Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn: Cách nào nhận biết sớm dấu hiệu?
04/05/2024 | 10:00 AM
|
"Ngộ độc thực phẩm là một mối lo, có thể xảy ra bất cứ khi nào. Do vậy việc nhận biết kịp thời các triệu chứng vô cùng quan trọng, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe trong thời gian dài", BSCK I Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 198 - Bộ Công an nhận định.
Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Điển hình, tại Đồng Nai, tính đến 9 giờ ngày 3/5, số ca bệnh liên quan đến vụ ngộ độc đã lên đến 481 ca sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh).
Bé T.Đ.N.A. (7 tuổi) đang trong tình trạng suy hô hấp, sốc nặng nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Băng.
Gần đây nhất ngày 2/5, tại TP HCM, 15 học sinh của 4 trường gồm Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Lợi (8 em), Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (3 em), Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (1 em), Trường Tiểu học Nguyễn Thế Vinh (1 em) và 2 em chưa rõ trường học đã nhập viện với các triệu chứng ói, chóng mặt sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường. Trưa nay ngày 3/5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng ghi nhận thêm 1 học nhập viện nghi bị ngộ độc do ăn cơm cuộn.
Khai thác bệnh sử, trước khi nhập viện có 10 em đã ăn sushi và 1 số em ăn bánh mì. Sau ăn các em đều xuất hiện triệu chứng ói, sốt nên được nhập viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhi bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Tương tự, vào giữa tháng 3/2024, thống kê của Sở Y tế Khánh Hòa, kể từ ngày 13 - 18/3, tổng số người bị ngộ độc sau ăn cơm gà quán Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP Nha Trang) phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị là 367 người.
Quán cơm gà Trâm Anh bị đóng cửa sau vụ ngộ độc.
Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho biết, nguyên nhân khiến hàng loạt người nhập viện sau ăn cơm gà ở quán Trâm Anh (đường Bà Triệu, Nha Trang) là do ngộ độc thực phẩm bởi vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus gây nên. Cơ quan chức năng cũng đã đình chỉ hoạt động quán Trâm Anh.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, BSCK I Phạm Thị Việt Anh Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 198 cho hay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm, trong đó do nguyên liệu thức ăn là chủ yếu. Ngộ độc thực phẩm có thể do để đồ ăn quá lâu dẫn đến ôi thiu và sinh ra chất độc, hay thực phẩm đã có sẵn chất độc.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác đó là nguyên liệu thức ăn bị nhiễm các chất hóa học, thực phẩm được nuôi trồng có nguồn nước, đất bị ô nhiễm nặng. Đồng thời cũng có thể xảy ra ngộ độc do bảo quản thức ăn không đúng quy định.
Dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc thực phẩm
Cũng theo BSCK I Phạm Thị Việt Anh người dân dễ dàng nhận biết ngộ độc thực phẩm qua nhiều dấu hiệu. Tùy mức độ nặng nhẹ mà ngộ độc thực phẩm gây nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh như thế nào.
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng nhẹ, mau khỏi hay không phụ thuộc vào nhiều tác nhân gây nên như lượng chất độc ăn phải, loại ký sinh trùng và sức khỏe từng người.
Ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau vài giờ hoặc đến vài ngày. Có nhiều dấu hiệu nhận biết từ nhẹ đến nặng, một số triệu chứng thường gặp như đau bụng, nôn, sốt hay tiêu chảy. Những dấu hiệu này cũng rất dễ nhầm với bệnh lí tiêu hóa khác như viêm dạ dày, viêm ruột thừa... Nếu tình trạng ngộ độc kéo dài 24 giờ rất dễ xảy ra nhiễm trùng huyết.
Ngộ độc thực phẩm cần phải được nhận biết sớm (Ảnh minh họa).
"Đau bụng là một trong những biểu hiện đầu tiên thường gặp, các vi sinh vật gây hại tạo ra độc tố gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột dẫn đến viêm đau dạ dày. Từ đó dẫn đến sự co thắt cơ dạ dày vùng quanh rốn để tăng tốc độ chuyển động tự nhiên của ống tiêu hóa, nhằm loại bỏ ký sinh trùng càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên triệu chứng đau bụng đơn lẻ vẫn chưa đủ điều kiện để kết luận đã bị ngộ độc thực phẩm", BSCK I Phạm Thị Việt Anh cho biết.
Tiêu chảy cũng là dấu hiệu phổ biến, đi ngoài phân lỏng trên 3 lần trong vòng 24 giờ. Đây là một triệu chứng trúng thực điển hình xảy ra khi tình trạng viêm kéo dài, ruột làm việc kém hiệu quả trong quá trình hấp thu nước và chất lỏng khác tiết ra trong quá trình tiêu hóa. Tình trạng tiêu chảy cũng đi kèm với một triệu chứng đầy hơi, nóng bụng nặng hơn là tụt huyết áp.
Khi bị ngộ độc, để biết được cơ thể có bị mất nước hay không, hãy theo dõi màu nước tiểu. Bình thường màu nước tiểu sẽ là vàng nhạt hoặc màu trong, nếu nước tiểu sẫm màu hơn, lượng nước tiểu ít đi, cảm giác luôn khát nước và môi khô là dấu hiệu bản thân đang bị mất nước nghiêm trọng.
Đau đầu, chóng mặt cũng là một biểu hiện của ngộ độc thực phẩm. Triệu chứng này sẽ xảy ra khi bệnh nhân bị mất nước và sốt, tiêu chảy. Trong thực tế, nhiều người sẽ gặp tình trạng nôn mửa kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Ngộ độc thực phẩm tuy không đe dọa tính mạng, nhưng có thể trở nặng nếu điều trị không đúng cách. Người dân cần tới cơ sở y tế khi gặp tình trạng trúng thực", BSCK I Phạm Thị Việt Anh khuyến cáo./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Thông qua Luật Dược (sửa đổi): Quy định rõ các biện pháp quản lý giá thuốc
- Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- Đào tạo quốc tế giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại Việt Nam
- Dự phòng Zona ở người lớn
- Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng
- Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện ca mắc trong nhóm học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường
- Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính