Quảng Ninh đạt nhiều hiệu quả từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

19/05/2020 | 10:10 AM

 | 

Ngày 16-4-2004, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&VSMT) nông thôn, giao Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay chương trình này. Sau thời gian thực hiện thí điểm, năm 2006, chương trình được mở rộng ra các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó có Quảng Ninh.

Chương trình đã giúp hàng chục ngàn hộ dân có điều kiện đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt đảm bảo an toàn, vệ sinh, chất lượng sống được nâng lên.

Nước sạch và vệ sinh môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển con người cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.  Xác định được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường đối với đời sống, xã hội, những năm qua Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn trong việc đầu tư nguồn lực để cải thiện điều kiện dùng nước và điều kiện vệ sinh môi trường của người dân, trong đó khu vực nông thôn rộng lớn chiếm trên 80% dân số sinh sống có vai trò đặc biệt quan trọng. Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) trở thành mục tiêu thiên niên kỷ và chiến lược phát triển Việt Nam.

Qua 15 năm triển khai thực hiện, theo kết quả điều tra tính đến 31/12/2019 các chỉ số về cấp nước và vê sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhiều chỉ tiêu về nước sạch nông thôn đã được nâng lên so với trước thời điểm năm 2004:

-Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước HVS đạt 98,61% tăng 44,61% so với năm 2004 (54%) (trong đó, tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn Quốc gia QCVN 20:2009/BYT ước đạt 70%);

-Tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo QCVN 01:2011/BYT đạt 85,9% tăng 40,4% so với 2004 (45,5%);

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn chăn nuôi có chuồng trại HVS đạt 80,1% tăng 45,5% so với năm 2004 (34,6%);

-Tỷ lệ số trường mầm non, phổ thông và số trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh sử dụng tốt đạt 100%.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 196 công trình cấp nước nông thôn tập trung, chất lượng các công trình cụ thể: Công trình bền vững: 15 công trình; hoạt động bình thường: 151 công trình; Hoạt động kém: 16 công trình; không hoạt động: 14 công trình. Đối với các công trình cấp nước của các hộ dân sau khi vay vốn để xây mới, sửa chữa nâng cấp đảm bảo chất lượng, cơ bản hoạt động hiệu quả phục vụ tốt cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Có thể thấy Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg, ngày 16/4/2004 của Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một chủ trương lớn được ban hành kịp thời.Qua đó đã góp phần cải thiện môi trường nông thôn, hạn chế các loại dịch bệnh truyền nhiễm, lây lan nâng cao đời sống sức khỏe cộng đồng. Chương trình đã có tác động tích cực trên các mặt của đời sống xã hội đặc biệt là khu vực nông thôn:

Hiệu quả về xã hội:

Được sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh không những đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng dân cư, mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hình thành nếp sống văn hoá, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường ở tất cả mọi nơi, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Xoá bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và đô thị, giữa các vùng nông thôn với nhau.

Nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là vùng nông thôn, đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đã đem lại hiệu qủa thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường.

- Hiệu quả về môi trường:

Trong giai đoạn 2006-2019 với việc xây dựng được hơn 102.000 công trình vệ sinh ở khu vực nông thôn hợp chuẩn đảm bảo vệ sinh như: nhà tiêu hoặc nhà tiêu kèm bể biogaz, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; xử lý nước thải, rác thải khu vực nông thôn đã góp phần khắc phục nạn ô nhiễm môi trường; bảo vệ chất lượng các nguồn nước, giải quyết tình trạng ô nhiễm do chất thải của người và gia súc gây ra góp phần làm đẹp cảnh quan, sạch đường làng, ngõ xóm.

Từ những kết quả đạt được khi thực hiện chương trình đã góp phần làm cho môi trường nông thôn, các khu vực công cộng, khu vực làng nghề sản xuất được cải thiện đáng kể, cảnh quan và môi trường nông thôn "Xanh - Sạch - Đẹp" đang xuất hiện ở nhiều làng, xã./.


Thăm dò ý kiến