Tiếp cận Chương trình giáo dục giới tính bằng phương pháp “học sinh tích cực”
14/08/2013 | 02:00 AM
“Học sinh tích cực” là phương pháp học mà trong đó học sinh sẽ chủ động trong việc tiếp thu kiến thức về giáo dục giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản bằng chính trải nghiệm bản thân. Theo nhiều giáo viên, phương pháp học này sẽ tạo không khí cởi mở và năng động giúp nâng cao hiệu quả trong việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh.
Bà Nguyễn Kim Thúy, Phó giám đốc Trung tâm CGFED cho biết: Phương pháp “học sinh tích cực” sẽ giúp các em thoát khỏi sự rụt rè, e ngại với những kiến thức về giới, sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản vốn là chuyện tế nhị, khó nói. Chúng tôi chú trọng truyền đạt phương pháp và kỹ năng để thầy, cô giáo tiếp cận và giảng dạy học sinh hiệu quả hơn. Theo đó, học sinh được khuyến khích làm việc nhóm với đề tài được đưa ra và tự tìm câu trả lời cho những vấn đề thắc mắc. Các em sẽ được xem các video clip, tham gia các trò chơi vận động lồng ghép kiến thức giáo dục giới tính. Thầy cô đóng vai trò hỗ trợ và giải đáp những vấn đề các em chưa biết”.
Tài liệu môn học do Trung tâm CGFED cung cấp. Theo đó, khối THCS-THPT, THCS, Trường phổ thông Dân tộc nội trú sẽ sử dụng bộ tài liệu “Khám phá cơ thể” gồm 2 phần. Phần 1 là thiết kế bài giảng với các chủ đề: Sự phát triển cơ thể ở tuổi dậy thì; những thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì; dinh dưỡng và vệ sinh tuổi dậy thì; phòng chống xâm hại tình dục. Phần 2 là tài liệu dành cho giáo viên với các nội dung: Tuổi dậy thì; làm bạn với con, học sinh của mình ở tuổi dậy thì; những câu không nên nói về tuổi dậy thì; xâm hại tình dục. Bài giảng có thời gian 200 phút tùy theo mỗi trường sắp xếp tiết dạy.
Khối THPT sử dụng bộ tài liệu “Bảo vệ bản thân” gồm ba phần. Phần 1 là thiết kế bài giảng gồm các nội dung: Cơ chế thụ thai và các biện pháp tránh thai; các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tình dục an toàn. Phần 2 là tài liệu dành cho giáo viên gồm các nội dung: Khái niệm tuổi dậy thì, quá trình thụ thai và các biện pháp tránh thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tình dục an toàn và quyền tình dục. Phần 3 là tài liệu dành cho học sinh gồm các nội dung: Cấu tạo cơ quan sinh sản; quá trình thụ thai; các biện pháp tránh thai; các bệnh lây truyền qua đường tình dục; các quyền tình dục. Bài giảng có thời lượng 180 phút và tùy theo các trường sắp xếp tiết dạy cụ thể.
Thầy Trần Trọng Cai, chuyên viên Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết: “Trong tháng 9, tất cả các trường đều triển khai giảng dạy chương trình giáo dục giới tính. Đây là lần đầu tiên sở đưa chương trình giáo dục giới tính vào giảng dạy trong giờ học chính thức, chứ không phải lồng ghép qua các môn học có liên quan như: Giáo dục công dân, Sinh học, Văn học và giờ ngoại khóa”.
Thầy Sô Minh Thanh, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sơn Hòa nói: “Trường đã có buổi dạy thử nghiệm Chương trình giáo dục giới tính bằng phương pháp “học sinh tích cực” cho học sinh lớp 8, lớp 9. Ban đầu, các em còn bỡ ngỡ nhưng khi được hướng dẫn cách tiếp cận kiến thức, các em đã trở nên tích cực và hăng hái tham gia vào bài giảng. Các kiến thức về khám phá cơ thể và chăm sóc sức khỏe sinh sản được các em tiếp thu rất chủ động thông qua các trò chơi và làm việc nhóm. Khi các em cởi mở và hỏi những câu hỏi ngây ngô, chúng tôi phát hiện các em có rất ít hiểu biết về kiến thức giới tính và sức khỏe sinh sản. Tôi tin phương pháp giáo dục này sẽ giúp các em tiếp cận đầy đủ hơn chương trình giáo dục giới tính”.
Khác với cách giảng thụ động giáo viên nói học sinh tiếp nhận bị động, phương pháp “học sinh tích cực” đòi hỏi giáo viên cũng năng động và nhiệt tình hơn. “Ngoài việc giúp học sinh triển khai trò chơi, thành lập nhóm học tập, chúng tôi còn phải tự trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản thật vững vàng để trả lời những câu hỏi phát sinh, định hướng, giúp các em thông hiểu những kiến thức chưa biết”, thầy Bùi Trọng Vũ, giáo viên Trường THPT Phan Chu Trinh (TX Sông Cầu) cho biết.
Phương pháp “học sinh tích cực” còn mới lạ vì vậy, Sở GD-ĐT Phú Yên đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn nỗ lực trong việc giảng dạy tốt môn học này trong nhà trường.
DIỆU ANH
Tin liên quan
- Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- Đào tạo quốc tế giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại Việt Nam
- Dự phòng Zona ở người lớn
- Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng
- Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện ca mắc trong nhóm học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường
- Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính
- Người Việt mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao nhất châu Á, chuyên gia khuyến cáo gì?