Điểm tin ngày 01/11/2014
02/11/2014 | 10:29 AM



I.THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC
1. Tăng cường phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch:
Ngày 31/10/2014, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ bàn giao xe ô tô bán tải chuyên dụng cho các Trung tâm Y tế huyện thuộc 16 tỉnh thuộc Dự án Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, giai đoạn 2 từ năm 2011 – 2015, sử dụng vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á và một số Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế chưa được trang bị xe ô tô phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Đợt cung cấp phương tiện vận tải này là một trong những hoạt động của Dự án nhằm từng bước nâng cao năng lực cho các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng đáp ứng với tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ngày càng diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các đơn vị sử dụng hiệu quả, đúng mục đích phương tiện vận tải này nhằm nâng cao tính cơ động, sẵn sàng phòng chống dịch bệnh ở các địa phương.
2. Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật mổ tim cho Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa:
Ngày 30/10, 3 bệnh nhân tim hở đã được phẫu thuật thành công tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa dưới sự hỗ trợ của ekip bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bệnh nhân được phẫu thuật trong đợt này là những bệnh nhân có bệnh lý tim hở. Cuộc phẫu thuật diễn ra với sự tham gia của các y bác sĩ bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia, bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tim của Bệnh viện Chợ Rẫy. Dự kiến mỗi tháng, êkip bác sĩ của 2 bệnh viện sẽ phối hợp thực hiện các ca mổ tim hở tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Đây là đợt chuyển giao kỹ thuật lần thứ 6 giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa theo Đề án Bệnh viện vệ tinh về phẫu thuật tim giai đoạn 2013-2020. Theo đề án, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa được chọn là bệnh viện vệ tinh chuyên khoa tim mạch của Bệnh viện Chợ Rẫy và chuyên khoa ung bướu của Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa các gói như phẫu thuật bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý động mạch vành, động mạch chủ, cấp cứu tim mạch và đặt dụng cụ hỗ trợ tim. Tổng giá trị của Đề án bệnh viện vệ tinh được Bộ Y tế phê duyệt là 44 tỷ đồng.
3. Báo Thanh niên tặng thẻ bảo hiểm y tế cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn:
Trong hai ngày 30 – 31/10, Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh đoàn Bạc Liêu, Tỉnh đoàn Sóc Trăng và nhà tài trợ là một doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM trao tặng 600 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), với tổng trị giá hơn 370 triệu đồng cho bà con ngư dân, người dân tộc Khmer, người mắc bệnh hiểm nghèo hoàn cảnh khó khăn ở các xã, phường ven biển thuộc tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.
4. Cháu bé 4 tuổi ở Sơn La bị nhiễm sán lá gan do ăn thịt bò tái:
Một cháu bé 4 tuổi ở Sơn La phải vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng khó thở, nôn liên tục, tràn dịch màng tim do ăn thịt bò tái. Theo gia đình bệnh nhi, 2 tuần trước khi nhập viện, người nhà có cho cháu ăn thịt bò tái và cua nướng, một tuần sau cháu xuất hiện sốt, đau đầu, đau bụng và chướng bụng. Tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân được thở ô xy và chọc hút dịch ngoài màng tim cấp cứu. Sau vài giờ, cháu bé đã thoát cơn nguy hiểm, tình trạng khó thở giảm.
Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dịch màng tim của trẻ có màu vàng, lẫn nhiều sợi trắng và mảnh, nhìn như đốt sán. Bạch cầu trong máu tăng cao, các bác sĩ nghi ngờ cháu bé bị nhiễm ký sinh trùng. Các bác sĩ tiếp tục xét nghiệm dịch màng ngoài tim phát hiện bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn. Theo bác sĩ, sán lá gan lớn là loại sán có kích thước 3-4 cm x 1cm. Người bệnh thường nhiễm sán do không tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn thức ăn tái, nội tạng động vật nhiễm sán chưa được nấu chín, uống nước lã….Sau khi đi vào cơ thể người, sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da (ký sinh lạc chỗ). Tùy vào số lượng sán và vị trí ký sinh trùng khu trú mà bệnh nhân nhiễm sán có những biểu hiện điển hình hoặc không điển hình.
Các bác sĩ khuyến cáo để đề phòng mắc bệnh do ký sinh trùng, gia đình cần tuân thủ vệ sinh ăn uống: không ăn sống các loại rau mọc dưới nước, không uống nước lã. Trong trường hợp thấy trẻ có biểu hiện mệt mỏi, gầy yếu, vàng da, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nên đưa con đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc do nhiễm sán gây ra.
5. Thành phố Hồ Chí Minh: Hàng trăm học sinh bị nghi nhiễm vi khuẩn salmonella gây tiêu chảy:
Liên quan đến vụ hàng trăm học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, quận 12 bị sốt, nôn mửa, tiêu chảy phải nghỉ học hàng loạt, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản báo cáo cho Sở Y tế, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh, tập trung mối nghi ngờ vào sự xuất hiện của vi khuẩn salmonella gây bệnh tiêu chảy. Thống kê cho thấy, số ca mới nghỉ học trong mỗi ngày do nghi ngờ mắc tiêu chảy dao động từ 6 đến 19 em. Kết quả xét nghiệm 26 mẫu bệnh phẩm được lấy vào ngày 24 và 25/10 cho thấy xuất hiện 6 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn salmonella, 12 mẫu có vi khuẩn Ecoli. Mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn salmonella được gửi sang Viện Pasteur thành phố làm xét nghiệm để khẳng định lại mối nghi vấn này. Vi khuẩn Salmonella có thể gây ra các triệu chứng như sốt, tiêu chảy, nôn mửa, nhức đầu…Đây là những triệu chứng xuất hiện ở hàng trăm học sinh phải nghỉ học tại Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến. Trong 10 ngày từ ngày 21 đến 30/10, có đến 224 học sinh phải nghỉ học.
Các bác sỹ khuyến cáo nhà trường về những biện pháp vệ sinh, khử khuẩn tại trường: “Bên cạnh việc tổng vệ sinh thì nhà trường đã tăng cường vệ sinh ở những nơi có nguy cơ cao như nhà vệ sinh. Nhà trường cũng đã có kế hoạch lắp đặt thêm bồn rửa tay và tăng cường truyền thông cho trẻ phải biết rửa tay sau khi vệ sinh và trước khi ăn”.
6. Hải Phòng kiểm soát chặt 3 người từ vùng dịch Ebola trở về:
Theo thông báo của Sở Y tế Hải Phòng, 03 người ở Hải Phòng đang được cơ quan y tế kiểm soát chặt chẽ khi họ vừa trở về từ vùng dịch Ebola. Một người đã qua 21 ngày an toàn, 2 người còn lại mới qua thứ ngày thứ 10 của quy định giám sát và đang tiếp tục được kiểm soát. Công tác kiểm soát và ngăn dịch được triển khai nghiêm túc dựa trên những rà soát các vùng họ đi qua và sức khỏe hàng ngày của cả 3 người trên. Đối với 3 trường hợp này, cơ quan y tế đã tập trung kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt xác minh lịch trình đi lại. Trường hợp ở Cát Hải là ca di chuyển qua nhiều địa phương. Trung tâm Y tế dự phòng thường xuyên liên lạc bằng điện thoại với cá nhân và người thân của người này để nắm bắt kịp thời tình hình sức khỏe và các biểu hiện để có phương án xử lý kịp thời.
7. Năm trẻ ngất sau tiêm văcxin là do phản ứng tâm lý đối với tiêm:
Ngày 30/10, Bộ Y tế thông báo kết luận vụ việc năm học sinh Trường THCS Bình Trị Đông A, TP.HCM bị sốc và ngất sau tiêm vắcxin sởi - rubella (ngày 28-10) là do phản ứng dây chuyền sau tiêm chủng. Theo thông tin từ Bộ Y tế, sau khi tiêm khoảng 30 phút, một học sinh trường này có dấu hiệu mệt, xỉu và bốn học sinh khác có dấu hiệu tương tự ngay sau đó. Hiện tượng này được coi là phản ứng dây chuyền sau tiêm chủng, do các em có lo lắng trước tiêm chủng, biểu hiện bằng các triệu chứng nôn, mệt, xỉu, suy nhược và đau đầu. Cả năm học sinh đều đã trở lại bình thường trong ngày. Bộ Y tế cho biết Trường THCS Bình Trị Đông A có 1.600 học sinh, 1.200 em trong số này đã được tiêm văcxin sởi - rubella, trong đó có năm em bị ngất mà Bộ Y tế cho rằng do phản ứng dây chuyền.
8. Bộ Y tế kết luận vụ gần 20 học sinh ngất xỉu sau tiêm vắc xin sởi – rubella là do sợ tiêm:
Ngày 27/10, các chuyên gia của Bộ Y tế đã đến kiểm tra, khám, hội chẩn cho các học sinh nêu trên và kết luận vắcxin sử dụng tiêm cho học sinh Trường Trung học cơ sở Cao Sơn là vắcxin trong chiến dịch tiêm sởi-Rubella do Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cấp, do Công ty Serum instate of India LTD (Ấn Độ) sản xuất đã được Bộ Y tế kiểm định và cấp phép sử dụng; hạn sử dụng của lô vắcxin này đến 1/5/2016; quy trình tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vắcxin đúng quy định; liều dùng, vị trí tiêm, kỹ thuật tiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tại thời điểm kiểm tra, khám lâm sàng cho các em học sinh cho thấy sức khỏe của các em bình thường, không có bất kỳ biểu hiện dị ứng da, không rối loạn ý thức, các năng lực định hướng đúng, nội khoa thần kinh không có phát hiện dấu hiệu bất thường; kết quả xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.
Theo bác sỹ Hoàng Quốc Miêng, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Lào Cai, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng các em học sinh Trường Trung học cơ sở xã Cao Sơn sau khi tiêm vắcxin có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, đau đầu và mệt xỉu là do tâm lý các em lo sợ tiêm, không phải do vắcxin. Tính năng điển hình là xuất hiện cấp tính, lây lan nhanh chóng. Các biểu hiện như trên cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đối với lứa tuổi dậy thì, lứa tuổi có sự thay đổi các trạng thái tâm lý khi tham gia tiêm chủng.
Ngành Y tế cũng khuyến cáo, các phụ huynh cần lưu ý cho con ăn no trước khi đi học hoặc trước khi đi tiêm chủng 30 phút để tránh trẻ bị đói, hạ đường huyết. Bên cạnh đó, các trẻ nhỏ khi tiêm vắcxin thường có cảm giác lo sợ, quấy khóc, đặc biệt là các trẻ có tâm lý sợ bơm kim tiêm nên khi tiêm chủng cho trẻ cần tạo môi trường thân thiện bằng các tranh ảnh, phim hoạt hình... để thu hút sự chú ý của trẻ nhằm làm giảm tâm lý lo âu, căng thẳng khi tiêm, đặc biệt các điểm tiêm chủng nên bố trí phòng chờ cho trẻ thoải mái về tâm lý, tránh để trẻ trực tiếp nhìn thấy việc tiêm chủng cho trẻ em trước đó dễ gây ra các biểu hiện tâm lý trên.
9. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội báo cáo về vụ côn đồ hành hung bệnh nhân ở Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội:
Ngày 31/10, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế thành phố Hà Nội đề nghị xác minh thông tin và sớm có giải pháp phát hiện sớm, xử lý nghiêm các đối tượng gây mất trật tự trong bệnh viện. Đồng thời đề nghị Sở Y tế căn cứ vào quy chế phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội kiểm tra, có giải pháp phát hiện sớm, xử lý nghiêm các đối tượng gây mất trật tự trong bệnh viện để đảm bảo môi trường an toàn cho cán bộ y tế chăm sóc điều trị bệnh nhân. Vụ việc liên quan đến một nhóm thanh niên xăm trổ cầm hung khí xông vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hành hung bệnh nhân đang điều trị tại đây ngày 30/10/2014.
10. Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Hưng Yên bị ngập úng:
Đợt mưa rào ngày 28 và 29/10 đã làm cho cả Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hưng Yên chìm trong nước vì bị úng ngập với độ sâu tới nửa mét. Theo cán bộ bệnh viện, tình trạng này diễn ra suốt 4 năm nay khi mùa mưa đến đã trở thành điệp khúc "thâm căn cố đế". Nguyên nhân cũng chỉ vì hệ thống cống thoát nước ngoài đường bị quên chưa thi công, nên nước mưa trong bệnh viện này không thoát đi đâu được. Hàng trăm con người từ y, bác sĩ đến người nhà bệnh nhân vô cùng khốn đốn khi phải bì bõm lội nước.
Ông Nguyễn Năng Quang, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi và thoát nước thành phố cho biết Công ty cũng đã đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hưng Yên về vấn đề này, nhưng vẫn chưa có ý kiến trả lời về nguồn kinh phí cho năm 2015 để thi công hạng mục thoát nước khu vực bệnh viện. Nếu thành phố khó khăn thì nên đề nghị tỉnh xem xét để có phương án giải quyết, bởi vấn đề ngập úng tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi là rất cấp thiết cần sớm được khắc phục.
11. Tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Y tế chấn chỉnh hoạt động khám chữa bệnh từ thiện:
Sau khi nhận được thông tin về Công ty Việt Mỹ đã tổ chức khám bệnh trái phép cho hàng trăm người dân ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau (ngày 10.10), bán thực phẩm chức năng trái phép, ông Trần Hiến Hùng, Phó Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết: “Tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế Cà Mau kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc tổ chức khám chữa bệnh trái phép này”.
Dư luận cho rằng, do buông lỏng quản lý của ngành chức năng nên những người đi bán thực phẩm chức năng dạo này mới “điều động” được nhân lực là cán bộ xã, ấp giúp mình trong việc hoạt động khám chữa bệnh trái phép.
12. Viện Quân y 21 cứu sống thanh niên bị kiếm đâm xuyên ngực:
Ngày 30/10, Viện Quân y 211 (Binh đoàn Tây Nguyên) đã cấp cứu thành công, cứu sống một trường hợp nam thanh niên bị đâm xuyên ngực, thủng qua phổi, vết thương đã làm tràn dịch, xẹp phổi phải, xuyên qua cơ hoành, qua gan rồi ra phía sau lưng. Khi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê do mất nhiều máu, vết thương nặng, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn rồi tiến hành phẫu thuật. Đến 9h sáng nay, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, mắt đã mở, mạch, huyết áp ổn định.
13. USAID hỗ trợ dịch vụ dự phòng HIV:
Ngày 31/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã chính thức khởi động Dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường nhằm khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân trong nước và thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường thương mại cho các sản phẩm và dịch vụ dự phòng HIV. Trong khuôn khổ Dự án, USAID sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân cung cấp các dữ liệu về thị trường, hồ sơ khách hàng, thành lập Nhóm cố vấn phát triển thị trường, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các giải pháp sáng tạo của các doanh nghiệp tham gia thị trường này. Để hình thành môi trường hiện đại cho hàng hoá và dịch vụ dự phòng HIV, dự án sẽ khai thác thị trường mới cùng nhà sản xuất, tạo cơ hội cho các kênh phân phối mới và kích cầu của người có nguy cơ cao (người nghiện chích ma tuý, phụ nữ mại dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới).
Dự án sẽ huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân ở các lĩnh vực như nhà nhập khẩu, sản xuất, phân phối hàng hóa dự phòng HIV, các nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân… Đồng thời, USAID cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để được hỗ trợ về chính sách và pháp lý, trong đó sẽ vận động đưa vào áp dụng con dấu bảo đảm chất lượng cho bao cao su và các hàng hóa, dịch vụ dự phòng HIV khác. Dự án được triển khai trong 5 năm, từ nay đến năm 2019, do tổ chức PATH (một tổ chức quốc tế phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực y tế) phối hợp với Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ và dân số và một số đơn vị khác thực hiện. Tổng kinh phí của dự án là 15 triệu USD.
14. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở thị trấn Trại Cau, tỉnh Thái Nguyên:
Thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, Hội Người cao tuổi thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực phối hợp với Phòng Y tế huyện, Trạm Y tế xã tổ chức tư vấn chăm sóc sức khoẻ; khám, điều trị miễn phí cho gần 400 người cao tuổi các bệnh về mắt, xương khớp, tiểu đường… Hội cũng vận động mọi người luyện tập các môn thể thao như cầu lông, dưỡng sinh Kinh lạc thao, đi bộ buổi sáng; vận động hội viên tham gia phong trào văn hoá, văn nghệ; ủng hộ hơn 3,4 triệu đồng hỗ trợ cho người cao tuổi bị bệnh hiểm nghèo, hội viên cô đơn hoàn cảnh khó khăn.
15. Phụ nữ cũng là đối tượng của các bệnh nguy hiểm về phổi:
Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng bệnh hô hấp chỉ tấn công nam giới do thói quen hút thuốc lá, làm công việc liên quan tới cơ khí… Nhưng thực tế, phụ nữ cũng là đối tượng của căn bệnh nguy hiểm này. Ngày nay số lượng nữ giới mắc ung thư phế quản (UTPQ) đang dần tăng, ngay cả với những người không hút thuốc lá. Bởi, nguyên nhân mắc bệnh không chỉ có thuốc lá mà còn có môi trường, gen di truyền. Việc thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm và hít các hạt vật chất li ti từ không khí ô nhiễm cũng có nguy cơ hình thành UTPQ. Khoảng 70% trường hợp UTPQ có ho, tức ngực. Nguyên nhân gây UTPQ thường do hút thuốc lá, tuy nhiên những người không hút chỉ hít phải khói thuốc cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, UTPQ là bệnh thường gặp và là sát thủ mạnh tay nhất trên toàn cầu. Nhiều triệu chứng của UTPQ rất mập mờ, do đó dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh khác. UTPQ ở giai đoạn sớm có thể không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh nặng hơn, có thể có các triệu chứng sưng phổi, nặng ngực, thở nằng nặng, ho húng hắng, dai dẳng… Bệnh nhân thường phát hiện bệnh trễ ở giai đoạn nặng. Do đó, cần đi khám tại chuyên khoa hô hấp khi có triệu chứng nghi ngờ. Đây là bệnh nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai vì có thể lây cho con. Thai phụ có nguy cơ cao bị nhiễm lao nếu trong thời gian này ăn uống không đủ chất, lao động quá sức… Khi bị lao, bà bầu cần tuân thủ điều trị của bác sĩ. Kết quả chữa bệnh lao ở thai phụ cũng tốt như ở những bệnh nhân lao khác. Điều cần nhớ khi mắc bệnh là không bỏ dở điều trị vì vi trùng lao kháng thuốc sẽ có hại cho cả mẹ và con.
16. Đề phòng Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD):
Các chuyên gia y tế khuyến cáo đối với phụ nữ khi qua 40 tuổi cần đi khám bệnh nếu có một trong những yếu tố nguy cơ sau: hút thuốc lá trên 10 năm, nấu bếp than củi trên 30 năm, tiếp xúc với khói bụi, khó thở, khó thở nặng dần theo thời gian, ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm, thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng. Đó là những triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Căn bệnh gây khó thở, mau mệt. Do triệu chứng mờ nhạt nên nhiều người mắc COPD nhưng không biết. Khi bệnh nặng, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn ngay với việc cài khuy áo. Ở giai đoạn cuối của bệnh, người bệnh phải thở oxy. Có nhiều nguyên nhân gây COPD, nhưng người ta thường cho rằng do hút thuốc lá và đối tượng bị bệnh là nam giới. Điều này đúng nhưng chưa đủ, vì có không ít nguyên nhân khác mà phụ nữ dễ gặp hơn nam giới, cụ thể: khói bếp, khói gas, khói do chụm lò than, khói đốt đồng rơm rạ, ô nhiễm môi trường, bụi trong xí nghiệp may, khí thải từ phân gà vịt trong chăn nuôi… Tại Việt Nam, khoảng 10% dân số mắc bệnh COPD hoặc hen phế quản. COPD và hen phế quản là một trong các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.
17. Hội nghị Nhãn khoa toàn quốc 2014:
Từ 30-10 đến 1-11 tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Hội nghị Nhãn khoa toàn quốc và hội nghị cận thị toàn quốc năm 2014 được tổ chức với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là các bác sĩ nhãn khoa, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên trong nước và quốc tế. Tại đây các chuyên gia đã có các trao đổi về kết quả nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật trong nhãn khoa như Thủy tinh thể và phẫu thuật khúc xạ; chấn thương mắt và di chứng; bệnh Glocôm; bệnh kết giác mạc; khối U và tạo hình trong nhãn khoa; thần kinh nhãn khoa… Các tư vấn về chăm sóc sức khỏe về mắt là một trong những chủ đề được Hội nghị quan tâm và thảo luận.
18. Bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo cách xử lý đối với kiến ba khoang:
Bác sỹ Phạm Thị Mai Hương – Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo khi gặp kiến ba khoang, không dùng tay trần để bắt, giết, miết. Khi bị chúng đốt, cần rửa sạch vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ. Khi thương tổn đã phỏng rộp, cần đến bác sỹ, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sỹ chỉ định thuốc phù hợp. Đề phòng côn trùng bay vào nhà, cần hạn chế mở cửa nhiều, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng. Các bác sĩ lưu ý khi làm việc dưới ánh đèn kiến ba khoang rất hay xuất hiện, cần phòng tránh. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
Thời gian gần đây, mỗi ngày phòng khám Da liễu Bệnh viện nhi TƯ tiếp nhận khoảng 10-20 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, gia tăng đáng kể so với trước đây. Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, cỏ mục, bãi rác thải, công trình đang xây dựng..., xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và rất thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn. Khi tiếp xúc với da, loài côn trùng này gây tổn thương da, giới chuyên môn gọi là viêm da tiếp xúc do côn trùng, người dân gọi là bệnh "giời leo”. Viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể nhầm với bệnh Zona.
19. Yếu tố tâm lý có thể gây “sốc” dây chuyền sau tiêm chủng:
Theo các chuyên gia y tế dự phòng, một số trường hợp học sinh sau khi tiêm chủng có biểu hiện đau dầu, mệt mỏi, buồn nôn là do tâm lý sợ tiêm. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, trong các chiến dịch tiêm chủng ở trường học, nên tiêm đầu tiên cho những trẻ không sợ tiêm. Nên có các cán bộ đoàn thanh niên, nhân viên hỗ trợ để giảm bớt lo lắng ở trẻ. Cho trẻ uống nước đường hoặc trà đường và theo dõi nhóm tiêm chủng đó sau tiêm 30 phút, khi trẻ có biểu hiện như trên, cần cách ly, trấn an và theo dõi.
Chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella đến nay đã có 58/63 tỉnh/thành phố triển khai đợt 1, với hơn 5 triệu trẻ đã được tiêm chủng đảm bảo an toàn. Vừa qua một số cơ sở báo cáo rằng có một vài học sinh sau khi tiêm chủng có những biểu hiện đau đầu, chóng mặt, mệt xỉu, buồn nôn. Những em này đã được các bác sĩ ngay lập tức chăm sóc, sức khỏe các em đã ổn định bình thường trong ngày. Đây là trạng thái bình thường do tâm lý các em lo sợ.
20. Bệnh viện Vinmec ký thỏa thuận hợp tác với bệnh viện đại học y hàng đầu Hàn Quốc:
Ngày 30/10, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Vinmec và Bệnh viện Đại học Phụ nữ EWHA - Hàn Quốc (EUMC) đã tổ chức lễ ký kết hợp tác, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các cán bộ y tế và bác sĩ bệnh viện. Theo thỏa thuận hợp tác này, EUMC sẽ hỗ trợ Bệnh viện ĐKQT Vinmec đào tạo, nâng cao kỹ thuật và điều trị các bệnh lý ở phụ nữ trong 3 lĩnh vực ung bướu, sản phụ khoa, và xương khớp trong thời gian 1 năm. Đây được xem là bước đi quan trọng của Vinmec trong chiến lược mở rộng chuỗi Bệnh viện và thành lập trường Đại học Y Vinmec. Hàng quý, EUMC sẽ cử các chuyên gia và bác sĩ tới bệnh viện ĐKQT Vinmec làm việc cũng như cập nhật các phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh tiên tiến trong ba lĩnh vực nói trên. Đồng thời, Vinmec cũng sẽ tổ chức các chuyến đào tạo tại Hàn Quốc cho các bác sĩ của bệnh viện để nâng cao chuyên môn khám chữa bệnh, học tập mô hình thực hành lâm sàng và đào tạo của EUMC, xây dựng quy trình điều trị quy chuẩn, chất lượng cao và hiệu quả.
21. Phòng khám Quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Pha Long (Mường Khương - Lào Cai) làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân:
Phòng khám Quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Pha Long (Mường Khương - Lào Cai) - Đơn vị hai lần được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang đã làm tốt công tác phối hợp với y tế địa phương cùng chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho dân, được nhân dân tin yêu, quý mến. Trong hoàn cảnh trình độ dân trí của dân còn thấp, hủ tục lạc hậu vùng cao nhất là trong cộng đồng người Mông còn nhiều, Phòng khám đã tuyên truyền vận động cho đồng bào tự biết giữ gìn sức khỏe cho mình và khi mắc bệnh cần phải làm thế nào.
Tâm lý tôn sùng hủ tục đến mù quáng của những người dân nơi đây đã từng dẫn đến những cái chết oan uổng, đau lòng trong các làng bản vùng cao. Tập quán lạc hậu cùng với đường sá xa xôi, tâm lý ngượng ngùng khiến nhiều phụ nữ vùng cao chỉ sinh nở tại nhà, nhiều khi dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Không thể để vậy, các quân y sĩ đồn đã kết hợp với Đội Vận động quần chúng cùng các trưởng thôn xuống các bản “phát sóng ngang” vận động nhân dân biết tự chăm sóc sức khỏe, biết đi khám chữa bệnh ngoài bệnh viện, trạm y tế, biết ăn ở vệ sinh và dần dần bỏ các hủ tục lạc hậu. Thậm chí đến tận nhà thầy cúng vận động từ từ để họ hiểu ra và thấy tác hại công việc của họ có thể dẫn đến những cái chết không đáng có nếu được can thiệp kịp thời bằng y học hiện đại. Cũng không hiếm lần các thế hệ quân y sĩ của Đồn phải chạy ngược núi đỡ đẻ khẩn cấp, trong đó có nhiều ca sinh khó như ngôi ngược, nhau cài răng lược, buộc các anh phải ra quyết định nhanh để xử trí. Và như vậy từ “bà đỡ” bất đắc dĩ, họ đã trở thành bố nuôi của hàng chục cháu bé. Phòng khám cũng đã phối hợp với Trạm y tế xã Tả Ngài Chồ, làm tốt công tác tiêm chủng cho trẻ em, nên đã không để các vụ dịch xảy ra trên địa bàn.
22. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế thành phố bố trí đủ nhân lực:
Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn khẩn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở tăng cường thực hiện quy chế chuyên môn, đặc biệt là tập trung thực hiện tốt quy chế thường trực, cấp cứu, bố trí đủ nhân lực, phân công trực đúng quy định, các khoa đảm bảo đủ phương tiện cấp cứu, thuốc… đáp ứng yêu cầu điều trị. Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy chế làm hồ sơ bệnh án, kê đơn điều trị và quy chế hội chẩn.
Sở Y tế đặc biệt lưu ý các đơn vị phải bố trí đủ cán bộ trực cấp cứu, những cán bộ được phân công trực chuyên môn phải luôn có mặt tại vị trí trực, theo dõi người bệnh sát sao, kịp thời phát hiện các diễn biến bất thường xử trí tích cực, hiệu quả, không để xảy ra sai sót chuyên môn.
23. Tăng thuế để giảm hút thuốc lá:
Đó là đề xuất của Bộ Tài chính trình trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, với mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá từ 65% hiện nay lên 70% từ ngày 1/1/2016 và 75% từ ngày 1/1/2019. Ngày 31/10/2014 Chương trình Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá Quốc gia (VINACOSH), phối hợp với Tổ chức Lá Phổi Thế giới (WLF) đã phát động chương trình truyền thông nhằm giúp ngăn ngừa thanh thiếu niên Việt Nam hút thuốc lá.
Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên thì có 1 người hút thuốc. Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút khi còn rất trẻ. 56% người hút thuốc ở bắt đầu hút trước tuổi 20. Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Mục tiêu đến năm 2020 của “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” là giảm tỷ lệ hút thuốc của thanh thiếu niên từ 26% xuống 18%, tỷ lệ hút thuốc nam giới giảm từ 47,4% xuống 39%, tỷ lệ hút thuốc nữ giới xuống dưới 1,4%.
Ngài Peter Baldini, Chủ tịch Quỹ Lá Phổi Thế giới nói: “Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thời gian, và kêu gọi đưa ra mức thuế cao hơn, mà chúng tôi tin tưởng sẽ ngăn ngừa được rất nhiều người hút thuốc lá.”
24. Cuộc chạy vì trẻ em Hà Nội (Hanoi Run for Children- HRC) 2014:
Vào ngày 9/11/2014, Cuộc chạy vì trẻ em Hà Nội năm 2014 sẽ được tổ chức tại Hồ Thiền Quang - cổng chính Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Hàng nghìn người dân trên địa bàn Thủ đô sẽ tham gia hoạt động ý nghĩa này với mục đích góp phần thúc đẩy trách nhiệm xã hội và tăng cường nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Đại sứ Canada tại Việt Nam, ông David Devine cho rằng: “Sự ủng hộ và tham gia của mọi người tại những sự kiện như Cuộc chạy vì trẻ em tại Hà Nội góp phần xây dựng một thế hệ tương lai khỏe mạnh cho Việt Nam. Mỗi trẻ em nơi đây xứng đáng được sống vui khỏe và hạnh phúc, và tất cả chúng ta cùng nhau có thể làm điều này trở thành hiện thực”. Người tham dự Cuộc chạy vì trẻ em Hà Nội 2014 có thể quyên góp bằng cách mua áo phông ủng hộ chiến dịch tại 4 địa điểm của Joma Bakery Café (43 Tô Ngọc Vân, 22 Lý Quốc Sư, 28 Tống Duy Tân, 38 Liễu Giai) và Coffee Inn (3 Phan Chu Trinh).
Cuộc chạy vì trẻ em Hà Nội (Hanoi Run for Children) là hoạt động cộng đồng tổ chức thường niên nhằm gây quỹ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh ung thư và bệnh tim bẩm sinh. Hoạt động này được tổ chức từ năm 2000 do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam – Canada và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức hàng năm. Từ năm 2009, cuộc chạy Terry Fox tại Hà Nội chính thức mang tên: Cuộc chạy vì trẻ em. Hoạt động ý nghĩa này nhằm gây quỹ hỗ trợ điều trị cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị mắc bệnh ung thư và bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội và trong Chương trình Nhịp tim Việt Nam của VinaCapital Foundation.
Chương trình đã thu hút đông đảo người dân và doanh nghiệp tham gia với số tiền thu được hàng năm khoảng hơn 1 tỷ đồng. Đã có nhiều trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh ở nhiều nơi trên mọi miền đất nước được cứu sống, vượt qua bệnh hiểm nghèo nhờ số tiền các nhà hảo tâm đóng góp cho cuộc chạy.
25. Đại diện tổ chức Julie Ferre Memorial Trust tặng Bệnh viện Nhi Đồng 2 máy thở:
Ngày 29/10/2014, ông Sean Preston (New Zealand), đại diện tổ chức Julie Ferre Memorial Trust đã trao tặng Bệnh viện Nhi Đồng 2 chiếc máy thở Newport e360 (hơn 23.000 USD). Tại buổi lễ trao tặng, ông đã chia sẻ câu chuyện cảm động về những ngày con ông được các bác sỹ Bệnh viện Nhi Đồng 2 tận tình cứu chữa, mặc dù bệnh viện luôn thiếu các trang thiết bị, máy thở phục vụ người bệnh. Chia sẻ với những khó khăn của Bệnh viện, ông đã trở lại Việt Nam và tặng Bệnh viện Nhi đồng 2 chiếc máy thở với mong muốn chiếc máy thở này sẽ hỗ trợ các bác sĩ BV Nhi Đồng 2 nhằm cứu sống nhiều hơn nữa các trẻ em Việt Nam không may mắn bị tai nạn.
26. Chương trình khám bệnh miễn phí cho 1 triệu người:
Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang phối hợp tổ chức Chương trình khám bệnh miễn phí cho 1 triệu người. Chương trình được bắt đầu từ ngày 02/11/2014 với 05 đoàn bác sĩ của Bệnh viện Mắt trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện Việt Đức cùng 03 đoàn của Hội Chữ thập đỏ sẽ mở đầu đợt khám chữa bệnh miễn phí lớn nhất từ trước đến nay cho người nghèo ở tám tỉnh. Chương trình kéo dài đến ngày 15/02/2015 và dự kiến được tổ chức hàng năm, được triển khai chủ yếu ở các huyện vùng sâu, vùng xa, xa các bệnh viện.
Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cho biết chương trình này sẽ tập trung vào các hoạt động khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí lưu động tại cộng đồng, tư vấn kiến thức và kỹ năng phòng bệnh, phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.
27. Dịch Ebola còn diễn biến phức tạp:
Theo thông báo của Bộ Y tế, dịch bệnh Ebola vẫn tiếp tục tăng cả về số mắc và số tử vong tại 3 quốc gia Tây Phi và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mali là quốc gia Tây Phi thứ 6 ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Ebola và tử vong sau đó chỉ 1 ngày. Đến nay, số người mắc Ebola đã lên tới 13.769 trường hợp, trong đó 4.971 người đã tử vong. Tốc độ gia tăng của Ebola khá cao. Liberia vẫn là quốc gia dẫn đầu về số người mắc và tử vong do dịch Ebola, với 6.535 trường hợp mắc, 2.413 trường hợp tử vong, tiếp đó là Sierra Leone với 5.235 trường hợp mắc, 1.500 trường hợp tử vong và Guinea có 1.906 trường hợp mắc, trong đó 997 trường hợp tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới đồng thời nhấn mạnh về việc số nhân viên y tế mắc Ebola cũng tiếp tục tăng, với 529 trường hợp, trong đó có 280 trường hợp đã tử vong.
28. “Ngày sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả” năm 2014:
Ngày 30/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức buổi họp báo về “Ngày sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả” năm 2014 (Stewardship Day 2014). Bắt đầu từ ngày 31/10, CropLife Việt Nam (Tiểu ban ngành nghề của EuroCham) sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Bảo vệ thực vật của 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng) tổ chức sự kiện Stewardship Day 2014. Trong đó, Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng là những tỉnh lần đầu tiên tham gia vào sự kiện này. Mục tiêu là nâng cao nhận thức của những người nông dân và các bên liên quan về thực hành tốt các nguyên tắc, góp phần mang lại lợi ích về sức khỏe, kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam.
Stewardship Day 2014 sẽ diễn ra trên địa bàn 36 huyện, thị xã của 6 tỉnh nói trên, với gần 3.000 người tham gia. Nội dung của Stewardship Day 2014 gồm hai phần: (1) Hội thảo về 5 nguyên tắc vàng và 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân được tham gia một cuộc tranh tài nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, (2) Những người tham gia sẽ dự trò chơi thực hành bảo hộ lao động và tìm hiểu về 5 nguyên tắc vàng ngay sau buổi tập huấn tại chỗ.
II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI
29. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cập nhật hướng dẫn thiết bị bảo vệ cá nhân (personal protective equipment – PPE) để phòng chống Ebola:
Thực hiện cam kết của WHO về sự an toàn và bảo vệ cho nhân viên y tế và bệnh nhân đối với dịch bệnh do virus Ebola, WHO đã tiến hành một đánh giá chính thức về tài liệu hướng dẫn thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) đối với nhân viên y tế và đang cập nhật tài liệu này trong bối cảnh bùng nổ dịch hiện nay.
Những hướng dẫn này được cập nhật nhằm mục đích để làm rõ và chuẩn hóa những lựa chọn PPE an toàn và hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế và bệnh nhân, cũng như cung cấp thông tin cho việc mua sắm dự trữ PPE trong bối cảnh dịch Ebola bùng phát hiện nay. Các hướng dẫn này dựa trên việc xem xét các bằng chứng nghi ngờ và khẳng định tính hiệu quả của sử dụng PPE trong quá trình chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Ebola.
Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là có PPE để bảo vệ niêm mạc - miệng, mũi và mắt - từ những giọt chất lỏng và bị ô nhiễm. Bàn tay được biết như là tác nhân truyền bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể, cũng như những người khác, nên vệ sinh tay và đeo găng tay là rất cần thiết, cả hai để bảo vệ nhân viên y tế và dự phòng lây nhiễm cho người khác. Che mặt, đeo chân bảo vệ, áo hoặc yếm, và che đầu cũng được coi là cần thiết để ngăn chặn lây truyền cho nhân viên y tế.
30. Sierra Leone giúp đỡ những người sống sót sau dịch Ebola:
Những người sống sót sau khi bị nhiễm Ebola đang ngày càng tăng lên. Nhưng sau khi khỏi bệnh, họ bị sốc vì những gì họ chứng kiến qua thảm họa kinh hoàng này và không tìm thấy cuộc sống dễ dàng sau khi thoát khỏi dịch bệnh. Đối với nhiều người, những khuôn mặt mà họ mong muốn được nhìn thấy một lần nữa đã không còn ở đó. Chồng, vợ, con, anh, chị em, cha mẹ của họ đều đã rời xa họ bằng cáng, rồi tới những ngôi mộ không được đánh dấu do bệnh virus Ebola.
Các chuyên gia y tế cho biết, những người mà họ gọi là "hội chứng sau Ebola" có một loạt các triệu chứng cả về thể xác, lẫn tinh thần, để lại những hậu quả, khuyết tật lâu dài. Ngoài vấn đề thị giác ảnh hưởng đến khoảng 50% số người sống sót Ebola ở Kenema, người dân còn cho biết họ bị "nhức mỏi cơ thể" như khớp, cơ bắp và đau ngực. Họ cũng bị đau đầu và vô cùng mệt mỏi, gây cho họ khó khăn để trở lại cuộc sống trước đây của họ - đặc biệt là những người làm các nghề như nông dân, người lao động và các bà nội trợ. Tiến sĩ Andrew Ramsay, điều phối viên khu vực của WHO ở Kenema, nhấn mạnh rằng việc chẩn đoán và điều trị càng nhanh càng tốt các vấn đề về thể chất và tâm lý cho những người khỏi bệnh Ebola lúc này là rất quan trọng.
31. Trung Quốc hỗ trợ Liberia phòng chống dịch Ebola:
Trung Quốc dự định mở Trung tâm điều trị Ebola tại Liberia trong vòng 1 tháng tới để giúp nước này ngăn chặn dịch bệnh, người đứng đầu Cơ quan phụ trách các vấn đề châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Đây là gói hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc dành cho các nước Tây Phi đối phó với dịch Ebola. Theo thông báo, làm việc tại Trung tâm này có 480 nhân viên y tế người Trung Quốc; nhóm nhân viên đầu tiên gồm 160 người sẽ tới Liberia trong 2 tuần tới sau khi, tất cả các thiết bị y tế cần thiết được gửi đến Liberia.
32. Nghi lễ mai táng truyền thống ở Tây Phi làm cho dịch Ebola lan rộng:
Nghiên cứu trên do các nhà khoa học thuộc Đại học Yale, Đại học bang Oregon và Bộ Y tế Liberia thực hiện đăng tải trên tạp chí Science ngày 30/10 cho thấy tập tục tiếp xúc trực tiếm với người chết khi mai táng là một trong những nguyên nhân làm cho dịch bệnh Ebola lan rộng tại khu vực này. Các nhà khoa học khuyến cáo để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm Ebola tại Liberia, cần phải ngừng ngay lập tức các nghi thức mai táng truyền thống, trong đó bao gồm việc tắm rửa, tiếp xúc và ôm hôn người chết. Nghiên cứu đồng thời cảnh báo nếu không sớm hành động, dịch Ebola sẽ còn tiếp tục lan rộng và sang đầu tháng 12 tới, Liberia có thể sẽ phải đối mặt với tốc độ lây lan Ebola cao hơn nhiều với khoảng 224 ca nhiễm mới/ngày.
33. Thế giới cần chuyển từ phòng ngự sang phản công trong cuộc chiến chống dịch Ebola:
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power đã khẳng định như vậy trong chuyến thăm đến Tây Phi a ngày 30/10.
Theo Đại sứ Samantha Powe, một trong những điều quan trọng nhất hiện nay là phải loại bỏ sự kỳ thị đối với những nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola; sự sợ hãi trước loại virus này chỉ cản trở những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bà Power cho rằng, thế giới cần một cách tiếp cận mạnh mẽ, chủ động, tích cực hơn trong cuộc chiến chống virus Ebola, không chỉ tập trung vào điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm mà phải ngăn chặn, phòng ngừa các trường hợp nhiễm mới ở những nước đang bị ảnh hưởng và các nước láng giềng, cũng như trên toàn thế giới.
Nhằm chuyển từ “phòng ngự” sang “phản công” đối với virus Ebola, các nước châu Mỹ đang tích cực chuẩn bị ứng phó cho tình huống xấu nhất để khi phát hiện bệnh nhân nhiễm Ebola có thể nhanh chóng cách ly và khoanh vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Tại hội nghị kéo dài 2 ngày qua ở Thủ đô La Havana của Cuba, Liên minh Boliva vì Nhân dân châu Mỹ (ALBA) đã thảo luận về một chiến lược cho toàn khu vực nhằm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Ebola lây lan trong bối cảnh virus đã xuất hiện tại Mỹ. Với sự tham dự của Giám đốc khu vực Trung Mỹ của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) Nelson Arboleda, Mỹ với Cuba và các nước Mỹ Latinh –Caribbean khác gạt đi những bất đồng lịch sử để chung tay đối phó với dịch bệnh chết người này.
Thực hiện những thỏa thuận của hội nghị, Cuba đang chuẩn bị huấn luyện các y bác sỹ từ nhiều nước châu Mỹ về cách điều trị Ebola. Hiện Cuba đã huấn luyện cho 461 bác sỹ và y tá để điều trị cho các bệnh nhân Ebola, trong đó có một nửa đã lên đường thực hiện sứ mệnh nhân đạo kéo dài 6 tháng ở Sierra Leone, Guinea và Liberia. Trong khi đó, tàu hỗ trợ Argus của Anh vừa cập cảng ở Thủ đô Freetown của Sierra Leone mang theo 32 phương tiện và các thiết bị y tế khác để thành lập các trung tâm chữa trị Ebola trên khắp nước này. Những máy bay trực thăng trên chuyến tàu này có thể giúp nhân viên y tế đến những vùng xa xôi hẻo lánh nhất.
Ngoài những hỗ trợ y tế, để giảm nhẹ nguy cơ virus Ebola lây lan, Chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc ngày 30/10 cho biết, tổ chức này đang tăng cường hoạt động phân phát lương thực - thực phẩm đến từng hộ gia đình ở vùng xa xôi hẻo lánh của Liberia và Sierra Leone nhằm hạn chế nhu cầu đi lại của người dân ở đây.
Liberia cũng vừa mở cửa một đơn vị điều trị Ebola ở Thủ đô Monrovia với 44 giường bệnh do Đức tài trợ. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 29/10 cho rằng, sự lây lan của virus Ebola ở Liberia, nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh này sẽ bắt đầu giảm trong thời gian tới dù cuộc chiến với tử thần ở đây vẫn rất cam go.
34. Những người trẻ tuổi nhiễm Ebola có khả năng sống sót cao hơn người lớn tuổi:
Các chuyên gia y tế theo dõi tình hình của các bệnh nhân tại Sierra Leone – một trong ba nước chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Ebola đã đưa ra nhận định trên. Kết luận này được đăng tải trên trang New England Journal of Medicine ngày 28/10 vừa qua. Trong quá trình nghiên cứu, người ta nhận thấy bệnh nhân Ebola dưới 21 tuổi có khả năng sống sót lên tới 43% trong khi những người trên 45 tuổi mắc bệnh hy vọng sống chỉ đạt 6%. John Schieffelin – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đến từ Tulane University School of Medicin đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Những người trẻ tuổi thường khỏe mạnh, có khả năng chống chọi với sự tàn phá của căn bệnh tốt hơn. Đây là yếu tố chúng ta cần đặc biệt quan tâm, phân tích kỹ lưỡng hơn”.
Các chuyên gia cũng nhận thấy một trong những khó khăn khi điều trị bệnh nhân Ebola là làm thế nào để kiểm soát sự tàn phá của chứng tiêu chảy. Lúc này, cơ thể họ thường mất nước, muối nghiêm trọng, có khả năng dẫn tới tử vong. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều thông tin quan trọng về triệu chứng khi người bệnh bị tấn công bởi vi rút Ebola, trong đó, sốt là triệu chứng phổ biến nhất của căn bệnh. Khoảng 89% trường hợp dương tính với vi rút này trước đó từng có biểu hiện sốt. Người bệnh còn có triệu chứng nhức đầu (80%), mệt mỏi (66%), chóng mặt (60%), tiêu chảy (51%), đau bụng (40%) và nôn mửa (34%). Không phải mọi trường hợp đều có hiện tượng chảy máu; bệnh nhân có dấu hiệu suy nhược, chóng mặt và tiêu chảy dễ đối diện với cái chết.
35. Mỹ kêu gọi nhân viên y tế tình nguyện đến Tây Phi dập dịch Ebola:
Ngày 30/10/2014, Bang New York, Mỹ đã công bố chương trình hỗ trợ nhằm khuyến khích các nhân viên y tế tình nguyện tới Tây Phi tham gia dập dịch. Tuyên bố chung của Thống đốc bang New York Andrew Cuomo và Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết chương trình mới sẽ cung cấp các hỗ trợ tài chính cũng như chế độ bảo hiểm công việc tương đương như lính dự bị trong quân đội cho các nhân viên y tế nước này tình nguyện tham gia dập dịch Ebola tại Tây Phi. Theo đó, các nhân viên y tế tham gia hoạt động tại Tây Phi sẽ vẫn được nhận lương, bảo hiểm y tế và được giữ nguyên vị trí việc làm trong thời gian vắng mặt. Ngoài ra, họ cũng sẽ nhận được bồi hoàn tiền lương cho thời gian nghỉ việc nếu khi trở về bị buộc phải cách ly. Thống đốc Cuomo nhấn mạnh sức khỏe cộng đồng tại Tây Phi và tại New York có mối quan hệ mật thiết và cả hai đầu đều cần được quan tâm. Theo ông, "chìa khóa" để ngăn ngừa Ebola là "tạo động lực để khuyến khích các nhân viên y tế tới tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh đang hoành hành Tây Phi."
Thành phố New York và bang New York đang phối hợp với bang New Jersey, Hiệp hội Bệnh viện New York, Liên đoàn Quốc tế về dịch vụ người lao động đối với nhân viên y tế, Hiệp hội Y tá bang New York và Hội Y khoa bang New York thực hiện chương trình này.
36. Quy định cách ly bắt buộc tại một số bang của Mỹ làm dấy lên làn sóng chỉ trích:
Vừa qua xuất hiện nhiều phản ứng và quan điểm khác nhau về quy định cách ly những bác sỹ, nhân viên y tế và tình nguyên viên Mỹ trở về từ các nước “ổ dịch” Guinea, Sierra Leone và Liberia. Một nữ y tá Mỹ là nhân viên của tổ chức y tế từ thiện Doctors Without Borders (Bác sĩ Không biên giới) trở về từ vùng dịch Ebola tại Tây Phi đã bị cách ly theo quy định mới của Washington. Cô lên án cách đối xử này là “điên cuồng, đáng sợ”. Cô mô tả cách thức xử lý với người từ vùng nhiễm Ebola tại sân bay là “điên cuồng một cách vô tổ chức, sợ hãi và đáng sợ nhất” khi cô bay từ Sierra Leone về nhà.
Tổ chức Bác sỹ không biên giới cùng ngày nhận định quy định cách ly của Mỹ đang tạo ra một hiệu ứng tiêu cực đối với công tác dập dịch tại Tây Phi. Trả lời báo giới, đại diện tổ chức trên cho biết quyết định trên đang khiến nhiều nhân viên y tế lo ngại và buộc tổ chức này phải cân nhắc khả năng rút ngắn một số nhiệm vụ.
Udi Ofer, giám đốc điều hành Hiệp hội Tự do Dân sự Mỹ tại New Jersey nhận định rằng lời chỉ trích của nữ y tá có thể làm "dấy lên nỗi lo ngại về việc nhà nước lạm dụng quyền hạn khi bắt buộc những người không có triệu chứng Ebola phải cách ly".
Chính quyền bang New York, New Jersey và Illinois siết chặt các biện pháp cách ly tại sân bay sau khi bác sĩ Craig Spencer, cũng làm việc cho tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, được phát hiện nhiễm Ebola sau khi trở về Mỹ từ Guinea hồi tuần rồi.
37. Liên đoàn y tá Mỹ đòi cải thiện chế độ đãi ngộ cho nhân y tế tham gia chống dịch Ebola:
Một liên đoàn y tá trụ sở tại bang California ngày 30/10 cho biết tổ chức này đang lên kế hoạch tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chế độ đãi ngộ mà họ cho là chưa phù hợp dành cho các y tá chăm sóc bệnh nhân Ebola. Trong nhiều tuần qua, các y tá đã lên tiếng yêu cầu chế độ đãi ngộ và các biện pháp phòng ngừa tốt hơn, đặc biệt sau khi hai nữ y tá Nina Phạm và Amber Vinson tại bang Texas bị nhiễm virus Ebola trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Thomas Duncan, người Liberia đã qua đời hôm 8/10 tại Mỹ. Hiện cả hai y tá trên đều đã được xác nhận đã hoàn toàn khỏi bệnh.
38. Pháp thử nghiệm thiết bị phát hiện Ebola trong 15 phút:
Ngày 30/10, người đứng đầu lực lượng phòng chống dịch Ebola của Pháp cho biết các nhà nghiên cứu nước này sẽ nhanh chóng triển khai thử nghiệm phương pháp chẩn đoán nhanh Ebola đầu tiên tại Guinea vào tháng 11 tới với hy vọng sẽ đạt kết quả khả quan chỉ trong vài tuần. Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng thí điểm thiết bị xét nghiệm Ebola đầu tiên với thời gian cho kết quả chỉ sau tối đa 15 phút, thay vì 6 giờ như hiện tại. Việc triển khai thí điểm thiết bị này sẽ do các bác sỹ và tình nguyện viên của Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) tiến hành dưới sự giám sát của các chuyên gia của Viện nghiên cứu sức khỏe và y học Pháp (Inserm). Chương trình cũng sẽ được tiến hành tại trung tâm chăm sóc sức khỏe do Pháp tài trợ mới thành lập ở Macenta, Đông Nam Guinea. Các nhà nghiên cứu hy vọng chương trình thí điểm sẽ cho kết quả khả quan và vào khoảng đầu tháng 12 tới để có thể sớm đưa thiết bị vào sử dụng đại trà.
Đầu tháng 10 này, Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) tuyên bố hoàn thiện dụng cụ giúp chẩn đoán nhanh những bệnh nhân nghi nhiễm virus Ebola cho kết quả chỉ trong 15 phút. Cơ chế hoạt động của dụng cụ là phát hiện kháng thể trong mẫu bệnh phẩm nhỏ nhất như một giọt máu, huyết tương hoặc nước tiểu của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có kết quả dương tính với virus Ebola, màn hình của thiết bị sẽ xuất hiện vạch ngang báo hiệu. Tuy thiết bị mới chưa được các nhà chức trách y tế Pháp thông qua nhưng Công ty dược phẩm châu Âu Vedalab đang tìm cách chuyển bộ mẫu xét nghiệm này sang một dụng cụ tiện dụng với tên gọi Ebola eZYSCREEN. Thiết bị có thể sử dụng đơn giản như que thử thai dùng tại nhà mà không cần thêm công cụ hỗ trợ nào khác.
39. Các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc đặc biệt dễ bị dịch Ebola xâm nhập vào dịp cuối năm:
So với các quốc gia châu Á khác, Trung Quốc có khả năng đối diện với sự tấn công của Ebola cao hơn cả.Trong bài phát biểu ngày 20/10 vừa qua tại Hồng Kông, chuyên gia kinh tế Ben Simfendorfer cảnh bảo rằng châu Á đặc biệt đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch Ebola bởi vì châu Á, nhất là Trung Quốc có một số lượng lớn lao động đang làm việc ở nước ngoài sẽ trở về nhà trong kỳ nghỉ cuối năm. Sự cảnh báo này được đưa ra trên cơ sở một số ca nhiễm bệnh tại Mỹ ở những người tiếp xúc với bệnh nhân Ebola hoặc trở về từ châu Phi. Mặc dù đến nay châu Á chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Ebola, nhưng do có số lượng lớn công nhân Trung Quốc đến và đi khỏi Châu Phi, nên các nhà khoa học lo ngại dịch bệnh này có thể lây lan sang Trung Quốc. Các nhà chức trách Trung Quốc đang đang chuẩn bị cơ sở y tế để sẵn sàng đối phó với nguy cơ lây nhiễm dịch Ebola. Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa Gia đình đã kêu gọi các cơ sở y tế trên toàn quốc nâng cấp các biện pháp chống lây nhiễm dịch bệnh. Các thành phố trong tuyến đầu ngăn chặn sự lây lan Ebola sang Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Hồng Kông của Trung Quốc- đó là những thành phố có các chuyến bay thương mại đến và đi châu Phi. Trung Quốc và Hồng Kông đã có kinh nghiệm trong phòng chống các đại dịch lớn như dịch SARS năm 2003 và dịch cúm. Ngoài ra, Hồng Kông, Quảng Châu, Thượng Hải và Bắc Kinh cũng đã đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế hiện đại kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh.
Quảng Châu, một trung tâm thương mại lớn của Trung Quốc, đang trở thành mối lo ngại đặc biệt bị lây nhiễm Ebola bởi vì nơi đây sẽ diễn ra một cuộc triễn lãm thương mại lớn nhất thế giới với khoảng 200.000 du khách quốc tế sẽ tham dự, trong đó khỏng 10% lượng khách đến từ châu Phi. Hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc đều được trang bị các bệnh viện hiện đại. Du khách đến từ châu Phi phần lớn nghỉ tại các thành phố này, nhưng hàng chục ngàn lao động Trung Quốc ở châu Phi sẽ trở về thăm quê hương trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán. Số lao động này chủ yếu trở về vùng nông thôn, nơi các trung tâm ý tế còn khá lạc hậu.
40. Ấn Độ chuẩn bị phòng chống dịch Ebola:
Ngày 16/10/2014, các quan chức cao cấp đứng đầu các ngành y tế, hàng không và vận tải biển Ấn Độ đã tổ chức một cuộc họp để lên kế hoạch phối hợp đối phó với đại dịch Ebola. Theo nhận địch của các chuyên gia y tế, nếu dịch Ebola lây lan sang Ấn Độ, nó sẽ gây ra một đại dịch khó có thể kiểm soát do kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh của Ấn Độ còn hạn chế. Số liệu phân tích chuyến bay từ châu Phi cho thấy Ấn Độ có nguy cơ lây nhiễm Ebola thấp hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, sự lây nhiễm Ebola ở bất kỳ nơi nào ở châu Á sẽ trở thành một thảm họa nhân đạo. Các ca lây nhiễm Ebola có thể làm đình trệ hoạt động thương mại.
41. Ngân hàng thế giới chi thêm 100 triệu USD chống dịch Ebola:
Ngày 30/10, Ngân hàng thế giới (WB) tuyên bố hỗ trợ thêm 100 triệu USD để thực hiện việc đưa các nhân viên y tế nước ngoài đến ba quốc gia Tây Phi đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành nặng nề nhất gồm Liberia, Sierra Lone và Guinea. Khoản hỗ trợ trên sẽ giúp thiết lập một trung tâm điều phối hợp tác chặt chẽ với ba quốc gia, trong đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Phái bộ phản ứng khẩn cấp chống Ebola của Liên hợp quốc (UNMEER) sẽ chịu trách nhiệm tuyển dụng, huấn luyện và triển khai các nhân viên y tế nước ngoài đạt tiêu chuẩn. Theo ước tính của Liên hợp quốc, sẽ cần khoảng 5.000 nhân viên y tế được huấn luyện đầy đủ tới hỗ trợ tại ba quốc gia trên trong những tháng tới để ứng phó với dịch Ebola.
42. Chính phủ Kenya triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó dịch Ebola:
Ngày 30/10/2014. Kenya đã công bố kế hoạch khẩn cấp nhằm tăng cường các biện pháp chuẩn bị và khả năng ứng phó của quốc gia này trước dịch bệnh Ebola. Tổng thống Uhuru Kenyatta đã chỉ đạo việc thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia giám sát 24/24 giờ bất cứ dấu hiệu nào của bệnh Ebola tại nước này. Bộ Y tế Kenya cũng được yêu cầu thành lập một nhóm ứng phó Ebola trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Cho đến thời điểm này, Viên nghiên cứu y tế về Ebola (KEMRI) đã xét nghiệm ít nhất 36 trường hợp nghi nhiễm bệnh và đều cho kết quả âm tính. Để đảm bảo không có ca lây nhiễm nào tại Kenya, chính phủ nước này yêu cầu tất cả hành khách đều phải quét thân nhiệt. Đã có 11 máy quét được đặt tại các sân bay chính và sẽ có thêm nhiều máy được cài đặt trong những ngày tới.
Việc xây dựng trung tâm cách ly tại Bệnh viên quốc gia Kenya gần hoàn thành, trong khi hai trung tâm khác trong quá trình xây dựng. Khoảng 10.000 nhân viên đã được huấn luyện để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh và chuẩn bị cho trường hợp bất ngờ. Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề chính như ngăn ngừa và kiểm sát, lây nhiễm, giám sát, chuẩn đoán và quản lý bệnh nhân, bản chất của căn bệnh do virus Ebola gây ra.
43. Hơn năm trăm nhân viên y tế Nigeria tình nguyện tham gia hoạt động quốc tế chống dịch Ebola:
Bộ Y tế Nigeria cho biết sẽ sớm đưa 506 nhân viên y tế tình nguyện đến Liberia, Guinea và Sierra Leone để giúp kiểm soát sự lây lan dịch bệnh Ebola. Mặc dù được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận quốc gia này đã thoát khỏi dịch bệnh Ebola, nhưng Bộ trưởng Y tế Nigeria vẫn kêu gọi chính quyền các bang tăng cường hệ thống giám sát cùng các trung tâm cách ly để chuẩn bị cho những mối đe dọa trong tương lai, cũng như nhắc nhở người dân duy trì cảnh giác.
44. Các nước tiếp tục hỗ trợ Tây Phi chống dịch bệnh Ebola:
Một phái bộ Hải quân của Anh đã đến Sierra Leone để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhiễm virus Ebola. Con tàu hỗ trợ y tế quân đội mang tên Argus đã khởi hành từ Tây Nam nước Anh đến Freetown, mang theo các thiết bị để xây dựng các cơ sơ y tế, cùng 80 nhân viên y tế và 80 lính thủy đánh bộ, nâng tổng số nhân viên Anh được điều phối đến Sierra Leone để chống dịch Ebola lên khoảng 900 người. Ngoài ra, còn có 32 xe tải, ba trực thăng, nhân viên phi hành đoàn cùng các kỹ sư để cung cấp phương tiện vận chuyển và hỗ trợ tới các nhóm y tế và nhân viên cứu trợ. Mặc dù chiếc tàu được trang bị như một "bệnh viện nổi," song các bệnh nhân Ebola sẽ không được đưa ra nước ngoài. Bất cứ thành viên nào trên tàu tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm Ebola sẽ được gửi đến các trung tâm điều trị trên bờ.
Ngày 29/10, chuyến hàng cứu trợ của Trung Quốc viện trợ cho Ghana chống dịch bệnh Ebola đã đến sân bay quốc tế Kotoka tại Accra. Số hàng này bao gồm găng tay, mặt nạ, kính bảo hộ, máy kiểm tra và theo dõi thân nhiệt. Cho đến nay, Ghana vẫn chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nhiễm Ebola nào
Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ 40.000.000 USD trong việc nỗ lực chống lại sự tàn phá của dịch Ebola.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kinh phí cần thiết cho phòng chống dịch Ebola lớn hơn rất nhiều.
45. Các chuyên gia cảnh báo dịch bệnh Ebola có thể lây lan tại Trung Quốc:
Theo nhà sinh vật học người Bỉ Peter Piot, Giám đốc của trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới tại London (Anh) và là một trong những người đã khám phá ra virus Ebola năm 1976 tại Công-gô, thì Trung Quốc là quốc gia có thể dễ bị tổn thương bởi dịch lây nhiễm virus chết người Ebola do có nhiều lao động làm việc ở châu Phi và tình trạng kiểm soát bệnh dịch kém. Ông Piot bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tại Trung Quốc khi quốc gia này có hàng ngàn lao động đang làm việc tại châu Phi. Đáp lại những câu hỏi về công tác chuẩn bị ngăn chặn dịch bệnh Ebola tại Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi cho biết: "Chúng tôi đã tăng cường kiểm tra nhiệt độ cơ thể của những người nhập cảnh vào Trung Quốc và chuẩn bị phòng chống dịch bệnh.
Cho đến nay, chúng tôi đang làm rất hiệu quả, chưa phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh nào. Nhưng chúng tôi sẽ còn duy trì mức báo động cao và không ngừng cảnh giác".
46. Sự lây lan dịch Ebola có thể chậm lại vào cuối năm 2014:
Đó là nhận định lạc quan của TS. Peter Piot, Giám đốc của trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới tại London (Anh) tại một Hội thảo quốc tế về Ebola được tổ chức tại Tokyo vào ngày 30/10 vừa qua. Ông Piot cũng kêu gọi các nước cần hợp tác để tập trung dập dịch ở Tây Phi thay vì tăng cường kiểm soát ở các sân bay, cửa khẩu, một động thái theo ông là kém hiệu quả. Ông cho rằng các trường hợp nhiễm bệnh ở Mỹ và Tây Ban Nha là điều không thể tránh khỏi, nhưng cách duy nhất để ngăn chặn bệnh dịch không phải là đóng cửa biên giới hay sàng lọc khách mà là phải tiêu diệt chúng ở tâm dịch là Tây Phi. Nhà khoa học này cũng lặp lại chỉ trích WHO đã phản ứng chậm chạp với sự lây lan của bệnh dịch. Tuy nhiên, Piot đã bày tỏ lạc quan rằng sự lây lan của bệnh dịch sẽ bắt đầu chậm lại vào cuối năm nay./.
47. Các bác sĩ quân đội Hoa Kỳ phản đối dự luật cho phép phá thai tại các cơ sở quân y:
Theo tạp chí Công giáo Hoa Kỳ National Catholic Reporter, mới đây các bác sĩ thuộc Hiệp hội Y khoa Thiên Chúa giáo tiếp tục lên tiếng phản đối một dự luật do tổng thống Obama đưa ra. Theo dự luật này, các bác sĩ quân y phải đáp ứng dịch vụ phá thai cho những người có yêu cầu, tại các cơ sở quân y đóng trong và ngoài nước. Dự luật này đã từng bị 41 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống vào tháng Chín vừa qua. Tuy nhiên, các bác sĩ quân y Thiên Chúa giáo lo ngại Hạ viện sẽ tiếp tục trình lên Thượng viện ngay sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kì diễn ra vào tháng 11 tới, nên họ và những đồng minh của họ trong phong trào Phò sinh đang chuẩn bị một cuộc chiến đấu mới, chống lại việc thông qua dự luật này. Tiến sĩ David Stevens, Giám đốc điều hành Hiệp hội Y và Nha khoa Thiên Chúa giáo, cho biết khó khăn của các bác sĩ quân y Thiên Chúa giáo: “Trong quân đội, khi nhận được một mệnh lệnh, thì bạn phải thi hành thôi. Bạn là một người lính, cấp trên yêu cầu bạn phải thực hiện một ca phá thai, thì không thể chống lệnh được”. Tháng Tám vừa qua, hơn 250 bác sĩ thành viên của Hiệp hội Bác sĩ Thiên Chúa giáo Y và Nha Khoa đã viết thư cho các thượng nghị sĩ. Thư nêu rõ, việc đáp ứng dịch vụ phá thai trong các cơ sở quân y sẽ phương hại đến việc thực thi lời thề Hippocrate cũng như vi phạm chuẩn mực đạo đức Kitô giáo và Do Thái giáo của họ.
48. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành hướng dẫn tạm thời về việc sử dụng delamanid trong điều trị Lao đa kháng thuốc (MDR-TB).
Một loại thuốc mới về điều trị bệnh lao với một cơ chế hoạt động mới, có tên gọi là delamanid, đã được sử dụng để điều trị người lớn bị lao đa kháng thuốc (MDR-TB), dạng bệnh lao ít nhất kháng với isoniazid và rifampicin, các thuốc dòng chính điều trị lao. Delamanid đã được Cơ quan Y tế chây Âu phê duyệt và cho phép sử dụng vào tháng Tư năm 2014. Tuy nhiên thông tin về các loại thuốc mới này vẫn còn hạn chế, vì nó chỉ có được thông qua giai đoạn dùng thử và nghiên cứu về độ an toàn và tính hiệu quả.
Do đó, WHO đã ban hành "hướng dẫn chính sách tạm thời" liệt kê năm điều kiện đối với việc sử delamanid để điều trị cho người lớn bị lao đa kháng thuốc (MDR-TB). Đó là các điều kiện về (1) Lựa chọn những bệnh nhân phù hợp, (2) Tuân thủ các khuyến cáo của WHO khi thiết kế phác đồ điều trị MDR-TB, (3) Hiệu quả điều trị và theo dõi, (4) Dược và quản lý các sự kiện bất lợi và phải được sự đồng ý của người bệnh.
49. Hội nghị Đổi mới và tiếp cận với công nghệ y tế ở các nước thu nhập trung bình:
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức Hội nghị Đổi mới và tiếp cận với công nghệ y tế ở các nước thu nhập trung bình vào ngày 05/11/2014 tại Thụy Sỹ. Các nước thu nhập trung bình đã đạt được tiến bộ lớn trong lĩnh vực đổi mới y sinh học và phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, như là nơi có một số lượng người nghèo lớn nhất của thế giới, họ cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc đảm bảo tiếp cận công bằng với các sản phẩm sức khỏe có tính sáng tạo cho người dân của mình.
Hội thảo kỹ thuật lần thứ tư của WHO, WIPO và WTO tổ chức sẽ thảo luận về những thách thức và cơ hội các nước thu nhập trung bình "trong lĩnh vực đổi mới sức khỏe, và các chính sách công cộng cần thiết để đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng góp phần vào việc tiếp cận và bảo hiểm y tế toàn dân.
50. Hội nghị quốc tế lần thứ hai về dinh dưỡng (ICN2) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) sẽ được tổ chức từ 19-21 tháng 11 năm 2014 tại Trụ sở FAO, Rome, Ý.
Mục đích của Hội nghị ICN2 là tạo sự đồng thuận về cách giải quyết những thách thức lớn hiện nay, bao gồm cả dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân, với một tầm nhìn mới để đạt được các mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu vào năm 2025. Một trong những mục tiêu chính của Hội nghị là đạt được sự gắn kết giữa nguồn cung cấp thực phẩm và chính sách y tế công cộng, vì cả hai đều đóng góp vào an ninh lương thực và dinh dưỡng. Các đại biểu cũng sẽ xem xét những cách tốt nhất để tăng cường mở rộng các can thiệp nhằm giải quyết tất cả các dạng suy dinh dưỡng. ICN2 sẽ xác định các ưu tiên về chính sách công cộng ở cấp quốc gia và toàn cầu. Đây sẽ là hội nghị liên chính phủ cấp cao đầu tiên về dinh dưỡng kể từ khi Hội nghị quốc tế đầu tiên về dinh dưỡng được tổ chức bởi FAO và WHO vào năm 1992. Những người tham gia sẽ bao gồm các chuyên gia từ thực phẩm và nông nghiệp, y tế và các ngành khác cũng như các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên chính phủ, xã hội dân sự, các nhà nghiên cứu, khu vực tư nhân và các hiệp hội người tiêu dùng. ICN2 được phối hợp tổ chức bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp và WHO phối hợp với Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Liên Hiệp Quốc Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO),...