Tại cơ sở khám chữa bệnh: Tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý
20/03/2014 | 02:00 AM



Thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt cần được sử dụng an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Vai trò và trách nhiệm của Hội đồng Thuốc và Điều trị
Thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt cần được sử dụng an toàn, hợp lý và hiệu quả. Trong những năm gần đây, nguồn thuốc cung ứng phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại, tình trạng kháng thuốc gia tăng và khả năng chi trả có hạn của người dân hiện đang là vấn đề ngành y tế rất quan tâm. Gần đây, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản, quy định để tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động này.

Thời gian qua, việc thực hiện Chính sách Thuốc quốc gia của Việt Nam giai đoạn 1996 - 2010 và tầm nhìn 2020 với 2 mục tiêu cung ứng đủ thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả đã đạt được những kết quả quan trọng... Đó là việc nhờ có những chính sách ưu tiên sản xuất, sử dụng thuốc sản xuất trong nước góp phần làm phong phú nguồn thuốc cả về số lượng và chất lượng, về cơ bản không còn tình trạng thiếu thuốc hay không có thuốc phục vụ nhu cầu điều trị. Vấn đề đặt ra hiện nay là: làm thế nào lựa chọn được thuốc phù hợp với nhu cầu điều trị; lựa chọn thuốc đảm bảo an toàn cho người bệnh; lựa chọn thuốc phù hợp với khả năng thanh toán của người dân (kể cả người có thẻ BHYT) đặc biệt là trong bối cảnh tình trạng kháng thuốc ngày một gia tăng và trầm trọng trên thế giới và ở Việt Nam. Để đạt được các tiêu chí cụ thể này, thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành khá đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm và hướng dẫn cụ thể dành cho các sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 2 văn bản quan trọng, đó là quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị (HĐTĐT) trong bệnh viện và văn bản hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện. Cụ thể:
Ngày 8/8/2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 21/2013/TT-BYT, quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị trong bệnh viện. Đây là văn bản quan trọng giúp các bệnh viện củng cố và hoàn thiện HĐTĐT của mình. Hội đồng này có chức năng tư vấn cho Giám đốc bệnh viện về các vấn đề liên quan đến thuốc và điều trị bằng thuốc của bệnh viện, thực hiện tốt chính sách quốc gia về thuốc trong bệnh viện. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, HĐTĐT phải xây dựng các quy định về quản lý và sử dụng thuốc trong bệnh viện như xây dựng các tiêu chí lựa chọn thuốc để xây dựng danh mục thuốc bệnh viện; lựa chọn các hướng dẫn điều trị (các phác đồ điều trị) làm cơ sở cho việc xây dựng danh mục thuốc; xây dựng quy trình và tiêu chí bổ sung hoặc loại bỏ thuốc ra khỏi danh mục thuốc bệnh viện; các tiêu chí để lựa chọn thuốc trong đấu thầu mua thuốc; quy trình cấp phát thuốc từ khoa dược đến người bệnh nhằm bảo đảm thuốc được sử dụng đúng, an toàn; lựa chọn một số thuốc không nằm trong danh mục thuốc bệnh viện trong trường hợp phát sinh do nhu cầu điều trị; hạn chế sử dụng một số thuốc có giá trị lớn hoặc thuốc có phản ứng có hại nghiêm trọng, thuốc đang nằm trong diện nghi vấn về hiệu quả điều trị hoặc độ an toàn; sử dụng thuốc biệt dược và thuốc thay thế trong điều trị; quy trình giám sát sử dụng thuốc tại các khoa lâm sàng; quản lý, giám sát hoạt động thông tin thuốc của trình dược viên, công ty dược và các tài liệu quảng cáo thuốc. Tùy vào quy mô và khả năng của mỗi bệnh viện, Hội đồng có thể tự xây dựng hướng dẫn điều trị hoặc tham khảo từ những tài liệu có sẵn để xây dựng hướng dẫn điều trị sử dụng trong bệnh viện.
Ngoài xây dựng các quy định về quản lý và sử dụng thuốc trong bệnh viện, HĐTĐT phải xác định và phân tích các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc; giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) và các sai sót trong điều trị; thông báo, kiểm soát thông tin về thuốc...
Để kiện toàn và nâng cao chức năng nhiệm vụ của HĐTĐT, cũng theo thông tư trên, tùy theo thứ hạng bệnh viện, Hội đồng có ít nhất 5 thành viên trở lên, gồm các thành phần chủ chốt trong bệnh viện như Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc bệnh viện phụ trách chuyên môn, Trưởng khoa Dược, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng khoa Điều trị, Phòng Tài chính kế toán... Với các bệnh viện hạng 2 trở lên, Hội đồng sẽ có thêm ủy viên dược lý hoặc dược sĩ lâm sàng. Quy định chung ít nhất Hội đồng phải họp 2 tháng 1 lần hoặc đột xuất do Chủ tịch Hội đồng triệu tập. Hội đồng thực hiện sơ kết, tổng kết và báo cáo định kỳ 6 tháng và 1 năm/lần.
Nâng cao vai trò của hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện
Trước khi ban hành Thông tư về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị, Bộ Y tế đã có Thông tư số 31/2012/TT-BYT ngày 20/12/2012 về việc hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện, tạo điều kiện cho các cán bộ dược phát huy vai trò và kinh nghiệm của mình trong việc tăng cường hiệu quả trong hoạt động dược của bệnh viện. Trong đó, dược sĩ lâm sàng có các nhiệm vụ tham gia phân tích, đánh giá tình hình sử dụng thuốc; Tham gia tư vấn trong quá trình xây dựng danh mục thuốc của đơn vị, đưa ra ý kiến hoặc cung cấp thông tin dựa trên bằng chứng về việc thuốc nào nên đưa vào hoặc bỏ ra khỏi danh mục thuốc để bảo đảm mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; Tham gia xây dựng các quy trình chuyên môn liên quan đến sử dụng thuốc: quy trình pha chế thuốc (dùng cho chuyên khoa nhi, chuyên khoa ung bướu, dịch truyền nuôi dưỡng nhân tạo ngoài đường tiêu hóa), hướng dẫn điều trị, quy trình kỹ thuật của bệnh viện; Tham gia xây dựng quy trình giám sát sử dụng đối với các thuốc trong danh mục (bao gồm các thuốc có khoảng điều trị hẹp, nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, kháng sinh, thuốc cần pha truyền đặc biệt (chuyên khoa nhi, ung bướu), thuốc cần điều kiện bảo quản đặc biệt) do giám đốc bệnh viện ban hành trên cơ sở được tư vấn của Hội đồng Thuốc và Điều trị; Hướng dẫn và giám sát việc sử dụng thuốc trong bệnh viện.
Trong thông tin thuốc cho người bệnh và cán bộ y tế, dược sĩ lâm sàng cập nhật thông tin sử dụng thuốc, thông tin về thuốc mới, thông tin cảnh giác dược gửi đến cán bộ y tế và đến người bệnh bằng nhiều hình thức khác nhau như: trực tiếp, văn bản, bảng tin bệnh viện, thư điện tử, tranh ảnh, tờ hướng dẫn, trang thông tin điện tử. Đối với việc tập huấn, đào tạo về dược lâm sàng: dược sĩ lâm sàng lập kế hoạch, chuẩn bị tài liệu, cập nhật kiến thức sử dụng thuốc cho bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ sinh viên của đơn vị mình... Trong đó, dược sĩ lâm sàng được tham gia hội chẩn chuyên môn về thuốc, đặc biệt trong các trường hợp bệnh nặng, bệnh cần dùng thuốc đặc biệt, người bệnh bị nhiễm vi sinh vật kháng thuốc; tham gia bình bệnh án các ca lâm sàng định kỳ tại khoa lâm sàng, tại bệnh viện và giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình sử dụng thuốc đã được Hội đồng Thuốc và Điều trị thông qua và giám đốc bệnh viện phê duyệt.
Tại khoa lâm sàng, dược sĩ lâm sàng tham gia đi buồng bệnh và phân tích về sử dụng thuốc của người bệnh. Tùy theo đặc thù của từng bệnh viện, mỗi bệnh viện sẽ lựa chọn khoa lâm sàng và đối tượng người bệnh cần ưu tiên để triển khai các hoạt động thực hành dược lâm sàng. Đối với từng người bệnh, dược sĩ lâm sàng phải thực hiện khai thác thông tin của người bệnh; xem xét các thuốc được kê đơn cho người bệnh (trong quá trình đi buồng bệnh cùng với bác sĩ và xem xét y lệnh trong hồ sơ bệnh án, đơn thuốc) về: chỉ định; chống chỉ định; lựa chọn thuốc; dùng thuốc cho người bệnh: liều dùng, khoảng cách dùng, thời điểm dùng, đường dùng, dùng thuốc trên các đối tượng đặc biệt, thời gian dùng thuốc; các tương tác thuốc cần chú ý; phản ứng có hại của thuốc...
Để nâng cao hiệu quả của sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, trưởng khoa lâm sàng phối hợp chặt chẽ với khoa dược để triển khai hoạt động dược lâm sàng và chỉ đạo bác sĩ điều trị phối hợp với các dược sĩ lâm sàng để thực hiện hoạt động dược lâm sàng. Bên cạnh đó, trưởng khoa lâm sàng chủ động mời dược sĩ lâm sàng tham gia hội chẩn chuyên môn khi cần thiết.
Hiện nay, ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”, Bộ Y tế đã bắt tay vào xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc. Ngày 21/6/2013, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2174/QĐ- BYT phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 - 2020.
Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm: “Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”.
Theo kế hoạch, ngoài nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ về kháng thuốc, Bộ Y tế sẽ có những chương trình nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, tăng cường hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; tăng cường sử dụng thuốc an toàn hợp lý; kiểm soát nhiễm khuẩn và tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Như vậy, việc đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả đã có hệ thống văn bản quy phạm và các hướng dẫn tương đối đầy đủ. Do vậy, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào. Các sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phải bắt tay vào thực hiện những nội dung trên để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống
Tin liên quan
- Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra hoạt động sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm 2 sản phẩm do "Ngân Collagen" quảng cáo
- Tổ chức chiến dịch cao điểm phòng bệnh sốt xuất huyết, COVID-19...
- Cung cấp đội ngũ nhân lực y tế ngành y học cổ truyền trình độ cao
- Bộ Y tế đề xuất nhiều hành vi nghiêm cấm và các cụm từ không được sử dụng trong quảng cáo mỹ phẩm
- Bộ Y tế nêu 5 tiêu chí bắt buộc trong xác định thuốc không kê đơn từ 1/7/2025
- Bến Tre chỉ đạo chủ động ứng phó với tình hình bệnh dịch COVID-19
- Tăng cường thanh, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường