các gói khám chữa bệnh kể trên. Giai đoạn 2 từ ngày 1/6/2015 giá dịch vụ của nhóm này sẽ tiếp tục tăng thêm với mức bằng 85% khung giá quy định. Giai đoạn 3 từ ngày 1/6/2016 sẽ tăng kịch trần 100% theo khung giá của Bộ Y tế, Bộ Tài chính.
Đối với nhóm các phẫu thuật, thủ thuật (1519 dịch vụ) thực hiện theo lộ trình tăng từ ngày 1/6/2014 sẽ áp dụng gới mức giá bằng 65% khung giá quy định. Thông tư liên tịch về việc tăng viện phí của Bộ Y tế, Bộ Tài chính có hiệu lực từ 4/2012. Đến nay đã có 62/63 tỉnh thành tăng viện phí, TP.HCM là địa phương cuối cùng quyết định thực hiện việc tăng giá theo thông tư này.
Trước khi áp dụng mức giá viện phí mới, mỗi năm ngân sách thành phố phải cấp cho ngành Y tế đều tăng, riêng năm 2013 ngân sách phải chi 2415 tỷ đồng. Ngoài việc khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn ngành Y tế thành phố còn phải khám chữa bệnh cho cả khu vực phía nam. Thành phố không tăng phí các dịch vụ trong lĩnh vực này suốt mười mấy năm qua (từ năm 1995 đến nay), mức phí này đã quá lạc hậu, không phù hợp và gây khó khăn cho việc hiện đại hóa công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
5. Lo ngại kháng thuốc điều trị HIV
Tuy có thành tựu giảm số người nhiễm HIV trong nhiều năm, nhưng Việt Nam vẫn lo ngại về tỷ lệ kháng thuốc điều trị HIV.
Ngày 2/12, tại hội nghị khoa học Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS lần thứ 5 với chủ đề "Hướng tới không còn người nhiễm HIV mới," do Bộ Y tế tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Số người nhiễm mới HIV, số bệnh nhân AIDS và số người chết do AIDS của Việt Nam giảm liên tiếp trong 4 năm qua là một thành tựu lớn.
Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 9/2013, số ca nhiễm HIV ở nước ta giảm 22% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy giảm từ 30% (năm 2002) xuống còn 12,7% (năm 2012) và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người bán dâm giảm 5% (năm 2002) xuống còn 2,7% (năm 2012). Tính đến ngày 30.9.2013, cả nước có hơn 218.400 người nhiễm HIV còn sống; trong đó có hơn 65.700 người ở giai đoạn AIDS và 66.116 trường hợp tử vong do HIV/AIDS.
Bộ Y tế đánh giá: từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã liên tiếp khống chế được tốc độ gia tăng của đại dịch HIV/AIDS trên cả 3 phương diện: giảm số trường hợp nhiễm mới, giảm số nhiễm từ HIV thành AIDS và giảm số tử vong do HIV/AIDS. Một số khu vực miền núi vẫn tập trung đông người mắc HIV như Nghệ An, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La...
Một trong nguyên nhân đẩy lùi bệnh dịch HIV là Việt Nam đã tăng cường điều trị bằng thuốc retrovirus (ARV) nhằm ức chế sự nhân lên của virus, kéo dài sự sống cho người có HIV/AIDS. Từ năm 2007 đến nay, cả nước có khoảng 74 nghìn người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV), góp phần giảm tỷ lệ tử vong do AIDS; cải thiện chất lượng sống của người nhiễm và giảm lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số người điều trị thuốc kháng virus HIV đang có nguy cơ kháng thuốc đang ngày càng gia tăng.
Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ thất bại với điều trị thuốc ARV theo phác đồ bậc một chiếm khoảng từ 5 đến 10%. Nguyên nhân là do người bệnh không tuân thủ quy trình điều trị như: uống thuốc không đúng giờ, đúng liều, đúng cách; không tái khám và vẫn liên quan đến sử dụng ma túy. Việc virus HIV kháng thuốc làm cho người bệnh tái phát lao phổi, nhiễm trùng nặng do vi khuẩn các bệnh lý, suy giảm hệ miễn dịch.
PGS.TS. Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, không chỉ bệnh nhân bị bệnh nặng hơn mà còn mang tới nguy cơ lây bệnh do chủ quan. Đồng thời, bệnh nhân cũng phải chuyển sang điều trị phác đồ bậc hai, bậc ba với nhiều tác dụng phụ, gây khó khăn cho người bệnh. Khi đó, chi phí điều trị gia tăng nhưng hiệu quả điều trị cũng không cao. Do đó, người bệnh nên cộng tác với cán bộ y tế, thực hiện tốt quy trình điều trị ARV để bảo vệ sức khỏe của mình.
6. Sở Y tế Quảng Ngãi phối hợp điều tra vụ bé 3 tháng tuổi tử vong sau khi khám, uống thuốc tại trạm y tế xã
Chiều ngày 11/12, ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: “Sở đã điều động cán bộ đến huyện Ba Tơ và phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ngãi để làm rõ nguyên nhân một cháu bé 3 tháng tuổi tử vong sau khi khám, uống thuốc”.
Theo báo cáo sự việc, khoảng 8h00 ngày 10/12, chị Phạm Thị Nun (34 tuổi, ở thôn Tà Noát, xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ) đưa con gái là Phạm Thị Quyến (3 tháng tuổi) đến Trạm Y tế xã Ba Ngạc để khám bệnh. Tiếp nhận bệnh nhân, ông Đinh Quang Thành - Trưởng trạm Y tế xã Ba Ngạc và bà Đinh Thị Diệp Minh (nữ hộ sinh trung học) trực tiếp khám bệnh cho cháu Phạm Thị Quyến.
Sau khi chẩn đoán cháu Quyến bị bệnh viêm phế quản, ông Thành chỉ đạo nữ hộ sinh Minh lập bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh và kê đơn thuốc điều trị. Vừa cấp thuốc, bà Minh vừa hướng dẫn cho chị Nun cách sử dụng thuốc để người nhà tự cho cháu Quyến uống. Đến khoảng 14h00 cùng ngày, chị Nun phát hiện cháu Quyến nằm im và hôn mê sâu. Gia đình vội đưa cháu Quyến đến nhà bác sĩ Hồ Thị Mai (34 tuổi, ở thôn K’Rên, xã Ba Ngạc) - là cán bộ của Trạm Y tế xã Ba Ngạc để chữa trị. Tại đây, bác sĩ Mai phát hiện cháu Quyến đã tử vong.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra và chính quyền địa phương kịp thời có mặt tại hiện trường xác minh vụ việc, đồng thời thu giữ các loại thuốc do Trạm Y tế xã Ba Ngạc cấp phát cho cháu Quyến uống. Hiện Công an huyện Ba Tơ, Công an tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khám nghiệm tử thi, gửi mẫu đến Viện pháp y Quốc gia và Viện khoa học hình sự Bộ Công an để làm rõ nguyên nhân cháu Quyến tử vong.
7. Hà Nội: Đình chỉ phòng khám không phép
Chiều 11/12, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết đơn vị này đã đình chỉ phòng khám không phép tại địa chỉ P101-C5 phố Trần Huy Liệu, phường Giảng Võ, quận Ba Đình.
Trong ngày 11/12, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra đột xuất Phòng khám chuyên khoa Nội (bác sĩ Hoàng Thị Hồng Hạnh phụ trách) và Cơ sở dịch vụ tiêm chích, thay băng, đo nhiệt độ, huyết áp (bà Đinh Thị Quý phụ trách). Cả hai cơ sở này cùng ở địa chỉ P101-C5 phố Trần Huy Liệu, phường Giảng Võ, quận Ba Đình (TP.Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, bác sĩ Hoàng Thị Hồng Hạnh và bà Đinh Thị Quý đều không có mặt (45 phút sau khi đoàn đến, bà Quý mới có mặt). Qua kiểm tra, cơ sở dịch vụ tiêm chích, thay băng, đo nhiệt độ, đo huyết áp sổ sách theo dõi bệnh nhân ghi chép không đầy đủ thông tin, không lưu sổ y bạ, đơn thuốc của bệnh nhân được tiêm chích, thay băng.
Đoàn thanh tra đã đình chỉ hoạt động của Phòng khám chuyên khoa Nội tại địa chỉ P101-C5 phố Trần Huy Liệu, phường Giảng Võ, quận Ba Đình. Đoàn cũng yêu cầu cơ sở tiêm chích, thay băng, đo nhiệt độ chấn chỉnh công tác chuyên môn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết mong muốn nhận được phản ánh từ nhân dân về các vi phạm thuộc lĩnh vực y tế qua đường dây nóng của Sở Y tế. Số điện thoại được thông tin trên website của Sở Y tế Hà Nội: (04) 3998 5765 .
8. Sở Y tế Hải Phòng thanh tra vụ phòng khám tư để rơi kim vào ổ bụng bé 3 tuổi
Sau khi bác sĩ phòng khám tư lấy tủy răng cho bệnh nhi 3 tuổi, cháu bé này phải chuyển lên bệnh viện (BV) trung ương cấp cứu do kim lấy tủy rơi xuống ổ bụng.
Sở Y tế Hải Phòng cho biết Sở đang tiến hành làm rõ vụ việc bác sỹ nha khoa Phòng khám tư nhân Răng – Hàm – Mặt Phương Anh số 4/201 Lạch Tray, Ngô Quyền để xảy ra sự cố bệnh nhân nuốt kim lấy tủy răng vào ổ bụng.
Trước đó, ngày 2/12, tại Phòng khám tư nhân trên, bé Nguyễn Minh Tuệ (3 tuổi, con vợ chồng anh Nguyễn Minh Phụng, trú tại phường Ngọc Sơn , quận Kiến An) được bố mẹ đưa đến phòng khám Phương Anh để khám chữa răng. Trong quá trình thao tác khám bệnh cho cháu, bác sỹ nha khoa tại phòng khám này đã để kim lấy tủy rơi vào họng cháu Tuệ và cháu đã nuốt xuống bụng. Ngay sau đó cháu có biểu hiện nôn ẹo và quấy khóc. Người nhà lập tức chuyển cháu đến cấp cứu tại bệnh viện trẻ em Hải Phòng.
Qua kết quả chiếu chiếu chụp cho thấy: tại vị trí L4 ổ bụng của cháu Tuệ có dị vật bằng kim loại dài khoảng 2,5cm. Một ngày sau đó nhận thấy tình trạng sức khỏe của bé Tuệ có nhiều biểu hiện bất thường, BV Trẻ em Hải Phòng đã làm thủ tục chuyển bé lên BV Nhi Trung Ương. Tại đây, ca phẫu thuật gắp dị vật ra khỏi ổ bụng cho bệnh nhân đã được thực hiện khẩn cấp. Tuy nhiên, do dị vật để thời gian khá dài trong bụng nên đã gây thủng ruột bé. Bởi thể cháu Tuệ phải trải qua hai lần phẫu thuật mới bảo đảm được tính mạng.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế Hải Phòng đã thành lập Đoàn thanh tra tiến hành làm rõ quy trình, trách nhiệm của phòng khám tư nhânPhương Anh. Đây là phòng khám của bác sỹ Nguyễn Thị Phương Anh, được Sở Y tế cấp phép số 21/2013.
9. Bạc Liêu: Thuê giải phẫu thẩm mỹ dạo tiểu phẫu ngực
Ngày 10/12, Công an P.3, TP. Bạc Liêu đã lập biên bản bàn giao bà Nguyễn Thị Diệu Hiền (51 tuổi, thường trú ấp Tân Cang, xã Phước Tâm, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) hành nghề y không phép cho Phòng y tế TP. Bạc Liêu xử lý.
Ông Phạm Văn Truyền, trưởng Phòng Y tế TP Bạc Liêu, cho biết trưa 9/12 được tin báo của dân, Công an P.3 phối hợp với Phòng Y tế TP.Bạc Liêu kiểm tra và bắt quả tang bà Hiền đang thực hiện tiểu phẫu ngực cho bà H.T.T.L. (52 tuổi), sửa mũi cho bà L.N.T. (42 tuổi) tại một nhà trọ ở khóm 8, P.3, TP. Bạc Liêu. Qua kiểm tra, bà Hiền không có giấy phép hành nghề y. Tại cơ quan công an, bà Hiền khai do yêu cầu của bà L., bà T. nên từ Đồng Nai đến Bạc Liêu hành nghề.
Cơ quan công an giữ dụng cụ hành nghề của bà Hiền như kim xăm, kim tiêm, chỉ khâu, kéo cắt da...
10.Giáp tết Nguyên đán: Bất an với rau quả nhập khẩu
Phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm, lượng rau củ quả nhập khẩu tại các cửa khẩu, cảng biển tăng đột biến từ 30-50%. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ mặt hàng này đang khiến cả người tiêu dùng lẫn cơ quan chức năng “đau đầu”.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), lượng rau củ quả nhập về các cửa khẩu, cảng biển tăng khoảng 30-50% trong hai tháng cuối năm.
Những tháng giáp Tết, hoạt động xuất nhập khẩu trái cây tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) trở nên sôi động. Theo bà Nguyễn Thị Hà- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, lượng trái cây, củ quả từ Trung Quốc đổ về cửa khẩu này đang tăng mạnh. Thời điểm này đang là mùa vụ trái cây của Trung Quốc nên mặt hàng phong phú cả về số lượng lẫn chủng loại. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 300 tấn nông sản được nhập khẩu, trong đó, hoa quả chiếm đa số và tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng chính là lê, táo, quýt.
Lượng rau củ nhập khẩu tăng cũng khiến các chợ đầu mối “tăng nhiệt”. Bà Nguyễn Thị Ánh Thịnh - Phó ban quản lý (BQL) chợ Long Biên cho hay, mỗi ngày có khoảng 300 - 400 tấn hàng hóa lưu thông tại chợ. Trong đó, hàng Trung Quốc chiếm khoảng 150 tấn, tức gần 50%. Dự báo những ngày cuối năm, từ khoảng 20 - 25/12 âm lịch, lượng hàng sẽ tăng lên gấp rưỡi, từ 500 - 600 tấn/ngày.
Chợ Long Biên hiện có hơn 1.000 hộ kinh doanh, tuy nhiên, theo bà Thịnh, tới thời điểm đầu tháng 12/2013, mới chỉ có khoảng 100 hộ kinh doanh có giấy chứng nhận tập huấn về an toàn thực phẩm. Trung tuần tháng 12, BQL chợ sẽ phối hợp cùng đơn vị chức năng để tập huấn thêm cho 400 hộ. Điều đáng nói, đây gần như là biện pháp duy nhất mà BQL chợ đưa ra để tăng cường công tác kiểm soát rau củ quả trong dịp Tết Nguyên đán. Với hàng hóa vào chợ, ngoài các giấy tờ nhập khẩu thì BQL chỉ có thể kiểm nghiệm bằng…cảm quan. Bà Hà cho biết, hầu hết mặt hàng hoa quả vận chuyển vào Việt Nam đều không đi qua đường tiểu ngạch như một số mặt hàng có nguồn gốc từ động vật như gia cầm, nội tạng, thủy sản… mà thông qua Cửa khẩu Tân Thanh là cửa khẩu có lưu lượng nông sản lớn nhất cả nước. Do đó, trong những tháng giáp Tết, cơ quan kiểm dịch phải tăng cường nguồn lực, tần suất kiểm tra để có thể phát hiện, ngăn chặn rau củ quả nhiễm độc vào Việt Nam.
Theo Thông tư số 13 năm 2011 của Bộ NN-PTNT về kiểm soát nông sản nhập khẩu, lực lượng kiểm dịch sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm 10%, với những mặt hàng có nguy cơ cao sẽ tăng tần suất kiểm tra lên 30% và nếu phát hiện tới lần thứ ba vi phạm sẽ yêu cầu dừng nhập khẩu. Phương pháp kiểm tra là sử dụng các bộ kít thử nhanh để kiểm tra tại chỗ. Hiện, Trạm BVTV Tân Thanh đã đặt hơn 50 bộ kít thử. Tuy nhiên, theo bà Hà, bộ kít thử nhanh chỉ có thể kiểm tra được tối đa khoảng 30% hoạt chất trong thuốc BVTV, nên Chi cục vẫn phải gửi mẫu về Hà Nội để xét nghiệm lại. Công đoạn này thường mất từ 7-10 ngày nên gây khó khăn cho cả đơn vị kiểm dịch và đơn vị kinh doanh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thông tin cảnh báo tới người tiêu dùng sẽ không còn kịp thời, nhanh nhạy.
Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, từ ngày 30/10 - 5/12, Việt Nam nhập khẩu khoảng hơn 689.000 tấn hàng hóa với hơn 90 mặt hàng có nguồn gốc thực vật. Kiểm tra 96 mẫu rau, quả, cơ quan chức năng phát hiện có tám mẫu vượt ngưỡng dư lượng thuốc BVTV cho phép. Ngoài củ cải trắng và cà rốt, quýt là mặt hàng có nguy cơ cao nhất với năm mẫu vi phạm. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, số lượng mẫu không an toàn chiếm tới 8,3%, đây là con số tương đối cao và cần phải cảnh báo khi lượng rau củ quả còn tăng mạnh vào tháng giáp Tết. Trước đó, trong tháng 10, Cục BVTV cũng phát hiện mẫu hồng, táo nhiễm thuốc BVTV vượt quy định.
11. Mười món ăn “ngậm” hóa chất gây xôn xao thị trường thực phẩm
Thịt bò bị làm giả từ thịt lợn sề
Đầu năm, thông tin nhiều tiểu thương tại các chợ đầu mối dùng phẩm màu, hóa chất, phụ gia tẩm ướp để biến thịt lợn sề thành thịt bò khiến hàng triệu người tiêu dùng lo lắng. Bằng cách “hô biến” thịt lợn sề thành thịt bò, chủ kinh doanh có thể bán với giá gấp 3 lần thịt lợn tại các lò mổ, từ 60.000 – 70.000 đồng lên 200.000 đồng/kg.
Nhiều chủ quán cơm bình dân, quán phở, cửa hàng bán thịt bò khô cũng tự chế thịt lợn thành thịt bò bằng phẩm màu hoa hiên và một số phụ gia trong quá trình nấu, để đánh lừa người tiêu dùng và gia tăng lợi nhuận. Thịt bò bị làm giả không có mùi thơm, vị ngọt và bở hơn so với thịt bò thật. Ngoài việc bỏ tiền thật mua hàng giả, người ăn còn có thể gặp nguy hiểm về sức khỏe do những loại phẩm màu, phụ gia kém chất lượng, thậm chí không được sử dụng trong ngành thực phẩm.
Dừa bị tẩy trắng bằng hóa chất
Hóa chất tẩy trắng dừa không bao bì, không nhãn mác được bán tràn lan trên thị trường với giá 125.000 đồng/kg. Chỉ cần pha 6 muỗng bột hóa chất (gồm 2 loại) vào thùng nước 20 lít rồi ngâm dừa vỏ nâu vào đó, chủ buôn có thể “hô biến” cả trăm trái dừa trở nên trắng nõn.
Một bác sĩ chuyên về an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, hóa chất tẩy trắng dừa có thể là một loại axít gốc phốt pho cộng với lưu huỳnh, chỉ được dùng với liều lượng phù hợp, có kiểm soát. Lạm dụng chất tẩy trắng này rất nguy hiểm cho sức khỏe con người, có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp… Vị chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên chọn dừa còn vỏ xanh, không nên mua loại đã cạo sạch vỏ, tẩy trắng.
Bún, bánh canh có chất tẩy trắng
Tháng 5 vừa qua, kiểm tra 4 cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, bánh canh tại Tây Ninh, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) đã phát hiện nhiều mẫu thực phẩm dương tính với chất tẩy trắng Tinopal. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số cơ sở ở Cần Thơ, Đồng Tháp, TP. HCM. Người sử dụng bún, bánh canh chứa Tinopal lâu dài có nguy cơ loét đường ruột, suy gan, suy thận, ung thư…
Mít non chín trong vòng một ngày
Với mỗi bịch hóa chất Trung Quốc có giá 100.000 đồng, gồm 10 lọ, sau khi pha vào nước và “tiêm” cho mít, nhiều chủ vườn ở Chơn Thành, Hớn Quản, tình Bình Phước có thể khiến vài tấn mít chín trong vòng một đêm. Theo các hộ trồng, đó là cách phổ biến – “ở đâu người ta cũng dùng” - để mít mau chín, kịp có hàng bán và tăng lợi nhuận.
Cơm trắng nở gấp đôi bằng bột hóa chất 8.000 đồng
Với một gói bột hóa chất 8.000 đồng, các hàng cơm bụi có thể "hóa phép" 10 kg gạo thành cơm nở bung trắng đều, hạt to mẩy tương đương như khi nấu 20 kg gạo thông thường. Loại bột này có màu trắng, nhỏ, mịn như đường cát, mùi thơm nhẹ, bao bì chằng chịt chữ Trung Quốc. Vụ bê bối liên quan đến “ngọc thực” này khiến hàng nghìn người hay ăn cơm bụi lo lắng, nhất là với những quán cơm bình dân giá rẻ.
Gà vàng ươm do nhuộm hóa chất
Tháng 8 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP. HCM phát hiện một số lò mổ thực hiện giết mổ gia cầm trái phép. Ngoài ra, để gà, vịt có màu bắt mắt, sau khi giết mổ, nhiều cơ sở còn dùng hóa chất để tẩm ướp, “nhuộm” vàng da gà. Tình trạng này sau đó được phát hiện thêm tại nhiều nơi, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Thậm chí, các chủ kinh doanh sản phẩm chất lượng cũng bị ảnh hưởng vì sức mua trên thị trường sụt giảm. Theo các chuyên gia y tế, gà vàng ươm do nhuộm hóa chất có nguy cơ gây ung thư cho người ăn.
Nem, giò ngon từ thịt thiu
Thông tin tẩm hàng chục loại hóa chất vào thịt thiu để sản xuất chả lụa, nem, bò viên… bắt mắt, thơm ngon được chính chủ một số cơ sở làm nem, giò “tiết lộ”. Trong đó, muốn nem, chả lụa giòn, dai, người sản xuất cho K70, hỗn hợp Polyphosphate (E451, E452)… giá 130.000 đồng/bịch khoảng một kg. Còn để làm dậy mùi thịt nhập từ Mỹ và Singapore, người làm chỉ cần gia giảm chất Sodium benzoate và Pork pase NQ-446.
Mặc dù không thể khẳng định tất cả chả, giò trên thị trường đều tẩm hóa chất, song thông tin trên vẫn khiến rất nhiều người lo lắng vì nguy cơ đã ăn vài kg phụ gia và hàng chục cân thịt thiu vào người.
Hải sản trắng nõn nhờ đạm Urea và thuốc tẩy Javel
Không phải lần đầu bị phát hiện, song thông tin hải sản bị tẩy trắng bằng đạm Urea và Javel một lần nữa gây hoang mang cho người tiêu dùng trong năm 2013, vì sự tái diễn phủ rộng. Thậm chí, với nhiều chủ kinh doanh, đây là cách hoàn hảo để bảo quản và tẩy trắng hải sản, vì chi phí rẻ, hiệu quả cao, mặc dù tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho người ăn.
Theo Thạc sĩ Lê Thanh Hải, giảng viên Đại học Hùng Vương TP.HCM, bản chất clorin (hay javel) là chất tẩy trắng thuỷ sản, vì có tính oxy hoá mạnh, dễ hình thành các gốc tự do, nhờ đó phá huỷ tế bào vi sinh rất nhanh chóng, cũng đồng nghĩa với việc phá huỷ tế bào cơ thể người với dư lượng còn sót, gây rối loạn gen, ung thư… Còn urea tích luỹ ở thận dưới dạng tinh thể gây sạn thận, hoặc đi vào chu trình thải đạm amoni của thận, gây độc cho tế bào, viêm cầu thận…
Chân giò nhừ nhờ bột làm sạch bồn cầu
Một số cửa hàng ở Hà Nội bị phát hiện dùng bột nhừ (bột khai) để làm nhừ nhanh thức ăn (xương, chân giò, thịt bò, khoai, đỗ đen…) mà không bị nát. Loại bột này có tên Natri Hydro Carbonat (NaHCO3) được bán với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg. Theo quy định của Bộ Y tế, chúng chỉ được dùng tối đa 45g trên một kg thực phẩm cần chế biến, song cần phân biệt rõ hóa chất NaHCO3 dùng trong công nghiệp với loại dùng trong thực phẩm (có độ tinh khiết cao).
Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Công nghệ Hóa học, đại học Khoa học Tự nhiên (đại học Quốc gia Hà Nội), bột nhừ chính hiệu bản chất là các enzim tiêu hóa, được sử dụng để làm mềm thức ăn nhanh nhưng rất khó sản xuất đại trà, và giá không hề rẻ. “Tôi chưa bao giờ nghĩ bột nhừ thật lại có giá 30.000đồng/kg. Ở Việt Nam chưa sản xuất được bột nhừ chính hiệu, nếu nhập về và bán thì giá phải lên đến hàng triệu đồng/kg”, ông Hùng nhấn mạnh.
Rau tươi, xanh "hồi sinh" từ rau héo
Pha 1kg bột hóa chất màu trắng có tên gọi là chất tẩy đường vào 100 lít nước, các tiểu thương tại một số chợ ở TP.HCM có thể làm "hồi sinh" 400-500kg rau, củ, quả. Theo đó, rau nhập trước đó cả tuần mà vẫn không hề úng, hư khi đến tay người tiêu dùng. Đó là các loại hóa chất công nghiệp được bán với giá 20.000 - 50.000 đồng mỗi kg.
Tiến sĩ Trần Bích Lam- giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, Khoa kỹ thuật hoá học, Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, việc sử dụng hoá chất công nghiệp xử lý thực phẩm là không được phép vì hàm lượng các chất độc hại còn lại rất cao. Do quá trình ngâm lâu, khi ngấm vào thực phẩm, những chất này sẽ kết hợp với những thành phần khác làm biến đổi chất lượng và ảnh hưởng tới sức khoẻ.
12. Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu 29 Hà Nội: Rượu nếp 29 Hà Nội bị pha nhầm... cồn đánh vecni
Lô rượu nếp 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10, có độc tố Methanol vượt hàng nghìn ngưỡng cho phép là do quá trình sản xuất pha chế nhầm từ cồn thực phẩm sang cồn công nghiệp.
Theo cơ quan điều tra, trước khi bị bắt giữ (10/12), ông Nguyễn Duy Vường - 46 tuổi, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu 29 Hà Nội (có trụ sở tại Q.Long Biên, TP.Hà Nội) khai nhận: Lô rượu nếp 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10 có độc tố Methanol vượt hàng nghìn ngưỡng cho phép là do quá trình sản xuất pha chế nhầm từ cồn thực phẩm sang cồn công nghiệp. Cũng theo ông Vường, lô cồn thực phẩm thường được đơn vị nhập từ một đơn vị bên ngoài về để chế biến, sản xuất ra rượu.
Theo lý giải của cơ quan chức năng, 2 loại còn này đều chung công thức hóa học, là chất chất lỏng không màu, tan vô hạn trong nước, dễ bay hơi, dễ cháy, mùi thì phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất ra chúng. Cồn thực phẩm nồng độ tiêu chuẩn thường là 98% và loại bỏ hoàn tạp chất nên dùng để sản xuất rượu, đồ uống có cồn, nước ướp gia vị, chiết xuất dược liệu, pha chế thuốc, vệ sinh, sát trùng, mỹ phẩm…Còn cồn công nghiệp thì vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn tạp chất nồng độ của nó thường giao động khoảng 95% trong đó 5% có thể là methanol hoặc cồn ipa. Cồn công nghiệp chủ yếu được dùng trong công nghiệp in, công nghiệp điện tử, dệt may, chế phẩm đánh bóng vecni… Do giá thành rẻ nên có rất nhiều người đã vì lợi nhận mà pha vào rượu đem bán đặt biệt là ở nước ta thời gian quan có rất nhiều người tử vong do tính chất độc hại trong cồn công nghiệp gây ra.
Hiện cơ quan Công an tiếp tục truy cứu hồ sơ, chứng từ liên quan cũng như trách nhiệm từng các nhân trong việc pha chế để làm rõ hành vi của từng đối tượng.
Tổ xử lý thông tin báo chí Bộ Y tế