UNICEF: 4,1 triệu liều vắc xin sẽ đến Việt Nam trong tháng 3 và 4
09/03/2021 | 15:38 PM
|
Bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, dự kiến sẽ có thêm 4,1 triệu liều vắc xin sẽ đến Việt Nam trong cuối tháng 3 và tháng 4 tới đây thông qua COVAX Facility (cơ chế COVAX).
Bà Rana Flowers cho hay: "Khi Việt Nam đáp ứng đầy đủ các vấn đề về mặt pháp lý, chúng tôi sẽ có thể đưa các lô vắc xin đầu tiên để hỗ trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX trong tháng 3 này".
Mục tiêu của UNICEF là làm mọi cách để đưa vắc xin một cách nhanh chóng và an toàn đến Việt Nam. Chiến dịch này không chỉ để hỗ trợ về mặt y tế cho Việt Nam, mà còn góp phần vào việc khôi phục nền kinh tế của Việt Nam, do những ảnh hưởng của đại dịch.
Bà Rana Flowers chia sẻ thêm, bản thân rất tự hào khi chứng kiến những mũi tiêm ngừa Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Trong hơn 75 năm qua, UNICEF luôn đóng góp vào việc cải thiện hệ thống y tế, cũng như hỗ trợ chương trình tiêm chủng mở rộng ở các quốc gia.
Trong đại dịch COVID-19 lần này, UNICEF đang hết sức khẩn trương đàm phán với các công ty để đảm bảo 2 tỷ liều vắc xin có thể đến được với 92 quốc gia nghèo và thu nhập thấp thông qua cơ chế COVAX. Bên cạnh đó, UNICEF cũng đang làm việc với 10 hãng hàng không để có thể vận chuyển miễn phí những lô vắc xin này.
Để có thể đảm bảo những chiến dịch tiêm vắc xin như thế này cần sự nỗ lực của tất cả các cơ quan tổ chức có liên quan cho quá trình vận chuyển, bảo quản và tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin.
Ngoài ra, UNICEF cho biết sẽ cung cấp 1 tỷ ống tiêm và 10 triệu hộp an toàn trong năm 2021 để đảm bảo các quốc gia sẵn sàng triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19.
Những mũi tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên cho cán bộ, nhân viên y tế tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương sáng 8/3.
Hiện, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã chính thức bắt đầu từ sáng ngày 08/3 tại Hà Nội, Hải Dương và TP. Hồ Chí Minh, ưu tiên lực lượng cán bộ y tế tuyến đầu, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19.
Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc xin của AstraZeneca, một trong ba vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng 117.600 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được Bộ Y tế phối hợp với Hệ thống tiêm chủng VNVC (đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vắc xin này) khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vắc xin được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn.
Vắc xin được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Trong ngày 08/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm cho 377 người, hoạt động tiêm chủng tại cả các điểm tiêm chủng trong ngày đầu tiên đều diễn ra an toàn. 100% số người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm.
Trong hôm nay 09/3, các điểm tiêm chủng nêu trên tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo kế hoạch, đồng thời mở rộng triển khai tiêm vắc xin COVID-19 tại Hà Nội và tỉnh Gia Lai.
Các tỉnh còn lại đang lập kế hoạch để tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống
Tin liên quan
- Gửi báo giá, hồ sơ năng lực thực hiện hoạt động Thuê trang trí cảnh quan cho dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán 2025 Cơ quan Bộ Y tế
- Bộ Y tế gia hạn thêm 1.500 giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”