Trẻ em Việt Nam mắc đái tháo đường gia tăng, có bé sơ sinh đã bị
12/11/2023 | 08:54 AM
|
Đái tháo đường là một trong những vấn đề cấp bách y tế toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21, đái tháo đường đang có xu hướng tăng ở phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Nước ta hiện có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó 5-7% là tuýp 1.
Đái tháo đường gây ra rất nhiều biến chứng cho sức khoẻ như tim mạch, mắt, thần kinh, là nguyên nhân chính gây suy thận và rất nhiều biến chứng khác. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Những thông tin trên được TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đưa ra tại chương trình "Thắp sáng xanh lam" diễn ra tối 11/11 tại khu vực Hồ Gươm, Hà Nội nhằm hưởng ứng Ngày Phòng chống bệnh đái tháo đường thế giới 2023 với chủ đề "Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường" và thông điệp cụ thể "Hiểu nguy cơ, Biết hành động". Chương trình do Bộ Y tế phối hợp với Đại sứ Quán Đan Mạch và Hội Nhi khoa Việt Nam tổ chức.
TS.BS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết: Bộ Y tế sẽ phối hợp với Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam xây dựng hướng dẫn riêng về chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 1.
Một nửa số người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán
TS Vương Ánh Dương cho biết, theo thống kê của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045.
"Tuy nhiên có đến một nửa số người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán. Nhiều người đang sống với bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được chẩn đoán, thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh. Nhưng 70% trường hợp đái tháo đường tuýp 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi thực hiện các lối sống khoẻ mạnh"- TS Vương Ánh Dương thông tin.
Thông tin tại chương trình, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cho biết thêm, theo dự báo của Liên đoàn đái tháo đường quốc tế, cho thấy số trẻ từ 0 - 19 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 1 là 1.211.900 ca, trong đó mỗi năm có thêm 149.500 ca mắc mới.
"Tại Việt Nam số liệu tích luỹ đến nay có khoảng 1.750 trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi lớn trên cả nước. Số ca mắc mới tăng lên rõ qua các năm"- ông Điển nói và thông tin thêm: Riêng Bệnh viện Nhi TW đang theo dõi, điều trị cho ngoại trú khoảng 1000 trẻ bị đái tháo đường tuýp 1, bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác do ảnh hưởng nhiều đến tuần hoàn và tri giác.
Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.
Tại Bệnh viện Nhi TW, chục năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm, có cả trẻ sơ sinh cũng mắc đái tháo đường. Trong 1.000 ca bệnh viện đang theo dõi, điều trị, chỉ có khoảng 30% ở Hà Nội, đi lại dễ dàng, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận. "Mặc dù BHYT hiện chi trả thuốc và vật tư nhưng các bé vẫn phải di chuyển quãng đường xa, ảnh hưởng đến học tập, tạo gánh nặng cho gia đình"- ông Điển nói.
Trước gánh nặng này, Bệnh viện Nhi TW đang triển khai chương trình chăm sóc bệnh đái tháo đường trên trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam (CDiC). Đây là chương trình hợp tác được khởi xướng bởi Novo Nordisk với sự tham gia của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), Quỹ đái tháo đường thế giới (WDF). Sáng kiến về chương trình CDiC là cam kết mạnh mẽ và lâu dài của Novo Nordisk nhằm góp phần thay đổi bệnh đái tháo đường tại Việt Nam, giúp các bệnh nhân có thể sống khoẻ mạnh.
PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cho biết Bệnh viện Nhi TW đang theo dõi, điều trị ngoại trú cho khoảng 1000 trẻ bị đái tháo đường.
Theo đó, bệnh viện cung cấp miễn phí sinh phẩm, thiết bị để trẻ kiểm soát đường huyết ngay tại nhà. Từ tháng 4 đến nay, đã có khoảng gần 400 cháu được hỗ trợ theo dõi và kiểm soát đường huyết ở nhà. Ngoài can thiệp, trẻ cũng cần phải đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh. Khuyến khích ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng, như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein. Hạn chế thức ăn và đồ uống có đường. Khuyến khích nhiều hoạt động thể chất.
4 biện pháp để phòng ngừa mắc "kẻ giết người thầm lặng"- đái tháo đường
Thông tin thêm về tình hình bệnh đái tháo đường tại Việt Nam, TS Vương Ánh Dương cho hay, theo điều tra năm 2012 của Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức thế giới cho thấy chỉ khoảng hơn 4% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, nhưng đến năm 2020, con số này đã lên đến gần 7,3%. "Như vậy gần 10 năm, tỷ lệ dân số mắc đái thái đường ở nước ta tăng gần gấp đôi"- TS Dương nói.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu, xây dựng trình ban hành, ban hành nhiều nội dung liên quan đến phòng chống bệnh không lây nhiễm, trongd dó có đái tháo đường.
Cụ thể, Bộ Y tế đã triển khai việc quản lý, cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường tại trạm y tế. "Do đó những người đã mắc đái tháo đường cần theo đuổi tuân thủ việc quản lý và tuân thủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc để làm trì hoãn, giảm nguy cơ biến chứng của đái tháo đường"- TS Dương lưu ý và thông tin thêm: Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ để những trường hợp có nguy cơ về đái tháo đường sớm đến cơ sở y tế khám, sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm đái tháo đường.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, sự gia tăng của bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới dường như không thể dừng lại. Dịp này, Bộ Y tế kêu gọi người dân có thể phòng ngừa bệnh thái đường cũng như các bệnh không lây nhiễm khác... bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với sức khoẻ của mình, tập trung vào 4 vấn đề: Thứ nhất không hút thuốc; thứ hai hạn chế tối đa rượu bia; thứ ba tích cực rèn luyện thể lực; thứ tư là khẩu phần ăn hợp lý. Cùng đó, hãy sàng lọc để được chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường.
Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cùng các diễn giả thông tin về các nội dung liên quan đến điều trị bệnh đái tháo đường.
Đối với các nhân viên y tế cần nâng cao nhận thức và kiến thức về đái tháo đường cho mọi người; tăng cường trình độ chuyên môn để tư vấn, điều trị, quản lý bệnh đái tháo đường hiệu quả
Đối với các nhà hoạch định chính sách cần xác định phòng, kiểm soát đái tháo đường là một nhiệm vụ ưu tiên; thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để phòng ngừa và quản lý bệnh, để bảo vệ sức khỏe của người dân chúng ta không mắc bệnh đái tháo đường hoặc chung sống có chất lượng với bệnh đái tháo đường.
Để thực hiện các hành động này, Bộ Y tế đề nghị các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và toàn thể mọi người dân hãy cùng quan tâm, cảnh giác với bệnh đái tháo đường, cùng thắp sáng mầu xanh hy vọng vào tương lai tươi sáng của hoạt động phòng, kiểm soát bệnh đái tháo đường tại Việt Nam.
Thông tin với PV bên lề sự kiện, TS Vương Ánh Dương cho biết trong suốt 5 năm qua, Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) và Đại sứ quán Đan Mạch có mối quan hệ hợp tác bền vững về tăng cường năng lực chăm sóc bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh đái tháo đường và béo phì, thông qua: Nâng cao năng lực cán bộ y tế trong chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm; Tăng cường nhận thức người dân về bệnh không lây nhiễm thông qua trang thông tin điện tử về bệnh đái tháo đường: https://daithaoduong.kcb.vn và tổ chức các buổi tư vấn trực tuyến trên website này. Thể chế hóa chính sách thông các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị không lây nhiễm.
Ngoài ra, dự kiến tới đây , Bộ Y tế sẽ phối hợp với Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam xây dựng hướng dẫn riêng về chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 1. Điều này giúp chẩn hóa việc điều trị đái tháo đường tuýp 1, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 tại Việt Nam.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Thông qua Luật Dược (sửa đổi): Quy định rõ các biện pháp quản lý giá thuốc
- Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- Đào tạo quốc tế giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại Việt Nam
- Dự phòng Zona ở người lớn
- Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng
- Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện ca mắc trong nhóm học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường
- Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính