Nguy cơ xuất hiện nhiều ổ dịch bạch hầu tại Hà Giang nếu không phòng, chống quyết liệt
16/09/2023 | 21:12 PM
TS.BS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng đoàn công tác số 1 của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bạch hầu, đã yêu cầu y tế Hà Giang quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong khoanh vùng, cách ly không để bệnh lan rộng.
Địa bàn "nóng" về bạch hầu
Đoàn công tác số 1 của Bộ Y tế về kiểm tra công tác phòng, chống dịch bạch hầu đã đi kiểm tra, giám sát tình hình phòng chống dịch tại huyện Yên Minh và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó đoàn công tác đánh giá cao công tác phòng chống dịch, vào cuộc của chính quyền cơ sở.
Tại các địa bàn kiểm tra, công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm túc, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đều được cách ly, uống kháng sinh dự phòng.
"Về các trường học, ban giám hiệu đã chủ động mua thuốc kháng sinh phòng ngừa cho trẻ, y tế thôn bản đã đến hộ dân, truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc trên loa truyền thanh di động để nhân dân hiểu và phòng ngừa bệnh bạch hầu", PGS.TS Trần Như Dương nói.
Các ca mắc nghi ngờ bạch hầu ở huyện Yên Minh đều không liên quan đến huyện Mèo Vạc. "Tất cả các vụ dịch bạch hầu đều không có nguồn lây. Rất khó tìm nguồn lây vì người lành mang trùng không có biểu hiện rõ ràng", PGS.TS Trần Như Dương thông tin thêm.
TS.BS. Nguyễn Lương Tâm nhấn mạnh, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tỉ lệ tử vong của bệnh này khoảng 10-15% trên tổng số ca mắc, nếu không chống dịch quyết liệt.
Y tế Hà Giang đã kích hoạt hệ thống chống dịch rất tốt. Tuy nhiên, so với tỉnh Điện Biên, Hà Giang vẫn là địa bàn "nóng" về bệnh bạch hầu.
Yêu cầu ngành y tế Hà Giang với "chủ công" là hệ thống y tế dự phòng phải bám sát cơ sở, thôn, bản đã có bệnh nhân dương tính với bạch hầu. Triển khai khoanh vùng dịch, cách ly, sử dụng kháng sinh điều trị dự phòng trong khi chờ đợi chiến dịch tiêm vaccine.
"Phải nỗ lực giảm thiểu các ca mắc mới ở cộng đồng, yêu cầu hệ thống chính quyền phải vào cuộc với ngành y tế, với phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tự tại chỗ và hậu cần tại chỗ", TS. Tâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TS.BS Nguyễn Lương Tâm đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch của tỉnh Hà Giang đẩy nhanh việc mua vaccine Td (phòng chống bệnh bạch hầu), thực hiện chiến dịch tiêm chủng tập trung vào đối tượng nguy cơ cao trong độ tuổi từ 7 – 20 tuổi.
Dịp này, thông qua TS.BS Nguyễn Lương Tâm và Đoàn công tác số 1 của Bộ Y tế, 1 doanh nghiệp đã ủng hộ tỉnh Hà Giang 10.000 liều vaccine Td, lãnh đạo Đoàn công tác đề nghị ngành y tế Hà Giang khẩn trương phối hợp với nhà cung cấp đưa nhanh vaccine về tỉnh.
Không được chủ quan với bạch hầu
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Giang, hiện nay số ca mắc bạch hầu đã xác định là 9 bệnh nhân. Số ca tử vong là 1 người.
Hiện các ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đang điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Giang là 12 người; BVĐK huyện Mèo Vạc 32 người, BVĐK Khu vực Yên Minh là 2 người.
Số bệnh nhân được điều trị ổn định và ra viện 37 bệnh nhân, nhưng vẫn đang được nhân viên y tế cơ sở tiếp tục theo dõi, giám sát trong vòng 14 ngày kể từ khi xuất viện.
Theo BS. Nguyễn Văn Giao, Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Giang, lãnh đạo ngành đã phân công 1 Phó Giám đốc Sở Y tế trực tiếp đi kiểm tra tại địa bàn xuất hiện ca bệnh dương tính và tại các xã, các địa phương có ca bệnh nghi ngờ. Trực tiếp kiểm tra tình hình điều trị những bệnh nhân nghi ngờ tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện.
Chỉ đạo quyết liệt các đơn vị y tế khẩn trương chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu, tập trung vào các hoạt động: Thành lập các Tổ công tác phòng chống dịch tổ chức các hoạt động giám sát chặt chẽ các ca bệnh mắc mới, kịp thời đưa bệnh nhân ra bệnh viện điều trị.
Khoanh vùng và cách ly ngay các khu vực khi xuất hiện ca bệnh, xác minh ca bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Cấp phát thuốc uống dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho các đối tượng tiếp xúc gần và nguy cơ cao, cấp phát khẩu trang và hướng dẫn vệ sinh cá nhân.
Tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các hộ gia đình có người mắc bệnh, trường học, bệnh viện, lập chốt kiểm soát hạn chế người ra vào khu vực có dịch và lồng ghép với hoạt động cấp phát thuốc, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, thực hiện tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng (ưu tiên tiếng dân tộc thiểu số) cho người dân về các biểu hiện bệnh, hợp tác phòng chống bệnh dịch bạch hầu.
"Y tế Hà Giang đã lập danh sách các đối tượng thuộc diện tiêm chủng và xây dựng kế hoạch tiêm chủng chiến dịch đối với vaccine DPT, Td. Khi có vaccine về, tổ chức tiêm chủng được ngay. Đã có gần 11.000 ở 2 huyện Yên Minh và Mèo Vạc được sử dụng kháng sinh dự phòng", ông Giao nói.
Hệ thống điều trị đã được tập huấn lại về bệnh bạch hầu, nên "độ nhậy" đã kích hoạt, các biểu hiện nghi ngờ mắc đều được kịp thời cách ly.
Khó khăn của Hà Giang trong phòng chống bệnh bạch hầu hiện nay là người dân ở vùng sâu, vùng xa nhận thức về bệnh bạch hầu còn rất ít.
"Có hiện tượng bệnh nhân trốn viện bỏ về nhà hoặc không hợp tác với nhân viên y tế khi được động viên đi bệnh viện điều trị", ông Nguyễn Văn Giao thông tin thêm.
- Đoàn công tác của Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh cho cán bộ y tế BVĐK và Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc. Hướng dẫn điều trị ca bệnh bạch hầu nặng tại BVĐK tỉnh Hà Giang. Hướng dẫn tại chỗ công tác giám sát, xử lý ổ dịch cho các cán bộ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại địa phương.
- Sở Y tế Hà Giang đã tổ chức 1 lớp tập huấn về chẩn đoán, điều trị và giám sát, phòng chống dịch bệnh bạch hầu cho các y, bác sĩ, cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện, Thành phố và các BVĐK trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số 65 học viên tham gia. Các đơn vị y tế huyện, thành phố tổ chức tập huân cho tuyến xã về chẩn đoán, điều trị và giám sát, phòng chống dịch bệnh bạch hầu.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc
- Kết hợp Đông – Tây y phòng và điều trị bệnh trị đột quỵ não