Thông tin y dược ngày 02/4/2018
01/04/2018 | 06:18 AM



1. Thiết bị đưa thuốc vào cơ thể không cần kim tiêm
Thiết bị mới này có tên PRIME, đang được thử nghiệm thành công và sắp được đưa ra thị trường. PRIME bơm thuốc vào cơ thể dưới dạng nén áp suất chất lỏng mà không gây ra bất kỳ đau đớn nào.
Các bác sĩ sẽ cho thuốc, hormon hoặc vắc-xin vào một ống thuốc sử dụng một lần. Ống thuốc sẽ đưa thuốc vào cơ thể thông qua lỗ chân lông trên da thông qua một thiết bị truyền động từ tuyến tính ép ống thuốc, đẩy thuốc ra như một vòi phun trên da.
Thuốc thoát ra với vận tốc 200m/giây như một vòi nước mỏng hơn sợi tóc, xuyên qua bề mặt da và mô. Phương pháp này không gây ra bất cứ đau đớn nào mà còn rất nhanh chóng, tiêm liều 1ml chỉ trong vòng nửa giây so với phương pháp tiêm truyền thống mất 10-20 giây.
PRIME nổi bật nhờ hệ thống kiểm soát lượng thuốc và tự động điều chỉnh thời gian thực hiện. Điều này cho phép tốc độ của thuốc đưa vào cơ thể lên đến 1.000 lần/giây, đưa thuốc đến độ sâu và vị trí da mong muốn. Theo các nhà phát minh, thuốc đầu tiên được thử nghiệm ở thiết bị này là entyvio - một kháng thể dùng điều trị cho các bệnh nhân bị loét đại tràng hoặc bệnh Crohn.
2. Xông hơi tốt cho sức khỏe tim mạch
Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Eastern Finland đã chỉ ra rằng việc tắm xông hơi 30 phút mỗi tuần làm giảm huyết áp, lưu thông mạch máu đồng thời tăng nhịp tim tương tự như tập thể dục cường độ trung bình.
Các nghiên cứu trước đây cũng chứng minh tắm xông hơi thường xuyên giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành, tử vong đột ngột do tim, tăng huyết áp, bệnh Alzheimer, chứng sa sút trí tuệ và giảm nguy cơ các bệnh về đường hô hấp.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi GS. Jari Laukkanen tại Đại học Eastern Finland cung cấp cái nhìn mới về những thay đổi diễn ra bên trong cơ thể người trong và sau khi tắm xông hơi. Nghiên cứu đã phân tích ảnh hưởng của việc tắm xông hơi trong 30 phút đối với 100 người về lưu thông mạch máu và giảm huyết áp.
Sau 30 phút tắm xông hơi, huyết áp tâm thu trung bình giảm từ 137mmHg xuống 130mmHg, huyết áp tâm trương giảm từ 82mmHg xuống 75mmHg. Tốc độ tuần hoàn máu là 9.8m/s trước khi tắm còn 8.6m/s.
Trong thời gian tắm hơi, nhịp tim cũng tăng tương tự như khi thể dục cường độ trung bình và nhiệt độ cơ thể tăng khoảng 2 độ C.
Các phát hiện này đã làm sáng tỏ cơ chế sinh lý thông qua đó chứng tỏ các lợi ích về sức khỏe của viêc tắm xông hơi. Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Journal of Human Hypertension.
3. Ðồ uống chứa cồn - Một tác nhân gây ung thư
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế vừa cho biết, đồ uống chứa cồn là tác nhân gây ung thư.
Nguyên nhân do khi chuyển hóa cồn, cơ thể sản xuất ra phụ phẩm có tên acetaldehyde kích hoạt đột biến ADN, tạo điều kiện cho ung thư phát triển. Bên cạnh đó, cồn có thể kéo đến tình trạng viêm toàn cơ thể, từ đó tăng nguy cơ ung thư.
Nhóm nghiên cứu đã chia đàn ông uống bia rượu thành nhóm uống ít (hấp thụ từ 12,5g cồn trở xuống mỗi ngày), uống vừa (hấp thụ từ 50g cồn trở xuống) và uống nhiều (hấp thụ trên 50g cồn mỗi ngày). Thông thường, 1 ly bia 350ml chứa 14g cồn. Kết quả cho thấy so với người không uống bia rượu, nhóm uống ít có nguy cơ ung thư thực quản cao hơn 26%. Trong khi đó, rủi ro của nhóm uống vừa tăng gấp đôi còn nhóm uống nhiều tăng gấp 5 lần. Vì thế, để phòng tránh ung thư, tốt nhất không nên uống đồ uống chứa cồn.
4. Thuốc tránh thai làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng
Thuốc tránh thai được biết là có liên quan với giảm tỉ lệ ung thư buồng trứng, song một nghiên cứu mới đây cho thấy, lợi ích được thấy ở cả phụ nữ hút thuốc hoặc phụ nữ béo phì.
Sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài có liên quan với giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung, trưởng nhóm nghiên cứu Kara Michels cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ một nghiên cứu ở Mỹ theo dõi sức khỏe phụ nữ trong khoảng từ năm 1995 đến 2011. Ít nhất 100.000 phụ nữ cho biết họ sử dụng thuốc tránh thai dạng uống tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu.
Nhóm của Michels phát hiện ra rằng, nguy cơ ung thư buồng trứng giảm 40% ở những phụ nữ dùng thuốc tránh thai ≥ 10 năm. Hơn nữa, lợi ích là như nhau ở những người hút thuốc lá và không hút thuốc lá, người gầy và người béo.
Với ung thư nội mạc tử cung, lợi ích còn rõ hơn ở những phụ nữ có lối sống ít lành mạnh hơn. Ví dụ, phụ nữ hút thuốc lá giảm 53% nguy cơ ung thư nội mạc tử cung khi dùng thuốc tránh thai, phụ nữ béo phì giảm 64% nguy cơ. Tuy nhiên, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài dường như không tác động tới tỉ lệ ung thư vú hoặc ung thư đại tràng.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí JAMA Oncology ngày 18/1.
5. Vệ sinh răng miệng kém có thể gây ra ung thư phổi, ung thư đại tràng
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng vệ sinh răng miệng kém có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, đại tràng và tụy.
Nghiên cứu từ ĐH Tufts ở Mỹ cho thấy những người tham gia bị bệnh mất răng, một dấu hiệu viêm nha chu nghiêm trọng, bị tăng 80% nguy cơ phát triển ung thư đại tràng.
Trong số những người không hút thuốc lá, nguy cơ phát triển bệnh ung thư phổi và ung thư đại trực tràng là cao gấp hai lần ở những người bị viêm nha chu nghiêm trọng.
Một nghiên cứu khác, được công bố trên Tạp chí Ung thư Anh, cho thấy vi khuẩn Treponema denticola (Td) gây viêm nha chu cũng đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của ung thư tuyến tụy.
Nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học Helsinki đã chứng minh rằng vi khuẩn có thể lây từ miệng sang các bộ phận khác của cơ thể và gây ra khối u.
Bệnh viêm nha chu cũng liên quan đến tử vong do ung thư tuyến tụy, đây là kết quả được chứng minh trong một nghiên cứu khác bao gồm khoảng 70.000 người Phần Lan và được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Ung thư.
Tình trạng viêm hệ thống mức độ thấp liên quan đến viêm nha chu tạo điều kiện thuận lợi cho lây lan của vi khuẩn đường miệng và các thành phần độc hại tới các bộ phận khác của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc phòng ngừa và chẩn đoán sớm bệnh viêm nha chu là rất quan trọng không chỉ đối với sức khoẻ răng miệng của bệnh nhân mà đối với sức khỏe tổng thể của họ.
6. Phần mềm nhận dạng người bằng AND
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia và Trung tâm Genome New York, Mỹ đã phát triển thành công một phương pháp giúp nhanh chóng nhận dạng một người bằng chính DNA của họ.
Công nghệ này có thể ứng dụng nhiều lĩnh vực trong cuộc sống từ việc xác định nạn nhân trong các thảm họa, các vụ tai nạn đến phân tích nhận dạng của tội phạm. Nhưng công nghệ này có thể áp dụng ngay để đánh dấu những dòng tế bào bị sai lệch hoặc bị nhiễm bệnh trong các thí nghiệm ung thư.
Tác giả nghiên cứu, Yaniv Erlich, Giáo sư khoa học máy tính tại Columbia Engineering cho biết: “Phương pháp của chúng tôi mở ra những hướng mới để áp dụng công nghệ mang lại lợi ích cho xã hội, đặc biệt về tiềm năng xác định tế bào trong nghiên cứu ung thư và khám phá những phương pháp điều trị mới”.
Phần mềm này được thiết kế để chạy trên MinION - một công cụ có kích thước bằng thẻ tín dụng, kéo các sợi DNA qua các lỗ nhỏ và đọc trình tự nucleotid hay các ký tự A, T, C, G của ADN. Đầu tiên các nhà khoa học sử dụng MinION để sắp xếp các chuỗi ADN ngẫu nhiên, sau đó họ chọn lọc ra các biến thể riêng biệt là các nucleotid thay đổi từ người này sang người khác để khiến chúng trở nên duy nhất. Sau đó sử dụng thuật toán Bayes để so sánh ngẫu nhiên các biến thể này với các biến thể tương ứng trong các cấu trúc di truyền khác.
Mỗi lần kiểm tra chéo, thuật toán cập nhật khả năng tìm kiếm sự kết hợp tương ứng, giảm thời gian tìm kiếm. Các thí nghiệm cho thấy, trong vài phút phương pháp này có thể xác nhận danh tính của một người sau khi kiểm tra chéo từ 60-300 biến thể.
7. Vệ sinh răng miệng tốt giúp cải thiện đường huyết
Nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí The Journal of Periodontology cho thấy, người mắc bệnh tiểu đường týp 2 vệ sinh răng miệng tốt giúp nồng độ đường trong máu ổn định.
GS. Miquel Vina, tác giả chính từ Đại học Barcelona, ở Tây Ban Nha cùng đồng nghiệp đã tiến hành phân tích trên người bệnh có mức hemoglobin A1c (HbA1c) trung bình là 7,7% - được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường týp 2. Những người này được chia thành hai nhóm trong 6 tháng và được hướng dẫn về cách chăm sóc sức khỏe răng miệng. Nhóm 1 thực hiện việc lấy cao răng và lấy cao răng dưới nướu, nhóm 2 chỉ lấy cao răng. Cả hai nhóm đều được đo nồng độ HbA1c, nồng độ vi khuẩn trong miệng thời điểm tháng thứ ba và tháng thứ sáu của nghiên cứu. Kết quả cho thấy nhóm 1 thực hiện việc làm sạch sâu kết hợp vệ sinh răng miệng hàng ngày đã cải thiện đáng kể mức HbA1c và nồng độ đường huyết lúc đói, trong khi nhóm 2 không có sự cải thiện về các chỉ số này. Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này cho thấy việc vệ sinh răng miệng, điều trị viêm nha chu không phẫu thuật giúp cải thiện đường huyết và mức hemoglobin glycated ở bệnh nhân mắc tiểu đường.
Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống
Tin liên quan
- Khi bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh án giấy có còn được sử dụng hay không?
- Bộ Y tế quy định mới nhất trình tự đánh giá thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc
- Cá thể hóa trong kê đơn thuốc ngoại trú, sát với tình trạng người bệnh
- Quy định mới của Bộ Y tế về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần
- Đã có vaccine não mô cầu thế hệ mới bảo vệ người cao tuổi và trẻ nhỏ
- Nữ bệnh nhân nguy kịch khi dùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
- Hướng dẫn thu hồi, xử lý thuốc vi phạm