Sáng 15/6: Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron gia tăng tại một số nước, Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch
15/06/2022 | 08:41 AM
|
Bộ Y tế cho biết hiện gần 9,6 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; Liên tiếp nhiều ngày không ghi nhận F0 tử vong; Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron gia tăng tại một số nước, Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch...
Ca mắc mới COVID-19 giảm liên tục, đã nhiều ngày không ghi nhận F0 tử vong
Theo Bộ Y tế, ngày 14/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 856 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (tăng 240 ca so với ngày trước đó) tại 39 tỉnh, thành phố (có 664 ca trong cộng đồng). Hà Nội vẫn tiếp tục nhiều nhất với hơn 150 ca; 38 tỉnh, thành còn lại ghi nhận từ 1- hơn 60 ca, trong đó 16 tỉnh, thành dưới 10 ca.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 775 ca/ngày. Thấp nhất trong nhiều tháng qua. Bằng 1/150 so với giai đoạn cao điểm đầu tháng 3/2022.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.733.285 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.372 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.725.519 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.603.225), TP. Hồ Chí Minh (609.699), Nghệ An (485.092), Bắc Giang (387.640), Bình Dương (383.791).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.568.888 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.121.314 trường hợp, trong đó có 43 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 36; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3, xâm lấn: 4. Đây là mức thấp nhất trong gần 1 năm qua.
30 ngày qua, số tử vong/số ca mắc là 0,05% (21/45.709), trong đó có 18 ngày không ghi nhận ca tử vong.
Biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước
Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Ngày 13/6/2022, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, trong đó tại Bồ Đào Nha biến thể phụ BA.5 đã chiếm ưu thế trong số các ca mắc;
Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cảnh báo 02 dòng biến thể phụ này có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm (ILI/ARI, SARI), nhất là các chỉ số nhập viện, nặng, tử vong, đặc biệt là đối với người từ 65 tuổi trở lên.
Do đó, Bộ Y tế nhấn mạnh tiếp tục coi vaccine là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ phân bổ vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới;
Từng bước tự chủ về thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế để chuẩn bị cho mọi tình huống dịch bệnh; Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, bệnh nền, trẻ em…); Tiếp tục rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế và nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023.
Cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế... thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm soát trong chi tiêu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn.
Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Bảo hiểm xã hội TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế thành phố ngưng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở y tế có hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Trường hợp các cơ sở khám chữa bệnh có dấu hiệu phạm tội gian lận bảo hiểm y tế, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý hình sự.
Sở Y tế được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, không để người bệnh phải tự mua.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan