Vaccin - Sản phẩm vĩ đại của trí tuệ nhân loại
17/07/2013 | 00:00 AM



Kể từ khi vaccin đầu tiên phòng bệnh đậu mùa được nghiên cứu thành công, thế giới đã trải qua hơn 200 năm để khẳng định giá trị vô cùng to lớn của vaccin đối với việc bảo vệ sức khỏe con người. Có thể nói, vaccin là sản phẩm vĩ đại của trí tuệ con người vì nhờ có vaccin, con người đã có thể chuyển từ việc phải luôn đối phó chữa trị người bệnh sang chăm sóc một cách hiệu quả những người khỏe mạnh không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Mốc sử dụng vaccin đáng nhớ Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sản xuất vaccin và những tiến bộ vượt bậc trong việc nâng cao chất lượng, tính an toàn, hiệu quả và tiện ích trong sử dụng mà việc sử dụng vaccin ngày càng trở nên phổ cập trên toàn thế giới. (Xem 2 bảng bên) Kể từ năm 1977, khi mới hình thành Chương trình TCMR, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng trên toàn cầu chỉ đạt khoảng 5% thì đến năm 2011, tỷ lệ này ở mức trên 85% với hàng trăm triệu trẻ em và phụ nữ được tiêm chủng. Đây là thành công to lớn của cộng đồng quốc tế trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccin của Việt Nam luôn đạt trên 90% kể từ năm 1993. Mỗi năm, hàng triệu trẻ em được tiêm chủng đầy đủ 6 loại vaccin cơ bản, vaccin viêm gan B, viêm não Nhật Bản và gần đây là vaccin Hib, hàng triệu phụ nữ có thai và phụ nữ 15-35 tuổi được tiêm phòng vaccin uốn ván. Thành quả vĩ đại Nhờ có vaccin, con người đã thanh toán vĩnh viễn những bệnh hiểm nghèo như đậu mùa và sắp tới là bại liệt. Đã loại trừ được nhiều bệnh tại nhiều vùng lãnh thổ như uốn ván sơ sinh, sởi, các bệnh truyền nhiễm khác giảm mạnh cả số mắc lẫn số chết trên phạm vi toàn cầu. Rõ ràng, sử dụng vaccin là biện pháp hết sức hiệu quả trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thế giới chứng kiến kỷ nguyên kỳ diệu con người chế ngự các bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm một cách thành công. Ước tính nhờ tiêm chủng, mỗi năm cứu sống 3 triệu trẻ em và 750.000 trẻ thoát khỏi tàn tật do các bệnh truyền nhiễm.
Vaccin không chỉ là biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất mà còn mang lại lợi ích kinh tế và xã hội to lớn. Những nghiên cứu ở Mỹ và một số nước cho thấy 1 đô-la Mỹ đầu tư cho vaccin bại liệt tiết kiệm được 3,4 đô-la chi phí y tế trực tiếp và 2,7 đô-la chi phí xã hội gián tiếp. Với 1 đô-la đầu tư cho vaccin sởi sẽ làm giảm được 10,3 đô-la chi phí y tế trực tiếp và 3,2 đô-la chi phí xã hội gián tiếp... Tại Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai trong toàn quốc từ năm 1985 và đã thu được những thành quả to lớn. Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa cùng với toàn cầu vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước; thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000 và loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Số mắc và chết do các bệnh có vaccin bảo vệ giảm hàng trăm lần so với trước khi có vaccin. Có thể so sánh số mắc và chết do 5 bệnh truyền nhiễm (bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi) năm 1984 tổng số mắc 132.662, tử vong 855 thì đến năm 2012 chỉ còn mắc 727, tử vong 19. Như vậy, số mắc đã giảm đi gần 185 lần và số tử vong giảm 45 lần. Nhờ tiêm chủng, mỗi năm, hàng trăm ngàn trẻ em Việt Nam không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và hàng ngàn trẻ không bị chết hoặc tàn phế do bệnh tật. Tóm lại, khó có thể tìm được một mô hình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng nào hiệu quả hơn, do vậy, sử dụng vaccin trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm cần tiếp tục được xem là giải pháp ưu tiên trong các hoạt động y tế cộng đồng. Vì sức khỏe trẻ thơ, các bà mẹ hãy mang con đi tiêm chủng. PGS.TS. Đỗ Sỹ Hiển (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Sức khỏe cộng đồng)
| |
| |
|
Tin liên quan
- Bộ Y tế đề nghị thu hồi 12 loại sữa bột giả
- Công bố danh sách tập thể, cá nhân ngành Y tế được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba
- Bộ Y tế đã đề nghị nhiều sàn TMĐT ‘chặn’ hành vi bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt
- Yêu cầu rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc tại các bệnh viện
- Danh sách tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng hình thức khen thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự nhà nước
- Bộ Y tế chấn chỉnh việc kê đơn thuốc, sữa, thực phẩm chức năng
- Bộ Y tế sẽ yêu cầu rà soát việc bán, sử dụng sữa trong bệnh viện