Tư vấn trực tiếp: Ứng phó với dịch sốt xuất huyết

12/10/2015 | 08:46 AM

 | 

Chương trình được diễn ra vào 14h15 ngày 12/10/2015 do Cổng thông tin Y tế Sức khỏe Songkhoe.vn phối hợp với Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế Moh.gov.vn thực hiện.

 

Tại sao dịch sốt xuất huyết lại bùng phát với tốc độ chóng mặt đến thế? Phải làm gì để giảm thiểu số ca mắc bệnh? Cần chủ động phòng chống dịch bệnh như thế nào để bệnh không lây lan?

Khách mời tham gia chương trình gồm:

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa - phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế;

ThS. BS Nguyễn Kiên Cường – Viện Y học dự phòng Quân đội.

MC: Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại 53 tỉnh, thành phố, với số ca mắc được ghi nhận lên tới 43.000 ca, trong đó đã có 28 trường hợp tử vong. Những khu vực nào đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết hiện nay? Nguyên nhân chính nào khiến dịch bệnh lại có tốc độ lây lan nhanh đến thế ạ?

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa: Dịch SXH là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do muỗi truyền có tốc đô lây lan nhanh nhất. Trước những năm 1970, trên thế giới chỉ có 9 quốc gia có SXH lưu hành nặng, thì đến nay, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới vào tháng 5 năm 2015, thì đã có 128 quốc gia có dịch SXH lưu hành, hiện có khoảng 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ.

Năm 2015, dịch SXH gia tăng ở rất nhiều quốc gia, như Malaysia có hơn 85 nghìn người mắc và 234 trường hợp tử vong, Philippine có hơn 65 nghìn người mắc, gần 200 người tử vong, Căm Pu Chí tăng 350%, Thái Lan tăng 100%, Ấn Độ tăng 5 lần, Đài Loan, Brazin cũng đang cảnh báo tình hình SXH gia tăng. Tại Việt Nam, SXH xâm nhập vào Việt Nam vào những năm 50 và sau đó nhanh chóng lan rộng ra khắp các tỉnh thành trong cả nước, có những năm Việt Nam ghi nhận trên 300 nghìn trường hợp mắc và trên 1.500 trường hợp tử vong. Khi SXH trở thành bệnh căn lưu hành và trở thành một vấn đề y tế công cộng cần được quan tâm thì Chính phủ và ngành Y tế đã tập trung phòng, chống căn bệnh này, thời gian gần đây số người mắc SXH đã giảm đi rất nhiều.

Gần đây, năm 2010 là năm ghi nhận đỉnh dịch cao nhất trong 5 năm gần đây với hơn 128 nghìn trường hợp mắc và hơn 100 trường hợp tử vong, năm 2014 là năm có số mắc thấp nhất trong 10 năm gần đây. Dịch SXH có tính chất chu kỳ, 4-5 năm năm lại bùng phát một đợt dịch lớn. Năm 2015 là năm bắt đầu chu kỳ 5 năm mới, với xu hướng gia tăng của SXH trên thế giới, với sự biến đổi khí hậu khó lường và với tính chất chu kỳ của dịch bệnh SXH, Bộ Y tế nhận định dịch SXH 2015 có thể bùng phát mạnh nên đã có chỉ đạo phòng chống dịch ngay từ đầu năm.

Năm 2015, dịch bệnh phát triển mạnh ở các tỉnh, thành lớn, có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, nhiều nhà trọ, lán trại, nhiều khu tập trung đông dân cư, người lao động, công nhân, mà điều kiện sống, môi trường không được quan tâm xử lý là điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển, ví dụ: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, …

Nguyễn Lê Hà Trang (Mỹ Đình, Hà Nội): Tôi được biết bệnh SXH chỉ lây lan khi môi trường sống xung quanh có những vũng nước lộ thiên, tôi sống trên nhà cao tầng của chung cư, xung quanh môi trường rất thoáng đãng và khô ráo tại sao tôi vẫn mắc sốt xuất huyết? Tại sao nhiều người đã mắc SXH song vẫn bị mắc lại và lần sau còn nặng hơn? Bệnh SXH lây lan như thế nào? Đâu là nguyên nhân chính ạ?

ThS.BS Nguyễn Kiên Cường: Dịch SXH đang diễn biến rất phức tạp, chúng ta cần phổ biến thông tin cho người dân về phương pháp phòng tránh. Hy vọng là với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, bộ y tế, và nâng cao nhận thức người dân thì dịch SXH sẽ được đẩy lùi. Đầu tiên, ta biết muỗi là đốt người bệnh và truyền bệnh cho người lành, chị có thể bị đốt ở trong hay ngoài nhà, bị muỗi đốt tại khu chung cư hay ở khu vực khác. Muỗi có thể lên các chung cư cao tầng qua con đường thang máy. Lý do vì sao sốt xuất huyết lần sau thường nặng hơn lần trước, điều này được giải thích theo giả thuyết 'tăng cường phụ thuộc kháng thể' (Antibody Dependent Enhancement, viết tắt là ADE), giả thuyết này được thừa nhận một cách rộng rãi. Ngoài ra, còn có vai trò của hệ thống miễn dịch, bổ thể và các cytokin.

Hà Mỹ Hạnh (Đồng Nai): Nơi tôi sống đang bùng phát dịch SXH. Qua tìm hiểu, tôi được biết hơn 50% ca mắc từ đầu năm đến nay là ở trẻ dưới 15 tuổi và giai đoạn nguy hiểm của SXH thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt, nên tôi rất lo lắng cho bé nhà tôi. Bên cạnh SXH, bệnh sốt ở trẻ cũng có nhiều loại như sốt siêu vi, sốt vi rút, và triệu chứng ở trẻ thường không rõ ràng, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Vậy dấu hiệu nào để xác định được trẻ đang bị sốt xuất huyết ạ?

ThS.BS Nguyễn Kiên Cường: SXH có thể bị lây từ mẹ sang con (trong giai đoạn trước khi sinh khoảng 1 tuần cho đến khi sinh nếu mẹ mắc sốt xuất guyết), hoặc truyền máu hoặc ghép tạng. Chủ yếu lây truyền do muỗi đốt. Những năm trước mắc SXH chủ yếu là trẻ em, ngày nay số mắc ở người lớn có chiều hướng tăng lên. Vậy cách nhận biết là bệnh diễn biến theo giai đoạn: sốt, nguy hiểm và hồi phục. Trẻ dễ sốt cao đột ngột, kèm theo đau mỏi cơ, nhức đầu và đau nhức hố mắt. Nên căn cứ vào đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Với trẻ sơ sinh thì dễ nhầm lẫn với nhiễm khuẩn sơ sinh. Với trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính thì chẩn đoán và điều trị khó hơn. Vì vậy, tôi khuyên các cháu phải đi khám để bác sĩ xác định đúng bệnh.


MC: Trong tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh và các bệnh viện quá tải như vậy thì làm thế nào để tự bảo vệ mình khi nằm viện, nhất là thời này, dịch đang vào cao điểm?

ThS.BS Nguyễn Kiên Cường: Để tránh SXH hãy tránh muỗi truyền bệnh. Vì vậy, người bệnh và người không có bệnh đều cần nằm màn. Người bệnh nằm màn để tránh muỗi đốt, và để tránh con muỗi đốt mình và mang mầm bệnh cho người khác. Tại bênh viện cũng có chiến dịch làm sạch cảnh quan, ao tù nước đọng, khai thông cống rãnh... để diệt muỗi Với cá nhân, có thể sử dụng thuốc bôi ngoài da để tránh muỗi đốt.

MC: Trong tình hình dịch bệnh đang gia tăng như vậy thì Bộ Y tế đã có những giải pháp gì?

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa: Như đã nới ở trên, ngay từ đầu năm 2015, Bộ Y tế đã nhận định năm nay SXH có thể có diễn biên phức tạp nếu như chúng ta không triển khai các biện pháp phòng chống quyết liệt ngay từ đầu năm. Vì vậy, Đầu năm 2015, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch và kế hoạch phòng chống SXH và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống SXH trên địa bàn, sau đó tổ chức 2 hội nghị tăng cường công tác phòng chống SXH và bàn các giải pháp phòng chống dịch và tới đây ngày 16/10/2015, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng chống SXH lần 3.

Bộ Y tế theo dõi sát diễn biến tình hình để tham mưu cho các cấp lãnh đạo để có những chỉ đạo kịp thời, cụ thể trong tháng 9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1632/CĐ-TTg gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và Ban Dân vân Trung ương đã có Công văn gửi Ban Dân vận các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác phòng, chống SXH.

Về công tác theo dõi và triển khai phòng chống dịch, ngành Y tế liên tục theo dõi sát tình hình, phát hiện những ổ dịch mới phát sinh và những vùng có nguy cơ xảy dịch, khoanh vùng xử lý kịp dịch sớm, không để dịch bùng phát. Các cơ sở điều trị được chỉ đạo sẵn sàng giường bệnh, thuốc men để thu dung, điều trị bệnh nhân. Triển khai rất nhiều hình thực truyền thông như trực tiếp, gián tiếp, trên các kênh truyền thông khác nhau như phát thanh, truyền hình, truyền thông trực tiếp và qua hệ thống mạng lưới cộng tác viên đến trực tiếp các hộ gia đình và biện pháp nữa là phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ xảy ra dịch cao.

Nói chung những biện pháp phòng, chống trước và trong khi xảy dịch đã được chính quyền và ngành Y tế triển khai rất mạnh mẽ, nhưng bệnh SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, nên kết quả phòng chống dịch bệnh phụ thuộc vào hiệu quả của hoạt động là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy. Vì vậy sự tham gia của cộng đồng, của người dân vào công tác phòng chống SXH là rất quan trọng và mới đem lại hiệu quả cao.

Trần Minh Đức (TP. HCM): Giờ đang là thời điểm dịch SXH đang bùng phát bất thường. Cháu nhà tôi đang học mẫu giáo, sáng đi chiều về, nên tôi rất lo lắng liệu cháu có bị lây lan SXH không. Vậy ngành y đã có những biện pháp gì triển khai cho các trường học trước nguy cơ của dịch bệnh này?

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa: Trong đầu năm học là thời điểm chuyển từ hè sang thu và là thời điểm tập trung nhiều học sinh quay trở lại trường sau thời gian nghỉ hè, là thời điểm có thể xảy ra nhiều bệnh dịch như tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da, cảm cúm, tiêu chảy... Để chủ động phòng chống các dich bệnh này trong trướng học, ngày 26-8, Bộ Y tế và Bộ GDĐT đã tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí và các cơ quan truyền thông, để thực hiện truyền thông cho trường học, các cơ sở đào tạo, các cơ sở trông giữ trẻ triển khai các biện pháp chủ động phòng chống các bệnh dịch có thể xảy ra vào đầu năm học, đồng thời đề nghị tổ chức theo dõi sức khỏe học sinh để phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm kịp thời để thực hiện biện pháp cách ly, điều trị.

Sau đó thì cũng đề nghị trường thực hiện truyền thông trong nhà trường, hướng dẫn cho học sinh, cho phụ huynh cách phát hiện và xử trí khi con bị mắc bệnh như cho con nghỉ học để cách ly tại nhà, thông báo cho cơ quan y tế và nhà trường biết.. Các thầy cô giáo khi phát hiện học sinh mắc bệnh truyền nhiễm cũng cần báo cho cơ quan y tế để được theo dõi, điều trị và triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, yêu cầu các em từ cấp 2 trở lên sẽ trở thành tuyên truyền viên, truyền thụ thông tin được học tại nhà trường cho người gia đình, người thân.

Tư vấn trực tiếp: Ứng phó với dịch sốt xuất huyết (P2) - ảnh 1 

ThS. BS Nguyễn Kiên Cường – Viện Y học dự phòng Quân đội

MC: Trong khi thời tiết có nhiều biến đổi bất thường, cùng với điều kiện vệ sinh kém, bệnh SXH càng có cơ hội phát triển. Vậy biện pháp phòng dịch bằng phương pháp phun hóa chất tại các vùng có nguy cơ cao được tiến hành như thế nào? Bộ Y Tế có gặp khó khăn gì không?

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa: Chúng ta đã biết SXH là bệnh do muỗi truyền, muỗi truyền bệnh SXH gồm có hai loại là Ae. Aegypti và Ae. Albopictus. Ở Việt Nam chủ yếu là muỗi Ae. Aegypti, trong dân gian thì gọi là muỗi vằn vì thân mình màu đen và trên có những nốt trắng. Muỗi này đẻ trứng ở chỗ nước trong, không đẻ ở ao tù, cống rãnh, nên đôi khi thấy có nơi tuyên truyền là 'phát quang bụi rậm, khơi thong cống rãnh…' thì thực sự chưa hiệu quả với muỗi truyền bệnh SXH.

Muỗi truyền bệnh SXH sống loanh quanh trong nhà, đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch như bể nước, chum, vại, lu, khạp, đặc biệt những khu vực mà người dân có thói quen trữ nước dùng cho sinh hoạt; đẻ tại nơi nước đọng lâu ngày như lọ hoa, lọ cây phát lộc, chậu hoa, bể cảnh, bát kê chân chạn và các vật liệu phế thải như vỏ lon, vỏ chai hoặc các máng gia súc, gia cầm, hốc cây, bẹ lá, gốc tre…

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không đậu trên tường mà thuờng đậu vào quần áo, chăn màn, đồ dung bằng vải, nên để diệt muỗi truyền bệnh SXH thì phải phun không gian với các hạt hóa chất cực nhỏ lơ lửng trong không trung để diệt muỗi, nhưng biện pháp này chỉ diệt được đàn muỗi trưởng thành đang mang mầm bệnh và biện pháp này chỉ có tác dụng trong khoảng 3 ngày. Vì vậy, để diệt muỗi hiệu quả chúng ta phải triển khai đồng thời các biện pháp diệt loăng quăng để không phát sinh ra các đàn muỗi mới.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng ta phun hóa chất trong 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất là khi phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết, ổ dịch là nới có 1 trường hợp có xét nghiệm dương tính với SXH hoặc có 2 trường hợp có chẩn đoán lâm sàng SXH đồng thời phát hiện muỗi truyền bệnh SXH trong phạm vi 200 m thì sẽ có chỉ định phun hóa chất với phạm vi bán kính 200m xung quanh nhà bệnh nhân; trường hợp thứ hai là tại khu vực có nguy cơ xảy dịch cao, là khu vực có mật độ muỗi, lăng quăng cao thì sẽ có chỉ định phun chủ động diện rộng, thường phun bằng máy phun trên ô tô, kết hợp với máy phun vác vai để phun từng nhà.

Trong thời gian qua, các ổ dịch, các khu vực có nguy cơ xảy dịch đã được ngành y tế xử lý sát sao, nhưng 1 bộ phận vẫn e ngại nên chưa chấp hành, không cho vào phun nên hiệu quả của việc phun hóa chất diệt muỗi sẽ không cao vì muỗi sẽ bay từ nhà này sang nhà khác sau đó muỗi sẽ quay trở lại.

MC: Xin hỏi BS Nguyễn Đức Khoa là hóa chất phun diệt muỗi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người không?

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa: Hóa chất hiện nay ngành y tế đang sử dụng nằm trong danh mục hóa chất được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng an toàn, hiện đang được sử dụng tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời hóa chất này cũng đã được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế khảo nghiệm về tính hiệu quả và tình an toàn trước khi được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian phun hóa chất, ngành y tế cũng hướng dẫn trong thời gian phun hóa chất cần di chuyển người, gia súc, gia cầm ra khỏi khu vực phun, đồng thời cần dọn dẹp, ậy kín thực phẩm, thức ăn, nước uống cũng như dụng cụ chế biến để không bị ảnh hưởng bởi hóa chất diệt muỗi, khi phun thì đóng cửa sổ và sau khi phun thì đóng cửa chính để muỗi không bay ra ngoài, chỉ nên quay lại nhà sau 60 phun kể từ khi phun hóa chất để giảm thiểu sự ảnh hưởng của hóa chất. Có ó 1 vài người có cơ địa rất nhạy cảm thì có thể có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi nhẹ.

Lê Hoàng Lương (Phúc Thọ, Hà Nội): Chào các chuyên gia, tôi được biết sốt xuất huyết có biểu hiện nặng nhất là sốt kèm theo dấu hiệu suy tuần hoàn, thậm chí là hội chứng sốc dengue. Vậy sốc trong SXH có biểu hiện như thế nào? Khi bị bệnh ở thể nặng như thế, bệnh nhân cần được điều trị như thế nào? Giai đoạn này, bệnh nhân cần cung cấp chế độ dinh dưỡng ra sao?

ThS.BS Nguyễn Kiên Cường: Sốc do SXH thường xảy ra ở giai đoạn nguy hiểm trong khoảng ngày thứ 3-7 của bệnh. Và biểu hiện của sốc do SXH có triệu chứng: rối loạn ý thức, mạch nhanh, huyết áp tụt, vã mồ hôi, chân tay lạnh, nặng hơn có thể có mạch không bắt được, huyết áp không đo được… Điều trị khi bệnh nhân có sốc cần được hồi sức tích cực, chú ý tới chức năng sống như tim mạch, hô hấp, bù khối lượng tuần hoàn, xem xét truyền dịch cao phân tử, truyền máu nếu có chỉ định.

Để tránh sốc xảy ra cần phát hiện sớm các triệu chứng nguy hiểm, các dấu hiệu cảnh báo và nhập viện điều trị: nếu có dấu hiệu như nôn liên tục, nôn nhiều, đau thượng vị, đau gan, gan to, rối loạn ý thức, xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng, đái ít … là những cảnh bảo nguy hiểm, có thể dẫn đến sốc do SXH. Những trường hợp này cần nhập viện.

Những trường hợp đặc biệt như người già, trẻ em, bà bầu, người xa cơ sở y tế nên nhập viên điều trị. Để hạn chế tỷ lệ tử vong thì cần phải đi khám sớm. Về dinh dưỡng, bệnh nhân không cần kiêng khem gì, uống nhiều nước, theo dõi lượng nước tiểu, nếu đái ít là không tốt. Nên tránh đồ ăn có màu đỏ, màu nâu. Có chế độ ăn phù hợp với đặc điểm bệnh lý của người bệnh chẳng hạn như đái tháo đường cần lưu ý chế độ ăn của người đái tháo đường, người có bệnh dạ dày tá tràng hạn chế ăn chua cay. Những người nghi bị bệnh đều phải đi khám, người có sốt và đang ở trong vùng dịch cần đến cơ sở y tế khám, không được tự ý chữa ở nhà.

MC: Trong khi ngành Y tế đang ra sức người chống SXH thì một bộ phận người dân vẫn đang thờ ơ. Tôi thấy chỉ tuyên truyền thôi chưa thể làm thay đổi nhận thức người dân được. Vậy để người dân nhận thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh thì Cục Y tế dự phòng đã có những biện pháp gì?

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa: Chúng ta đã biết từ nhận thức đến hành vi là con đường khá dài. Một người có nhận thức tốt, nhưng có thái độ thờ ơ thì chưa chắc đã thay đổi hành vi của mình. Sau thời gian triển khai rất nhiều hoạt động truyền thông, chúng tôi đi khảo sát thì thấy tỷ lệ người dân có kiến thức tốt về bệnh SXH rất cao, nhưng tỷ lệ thực hành biện pháp phòng chống dịch không cao, chứng tỏ người dân còn chủ quan. Để khắc phục thực trạng này, thì trước tiên là đẩy mạnh biện pháp truyền thông.

Hiện nay ngành y tế nghiên cứu các mô hình truyền thông, kênh truyền thông, biện pháp truyền thông phù hợp để người dân dễ tiếp cận, dễ ghi nhớ và dễ thực hiện để vận động các chính quyền, các ban ngành đoàn thể, người dân cùng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ngoài ra còn có các mô hình khác như mô hình tổ tự quản, mô hình ký cam kết không có dụng cụ nước có loăng quăng/bọ gậy, một số địa phương đang thí điểm áp dụng hình thức xử phạt theo Nghị đinh 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ, một số địa phương nêu tên trên phương tiện thong tin đại chúng như loa, đài các công trình, các hộ gia đình vẫn còn dụng chứa nước có loăng quăng/bọ gậy. Mục tiêu kết hợp các biện pháp để vận động cộng đồng, người dân tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Tư vấn trực tiếp: Ứng phó với dịch sốt xuất huyết (P2) - ảnh 2 

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa - phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế

Trần Thùy Linh (Bắc Giang): Em muốn hỏi làm sao phân biệt được bệnh sốt xuất huyết và bệnh nhiễm siêu vi? Em thấy các dấu hiệu ban đầu cũng gần giống nhau, đến khi tìm ra được bệnh là ngày thứ 3 mới bắt đầu chữa trị, liệu như vậy có bị chậm trễ không? Mong bác sĩ tư vấn giúp.

ThS.BS Nguyễn Kiên Cường: Về điều trị thì không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi sát các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, các triệu chứng nặng để phòng tránh sốc và có điều trị kịp thời. Mọi người bệnh khi có sốt, nằm trong ổ dịch hoặc sốt trong vòng 14 ngày sau khi từ nơi có dịch trở về cần đến khám tại cơ sở y tế. Với bệnh nhân như người già, người neo đơn, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người ở xa cơ sở y tế thì cần đi khám và nhập viện điều trị.

Đi khám sớm, bác sĩ sẽ xác định đó có phải là sốt xuất huyết hay không, có chỉ định nhập viện hay không, có thể điều trị tại nhà hay tại cơ sở y tế, vấn đề là bạn tự theo dõi  thì cần biết các triệu chứng của bệnh và khi sống trong vùng dịch, mình nên đến khám. Những người bệnh khi được chẩn đoán sốt xuất huyết nếu được điều trị tại nhà nên tái khám hằng ngày cho đến khi qua khỏi giai đoạn nguy hiểm của bệnh.

MC: Hiện nay vào mùa mưa, điều kiện vệ sinh, môi trường nhiều nơi rất kém, bệnh SXH càng có môi trường phát triển mạnh. Vậy sau khi phun, hóa chất liệu có tác dụng trong bao nhiêu thời gian? Và hiện với các vùng dịch có nguy cơ cao, phương pháp phun được thực hiện ra sao, có gì đặc biệt hơn không? Trong quá trình triển khai, ngành y tế có gặp khó khăn gì không?

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa: Vùng nguy cơ cao là vùng chưa xảy ra dịch nhưng có nguy xảy ra dịch, đó là vùng có ổ dịch cũ hoặc là vùng có mật độ muỗi truyền bệnh SXH gia tăng. Vùng này phun khác với xử lý ổ dịch là khi xử lý ổ dịch, chúng ta xử lý ổ dịch ở bán kính 200m kể từ nhà bệnh nhân, còn vùng nguy cơ cao, chúng ta sẽ xử lý ở cả 1 phường, xã. Nó khác ở chỗ chúng ta sẽ chủ động phun trên quy mô rộng. Còn kỹ thuật phun, diệt loăng quăng bọ gậy thì giống nhau. Nó cũng giống như xử lý ổ dịch là đòi hỏi sự tham gia của tất cả người dân, chính quyền.


Lệ Hằng: Tôi năm nay 32 tuổi đang có thai ba tháng, nay bị sốt xuất huyết. Tôi rất lo lắng vì hiện tại dịch SXH đang ở trong đỉnh dịch. Xin bác sĩ cho biết tác hại của bệnh sốt xuất huyết với phụ nữ mang thai. Và tôi phải điều trị và phòng chống như thế nào?

ThS.BS Nguyễn Kiên Cường: SXH ở bà bầu cần phải điều trị, như đã biết bà bầu bị SXH mạch đập nhanh hơn, bà bầu bị thiếu máu sinh lý, việc theo dõi, điều trị sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai có những điểm khác với phụ nữ không mang thai, ví dụ: Hematocrit ở phụ nữ không có thai 37-47% là bình thường, nhưng ở phụ nữ mang thai giai đoạn 2, giai đoạn 3 của thai kỳ thì Hematocrit 34% được coi là bình thường. Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết nên nhập viện điều trị để bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời, chính xác. SXH có nguy cơ ảnh hưởng đến cả mẹ và con như sinh non, sảy thai, thai chết lưu. Nhưng nếu được phát hiện sớm, điều trị kip thời, không có triệu chống sốc thì  không có ảnh hưởng gì cả.

MC: Thưa các chuyên gia, tôi được biết hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia được chọn tham gia giai đoạn III nghiên cứu vắc-xin SXH. Vậy nghiên cứu này đang ở giai đoạn nào? Khi nào thì được chính thức lưu hành ở Việt Nam?

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa: Có rất nhiều hãng vắc-xin nghiên cứu sản xuất vắc-xin SXH. Viện Pasteur TP HCM đang hợp tác triển khai thử nghiệm một loại vắc-xin phòng bệnh SXH giai đoạn ba từ năm 2011 tại hai tỉnh Tiên Giang và An Giang. Kết quả bước đầu, vắc-xin đã có tác dụng giảm được hơn 56% số trường hợp mắc bệnh và giảm được rất nhiều trường hợp bệnh nặng và số người phải nhập viên. Nghiên cứu này tiếp tục được theo dõi đến năm 2017, sau đó sẽ có đánh giá, báo cáo toàn diện về tính hiệu quả và an toàn toàn của vắc-xin.

Nguyễn Lê Nguyên (Tuyên Quang): Nhà tôi sống gần vùng nhiều đồi chè, xung quanh nhà là một khu vườn khá rộng, trồng vài loại rau và cây ăn quả. Tôi được biết hiện đang có dịch SXH, tôi cần đề phòng như thế nào để không mắc căn bệnh này? Với các cháu nhỏ thì cần đề phòng như thế nào? Xin cám ơn Bác sĩ.

ThS.BS Nguyễn Kiên Cường: Để phòng bệnh cần tránh bị muỗi đốt, cần vệ sinh nhà cửa, vì muỗi truyền SXH chủ yếu hoạt động ở trong nhà là chính, phòng tránh muỗi đốt bằng cách nằm màn khi đi ngủ. 

Ứng phó với dịch sốt xuất huyết (P4)

MC: Dịch SXH bùng phát từ tháng 8, tháng 9, cho đến thời điểm này đã lây lan ra 53 tỉnh thành trong cả nước và trở thành đỉnh dịch. Tại một số địa phương, hay các bệnh viện lớn còn xảy ra tình trạng bệnh nhân quá tải. Trước bài toán khó này, Bộ Y tế đã có những động thái gì để giải quyết tình trạng trên?

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa: Có thể nói không phải mỗi bệnh SXH khiến bệnh viện quá tải mà còn do nhiều bệnh khác. Việc quá tải này không chỉ do dịch bệnh mà còn do tâm lý người bệnh, nhiều trường hợp nhé đáng lẽ có thể điều trị tại tuyến dưới nhưng người bệnh lại tập trung lên tuyến trên làm tình trạng quá tải xảy ra.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán điều trị và tổ chức tập huấn triển khai hướng dẫn này tới tất cả các tuyến, thứ hai là tổ chức phân tuyến để tổ chức thu dung điều trị tại các tuyến, thứ ba là cung cấp trang thiết bị cho các tuyến để đảm bảo các tuyến đều có thể thu dung điều trị bệnh nhân, tuyến cơ sở sẽ điều trị các bệnh nhẹ, trường hợp nặng sẽ được chuyển lên tuyến trên và tuyến trên sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, điều trị. Chúng tôi khuyến cáo người dân hiện nay cơ sở y tế các tuyến đã có đủ năng lực để điều trị bệnh SXH, nên khi nghi ngờ mắc bệnh, người dân nên đến các cơ sở y tế địa phương để chữa trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh nặng mới đến bệnh viện, khiến tuyến trên bị quá tải.

MC: Trước khi kết thúc chương trình, các chuyên gia có lời khuyên gì cho những khán giả của chương trình không ạ? Không chỉ trong việc ứng phó với đỉnh dịch SXH mà còn tránh lây lan các bệnh nguy cơ khác như chân tay miệng, Ebola…

ThS.BS Nguyễn Kiên Cường: Ngoài phòng tránh muỗi đốt cần diệt loăng quoăng bọ gậy, và trang bị kiến thức phòng bệnh nói chung như rửa tay trước khi ăn…

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa: Như chúng ta đã biết, dịch bệnh xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua các đường như đường miệng, hô hấp, tiếp xúc, đường máu, do côn trùng truyền…Đối với bệnh có vắc-xin phòng bệnh thì chúng ta nên đi tiêm vắc-xin đầy đủ đặc biệt trẻ em và phụ nữ có thai; đối với các bệnh chưa có vắc-xin thì chúng ta thực hiện các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu, trước tiên là cắt đứt các đường truyền này đảm bảo việc ăn sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đối với b bệnh SXH, do chưa có vắc-xin nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, dieetk lăng quăng/bọ gậy, phòng không cho muỗi đẻ trứng như đậy kín hoặc thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, hàng tuần thau rửa thau rửa các dụng chứa nước vừa, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa, bỏ muỗi, đầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân trạn hoặc các ổ nước đọng; hang tuần loại bỏ các vật liệu phế thải có thể chưa nước như lốp xe, vỏ dừa, chai, lọ, lon…ngủ màn phòng muỗi đốt kể cả ban ngày khi bị sốt nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn điều trị. Không nên tự điều trị tại nhà.

MC: Thưa ThS. BS Nguyễn Đức Khoa, khi mà dịch bệnh vẫn đang lây lan với tốc độ chóng mặt thì ông có lời khuyên gì cho người dân trong việc tự phòng chống sốt xuất huyết ngay tại khu vực mình sống không?

ThS. BS Nguyễn Đức Khoa: Ngoài những bệnh có vắc-xin phòng bệnh, những bà mẹ hay bà bầu cần phải tiêm phòng đầy đủ cho trẻ để phòng bệnh. Với các bệnh không có vắc-xin thì cần thực hiện cách phòng bệnh đặc hiệu: ăn sạch, ở sạch, chơi sạch, rửa tay bằng xà phòng. SXH chưa có vắc-xin nên cần diệt muỗi, diệt bọ gậy, đậy kín các dụng cụ chứa nước. Bộ Y tế khuyến cao hàng tuần nên diệt loăng quoăng, nếu dụng cụ chứa nước lớn có thể thả cá hoặc thau rửa không sử dụng. Những bình hoa, cây cảnh nên bỏ muối vào để muỗi không đẻ trứng. Một điều nữa là khi bị sốt nên đi khám, không nên tự điều trị ở nhà.


Thăm dò ý kiến