Điểm tin ngày 07/7/2016
08/07/2016 | 07:52 AM



1. Phòng thực hành lâm sàng và mô phỏng trong gây mê tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức: chiều ngày 6/7, Công ty GE Healthcare (công ty cung cấp thiết bị y tế của Hoa Kỳ) phối hợp với Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, Bệnh viện Việt Đức và Công ty Viet Medical tổ chức khánh thành Phòng thực hành lâm sàng và mô phỏng trong gây mê hồi sức. Đây là mô hình phòng thực hành và đào tạo mô phỏng trong gây mê hồi sức đầu tiên tại Đông Nam Á với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo gây mê hồi sức cũng như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc điều hành gây mê an toàn cho các sinh viên y khoa, học viên, bác sĩ gây mê và nhân viên y tế trên toàn quốc. GE Healthcare tài trợ làm Phòng thực hành này bao gồm gói trang thiết bị trị giá 300.000 USD (tương đương hơn 6 tỷ đồng), trong đó có các máy gây mê, máy theo dõi bệnh nhân, máy thở và các thiết bị mô phỏng cơ bản. Bên cạnh đó, Viet Medical cung cấp mô hình mô phỏng bệnh nhân và hệ thống camera giám sát phòng thực hành. Các thiết bị sẽ được sử dụng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cho các bác sĩ Việt Nam trong công tác gây mê an toàn, từ đó cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân. PGS. TS. Công Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi rất vui khi có Phòng thực hành lâm sàng và mô phỏng trong gây mê hồi sức hiện đại, có tính chính xác cao như thế này. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai ở Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của GE Healthcare và Viet Medical đồng thời kỳ vọng vào việc đào tạo, xây dựng các kịch bản tình huống cho các học viên gây mê và sinh viên y khoa cũng như sự hợp tác trong đào tạo mô phỏng với các tổ chức, hiệp hội gây mê hồi sức trong khu vực Đông Nam Á”. Phòng thực hành lâm sàng và mô phỏng trong gây mê hồi sức tại Bệnh viện Việt Đức nằm trong cam kết của GE Healthcare về xây dựng năng lực và đầu tư tại các địa phương nơi GE hoạt động thông qua việc thúc đẩy phát triển giáo dục và kĩ năng cho các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế. Theo báo cáo của Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam năm 2014, tại Việt Nam, nhu cầu đào tạo cho các bác sĩ gây mê là rất lớn vì mới chỉ có 1 bác sĩ gây mê trên 134.434 người. So với các nước láng giềng như Singapore (1 bác sĩ gây mê trên 22.140 người) và Philippines (1 bác sĩ gây mê trên 40.875 người). Phòng thực hành tiền lâm sàng và mô phỏng trong gây mê hồi sức có khả năng đào tạo 400 sinh viên, học viên và bác sĩ gây mê hàng năm trên khắp đất nước. Trước mắt, Phòng thực hành lâm sàng và mô phỏng trong gây mê hồi sức sẽ mở cửa cho các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức và thành viên của Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, sau đó sẽ đào tạo học viên gây mê hồi sức trên khắp Việt Nam cũng như từ các nước Đông Nam Á. Ông Nilesh Shah, Tổng giám đốc Life Care Solutions, GE Healthcare khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ: “GE Healthcare cam kết không chỉ cung cấp các máy móc và công nghệ tiên tiến cho Việt Nam mà còn hỗ trợ giáo dục và đào tạo liên quan đến các công nghệ này để đảm bảo các cơ sở y tế có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân”. GE Healthcare là đối tác hỗ trợ Chính phủ và các cơ sở y tế Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng hệ thống y tế và đào tạo bác sĩ. Trước đó, tháng 3/2015, GE Healthcare đã tài trợ 250.000 USD cho Bệnh viện Bạch Mai nhằm hỗ trợ phát triển và nâng cao kĩ năng cho các bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực.
(753 từ)
2. Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin chính thức về vụ “bảo vệ Bệnh viện chặn xe cứu thương chở bệnh nhi nặng về quê”: Sáng 6/7, PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, đã chính thức thông tin đến báo chí, khẳng định không có việc bảo vệ ngăn cản xe ô tô cứu thương làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân mà các mạng xã hội đang lan truyền. Ngay từ sáng ngày 5/7, khi có thông tin về vụ việc, Ban giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã họp khẩn để xác minh thông tin. Tham dự cuộc họp còn có đại diện Công ty bảo vệ AZ; Công an phường Láng Thượng và cán bộ PC45 - Công an Thành phố Hà Nội. Theo giải trình của các bên liên quan, khoảng 8h45’ ngày thứ 7, 2/7/2016, xe cấp cứu biển kiểm soát 37A - 13612 (biển trắng) bật đèn và rú còi đi vào cổng bệnh viện sau đó đi đến đỗ tại sảnh thanh toán viện phí - trước cửa khoa Cấp cứu & Chống độc. Lúc này trên xe chỉ có 2 người, không có bệnh nhân. Khi phát hiện chiếc xe trên vào dừng đỗ thì lực lực bảo vệ AZ (Bệnh viện ký hợp đồng với công ty AZ) làm nhiệm vụ đến nhắc nhở và yêu cầu lái xe mở cửa và xuất trình giấy tờ nhưng lái xe không chấp hành. Sau đó 2 bên đã to tiếng với nhau như cảnh quay đã được đưa lên mạng xã hội. Khoảng 9h30 sáng cùng ngày, người nhà bệnh nhân đưa bệnh nhân ra xe, lực lượng bảo vệ AZ đã kiểm tra và người nhà bệnh nhân xuất trình giấy tờ xuất viện hợp lệ. Đây là trường hợp bệnh nhi Trần Công D, sinh ngày 9/10/2015 (Tam Hợp - Quỳ Hợp - Nghệ An) mắc bệnh tim bẩm sinh nặng Fallot 4/Giãn não thất/Suy dinh dưỡng nặng. Bệnh nhi đã được phẫu thuật tim ngày 21/6/2016. Sau mổ, bệnh nhi được theo dõi tại khoa Hồi sức ngoại. Tuy nhiên, do tình trạng đa dị tật bệnh bẩm sinh nặng, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. Sau khi được các bác sỹ giải thích, gia đình xin đưa cháu về. Sau khi kiểm tra và xác minh trên xe có bệnh nhân thuộc trường hợp nặng, diễn biến xấu, gia đình xin về. Sau đó 5 phút, khoảng 9h35 phút cùng ngày thì lực lượng bảo vệ giải quyết cho xe đi. Sau khi di chuyển được khoảng 20m thì lái xe dừng lại, không đi nữa và tự gọi điện thoại đến lực lượng 113. Phía bảo vệ cũng mời ngay công an phường Láng Thượng đến giải quyết. Xe ra khỏi viện khoảng 10h30 phút sáng cùng ngày. Vì thế, BV Nhi Trung ương khẳng định không có hiện tượng bảo vệ ngăn không cho xe chở bệnh nhân về nhà vì lợi ích riêng. Tuy nhiên, BV Nhi Trung ương cũng thừa nhận, khi xảy ra to tiếng, bảo vệ đã sử dụng ngôn từ giao tiếp chưa phù hợp. Kỹ năng xử lý vụ việc của phía lực lượng bảo vệ đối với với lái xe và người nhà bệnh nhi là chưa đạt yêu cầu. Mặt khác, lái xe cứu thương cũng chưa chấp hành nội quy của ngành Y tế (không có bệnh nhân trên xe vẫn rú còi ưu tiên). Bệnh viện cũng đã đình chỉ công tác toàn bộ kíp trực bảo vệ tại cổng số 1 của công ty AZ ngày 2/7/2016 và yêu cầu viết tường trình. Đồng thời đề nghị công an vào cuộc và xác minh, làm rõ xe cấp cứu nêu trên có phải của Trung tâm cấp cứu 115 hay là xe tư nhân thường xuyên đi đón khách. PGS Minh Hương cho biết, sau vụ việc này Bệnh viện cũng đã đề nghị công ty bảo vệ AZ xây dựng lại quy trình đào tạo nhân lực, đặc biệt lưu ý kỹ năng giao tiếp, tính chuyên nghiệp trong công việc; đổi mới phong cách và thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh và gia đình. Có biện pháp xử lý nghiêm với các bảo vệ kíp trực vì đã cách ứng xử chưa phù hợp làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.
(781 từ)
3. Nhiều độc giả phản ứng dữ dội với thái độ của bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương: Sau khi một số báo điện tử, trong đố có báo Phapluatplus.vn đăng tải thông tin Bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương cản xe cứu thương chở bệnh nhi nặng về quê, nhiều độc giả đã tỏ ra phẫn nộ, lên án gay gắt những hành vi này. Hầu hết mọi người đều tỏ ra bức xúc, phẫn nộ trước thái độ ngạo mạn và cách cư xử thiếu chuẩn mực của những nhân viên bảo vệ tại đây. Độc giả Công Bình bày tỏ: "Đây là sự bao che buông lỏng của bệnh viện. Cần kỷ luật, nghiêm khắc kiểm điểm đội ngũ cán bộ. Nhờ Báo chí vào cuộc thì sự việc mới thành, chứ mấy cái đường dây nóng của bệnh viện không tích sự gì, tan chảy hết rồi". "Đây là bầy “giã thú” chứ đâu phải con người. Tại sao những nơi cần sự cảm thông, trợ giúp mọi người lại tồn tại những con sâu như thế này được? Ai là người chống lưng, tiếp tay cho tệ nạn này tại bệnh viện? Người dân biết tin vào ai? Sự việc diễn ra gần 2 tiếng đồng hồ mà lực lượng Công an Phường cũng không biết?", độc giả Nguyễn Nam Chiến bức xúc. Độc giả Nguyễn Mai Linh bình luận, "Tôi đã đọc rất nhiều bình luận với nhiều ý kiến khác nhau nhưng tôi thấy vấn đề ở đây nằm trong chính Bệnh viện. Nếu không có sự thao túng của lãnh đạo cấp cao thì làm sao bảo vệ và cò mồi lộng hành như vậy. Tôi rất mong muốn bộ y tế và các cơ quan chức năng can thiệp để cho người dân chúng tôi yên tâm mỗi khi đưa con em mình đến bệnh viện điều trị". Ngoài ra còn có nhiều ý kiến tỏ thái độ phê phán đối với Bệnh viện Nhi Trung ương vì đã để xảy ra sự lộn xọn đố trong khuôn viên bệnh viện. Đại diện lãnh đao Bệnh viên Nhi Trung ương cho biết đã làm việc với Công ty AZ, nơi quản lý những nhân viên bảo vệ trong kíp trực ngày 2/7 để làm rõ tình tiết xảy ra, đồng thời yêu cầu Công ty AZ kiểm điểm nghiêm khắc đối với những cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khẳng định, nếu Công ty AZ không kịp thời chấn chỉnh đội ngũ nhân viên của mình, Bệnh viện sẽ xem xét việc cắt hợp đồng thuê dịch vụ bảo vệ của Công ty này. Thông tin mới cho biết. Công ty AZ đã cho nghỉ việc đối với những nhân viên bảo vệ này để làm kiểm điểm. Lãnh đạo Công ty cam kết sẽ nghiêm túc xem xét sự việc để rút kinh nghiệm và chấn chỉnh đội ngũ nhân viên của Công ty.
(508 từ)
4. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với thành tựu ghép thành công ngón chân cho bàn tay: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được coi là “cái nôi” của ngành vi phẫu, với việc thực hiện thành công hơn 40 ca ghép khó chuyển ngón chân thành ngón tay cái cùng hàng nghìn ca ghép vi phẫu khác, cứu sống cuộc đời những người bệnh và giúp họ trở về hoà nhập với cuộc sống. Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các nước có thể thực hiện thành công hàng trăm ca vi phẫu phức tạp với tỉ lệ phục hồi trên 97%. Ngành Vi phẫu thuật của Việt Nam đã đóng góp và ghi danh vào nền y học văn minh của thế giới. Nhưng cao hơn cả thành tựu đó là những câu chuyện đầy nhân văn, khi sau mỗi ca phẫu thuật thành công là một cuộc đời được cứu sống, được thay đổi. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế, xu hướng phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt khi ý thức bảo hộ lao động của người dân còn chưa cao, đã khiến tai nạn lao động ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong đó tổn thương bàn tay chiếm tỷ lệ khá cao, nhiều người có vết thương đứt rời ngón tay đã khiến nhiều người trở thành tàn phế, mất đi cuộc sống, mất khả năng lao động doi bàn tay có vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt, lao động của mỗi người. Theo PGS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện TƯQĐ 108, ngón tay cái chiếm tới 50% chức năng của bàn tay, khi ở tư thế đối chiếu nó kết hợp với 4 ngón tay dài tạo thành gọng kìm để cầm nắm ngón nhặt đồ vật. Chính vì vậy, các tổn thương gây mất ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái làm giảm tương đối nhiều chức năng bàn tay, ảnh hưởng trầm trọng đến lao động và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Với trình độ chuyên môn ngày càng phát triển, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phẫu thuật thành công chuyển ngón chân thành ngón tay cái cho nhiều người bị tai nạn lao động. Năm 1981, cố GS Nguyễn Huy Phan (Bệnh viện TƯQĐ 108) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nối ngón tay bị đứt lìa khỏi bàn tay đầu tiên đánh dấu sự ra đời Ngành Vi phẫu thuật ở Việt Nam. Đến nay sau hơn 3 thập kỷ, “cái nôi” của ngành vi phẫu - Bệnh viện TƯQĐ 108 đã thực hiện thành công hơn 40 ca ghép khó chuyển ngón chân thành ngón tay cái cùng hàng nghìn ca ghép vi phẫu khác, cứu sống cuộc đời những người bệnh và giúp họ trở về hoà nhập với cuộc sống. Kỹ thuật tạo hình phục hồi ngón tay cái là một trong những kỹ thuật khó, là một thách thức lớn cho các nhà phẫu thuật viên. Trên thế giới, tỷ lệ thành công cũng chỉ được đánh giá trong khoảng 60 – 90%. Hiện nay, từ việc kế thừa những kỹ thuật của GS Nguyễn Huy Phan, đã có nhiều phương pháp mới để tái tạo ngón tay cái. Trong đó, việc phẫu thuật chuyển ngón chân tái tạo thành ngón tay cái là kĩ thuật hiện đại, tiên tiến và được nhiều phẫu thuật viên trên thế giới ứng dụng. Phương pháp này có nhiều ưu điểm: ngón được phục hồi đáp ứng cả về chức năng vận động, cảm giác và tính thẩm mỹ cao, di chứng ảnh hưởng đến chức năng của bàn chân gần như không đáng kể. Hiện nay Bệnh viện TƯQĐ 108 có 2 đơn vị thực hiện kỹ thuật vi phẫu: Khoa phẫu thuật Hàm mặt & Tạo hình, chuyên làm các tạo hình vùng đầu, mặt, cổ,… và các cơ quan khác như dương vật, phần ngực,…; Khoa Chấn thương chỉnh hình, làm vi phẫu tại các phần trên cơ thể.
Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ nghiên cứu ghép tử cung cho các bệnh nhân nữ không có tử cung, nhằm giúp phụ nữ vô sinh hiếm muộn có thể có con như bình thường. Ngoài ra, kỹ thuật vi phẫu hiện nay cũng đang được thực hiện ở một số bệnh viện, trung tâm y tế lớn trên cả nước, trả lại cuộc sống cho hàng nghìn bệnh nhân với những tổn thương tưởng chừng như không thể chữa lành được.
(789 từ)
5. Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016-2020: ngày 06/7 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016-2020. Hội nghi diễn ra trong 2 ngày 6-7/7. Vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay là một trong những thách thức và là mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tại Hội nghị, nhiều kết quả nghiên cứu đã được trình bày, cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặc biệt ở các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị. Một nghiên cứu được Bộ Y tế tiến hành mới đây trên 9.345 người bệnh bị mắc các chứng bệnh do nhiễm khuẩn bệnh viện tại 10 bệnh viện cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8% và viêm phổi bệnh viện chiếm 55,4%. Một khảo sát khác của Bệnh Nhiệt đới Trung ương trên 3.600 bệnh nhân của 15 bệnh viện, cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn lên đến 27,3%. Trong đó, các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn cao hơn hẳn các cơ sở y tế khác. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, một nghiên cứu cắt ngang của Sở Y tế trên tất cả các bệnh viện công lập cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 6,4%, trong đó, viêm phổi đứng hàng đầu, chiếm 54,3%, kế đến là nhiễm khuẩn tiết niệu 12,3%, nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết tương đương nhau 10%. Các kết quả nghiên cứu thực tế cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tuyến trung ương cao hơn bệnh viện tuyến địa phương. Trong khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh lại thường xuyên phải đối phó với các dịch bệnh nguy cơ lây nhiễm cao do tác nhân lây bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C và nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, lao phổi và các vi khuẩn đa kháng kháng sinh,... Đặc biệt, với tình trạng xuất hiện nhiều bệnh nhiễm khuẩn mới nổi có tỷ lệ tử vong cao trong cộng đồng như Ebola, MERS-CoV, sởi, dịch hạch,... làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế. Không chỉ vậy, nhiễmk huẩn bệnh viện còn là nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kỹ thuật cao như ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc,... Hiện nay, do các bệnh viện quá tải trầm trọng, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt đã dẫn đến tình trạng nhiễm chéo này. Theo Bộ Y tế, khó khăn của công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện, đó là do một số người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, do vậy, chưa đầu tư phù hợp cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như chưa có chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác kiểm soát nhiễm để họ yên tâm công tác và cống hiến tâm huyết cho ngành. Theo Bộ Y tế, nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa thành lập đơn vị quản lý hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn; 20,8% số bệnh viện có trên 150 giường bệnh chưa thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; 33% bệnh viện đã thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn nhưng chưa bổ nhiệm Trưởng khoa. Bên cạnh việc tổ chức hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn còn nhiều hạn chế, nhân lực làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn hiện nay rất thiết và yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chi phí cho kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được tính đúng, tính đủ vào chi phí hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh. Để tăng cường công tác nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế bên cạnh việc chỉ chú trọng vào việc mua sắm máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để đầu tư tương xứng.
(847 từ)
6. Cán bộ y tế Nghệ An đổi mới phong cách và thái độ phục vụ người bệnh: Ngày 6/7, Sở Y tế Nghệ An tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2016, cán bộ, nhân viên Sở Y tế đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đề ra, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của ngành. Theo đó, Đảng ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS… Nhờ những nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức, ngành Y tế Nghệ An đã đạt được kết quả đạt đáng kể. Việc thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013-2020” tiếp tục được đẩy mạnh, công tác đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển chuyên môn kỹ thuật y tế được tăng cường, củng cố các kỹ thuật mới như ghép thận, mổ tim, phẫu thuật thần kinh sọ não, can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim hở…;m đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm giảm tải bệnh viện, “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” phát huy hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành y tế đã chủ động, tích cực phòng, chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, chủ động xử lý không để dịch phát triển và lan rộng. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đạt được kết quả tích cực. Công tác phòng chống HIV/AIDS đạt những kết quả quan trọng. Đến nay đã có 12 cơ sở điều trị Methadone với 1.739 bệnh nhân, 25 cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS với 3.738 bệnh nhân đang được điều trị ARV. Công tác DSKHHGĐ, VSATTP được quan tâm, chú trọng. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, trong 6 tháng cuối năm 2016, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung các chỉ tiêu Đại hội Đảng các cấp, đề ra giải pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn đảm bảo tiến độ, có chất lượng; Đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; xây dựng và thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Quán triệt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016-2020; cũng như hoàn thành kế hoạch công tác của ngành Y tế Nghệ An năm 2016.
(566 từ)
7. Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ cứu sống sản phụ bị mất máu nặng do nhau tiền đạo: Ngày 6/7, nguồn tin từ Bệnh viện Phụ Sản TP Cần Thơ cho biết, bệnh viện này vừa cấp cứu thành công trường hợp sản phụ mang thai lần 3, thai 34 tuần, nhau tiền đạo, ra huyết ồ ạt. Sản phụ sinh năm 1988, ngụ tại Bình Minh, Vĩnh Long. Bệnh nhân N. được chuyển đến Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ trong tình trạng thai 34 tuần, nhau tiền đạo ra huyết, choáng do mất máu nặng. Ngay lập tức các bác sĩ đã cấp cứu, hội chẩn viện và quyết định vừa hồi sức tích cực vừa mổ lấy thai cấp cứu. Bé gái, nặng 2200 gram. Do bệnh nhân mất máu quá nhiều, trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân N. được các bác sỹ truyền 2 đơn vị khối hồng cầu. Bác sĩ Vũ Đăng Khoa - Người trực tiếp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân, cho biết, những sản phụ có bánh nhau bình thường sẽ bám ở vùng đáy hoặc thân tử cung. Còn sản phụ bị nhau tiền đạo nghĩa là bánh nhau nằm ở đoạn dưới tử cung. Nhau tiền đạo là một biến chứng không thể lường trước, nó gắn liền cùng quá trình phát triển tự nhiên của bào thai. Bình thường nhau thai bám vào đáy tử cung, có thể ở mặt trước hoặc sau. Tuy nhiên, trong quá trình thai nhi phát triển, vì một số lý do nào đó mà bánh rau bám vào đoạn dưới của tử cung hoặc vào cổ tử cung thì gọi là nhau tiền đạo. Chính hiện tượng này là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong thời kỳ có thai, khi chuyển dạ và thậm chí sau sinh. Tỉ lệ rau tiền đạo là 1/200 trường hợp phụ nữ mang thai nhưng cũng hay gặp ở những phụ nữ có tử cung phát triển bất thường, phụ nữ đã sinh đẻ nhiều, đã mang thai đôi, thai ba… Tỉ lệ những phụ nữ dễ mắc rau tiền đạo cũng hay gặp ở những người có vết sẹo cũ ở tử cung do đã từng mổ lấy thai, phẫu thuật tử cung, nạo hút thai. Phụ nữ hút thuốc lá hay có con khi tuổi đã cao cũng tăng nguy cơ bị nhau tiền đạo. Nhau tiền đạo có thể dẫn đến băng huyết khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé. Nhau tiền đạo dẫn đến ra huyết âm đạo bất kể tuổi thai. Nếu không có hướng xử trí kịp thời, nhanh nhạy của các Bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, mẹ và bé có thể tử vong. Hiện tại cả sản phụ và trẻ sơ sinh đều khỏe, trẻ da bé hồng, khóc to và phản xạ tốt, và đang được tiếp tục nằm theo dõi tại bệnh viện. Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ luôn chú trọng đến việc cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm mục đích chăm sóc và điều trị tốt nhất đối cho sản phụ và người bệnh nhằm tiến tới sự hài lòng của người bệnh, xứng đáng là “ Nơi gửi trọn niềm tin” cho người dân như tiêu chí của Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ.
(573 từ)
8. Báo động tình trạng nạo phát thai ở tuổi vị thành niên: Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, năm 2010 cả nước có 470.000 ca phá thai, trong đó hơn 9.000 ca là vị thành niên. Đến năm 2015, trong tổng số gần 280.000 ca phá thai thì có khoảng hơn hơn 5.500 ca là trẻ vị thành niên. Con số trên được ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, nêu ra tại hội thảo về dân số chiều 5/7, với chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”. Theo ông Dương, trong những năm qua, tỷ lệ mang thai, phá thai vị thành niên có giảm nhưng vẫn tương đối cao. Tỷ lệ mang thai vị thành niên nước ta năm 2010 là 3,24%, 2012 là 3,24%; 2013 giảm 3,21%; 2014 2,78% và 2015 là 2,66%. Trong hơn 180.000 ca phá thai năm 2015 thì có hơn 5.500 ca là trẻ vị thành niên. Bên cạnh đó, trong tổng số ca đẻ năm 2015 thì có hơn 42.000 ca là vị thành niên, chiếm hơn 3,5%. Tuy nhiên, đây là những con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa kể đến số ca nạo thai ở các cơ sở y tế tư nhân bởi nhiều người với tâm lý e ngại nên không đến các cơ sở y tế công để nạo hút thai mà lựa chọn các cơ sở y tế tư nhân. Vì thế, theo các chuyên gia, số liệu thực tế về nạo phá thai ở trẻ vị thành niên Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy tỉ lệ nạo phá thai trẻ vị thành niên chiếm đến gần 20% số ca nạo phá thai trong cả nước. Các chuyên gia cảnh báo việc mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những hệ lụy và hậu quả nặng nề. Vì ở lứa tuổi quá nhỏ, thể chất cũng như tinh thần chưa được phát triển ổn định, chưa sẵn sàng làm mẹ nên những em bé sinh ra từ những người mẹ vị thành niên sẽ thiệt thòi hơn các trẻ khác. Còn với nạo phá thai khi còn nhỏ tuổi cũng là vấn đề đe dọa sức khỏe, thậm chí để lại di chứng vô sinh sau này. Có nhiều yếu tố dẫn đến việc mang thai, phá thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên. Trong đó, nguyên nhân phần lớn là do các em chưa được cung cấp kiến thức về giới tính, tình dục. Nhiều bậc cha mẹ ngại nói về chủ đề nhạy cảm này với con cái, thậm chí tránh nhắc đến vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Trong hệ thống trường học, việc dạy sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính mới chỉ được lồng ghép vào các môn học nhưng còn hình thức, theo “kiểu cưỡi ngựa xem hoa”.
(514 từ)
9. Ba bác sỹ ở Hà Tĩnh đã hiến máu kịp thời cứu sống bệnh nhân: ngày 4/7, bệnh nhân Nguyễn Thị Luyện, 62 tuổi, trú tại xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh sau khi phát hiện một khối u lớn ở vùng bụng. Sau khi khám, hội chẩn, các bác sỹ quyết định mổ lấy khối u cho bệnh nhân. Chiều ngày 5/6 bệnh nhân Luyện được tiến hành phẫu thuật, bóc khối u và cắt bỏ phần tử cung. Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân bị mất máu khá nhiều. Phía bệnh viện đã kêu gọi người nhà của bệnh nhân hiến máu khẩn cấp nhưng vẫn không huy động được đủ nguồn máu nên tình thế của bệnh nhân hết sức nguy hiểm. Trước tình hình đó, ba bác sỹ của bệnh viện tình nguyện hiến máu cứu bệnh nhân. Đó là các bác sỹ: Bác sỹ Trương Ngọc Anh, Phó khoa Gây mê, bác sỹ Nguyễn Viết Thọ, Phó khoa Sản và bác sỹ Lâm Phúc Công, công tác tại khoa Sản. Những bác sỹ này đã hiến 2 đơn vị máu. Số máu này sau đó đã được trực tiếp truyền cho bệnh nhân. Bác sỹ Nguyễn Quang, Trưởng khoa Điều trị Nội trú theo yêu cầu (thuộc bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh) cho biết: “Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, các bác sỹ đã trực tiếp phẫu thuật cắt bỏ khối u ổ bụng có kích thước 20x15cm ra khỏi người bệnh nhân. Đến nay sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và hiện đang điều trị theo phác đồ”. “Trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân đã được tiếp nhận một lượng máu do các bác sỹ trong bệnh viện hiến tặng, góp phần đưa bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch”, bác sỹ Quang cho biết thêm. Đây không phải là lần đầu tiên ba bác sỹ này hiến máu cứu bệnh nhân. Ngày 6/7, ông Nguyễn Viết Đồng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, có 3 bác sĩ ở bệnh viện này vừa hiến máu cứu sống sản phụ Võ Thị Lượng (26 tuổi, ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) vì bị mất máu nặng. Sản phụ Võ Thị Lương nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, tim thai rời rạc, ra nhiều máu... Các bác sĩ khoa sản bệnh viện tiến hành cấp cứu, truyền dịch trợ sức, đồng thời chuyển thẳng phòng mổ. Trong quá trình phẫu thuật lấy thai, sản phụ bị mất máu nặng cần phải được truyền 5 đơn vị máu (nhóm máu O) cấp cứu để cứu sống mẹ và bé. Tuy nhiên lượng máu dự trữ của bệnh viện chỉ còn 2 đơn vị trong khi đó người nhà không có ai trùng với nhóm máu của sản phụ Lượng. Có mặt tại phòng phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Viết Thọ, bác sĩ Lâm Phúc Công (ở khoa sản) và bác sĩ Trương Ngọc Anh (khoa gây mê) biết mình cùng nhóm máu với sản phụ nên hiến trực tiếp 3 đơn vị máu, kịp thời cứu sống sản phụ và một bé trai nặng 2,1 kg. Theo ông Đồng, hiện tại sức khỏe của mẹ và bé trai đang dần bình phục và đang được chăm sóc, theo dõi.
(591 từ)
10. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị phương án đối phó với dịch bệnh từ địa phương ngoài: hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, với tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm đã xuống rất thấp, tuy nhiên tại các tỉnh thành khác, dịch bệnh đang gia tăng. Ngành y tế thành phố lo ngại, mùa mưa và khi thời điểm học sinh bắt đầu năm học mới, nguy cơ bệnh truyền nhiễm sẽ tràn vào thành phố. Đó là một trong những vấn đề trọng tâm được BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết tại cuộc họp giao ban y tế dự phòng quận huyện trên địa bàn TPHCM (ngày 6/7). Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, số ca bệnh tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến ngày 30/6 là 2.528 ca. Về cơ bản, ngành y tế đã từng bước kiểm soát, đẩy lùi bệnh tay chân miệng nên số người mắc giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm trước và không có trường hợp tử vong. Trung bình mỗi tuần trên địa bàn thành phố chỉ còn ghi nhận hơn 120 ca bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết cũng giảm sâu. Nếu cộng dồn từ đầu năm, số ca bệnh lên tới 8.257 ca và tăng so với cùng kỳ năm trước là 72%. Tuy nhiên phân tích của BS Nguyễn Trí Dũng chỉ ra: “Năm nay bệnh sốt xuất huyết đến sớm, thời điểm đầu năm, số ca bệnh giao động từ 600 đến 800 ca mỗi tuần, nhưng đến nay mỗi tuần sốt xuất huyết chỉ còn khoảng hơn 100 ca. Bệnh đã giảm xuống đến đáy, dự báo thời gian tới khi đi sâu vào mùa mưa, bệnh sẽ tăng trở lại.” Cùng với hai loại bệnh trên, đầu tháng 6/2016, bệnh não mô cầu xuất hiện tại TPHCM khiến một bệnh nhi 5 tháng tuổi (ngụ tại quận 11) tử vong. Ngành y tế dự phòng đã tăng cường các biện pháp điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Trong tháng qua, thành phố chưa ghi nhận thêm ca bệnh viêm não mô cầu mới mắc. Trước nguy cơ dịch từ các tỉnh tràn vào và bùng phát triển diện rộng, Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo cộng đồng cần tăng cường các biện pháp phòng chống: giữ nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, phát quang bụi rậm quanh nhà, lật úp các vật dụng phế thải, vật chứa nước không sử dụng đến, thường xuyên ngủ mùng, sử dụng hóa chất diệt muỗi, tăng cường kiểm tra, diệt lăng quăng theo định kỳ mỗi tuần từ 1 đến 2 lần… Cùng với 2 loại bệnh trên, BS Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh: “Dù không phải địa phương có dịch viêm não Nhật Bản, nhưng các tỉnh phía Bắc đang vào mùa dịch. Thời điểm nghỉ hè, rất đông phụ huynh và con em họ về thăm quê hoặc tham quan du lịch ở các tỉnh miền Bắc nên nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.” Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cần chủ động đặt hàng vắc xin viêm não Nhật Bản, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân.
(573 từ)
11. Chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực: Chất lượng của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tương đương nhau nhưng giá thành điều trị vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam rẻ hơn gần 5 lần so với thế giới. Đây là điểm ngày càng thu hút bệnh nhân ngoại quốc đến Việt Nam để tìm kiếm dịch vụ điều trị vô sinh trong các bệnh viện phụ sản của Việt Nam. Hiện nay, dịch vụ điều trị vô sinh, hiếm muộn ở khu vực Châu Á và các nước phát triển thuộc Châu Âu có các mức giá rất khác nhau, tại Mỹ là 14.000 USD; Singapo 10.000 USD; Thái Lan 9.000 USD; Campuchia: 6.000 USD. Tại Việt Nam chi phí trung bình cho một trường hợp điều trị vô sinh, hiếm muộn chỉ giao động ở mức trên dưới 3.000 USD. Trong khi đó, tại 2 bệnh viện phụ sản hàng đầu của Thành phố Hồ Chí Minh là Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương, người bệnh có nhu cầu điều trị sẽ thanh toán khoản viện phí cố định cho bệnh viện khoảng 16 triệu đồng cho môi trường nuôi cấy, vật tư tiêu hao, kim chọc hút trứng, catheter chuyển phôi… Ngoài ra, người bệnh phải chi trả một khoản khác là tiền mua thuốc chích cho bệnh nhân để tạo trứng. Khoản này không cố định mà tùy thuộc tình trạng đáp ứng của bệnh nhân với thuốc tốt hay không, bác sỹ sẽ dùng liều cao hoặc thấp. Ước tính, khoản tiền thuốc tốn kém khoảng 25 đến 30 triệu đồng. Như vậy, tổng chi phí cho một chu kỳ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở bệnh viện công là 40 đến 45 triệu đồng cho chu kỳ đầu tiên. Trong chu kỳ đầu tiên, tùy vào số lượng trứng thu thập được, bệnh nhân có thể có nhiều phôi hoặc ít phôi. Trường hợp lý tưởng, bệnh nhân trẻ, dự trữ buồng trứng tốt, không có bệnh lý vùng chậu, thông thường số trứng thu được vào khoảng 12 đến 15 trứng, từ số trứng này có thể tạo được 10 đến 12 phôi. Trong chu kỳ chuyển phôi đầu tiên, thông thường bác sĩ chuyển tối đa là 2 đến 3 phôi. Còn lại 7 đến 9 phôi sẽ được trữ đông dùng trong những lần chuyển phôi sau. Trong những chu kỳ chuyển phôi trữ đông sau đó, bệnh nhân chỉ phải tốn một khoản tiền rất ít (khoảng 5 đến 6 triệu đồng) cho một chu kỳ. Tỷ lệ thành công của một lần chuyển phôi (cả phôi đông và phôi tươi) là 40 đến 45%. Tỷ lệ thành công cộng dồn cho một cặp vợ chồng thực hiện IVF sau 3 đến 4 chu kỳ chuyển phôi tươi và đông tương đương 70 đến 75%. BS.CK2 Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn bệnh viện Hùng Vương, TPHCM cho hay, chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản của Việt Nam hiện không thua kém các nước trong khu vực và thế giới. Các trung tâm IVF trong nước đã thực hiện hầu hết kỹ thuật có trên thế giới và tỷ lệ thành công tương đương với các trung tâm IVF của nước ngoài (trừ những kỹ thuật giá thành quá đắt tiền, các trung tâm của Việt Nam chưa trang bị). Sau 12 năm thành lập, các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn tại bệnh viện Hùng Vương đang thu hút được nhiều bệnh nhân từ Châu Âu, Châu Á đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Theo đánh giá của PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, hỗ trợ sinh sản đang trở thành thế mạnh của các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các bệnh viện ở Việt Nam nói chung nhờ kỹ thuật tốt và giá thấp hơn nhiều so với những nước cùng trình độ.
(685 từ)
12. Phát hiện 1.402 vụ vi phạm an toàn thực phẩm tại Hà Nội: Theo Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội, chỉ riêng 6 tháng đầu năm các lực lượng Công an Thành phố đã kiểm tra, phát hiện 1.402 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm và 240 vụ vi phạm về vệ sinh thú y. Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự 02 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1.485 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 6,7 tỷ đồng. Lực lượng Công an Hà Nội đã tịch thu, tiêu huỷ 1.246 chai rượu ngoại, 1.500 lít rượu vang Laroca; 8.160 kg phụ gia thực phẩm; 18.986 kg sản phẩm động vật, 9.423 kg gia cầm, 1.761 kg thuỷ hải sản; 18.120 kg mỡ động vật, 1.000 kg tóp mỡ, 1.477 kg da, bì động vật; 2.910 kg ruốc, 7.540 kg măng, 5.300 kg ngó sen, 1.600 kg công xôi khô; 3.573 kg mứt, ô mai; 613 kg rau - củ - quả, 1.338 kg trái cây các loại; 1.684 sản phẩm sữa các loại; 20 tấn bánh kẹo các loại; 10.560 sản phẩm nước ngọt; 612 kg sản phẩm gia vị; 10.937 kg dược liệu; 91.060 sản phẩm thực phẩm chức năng... Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội cho biết, hiện nay tình hình hoạt động tội phạm và vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Các hoạt động vi phạm chủ yếu bằng các hình thức như sử dụng phụ gia, hoá chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau - củ - quả, thịt, cá, đố uống và kinh doanh dịch vụ, nhất là các điểm kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không đảm bảo quy chuẩn trong chăn nuôi, trồng trọt, có dư lượng hoá chất độc hại hại, kháng sinh cao (tạo nạc, đột biến gien, tạo năng suất cao,...). Hiện tại trên địa bàn thành phố có 919 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 184 cơ sở trồng rau sạch; trên 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Cảnh sát môi trường cũng phát hiện các đối tượng sản xuất, buôn bán, vận chuyển lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả, hàng nhái và đặc biệt nguy hiểm là đưa những sản phẩm trên vào các cơ sở được phép hoặc chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, như các siêu thị, các đại lý chính hãng. Tất cả các vụ vi phạm an toàn thực phẩm đều bị các cơ quan chức năng xử phạt theo qiuy định của pháp luật. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe, nên nhiều trước họp tái vi phạm.
(517 từ)
13. Khoáng một ngàn trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh được điều trị miễn phí: bệnh tim bẩm sinh ở Việt Nam đã xuất hiện từ rất lâu, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn chưa biết đến căn bệnh này, ngay cả khi con mình đã nhập viện. Điều này khiến cho mức độ nguy hiểm của căn bệnh quái ác lại càng được nhân đôi khi cha mẹ không có được sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức lẫn tinh thần, cho con trong những tháng đầu thai kỳ cũng như sau khi hạ sinh trẻ. Theo thông kê của Bộ Y Tế, hàng năm nước ta có 12.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng chỉ có 6.000 trẻ được phẫu thuật, số còn laị phải chờ và thậm chí tử vong trước khi được phát hiện bệnh. Trong 100 trẻ được sinh ra sẽ có một trẻ đối mặt với căn bệnh này. Bệnh tim bẩm sinh chiếm đến 90% trong tổng số các bệnh tim mạch ở trẻ và trong đó có đến 50% trường hợp bệnh tim bẩm sinh không xác định được nguyên nhân. Các nguyên nhân còn lại dẫn đến những bất thường về cấu trúc tim và mạch máu lớn ngay khi trẻ được sinh ra thường do gen di truyền hoặc do môi trường (nhiễm virus, nhiễm khuẩn, hóa chất, tia xạ, tia X, di truyền và việc sử dụng các loại thuốc). Một số dị tật có thể đi kèm bệnh tim bẩm sinh là hội chứng Down, sứt môi – chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay – ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ. Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không có biểu hiện gì, do dị tật không nặng, mà chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khoẻ. Để có thể cứu sống các em, mọi phẫu thuật hoặc can thiệp đều được khuyến cáo thực hiện trong năm đầu đời với tỉ lệ thành công rất cao. Căn bệnh gây khó khăn cho nhiều gia đình, không chỉ bởi tình hình sức khỏe của trẻ, mà còn bởi khả năng tài chính của phụ huynh. Số tiền phẫu thuật dao động từ 3.000 – 5.000 USD không phải là một số tiền nhỏ với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chi phí phẫu thuật cao khi đó trở thành cản trở duy nhất cũng là lớn nhất để trẻ em Việt Nam có thể có một cuộc sống bình thường. Do đó, các gia đình thường buông xuôi và chỉ biết trông chờ vào những phép màu kỳ diệu. Ước mơ nhỏ nhoi giành lại cho em một cuộc sống bình thường, không phải chịu đau đớn khổ sở, lại càng xa tầm với. Với sự ra đời và giúp đỡ của tổ chức Nhịp Tim Việt Nam, niềm hy vọng về một trái tim khoẻ mạnh của các bé lại được thắp lại. Quỹ đã hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho các bé từ 3.000-5.000USD chỉ còn 1.200 USD (khoảng 26 triệu đồng). Hiện đang có rất nhiều tổ chức ủng hộ và kêu gọi gây quỹ để các em có đủ khả năng được phẫu thuật như “Vết sẹo cuộc đời” do Ngô Thanh Vân tổ chức và duy trì (đã đến mùa thứ 6) và đã cứu được hơn hàng ngàn em trong các năm qua.
Tuy nhiên như vậy vẫn là chưa đủ với số lượng các em ngoài kia vẫn đang chờ phẫu thuật. Do đó, cần lắm những tấm lòng của những người mẹ đồng cảm, những gia đình đã và đang có các em bé khoẻ mạnh và các tổ chức, cá nhân cùng chung tay chia sẻ thông tin về căn bệnh này và cùng hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho các em. Chiến dịch “Hành trình 10 bước chân” ra đời để kết nối mọi người lại với nhau, cùng nhau cứu lấy thế hệ tương lai không bị tim bẩm sinh. Chương trình dự kiến sẽ gây quỹ cứu lấy hơn 1.000 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và mở ra cơ hội cho rất nhiều em nhỏ nữa được phẫu thuật và sớm trở về với cuộc sống bình thường.
14. Làm thế nào để kiểm soát tốt bệnh hen: Dù đã có thuốc ngừa cơn hen giúp bệnh nhân có thể sống khỏe và làm việc như bình thường nhưng vì thiếu hiểu biết hoặc hiểu không chính xác về bệnh hen đã khiến nhiều bệnh nhân bị trả giá bằng tính mạng. Theo PGS PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Trưởng Trung tâm Chăm sóc hô hấp và thăm dò chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, hen là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu, tần suất mắc hen gia tăng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Hen ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và là gánh nặng cho ngành y tế, gia đình và xã hội. Nhiều bệnh nhân hen không được điều trị hoặc điều trị không đúng thường xuyên bị khó thở, khò khè, mất ngủ, phải đi cấp cứu vì cơn hen cấp. Một khảo sát năm 2010 của Bộ Y tế VN cho thấy có khoảng 3,6 triệu người Việt Nam (chưa kể trẻ em) mắc hen, nhưng chỉ gần 40% bệnh nhân được kiểm soát hen đúng phương pháp. Còn rất nhiều bệnh nhân hen chưa được tiếp cận với liệu pháp điều trị tiêu chuẩn, phải đi cấp cứu thường xuyên vì cơn hen cấp. Chính vì việc kiểm soát hen chưa tốt nên đã dẫn đến nhiều trường hợp tử vong một cách đáng tiếc, như đầu tháng 5/2016 một nữ bệnh nhân 36 tuổi ở Quảng Trị đến bệnh viện cấp cứu vì khó thở, mệt; sau khi được tiêm thuốc cấp cứu bệnh nhân đã tử vong; sau đó người nhà bệnh nhân này cho biết bệnh nhân bị hen nhiều năm nay. Ngoài những sai lầm do không khai thác tiền sử bệnh tật của bệnh nhân, theo ThS.BS Nguyễn Như Vinh, Giảng viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, còn có những sai lầm trong điều trị bệnh hen thường xảy ra từ cả phía người bệnh và một số thầy thuốc, cơ sở y tế. Theo bác sĩ Như Vinh, hen là bệnh mãn tính của đường hô hấp, chữa được nhưng không chữa khỏi. Mục tiêu của điều trị hen là kiểm soát cơn hen, giúp bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng khò khè, khó thở ban ngày (dưới 2 lần/2 tuần); giúp bệnh nhân hoạt động thường ngày kể cả tập thể dục; không có triệu chứng ban đêm hay không thức giấc vì hen; không cần điều trị cắt cơn (dưới 2 lần/tuần); chức năng phổi bình thường hay gần bình thường; không có cơn hen cấp. Tuy nhiên, thực tế việc kiểm soát hen không đơn giản. Về phía cơ sở y tế, bác sĩ điều trị, việc chẩn đoán đúng bệnh hen còn chưa tốt do nhiều cơ sở y tế chưa có máy hô hấp ký nên chỉ dựa vào khám lâm sàng, bảng câu hỏi tầm soát hoặc đo bằng lưu lượng đỉnh kế. Có nơi tuy có máy đo nhưng kỹ thuật viên chưa được tập huấn kỹ nên đo bị sai. Khi điều trị, vẫn còn một số nơi cho bệnh nhân dùng thuốc giãn phế quản (uống, chích) dạng uống hoặc bệnh nhân tự mua thuốc này uống, gây nhiều tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài... Bác sĩ Như Vinh nhấn mạnh bản chất của hen là viêm đường thở (tức phải dùng thuốc kháng viêm). Khi lạm dụng thuốc giãn phế quản sẽ không kiểm soát được tình trạng viêm của đường hô hấp, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn không hồi phục. Nguy hiểm hơn, nếu dùng thuốc giãn phế quản 5-10 năm sẽ dẫn đến tắc nghẽn đường thở cố định, làm bệnh nhân chuyển sang bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng nề hơn và gần như không có thuốc trị. Về phía bệnh nhân, một số ít không có thuốc ngừa cơn hen để trị, hoặc có thuốc nhưng sử dụng không đúng hướng dẫn. Đặc biệt, việc điều trị sai khi dùng các biện pháp không chính thống, không có bằng chứng khoa học khiến tình trạng kiểm soát hen kém đi. Ngoài ra, hiểu biết của bệnh nhân về điều trị hen còn chưa đúng: lạm dụng thuốc cắt cơn, sử dụng thuốc ngừa cơn, khi thấy khỏe lên thì ngưng thuốc... Hậu quả là dẫn đến kết quả điều trị không như mong muốn, bệnh nhân phải thường xuyên đi cấp cứu, thậm chí tử vong vì cấp cứu không kịp. “Với mục đích không còn tử vong và người bệnh hen được sống như một người bình thường, Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh và đa số các bệnh viện ở Việt Nam đã thực hiện theo tiêu chí của GINA là phòng ngừa cơn hen” - PGS Tuyết Lan nói. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, theo PGS Tuyết Lan, các cơ sở y tế phải đáp ứng 6 mục tiêu trong kiểm soát hen cho bệnh nhân là: đạt được và duy trì việc kiểm soát triệu chứng; ngừa cơn hen duy trì chức năng hô hấp càng gần với mức bình thường càng tốt; duy trì mức độ hoạt động bình thường kể cả gắng sức; tránh các tác dụng phụ của thuốc điều trị hen; phòng ngừa tắc nghẽn đường thở không hồi phục; và ngăn ngừa tử vong do hen. Ngoài ra, mỗi Tỉnh cần ít nhất một đơn vị quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) trong cộng đồng, phát triển đến các quận huyện và phường xã. Về phía các bác sĩ phải kiểm soát được bệnh hen cho bệnh nhân trên cả hai phương diện: kiểm soát được triệu chứng hiện tại và ngăn ngừa các nguy cơ trong tương lai: đợt kịch phát, tác dụng phụ của thuốc và tổn hại đường thở vĩnh viễn. Đồng thời hiện nay, Hội Hen - dị ứng - miễn dịch lâm sàng TP.HCM và VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại TP.HCM đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng, nhằm tuyên truyền rộng rãi cách phòng và điều trị bệnh hen cho người dân. (1056 từ)
15. Bộ Y tế đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo: Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Quyết định về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo thay thế cho Quyết định 59 trước đây về khám chữa bệnh cho người nghèo, để trình Thủ tướng Chính phủ; trong đó Bộ Y tế đã đề xuất nhiều chính sách, chế độ mới cho người nghèo. Theo dự thảo, đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ gồm: (1) Người thuộc hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; (2) Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015; (3) Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; (4) Người thuộc hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình khi điều trị các bệnh: ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc điều trị các bệnh không lây nhiễm khác gặp khó khăn do chi phí điều trị cao và không đủ khả năng tự chi trả chi phí điều trị. Cũng theo dự thảo, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các tỉnh) phải thành lập Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh. Quỹ được mở tài khoản tại hệ thống kho bạc Nhà nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh, trong đó quy định cụ thể nội dung, mức hỗ trợ cho một số đối tượng theo quy định sau: Hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng (1), (2) khi điều trị nội trú tại: các bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến huyện trở lên; các bệnh viện, viện có giường bệnh thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng 3% mức lương cơ sở chung/người bệnh/ngày điều trị. Hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến cơ sở điều trị, từ cơ sở điều trị về nhà và chuyển tuyến cho các đối tượng (1), (2) khi điều trị nội trú tại các cơ sở điều trị trên và các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa người bệnh về nhà nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ. Ngoài ra, dự thảo cũng quy đình rõ việc thanh toán chi phí vận chuyển bệnh nhân cho trường hợp sử dụng phương tiện vận tải của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trường hợp không sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở y tế; mức phí thanh toán cho những trường hợp các đối tượng (1), (2), (3) … Dự thảo nêu rõ, Quỹ không hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trái tuyến, vượt tuyến) hoặc khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Riêng đối với việc hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh thực hiện theo quy định tại Quyết định số 55a/2013/QĐ-TTgngày 4/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh. Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế.
(703 từ)
16. Hà Nội chuẩn bị đối phó với mùa dịch sốt xuất huyết: Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, thành phố ghi nhận 419 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, các trường hợp mắc chủ yếu tập trung ở 11 tuần đầu năm và bắt đầu tăng nhanh trở lại trong vài tuần gần đây, trùng với thời điểm Hà Nội bắt đầu xuất hiện một số cơn mưa. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hiện nay đang trải qua những ngày nắng nóng, lại có những trận mưa đan xen. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết. Mặt khác, thời tiết thay đổi thất thường, mưa nhiều, độ ẩm cao cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp và bệnh truyền nhiễm như đau mắt đỏ... phát triển. Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, nhằm chủ động ngăn chặn, không để sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa này và những tháng cuối năm nay, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch phun hóa chất, vệ sinh môi trường diệt muỗi và bọ gậy trên địa bàn. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức 2 đợt cao điểm phun hóa chất diện rộng, tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, đợt 1 từ tháng 7-8, đợt 2 từ tháng 10-11 tới. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ lựa chọn những xã, phường có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh để tổ chức chiến dịch phun hóa chất… Về biện pháp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hạn chế tử vong do sốt xuất huyết, PGS.TS. Phạm Nhật An cho biết, bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện: sốt rất đột ngột, bệnh nhân có biểu hiện đau mỏi, người lớn đau đầu, đau sau hốc mắt, trẻ em quấy, ngoài ra còn đau cơ, thân thể. Nếu mắc sốt xuất huyết dengue, trẻ thường sốt cao, dùng thuốc có thể giảm nhưng khống chế sốt không trở về bình thường được; ngoài ra sốt xuất huyết có các triệu chứng khác như viêm đường hô hấp trên, đau bụng, đau họng... PGS.TS Phạm Nhật An, Bệnh viện Nhi Trung ương, khuyến cáo, với các bệnh nhân sốt xuất huyết không có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, thì có thể chữa ở nhà bằng thuốc hạ sốt, cung cấp đủ nước, điện giải như dùng orezol, còn khi mắc sốt xuất huyết nguy hiểm như bệnh nhân có đau bụng, biểu hiện xuất huyết nhiều, trẻ li bì, nôn nhiều, chân tay lạnh, khó thở... cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế/bệnh viện được điều trị; tuyệt đối không tự điều trị trong trường hợp này, vì nguy hiểm đến tính mạng, có thể dẫn tới tử vong.
(520 từ)
II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI
17. Có sự hiểu sai về mối liên quan giữa paracetamol và bệnh tự kỷ: Một nghiên cứu gần đây trên tờ Journal of Epidemiology thấy rằng các bé trai liên tục tiếp xúc với paracetamol trong bụng mẹ có nguy cơ bị bệnh tự kỷ cao hơn. Nhưng giám đốc khoa học của tổ chức chuyên về bệnh tự kỷ Autistica, TS James Cusack, nhấn mạnh rằng "không đủ bằng chứng" để ủng hộ nhận định này. "Nghiên cứu này không cung cấp đủ bằng chứng để ủng hộ nhận định rằng có mối liên quan mạnh mẽ giữa việc sử dụng paracetamol và sự có mặt của các triệu chứng tự kỷ. Các kết quả được trình bày chỉ có tính sơ bộ, và vì vậy không phải là vấn đề đáng lo ngại đối với các gia đình hoặc phụ nữ mang thai". Những phát hiện ban đầu được thu thập khi các nhà nghiên cứu tại Tây Ban Nha tiếp nhận 2.644 cặp mẹ-con trong một nghiên cứu thuần tập khi mang thai, và hỏi các bà mẹ về việc sử dụng paracetamol trong khi mang thai. Theo kết quả, khi đánh giá vào lúc 5 tuổi, những trẻ tiếp xúc có nguy cơ cao bị các triệu chứng tăng động hoặc xung động. Nhưng không thể ghi nhận được liều chính xác do các bà mẹ không thể nhớ được chính xác, điều mà các chuyên gia cho rằng đã khiến cho nhận định trở nên thiếu đầy đủ. "Đúng như các tác giả đã nói, cần có thêm những nghiên cứu có kiểm soát thận trọng các yếu tố khác để xem rút cuộc liệu có tồn tại một mối liên quan như vậy hay không," TS Cusack phát biểu. Ông nói thêm rằng đã có "một loạt các yếu tố môi trường liên quan đến bệnh tự kỷ mà sau này bị phủ nhận", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập đầy đủ bằng chứng trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào như vậy. Bệnh tự kỷ đã được mô tả từ những năm 40 của thế kỷ 20, nhưng cho đến nay vẫn được coi là điều mới mẻ với nhiều người, thậm chí cả với những nhân viên làm trong ngành y tế. Căn bệnh này đang lan rộng và phổ biến nhất ở các trẻ.Và thật khó xác định được những vấn đề tâm sinh lý trong giai đoạn phát triển đầu đời của những trẻ mắc bệnh tự kỷ. Nguyên nhân của nó trước tiên có thể là do môi trường sống mà bé tiếp xúc hằng ngày hoặc do chính sự thiếu hụt về sự quan tâm, săn sóc và lắng nghe trẻ từ phía những ngưởi làm cha làm mẹ. Lâu dần khi không có biện pháp can thiệp hay nhận biết đúng cách sẽ dễ khiến trẻ rơi vào tình trạng nghiệm trọng hơn. Theo số liệu từ khoa phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết năm 2007 có tới 268% số trẻ em mắc bệnh tự kỉ, và số liệu này vẫn không ngừng tăng lên, nhưng việc nhận biết triệu chứng bệnh tự kỉ ở trẻ để phát hiện sớm và chăm sóc trẻ còn chưa được quan tâm nhiều, các bà mẹ còn thiếu nhiều kiến thức về Bệnh tự kỷ.