Điểm tin ngày 10/5/2015
11/05/2015 | 07:58 AM



1. Trẻ nhập viện tăng đột biến do nắng nóng: Trong dịp nghỉ lễ và những ngày nắng nóng vừa qua, số trẻ nhập Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tăng đột biến so với bình thường. Trong đó, bệnh sởi cũng bắt đầu xuất hiện tại Thanh Hóa. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số trẻ đến nhập viện chủ yếu liên quan đến các bệnh lý như viêm đường hô hấp trên, tiêu hóa, tai mũi họng, sốt vi rút, bệnh truyền nhiễm…Việc bệnh nhi nhập viện tăng đột biến đã gây ra tình trạng quá tải của bệnh viện. Để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của các bệnh nhi đến điều trị, các khoa của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã phải kê thêm giường bệnh, huy động thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất; các y bác sỹ cũng được huy động làm thêm giờ để phục vụ bệnh nhân được tốt hơn.
2. Vụ trẻ chết bất thường sau tiêm phòng lao ở xã Xuân Thắng, Thọ Xuân, Thanh Hóa: cơ quan chức năng đã tiến hành mổ tử thi cháu bé để tìm nguyên nhân. Ông Trịnh Duy Khang, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ quy trình tiêm phòng của nhân viên y tế và chưa phát hiện sai sót nào của nhân viên tiêm phòng.
3. Tiền Giang cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim: Sáng 10/5, bác sỹ Võ Văn Hùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang), cho biết bệnh viện mới mổ cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim vào chiều 9/5. Theo bệnh án của bệnh viện, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng hô hấp, có một vết thương ở vị trí khoan liên sườn 5-6 khoảng 1cm. Sau một giờ phẫu thuật khẩn cấp, các bác sĩ đã cứu sống anh Nam. Hiện anh đã có thể thở được, mạch huyết áp ổn định, diễn biến tốt.
4. Cần giải quyết những bức xúc của người nhà bệnh nhân khi bị tai biến trong điều trị: Ở các nước có nền y học phát triển, tỷ lệ tai biến điều trị chiếm 3-16% trong tổng số bệnh nhân nhập viện. Ở các nước phát triển, gia đình người bệnh sẽ kiện ra tòa và nếu có sai phạm, bệnh viện, nhân viên y tế phải bồi thường rất cao nếu có sai phạm trong điều trị. Trong khi ở Việt Nam, khi xảy ra tai biến trong điều trị, thân nhân bệnh nhân thường có những hành động quá khích như bao vây, đánh bác sĩ, phá bệnh viện… Đó là nhận xét của TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM tại Hội nghị khoa học kỹ thuật lần thứ 8 do Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM tổ chức ngày 7/5. Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, tai biến điều trị là điều khó tránh khỏi ở cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt trong tình hình bệnh viện quá tải, liên tục thay thế nhân viên mới, cách giao tiếp, ứng xử chưa tốt, nhân viên y tế nghe nhưng không trả lời, giải thích cho người bệnh, bắt người bệnh đóng viện phí, đi mua thuốc mới được cấp cứu…Do đó, để hạn chế bức xúc từ người bệnh, bệnh viện cần chủ động triển khai các hoạt động để ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn như: cung ứng thuốc, vật tư, máy móc đầy đủ trong điều trị, giải quyết những bức xúc của người bệnh trong thời gian nằm viện.
5. Tình trạng lạm dụng rượu bia ở Việt Nam ngày càng trầm trọng: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết Việt Nam tiêu thụ bia đứng đầu Đông Nam Á, thứ 3 châu Á, sau Nhật Bản, Trung Quốc khi mức tiêu thụ bia cả nước tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013 và năm 2014. Mức tiêu thụ chất có cồn bình quân đầu người (đối với người trên 15 tuổi) của Việt Nam tăng từ 3,8 lít/người (năm 2005) lên 6,6 lít/người (năm 2010). Trung bình 1 ngày, các đối tượng này tiêu thụ khoảng 37,7 gam cồn nguyên chất/người. Hiện thực này nảy sinh trong bối cảnh mức thu nhập của dân ta chỉ đứng thứ 8 Đông Nam Á và trong gần 2 thập kỷ qua, mức tiêu thụ đồ uống có cồn toàn cầu đang có chiều hướng chững lại. Và điều rất đáng lo ngại là tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam sử dụng đồ uống có cồn tiếp tục tăng cao hàng năm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có cồn là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong trên thế giới. Đồ uống có cồn còn là nguyên nhân của 5,1% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trở thành vấn đề lớn của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện có 30 bệnh do nguyên nhân trực tiếp là sử dụng đồ uống có cồn và 200 loại bệnh tật, chấn thương mang nguyên nhân gián tiếp từ việc sử dụng đồ uống có cồn.
6. Bộ Y tế triển khai chỉ đạo của Chính phủ về điều chỉnh giá vaccine, mức hỗ trợ tiêm chủng: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho cán bộ làm công tác tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và điều chỉnh giá vaccine sản xuất trong nước nhằm tiến tới tự chủ vaccine. Do hiện nay không tính đúng, tính đủ giá vaccine sản xuất trong nước dẫn tới các cơ sở sản xuất vaccine gặp rất nhiều khó khăn và khó có thể tự chủ vaccine trong tiêm chủng thường xuyên cũng như tiến tới việc xuất khẩu vaccine. Hơn nữa, các vaccine sản xuất trong nước cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng được nhà nước duyệt giá, nhưng từ năm 2010 tới nay có nhiều biến động về giá của một số vật tư, hóa chất, điện, nước, hệ số tiền lương tối thiểu tăng từ 150% - 250% do biến động giá cả thị trường. Việc điều chỉnh giá vắc-xin và mức hỗ trợ tiêm chủng là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tiêm chủng cũng như tạo sự công bằng trong giữa vắc-xin sản xuất trong nước và vắc-xin nhập khẩu cùng chủng loại.
7. Đại học Duy Tân đào tạo bác sỹ đa khoa: Đại học Duy Tân đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép chính thức mở ngành học mới Bác sỹ đa khoa từ năm 2015 theo Quyết định số 6975/BGDĐT-GDĐH, với sự ủng hộ của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), trên cơ sở chương trình đào tạo được thẩm định bởi Học viện Quân y. Sau một thời gian chuẩn bị nguồn lực, năm 2009, Đại học Duy Tân mở ngành điều dưỡng bậc đại học; tiếp đó năm 2012, mở ngành dược sĩ đại học. Điểm số đầu vào trong các mùa tuyển sinh đại học của ngành khoa học sức khỏe ở đại học Duy Tân luôn ở mức cao. Từ năm 2013, ĐH Duy Tân đã bắt đầu xây dựng đề án đào tạo ngành bác sĩ đa khoa. Để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo, mỗi năm, Duy Tân sẽ chỉ đào tạo 50 sinh viên. Để xây dựng chương trình học có chất lượng, ĐH Duy Tân tiến hành hợp tác và tham khảo giáo trình của hai đối tác trường y lớn ở Mỹ là ĐH Illinois ở Chicago (Mỹ) và ĐH Pittsburgh (UPMC, Mỹ). Bên cạnh đó, Duy Tân cũng ký kết hợp tác với 18 bệnh viện lớn để sinh viên có cơ hội học tập với các bác sĩ có uy tín cũng như thực hành lâm sàng với bệnh nhân. Tiêu biểu gồm Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Quân y 17 QK V, Bệnh viện 199 - Bộ Công An, Đa khoa Trung ương Quảng Nam… trong đó bệnh viện thực hành chính của sinh viên tại TP.Đà Nẵng là Bệnh viện Gia đình.
8. Gần 8% bệnh nhân mắc thêm bệnh do nhiễm khuẩn khi nằm viện: Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại 36 bệnh viện phía Bắc chiếm 7,9%. Đây là tỷ lệ nhiễm khuẩn mà người bệnh mắc phải trong thời gian nằm viện. Theo Bộ Y tế, đến tháng 4/2015, Việt Nam đã có gần 500 bệnh viện ký cam kết tham gia chiến dịch vệ sinh tay với Bộ Y tế và đã có 73 bệnh viện đăng ký tham gia chiến dịch này trên website của Tổ chức Y tế Thế giới. Chiến dịch này nhằm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm nguy cơ tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện gây ra. Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới vì nó làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị. Theo một nghiên cứu về nhiễm khuẩn bệnh viện tại 55 bệnh viện của 14 quốc gia trên thế giới đại diện cho các khu vực của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các nước này là 8,7%. Ước tính ở bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 1,4 triệu người bệnh trên thế giới mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện đúng quy trình chống nhiễm khuẩn bệnh viện, đồng thời khuyến các các nhân viên y tế vệ sinh tay sạch sẽ trước khi khám bệnh.
9. Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện chống nhiễm khuẩn bệnh viện: Để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trong và ngoài công lập xây dựng và triển khai kế hoạch bệnh viện vệ sinh ngành y tế Hà Nội năm 2015 và phải cam kết thực hiện phong trào bệnh viện vệ sinh. Theo đó, các đơn vị tiến hành rà soát các tiêu chí, đề xuất với lãnh đạo đơn vị đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường bệnh viện. Tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về phong trào vệ sinh cũng như nâng cao nhận thức của người bệnh, cán bộ y tế về tầm quan trọng của vệ sinh môi trường bệnh viện. Xây dựng quy trình kỹ thuật hướng dẫn vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bệnh viện và thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn quy định, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải… Trước đó, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập trực thuộc ngành tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động tham gia chiến dịch vệ sinh bàn tay hưởng ứng cuộc vận động toàn cầu “Bảo vệ sự sống: hãy vệ sinh bàn tay” do Tổ chức Y tế thế giới phát động nhằm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn liên quan đến công tác chăm sóc y tế.
10. Ngành Y tế nỗ lực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế: Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến bàn về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, các đơn vị trong Ngành đã có cuộc tổng rà soát, chấn chỉnh thái độ, tinh thần phục vụ biến bệnh nhân thành khách hàng của cơ sở và nhân viên y tế. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện nghiêm túc quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở y tế; tổ chức tập huấn về quy tắc ứng xử cho nhân viên y tế, thiết lập hệ thống đường dây nóng. Thông qua đường dây nóng, Bộ Y tế đã xử lý hơn 150 cán bộ y tế với các hình thức kỷ luật khác nhau từ buộc thôi việc đến cảnh cáo. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, y tế cũng là ngành dịch vụ, phải thay đổi được suy nghĩ của y, bác sĩ, nhân viên y tế, phải coi người bệnh là khách hàng, là người đem đến thu nhập cho mình và cần phải chăm sóc chu đáo. Sự thay đổi này phải từ đội ngũ trông giữ xe, bảo vệ bệnh viện, đến điều dưỡng, bác sĩ. Bộ trưởng yêu cầu ngay trong tháng 5, các bệnh viện phải thực hiện thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
11. Giá thuốc ổn định góp phần tăng niềm tin trong nhân dân: Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, qua năm năm thực hiện, số lượng nhà thuốc, mặt hàng và công ty tham gia tăng, đặc biệt là tăng niềm tin trong nhân dân. Trong khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân, các bác sỹ tại các Bệnh viện đã chú ý sử dụng thuốc sản xuất trong nước cùng chủng loại, có chất lượng tốt. Đến nay, đã có 14 công ty, 3.169 nhà thuốc bán thuốc tham gia vào chương trình bình ổn thuốc và cung cấp đủ thuốc (trong đó có 117 nhà thuốc bệnh viện) với 551 mặt hàng (năm 2015 có 530 mặt hàng). Giá thuốc bình ổn đã giảm 5-10% so với giá thị trường; đặc biệt, có bốn doanh nghiệp dược tham gia tích cực, có doanh số cao là Domesco, Stada, Pymepharco, F.T Pharma được Bộ Công thương tặng bằng khen.
12. Sử dụng Kỹ thuật ECMO cứu sống người bệnh thập tử nhất sinh: Nhiều bệnh nhân tưởng chừng cầm chắc cái chết trong tay, nhưng đã được cứu sống nhà sử dụng kỹ thuật ECMO. Theo Bác sĩ Trương Dương Tiển, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) là đề tài do TS – BS Phạm Thị Ngọc Thảo – PGĐ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện. Có thể nói đây là kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu (HSCC), được áp dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2011, từ đó tới nay đã điều trị cho gần 20 trường hợp thập tử nhất sinh, đem lại kết quả vô cùng ấn tượng. Đối tượng được áp dụng kỹ thuật ECMO là những bệnh nhân bị hội chứng nguy ngập hô hấp do viêm phổi, sốc phản vệ, thuyên tắc mỡ, hoặc viêm cơ tim cấp do virus có biến chứng choáng tim nặng (đã dùng thuốc vận mạch không cải thiện). Kỹ thuật ECMO rất phức tạp, đòi hỏi nhiều điều kiện nên không phải bác sĩ hoặc cơ sở y tế nào cũng thực hiện được. Để áp dụng kỹ thuật ECMO tại đơn vị mình, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải cử một đội y, bác sĩ sang tập huấn tại Đức, Đài Loan và Hàn Quốc.
13. Dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm: Những năm gần đây, dịch HIV/AIDS đã có chiều hướng giảm nhưng mỗi năm vẫn phát sinh hàng nghìn người nhiễm mới. Ðó là một trong những yếu tố làm tăng gánh nặng chữa trị, chăm sóc... Nếu không làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS thì nguy cơ dịch lan truyền ra cộng đồng là rất lớn. Theo các số liệu giám sát của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, một số tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất cả nước (tính trên tỷ lệ 100 nghìn dân) như: Ðiện Biên (1.029), TP Hồ Chí Minh (682), Thái Nguyên (632). So sánh tỷ lệ nhiễm HIV/100 nghìn dân theo khu vực thì cao nhất là tại miền Ðông Nam Bộ (408/ 100 nghìn dân), tiếp đến là khu vực miền núi phía bắc (375/100 nghìn dân). Bên cạnh đó, mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS hiện nay còn hạn chế. Theo thống kê, số lượng bao cao-su mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, việc điều trị mới đáp ứng được 37% số người nhiễm HIV. Một khó khăn rất lớn của công tác phòng, chống HIV/AIDS mà nước ta đang phải đối mặt là hiện nay nguồn kinh phí cho công tác này từ những năm trước chủ yếu dựa vào viện trợ nước ngoài, thì hiện nay đang bị cắt giảm. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước cũng giảm từ 245 tỷ đồng (năm 2013) xuống chỉ còn 85 tỷ đồng (năm 2014). Nhiều dự án viện trợ từ các tổ chức quốc tế đã kết thúc và một số dự án khác đã bị giảm mạnh kinh phí...
14. Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng cứu sống bệnh nhân bị vỡ gan, thận: bác sỹ Lý Hoàng Phong, Phó trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng, cho biết bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị tai nạn giao thông dẫn đến vỡ gan, thận. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp bằng 0, da xanh, đau khắp bụng, trên người có vết trầy tét da từ ngực xuống bụng phải. Bệnh nhân tức tốc được siêu âm để tìm nguyên nhân. Kết quả cho thấy, trong bụng bệnh nhân có nhiều dịch máu do vỡ thận phải và gan. Xét thấy đây là ca nguy hiểm đến tính mạng nên bệnh viện tiến hành họp khẩn để phẫu thuật gấp cho bệnh nhân. Người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân là bác sỹ Đặng Minh Hiền, Trưởng khoa Ngoại tổng quát và bác sĩ Phong. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đã thành công, sức khỏe của bệnh nhân có chuyển biến tốt, đang tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
15. Công an tỉnh Đồng Tháp phát hiện cơ sở sản xuất mì tươi chứa hàn the: Ngày 9/5, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường vừa phối hợp cùng Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng khoa học Công nghệ Đồng Tháp tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất mì sợi Phú Hiền, tọa lạc tổ 27, khóm 3, phường 6, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), do Phan Thị Diệu Hiền (SN 1975) làm chủ cơ sở. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở sản xuất có hành vi pha trộn chất hàn the vào nguyên liệu để sản xuất mì tươi. Đây là loại chất có thể gây ngộ độc cấp và mãn tính, gây trầm cảm, làm tổn thương thận, rối loạn chức năng… và không loại trừ khả năng gây ung thư. Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản niêm phong 120ckg mì sợi thành phẩm và 60 lít dung dịch đã pha trộn chất hàn the, để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
16. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu kiểm tra bếp ăn của trường học: Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, ông Lê Văn Tâm vừa chủ trì cuộc họp với các cơ quan ban ngành có liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm ở Trường Mẫu giáo Tư thục Sao Mai, quận Ninh Kiều để rút kinh nghiệm. Trung tâm y tế Dự phòng và Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Cần Thơ đã đến trường Sao Mai lấy mẫu thức ăn, nhưng do trường lưu mẫu không đầy đủ nên chỉ lấy được 3 loại còn sót lại tại bếp là trứng luộc, bánh mì ngọt hương bò sữa và chuối cau. Kết quả xét nghiệm vi sinh âm tính, mẫu bệnh phẩm là chất nôn được lấy quá trễ tại bệnh viện (lúc các cháu đã nôn hết chỉ còn nước) nên không làm được. Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, sẽ tiếp tục điều tra dịch tễ học để tìm ra nguyên nhân ngộ độc, đồng thời rút kinh nghiệm các trường về việc lưu mẫu thực phẩm đầy đủ, và phải thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có hiện tượng ngộ độc ở học sinh. Cũng theo ông Nghĩa, sắp tới ngành Y tế và Giáo dục sẽ phối hợp kiểm tra các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn về an toàn thực phẩm.
17. Hơn 3.100 nhà thuốc ở thành phố Hồ Chí Minh tham gia bình ổn thị trường: Giá bán thuốc bình ổn thấp hơn 5-10% so với giá thị trường đã góp phần tăng niềm tin cho người dân, khẳng định vị thế của thuốc sản xuất trong nước. Đến nay, thành phố có hơn 3.100 nhà thuốc bán lẻ và bệnh viện tham gia chương trình bình ổn. Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2015 đến nay, danh mục thuốc bình ổn đã tăng từ 530 mặt hàng lên trên 550 mặt hàng, bao gồm 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước với 170 hoạt chất điều trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mạn tính, người bệnh có nhu cầu sử dụng nhiều. Giá bán của các loại thuốc trong chương trình bình ổn luôn duy trì ở mức thấp hơn giá thị trường từ 5% đến 10%. Trong năm nay, số công ty tham gia đã tăng lên 14 công ty với 3.169 nhà thuốc bán lẻ và tất cả các nhà thuốc bệnh viện tham gia. Để tiếp tục mở rộng chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm, ngành y tế thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2015, sẽ có trên 3.500 điểm bán tại các nhà thuốc đạt chuẩn GPP.
II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI
18. Tổ chức Y tế thế giới -WHO đưa ra thông những thông lệ tốt nhất để đặt tên cho các bệnh truyền nhiễm mới trên người: Ngày 8/5, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các nhà khoa học, các cơ quan chức năng quốc gia và các phương tiện truyền thông đại chúng thực hiện theo các thông lệ tốt nhất trong việc đặt tên cho các bệnh truyền nhiễm mới của con người để giảm thiểu tác động tiêu cực không cần thiết trên các quốc gia, các nền kinh tế và người dân.
"Trong những năm gần đây, một số bệnh truyền nhiễm mới trên người đã xuất hiện. Việc sử dụng tên như "cúm lợn" và "Hội chứng hô hấp Trung Đông' đã có những tác động tiêu cực ngoài ý muốn do sự kỳ thị những cộng đồng hoặc những nền kinh tế nhất định," Tiến sĩ Keiji Fukuda, trợ lý Tổng giám đốc An ninh Y tế, WHO cho biết. "Điều này có vẻ như một vấn đề bình thường đối với một số người, nhưng các tên bệnh thực sự quan trọng đối với những người bị ảnh hưởng trực tiếp. Chúng tôi đã thấy các tên bệnh nhất định kích động một phản ứng chống lại các thành viên của các cộng đồng tôn giáo, dân tộc đặc biệt, tạo ra các rào cản phi lý để đi du lịch, thương mại và thương mại, và kích hoạt không cần giết mổ động vật thực phẩm. Điều này có thể có những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống và sinh kế của người dân. "
Bệnh thường được đặt tên phổ biến bởi những người bên ngoài cộng đồng khoa học. Một khi tên bệnh được sử dụng phổ biến qua Internet và các phương tiện truyền thông xã hội, họ rất khó để thay đổi, ngay cả khi đó là một tên không phù hợp. Vì vậy, điều quan trọng là bất cứ ai lần đầu tiên báo cáo về một bệnh nhân mới được xác định sử dụng một cái tên thích hợp mà nó có tính khoa học và được xã hội chấp nhận.
19. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo 10 cách đo lường cho dịch bệnh HIV:
Ngày 11/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra hướng dẫn mới đề xuất đơn giản hóa các chỉ số để đo lường độ bao phủ của các dịch vụ HIV, và tác động đạt được ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu. Việc hợp nhất các hướng dẫn thông tin chiến lược mới cho HIV trong ngành y tế đang được đưa ra trong buổi tư vấn giám sát HIV thứ 3 bắt đầu từ ngày 11/5 tại Bangkok, Thái Lan. Các hướng dẫn này được phát triển trong quan hệ đối tác với Quỹ Toàn cầu, UNAIDS, UNICEF và Tổ chức Hành động Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Cứu trợ AIDS (PEPFAR).
Những chỉ số này là: 1. Số người sống chung với HIV; 2. Kinh phí trong nước; 3. Mức độ bao phủ của dịch vụ dự phòng; 4. Số người được chẩn đoán; 5. Độ bao phủ các hoạt động chăm sóc HIV; 6. Độ bao phủ hoạt động điều trị; 7. Duy trì điều trị; 8. Ngăn chặn vi-rút; 9. Số người chết vì HIV; 10. Số ca nhiễm mới.
Dựa trên những thông tin thiết yếu được thu thập trên những 10 lĩnh vực chính này, các chuyên gia HIV sẽ có thể để đánh giá quy mô của bệnh, và tác động đạt được như là kết quả của những đầu tư được thực hiện ở quốc gia, hoặc trên toàn cầu.
20. Người Mỹ giảm cân như thế nào? Để giảm cân và giữ được trọng lượng cơ thể tối ưu bảo đảm sức khỏe, người Mỹ đã tính toán lượng ca lo mỗi ngày, hoặc mỗi ngày chỉ nên dung nạp khoảng 1200kcalo (tương đương mỗi bữa nạp khoảng 400kcalo); ăn trưa theo kiểu bento: đây là cách mà người Mỹ thực hiện để duy trì vóc dáng, những hộp Bento nhiều màu với nhiều ngăn khác nhau lại giúp ích rất lớn cho quá trình giảm cân. Thông thường, một hộp Bento đựng thức ăn sẽ có một ngăn đựng cơm, ngăn đựng rau, ngăn đựng thực phẩm chứa protein và canh. Nó tạo cho bạn một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và với một lượng thích hợp các loại thực phẩm tránh việc muốn ăn quá nhiều một loại nào đó. Ghi nhật ký, theo như các chuyên gia thì ghi nhật kí hàng ngày là một việc rất quan trọng. Bởi vì, nó ghi lại mọi thứ, giúp bạn kiểm soát được lượng calo, những bài tập đã thực hiện, mức độ duy trì và phát triển cường độ tập luyện cũng như chế độ ăn uống. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh lại sao cho phù hợp với quá trình giảm cân để đạt được hiệu quả cao nhất. Đốt cháy calo bằng tập thể dục hàng ngày. Ngủ nhiều hơn, không thức khuya cũng là một cách đốt cháy calo. Chia nhỏ bữa ăn và nhai chậm lại là bí quyết không mới. Nhưng ở Mỹ, người ta tỉ mỉ và cẩn thận với từng bữa ăn nhỏ. Trong mỗi khẩu phần ăn (bữa sáng, bữa trưa hay bữa tối) họ sử dụng một dụng cụ nhằm chia từng loại thức ăn với một lượng vừa phải, dụng cụ đó được gọi là lunch buddies.
21. Ăn uống lành mạnh sẽ giảm nguy cơ suy thoái nhận thức: Một khảo sát quy mô quốc tế do Viện Thần kinh học Mỹ công bố trên tờ Neurology cho thấy chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giúp ích cho sức khỏe thể chất mà còn giúp người cao tuổi minh mẫn và chậm thoái hóa về nhận thức hơn so với những người dùng thực phẩm kém lành mạnh. Khảo sát liên quan đến 27.860 người hơn 55 tuổi không bị đái tháo đường, tiền sử bệnh tim, đột quỵ hoặc bệnh động mạch ngoại biên tại 40 nước. Trắc nghiệm về khả năng nhận thức được thực hiện khi bắt đầu khảo sát, 2 năm và 5 năm sau đó bao gồm: Định hướng không gian và thời gian; nhớ từ vựng; khả năng ngôn ngữ; chú ý và tính toán cũng như kỹ năng xác định không gian 3 chiều. Người tham gia được yêu cầu trả lời chi tiết về khẩu phần ăn như thịt, cá, trứng, rau quả, hạt, chế phẩm từ đậu nành... cũng như dùng rượu. Kết quả cho thấy trong số 5.687 người ăn uống lành mạnh nhất, chỉ có 782 người bị suy thoái nhận thức, chiếm tỉ lệ 13,8%. So sánh trong số 5.459 người ăn uống kém lành mạnh nhất, có 987 người bị suy thoái nhận thức, tỉ lệ là 18,1%. Nhóm chỉ đạo nghiên cứu khẳng định: “Để kết luận, chúng tôi thông báo rằng ăn uống lành mạnh kéo giảm nguy cơ suy thoái nhận thức. Cải thiện chất lượng bữa ăn theo hướng kiêng thực phẩm có hại là mục tiêu quan trọng nhằm giảm gánh nặng toàn cầu về suy thoái nhận thức”. Các nhà khoa học khuyến cáo nên chú ý ăn uống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ.