Người già nhập viện sau Tết tăng 30%, nhiều cụ đột quỵ, viêm phổi

02/02/2023 | 10:41 AM

 | 

Ông Phan Việt Sinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, số lượng người cao tuổi đến khám và điều trị sau Tết tăng khoảng 30% so với thời điểm trước Tết.

 

Hiện có 250 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, phần lớn là bệnh nhân hô hấp, viêm phổi, đột quỵ... Trước đó, trong những ngày nghỉ Tết, bệnh nhân cũng nhập viện khá đông, khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực của bệnh viện luôn kín giường.

Lý giải nguyên nhân gia tăng bệnh nhân cao tuổi đến khám và điều trị sau Tết, ông Phan Việt Sinh cho rằng, những ngày Tết bận rộn, thời tiết giá rét, nhiều đồ ăn cùng với tâm lý "thả lỏng", thoải mái nên nhiều người cao tuổi, đặc biệt là bệnh nhân có bệnh mạn tính trở nặng làm tăng số lượng người đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

"Vào dịp Tết, sự quản lý theo dõi, chăm sóc người bệnh bị lơ là, không thường xuyên, chặt chẽ như ngày thường. Bên cạnh đó, Tết năm nay, thời tiết giá lạnh kéo dài, và người bệnh có tâm lý "xả hơi", thoải mái một chút vì có nhiều đồ ăn ngon, ngọt, hấp dẫn.

Ngoài ra, họ tham gia nhiều hoạt động vui vẻ cùng con cháu, nghỉ ngơi không điều độ nên bệnh nhân có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch… dễ trở nặng đột ngột" – ông Sinh nói.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ảnh: D.Hải

Chủ động phòng bệnh hô hấp, đột quỵ, tránh trở nặng

Theo BS. Nguyễn Thanh Thủy, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm đông - xuân hiện nay là cao điểm của các bệnh lý đường hô hấp, do đó người dân cần chủ động phòng tránh. Các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp được khuyến cáo gồm:

  • Tiêm vaccine phòng ngừa nhiễm bệnh hô hấp, trong đó có tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ, tiêm vaccine cúm hàng năm, vaccine phế cầu mỗi 05 năm một lần.

  • Giữ khoảng cách với những người có biểu hiện bị bệnh đường hô hấp

  • Đeo khẩu trang phù hợp và đúng cách, đảm bảo khẩu trang che mũi, miệng và cằm.

  • Thường xuyên rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc bằng xà phòng và nước để kịp thời loại bỏ virus cũng như vi khuẩn.

  • Che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi bạn ho hoặc hắt hơi. Vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng ngay lập tức và rửa tay sạch sẽ thường xuyên

  • Chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục hợp lý

 

Theo PGS. TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, khi trời lạnh, số lượng bệnh nhân đột quỵ não gia tăng. Để phòng tránh đột quỵ khi trời lạnh cần chú ý 7 biện pháp sau:

  1. Thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi. Và ngay khi cơ thể có những thay đổi nhẹ hoặc huyết áp tăng cao bất thường, ngay lập tức liên hệ với bác sĩ để có thể phải kê đơn và điều chỉnh thuốc.

  2. Khám bác sĩ định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền thật tốt như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch,…

  3. Tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15 độ C. Mặc quần áo ấm phù hợp khi đi ra ngoài: đội mũ len, đeo găng tay, đi giầy, mặc quần áo ấm.

  4. Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên theo ý kiến của bác sĩ. Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý.

  5. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: không ăn mặn, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol. Không uống rượu và ăn quá nhiều.

  6. Tránh căng thẳng, stress quá mức.

  7. Không hút thuốc lá, thuốc lào.

 

Nguồn: suckhoedoisong.vn

 


Thăm dò ý kiến