Sáng 8/9: Hơn 311.700 ca mắc COVID-19 đã khỏi; Cứu sống sản phụ F0 suy hô hấp nặng, phải can thiệp ECMO

08/09/2021 | 08:42 AM

 | 

 

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 550.996 ca mắc COVID-19 đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.601 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 546.683 ca, trong đó có 308.936 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 09/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.

+ Có 08 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai.

+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (265.846), Bình Dương (138.593), Đồng Nai (30.365), Long An (26.432).

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 7/9 là 10.253 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 311.710

2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.369 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.015

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.274

- Thở máy không xâm lấn: 119

- Thở máy xâm lấn: 926

- ECMO: 35

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.701 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 415.446 xét nghiệm cho 1.118.641 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.111.288 mẫu cho 41.278.424 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19

Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 22.675.644 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.231.238 liều, tiêm mũi 2 là 3.444.406 liều.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 8/9, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 222.530.041 ca COVID-19, trong đó có 4.596.881 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 448.474 và 7.771 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 199.105.067 người, 18.828.093 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 104.684 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 57.243 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ (38.116 ca) và Anh (37.489 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 795 người chết, tiếp theo là Indonesia (685 ca) và Iran (635 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 41.039.600 người, trong đó có 667.924 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.095.436 ca nhiễm, bao gồm 441.433 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.913.578 ca bệnh và 584.171 ca tử vong.

Đồng Nai: Khẩn trương thành lập Trạm y tế lưu động trước ngày 15/9

Sở Y tế Đồng Nai vừa ban hành văn bản khẩn gửi UBND và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc thành lập Trạm y tế lưu động trước ngày 15/9.

Theo đó, Sở Y tế giao Giám đốc Trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng, thiết lập các Trạm y tế lưu động trình UBND huyện phê duyệt; làm đầu mối triển khai tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn cho trạm y tế lưu động.

Đồng thời, chỉ đạo các Trạm y tế lưu động thực hiện nhiệm vụ theo phân công; trực cấp cứu 24/7 để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; lập hồ sơ khám chữa bệnh của người dân gửi về trạm y tế cấp xã để tổng hợp chi phí khám chữa bệnh, lưu trữ.

Giao văn phòng Sở, phòng nghiệp vụ và phòng kế hoạch tài chính của Sở Y tế hướng dẫn cơ cấu tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và chuyên môn nghiệp vụ đối với hoạt động phòng, chống dịch, xét nghiệm, tiêm vaccine COVID-19, khám chữa bệnh… đối với Trạm y tế lưu động.

Sở Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của Trạm y tế lưu động.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mỗi Trạm y tế lưu động có ít nhất 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất một bác sĩ. Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu, nhân viên y tế và tình nguyện viên từ địa phương khác.

Cần Thơ tiếp tục gia hạn áp dụng Chỉ thị 16 toàn thành phố thêm 10 ngày từ 0h ngày 8/9 đến ngày 18/9.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, trong ngày 7/9, số ca mắc COVID-19 mới tại Cần Thơ là 59 ca, nâng tổng số lên 4.582 trường hợp. Số bệnh nhân được điều trị khỏi đã là 3.632 người.

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa bàn TP đã giảm đáng kể, số người xuất viện cũng tăng cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo TP Cần Thơ, tình hình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp do vẫn liên tục phát hiện các ca mắc COVID-19 cộng đồng.

Phương án phòng chống dịch COVID-19 của Cần Thơ sau ngày 8/9 là tiếp tục thực hiện đẩy nhanh xét nghiệm cộng đồng, trả kết quả nhanh để tìm F0 và chia các vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới để có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm phù hợp.

Các quận, huyện sẽ rà soát các tiêu chí phòng chống dịch để chia vùng quản lý theo cấp độ: vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và bình thường mới.

UBND TP Cần Thơ yêu cầu các quận, huyện Ô Môn, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh phấn đấu từ nay đến 15-9 kiểm soát tốt tình hình, có báo cáo gửi UBND TP để xem xét cho thực hiện trước theo Chỉ thị 15.

Các địa phương còn lại chậm nhất đến 17/9 kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, có báo cáo để TP xem xét áp dụng Chỉ thị 15, dần trở về trạng thái bình thường mới

Cứu sống sản phụ mắc COVID-19 cùng con gái sơ sinh

BV TW Huế cơ sở 2 vừa phẫu thuật thành công cho mẹ con sản phụ N.T.T. (42 tuổi, quê Quảng Nam).

Trước đó, ngày 31/7, chị T. (đang mang thai 35 tuần) đi từ TP HCM về Quảng Nam và cách ly tập trung tại TP Tam Kỳ.

Ngày 4/8, chị T. được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Đến ngày 5/8, bệnh nhân T. có biểu hiện hiện ho, sốt, phải thở oxy nên được chuyển đến Trung tâm cách ly của BV TW Huế cơ sở 2 (huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) để tiếp tục theo dõi, điều trị trong tình trạng bệnh trở nặng.

Sáng 11/8, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ sinh con. Qua thăm khám, bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu lấy thai. Đến 9h30 cùng ngày, bệnh nhân được mổ lấy thai. Bé gái chào đời nặng 2,2 kg nhưng xuất hiện tình trạng giảm trương lực cơ, thở yếu, không khóc, tím.

Sau khi sinh cháu bé, người mẹ được hồi sức tích cực, thở máy, chỉ định lọc máu liên tục. Sau 2 ngày, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân vẫn tiến triển rất nặng, nguy kịch.

Các y bác sĩ Trung tâm cách ly BV TW Huế đã tiến hành hội chẩn liên khoa dưới sự chủ trì trực tuyến của GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc bệnh viện, đang làm nhiệm vụ chống dịch ở TP HCM.

Với chẩn đoán sức khỏe bệnh nhân sau mổ lấy thai kèm mắc COVID-19 nặng, hội đồng chuyên môn đã chỉ định tiến hành chạy ECMO cấp cứu cho sản phụ.

Ngày 22/8, sức khỏe chị T. đã dần ổn định và ngưng lọc máu. Những ngày sau, bệnh nhân tiếp tục được tập hô hấp liệu pháp và vận động phục hồi chức năng tích cực.

Những ngày gần đây, sức khoẻ của sản phụ đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Bé sơ sinh khỏe mạnh, cân nặng 3,2 kg.

Sau 3 lần xét nghiệm RT-PCR cho kết quả âm tính, sáng nay, 2 mẹ con chị T. đã được xuất viện để về nhà tiếp tục theo dõi, điều trị./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến