Sáng 2/9: Theo dõi chặt sự xuất hiện các biến chủng mới của COVID-19, cập nhật cấp độ dịch cả nước
02/09/2022 | 22:45 PM
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế đảm bảo công tác y tế và phòng chống dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9; tiếp tục theo dõi chặt sự xuất hiện các biến chủng mới của COVID-19. Cấp độ dịch mới nhất cả nước thế nào khi ca COVID-19 gia tăng?
Cả nước còn hơn 1,18 triệu người mắc COVID-19 chưa khỏi
Bộ Y tế cho biết ngày 1/9 có 2.680 ca mắc mới, trong ngày số khỏi bệnh gấp hơn 3 lần số mắc mới, không có bệnh nhân tử vong, 107 ca nặng đang điều trị.
Tổng số ca mắc mới trong 7 ngày qua ở nước ta khoảng hơn 18.400, trung bình gần 2.700 ca/ ngày. Số ca mắc mới gia tăng, có ngày hơn 2.000 ca, tuy nhiên đã có những ngày số mắc tăng vọt lên hơn 3.500 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.414.359 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.029 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.187.787 ca, hiện nay đang điều trị, giám sát hơn 1,18 triệu trường hợp. Trong số bệnh nhân đang điều trị có 107 trường hợp thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 95 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca.
Thống kê cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế ngày 1/9 cho biết dù số ca mắc COVID-19 mới có tăng trong tuần vừa qua, nhưng hiện cơ bản gần cả nước đã là vùng xanh.
Cụ thể, trong số trên 10.600 xã phường toàn quốc đánh giá cấp độ dịch thì đã có đến 9.623 xã, phường ( tương đương 90,7%) là vùng xanh, 833 xã, phường là vùng vàng (tương đương 7,9%); số xã vùng cam, đỏ hiện chỉ chiếm 1,4%- tương đương 148 xã phường.
Đáng chú ý, hiện toàn quốc có tới 51 tỉnh thành có 100% xã phường thuộc vùng xanh (nguy cơ dịch thấp).
Theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19
Theo Bộ Y tế hiện nay, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.
Trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn và các địa phương tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ tuyến dưới đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Nhật Bản phê duyệt tiêm mũi thứ 3 vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 608,3 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Từ ngày 1/9, thành phố Thành Đô với 21 triệu dân ở Tây Nam Trung Quốc sẽ thực hiện giãn cách xã hội trong bối cảnh cơ quan chức năng đang nỗ lực dập tắt ổ dịch COVID-19 mới bùng phát tại đây, người dân phải ở trong nhà và mỗi gia đình sẽ được cử 1 người ra ngoài để mua thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu mỗi ngày, nhưng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 24 giờ trước đó. Từ ngày 1-4/9, tổng cộng khoảng 16 triệu dân Thành Đô sẽ được xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa phê chuẩn việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer để tiêm mũi thứ 3 cho trẻ từ 5-11 tuổi ở nước này. Động thái trên nhằm giúp nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ trong nhóm tuổi trên và ngăn chặn nguy cơ gặp phải các triệu chứng nặng khi trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ 7 của dịch COVID-19. Nhật Bản đã bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ 2 cho trẻ trong nhóm tuổi trên từ tháng 2 vừa qua. Cho đến nay, nước này mới cấp phép sử dụng vaccine Pfizer để tiêm cho các em trong nhóm từ 5-11 tuổi.
Nguồn: SKĐS
Tin liên quan
- Thủ tướng chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Bộ Y tế công bố “Mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030"
- Mời báo giá dịch vụ chăm sóc duy trì cây xanh và thu dọn vệ sinh sân cơ quan Bộ Y tế
- Nền tảng y tế số là công cụ tuyệt vời để cải thiện tính công bằng và khả năng tiếp cận xét nghiệm HIV
- Hạt nhân lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện
- WHO đánh giá cao Quốc hội phê duyệt nghị quyết về cấm các sản phẩm thuốc lá mới
- Mối lo nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố