Trưa 13/9: Đã tiêm chủng hơn 29,3 triệu liều vaccine COVID-19; TP HCM yêu cầu không để nhân viên y tế làm việc liên tục thời gian dài

13/09/2021 | 13:55 PM

 | 

Đến trưa 13/9, cả nước đã tiêm chủng được hơn 29,3 triệu liều vaccine COVID-19; Sở Y tế TP HCM yêu cầu không để nhân viên làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ.

Đã tiêm chủng hơn 29,3 triệu liều vaccine COVID-19

Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia cập nhật đến trưa ngày 13/9, cả nước đã tiêm chủng được hơn 29,3 triệu liều vaccine COVID-19, cao hơn hôm qua khoảng hơn 1 triệu liều (đến ngày 12/9  cả nước đã tiêm 28.213.392 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 23.157.067 liều, tiêm mũi 2 là 5.056.325 liều).

Về tiến độ tiêm vaccine theo thống kê từ Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, TP HCM đã thực hiện tất cả 7.899.206 mũi tiêm. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine đạt 113,39%. Thành phố cũng đã nhận được 8.731.224 liều vaccine COVID-19 do Bộ Y tế phân bổ, chiếm 27,1% số lượng của cả nước.

Tại Hà Nội, ngày 12/9, thành phố cũng tiêm được cho 573.829 người. Đây là ngày có số lượng người tiêm kỷ lục của Hà Nội từ khi thành phố bắt đầu tăng tốc độ bao phủ vaccine vào đầu tháng 9.

Cộng dồn tới 18h ngày 12/9, toàn TP. Hà Nội đã sử dụng 4.088.460 liều vaccine trong tổng số 4.591.476 liều được cấp, đạt tiến độ 89%.

Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 35 triệu liều vaccine COVID-19 từ các nguồn khác nhau, trong đó nhiều nhất là AstraZeneca. 

TP HCM: Không để nhân viên y tế làm việc liên tục trong thời gian dài, không có ngày nghỉ

Ngày 13/9, Sở Y tế TP HCM cho biết đã có văn bản khẩn gửi đến UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, bệnh viện dã chiến, khu cách ly F0 toàn thành phố về việc tăng cường hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến và sử dụng tình nguyện viên.

Theo đó, nhằm tăng cường công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung ý kiến của Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế tại TP HCM.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị đã rút nhân viên ra khỏi bệnh viện dã chiến, lập tức bổ sung nhân lực thay thế đầy đủ, bảo đảm quân số, tránh tạo áp lực công việc lên các nhân viên còn lại.

Đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho các nhân viên y tế, không để nhân viên làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ.

Hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào vị trí hành chính nhằm đảm bảo công tác chuyên môn. Trong tình hình thiếu nhân lực hành chính, đề nghị bổ sung lực lượng sinh viên, tình nguyện viên vào các vị trí hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính.

Các đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền.

Trường hợp nhân viên y tế không may mắc COVID-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày. Không áp dụng chế độ của người bệnh dành cho nhân viên y tế.

Lực lượng an ninh, quân sự chỉ kiểm soát việc ra vào trong khu điều trị đối với nhân viên y tế, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, gây áp lực lên đời sống tinh thần của nhân viên y tế.

Sở Y tế đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch, giám đốc bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, khu cách ly F0 quan tâm, giám sát chặt chẽ về chất lượng suất ăn hằng ngày của các nhà cung ứng, đảm bảo đủ chất, đủ lượng cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.

Đồng Nai: Sớm mua thuốc dự trữ phục vụ điều trị COVID-19 ở 3 tầng

Sở Y tế Đồng Nai vừa có văn bản gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh yêu cầu xây dựng danh mục thuốc phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 theo từng tầng cụ thể trong tháp điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trong đó lưu ý, ở tầng 1 của tháp điều trị cần dự trữ các loại thuốc: vitamin, thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng sinh, thuốc điều trị các bệnh thông thường và bệnh nền, mạn tính.

 Tầng 2 lưu ý dự trữ các thuốc chống đông máu, kháng sinh, kháng viêm, kháng virus. 

Ở tầng 3 cần dự trữ các thuốc chống đông máu, thuốc kháng sinh, kháng viêm, giãn cơ, dịch lọc máu, kháng nấm, kháng virus…

Các bệnh viện lưu ý, việc mua thuốc được thực hiện theo các hợp đồng đã ký kết với các nhà thầu trúng thầu theo các Quyết định lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc sử dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh năm 2021.

Trường hợp danh mục thuốc trúng thầu tại đơn vị chưa đủ cho nhu cầu điều trị hoặc chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu thì đơn vị sử dụng các thuốc có hoạt chất khác cùng nhóm tác dụng điều trị/dược lý hoặc hoạt chất có phân nhóm tiêu chí kỹ thuật khác hoặc hàm lượng khác đã trúng thầu thay thế.

Đến sáng 13/9, Đồng Nai đã có hơn 20.500 ca COVID-19. Ngành chức năng Đồng Nai cho biết, tiếp tục ghi nhận ca mắc tại các nhà trọ trong khu phong tỏa, trong doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ". Đến nay, có 61 doanh nghiệp trên tổng số 1.122 doanh nghiệp "3 tại chỗ" có ca mắc COVID-19.

Phong tỏa tạm thời Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ

Từ 0h ngày 13 đến 27/9, TP Cần Thơ phong tỏa tạm thời Bệnh viện Phụ sản trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận Ninh Kiều. Bệnh viện tiếp tục điều trị các bệnh nhân đã nhập viện, cấp cứu trước ngày 13/9

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký quyết định thiết lập cách ly toàn bộ Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ.

Theo quyết định này, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ tạm thời thiết lập cách ly y tế toàn bộ bệnh viện để đảm bảo công tác phòng chống dịch và ngăn chặn lây nhiễm cộng đồng liên quan đến ca F0.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 đến ngày 13/9, TP Cần Thơ ghi nhận 4.856 ca COVID-19, trong đó 3.905 người đã khỏi bệnh.

Đến nay, TP Cần Thơ đã tiêm 299.613 liều vaccine ngừa COVID-19 (chiếm 20,83% dân số), trong đó có 41.003 người đã tiêm đủ 2 mũi (chiếm 3,3%)./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến