Hội thảo thường niên phòng, chống ung thư TP.Hồ Chí Minh lần thứ 21

07/12/2018 | 02:20 AM

 | 

Sáng 06/12/2018, tại Trung tâm Hội nghị Tân Sơn Nhất, TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ khai mạc Hội thảo thường niên phòng, chống ung thư TP.Hồ Chí Minh lần thứ 21 do Bệnh viện Ung Bướu TP.Hồ Chí Minh, Hội ung thư Việt Nam, Hội Ung thư TP.Hồ Chí Minh và Bệnh viện K Trung ương phối hợp tổ chức.


 

Tham dự Hội thảo năm nay có hơn 1500 đại biểu đến từ các tỉnh thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau… các đơn vị y tế trong cả nước, các trường Đại học Y khoa, các công ty Dược và Trang thiết bị y tế.

Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài với những báo cáo chuyên đề chuyên sâu, mang đến những cập nhật mới nhất về ung bướu như Mỹ, Úc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia…

Hội thảo phòng, chống ung thư thường niên TP.Hồ Chí Minh lần thứ 21 là cơ hội để các đồng nghiệp trong và ngoài nước cùng nhau nhìn lại, sẻ chia, đúc kết kinh nghiệm từ những nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn tiến bộ y học và hoạch định chiến lược phát triển chuyên ngành ung bướu trong tương lai, tiếp nối thành công của 20 kỳ Hội thảo vừa qua.

6.12.2018. ung buou 1.JPG
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam

Năm nay, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội thảo; TS.BS Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.Hồ Chí Minh đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban tổ chức Hội thảo.

Trong lễ khai mạc Hội thảo toàn thể, GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam có bài báo cáo chuyên đề thu hút đại biểu về “Ức chế chốt kiểm trong liệu pháp miễn dịch ung thư” với những dẫn chứng khoa học, cập nhật, xoay quanh liệu pháp miễn dịch ung thư.

Tiếp theo là nội dung về điều trị liệu pháp miễn dịch của PGS. Mitchell Paul - Úc chia sẻ thông tin về Liệu pháp miễn dịch trong ung thư phổi không tế bào nhỏ: “Tối ưu hóa điều trị cho bệnh nhân của bạn ngay bây giờ” và bài trình bày về “Vai trò của dấu ấn sinh học trong hướng dẫn quyết định lâm sàn cho liệu pháp miễn dịch” của GS Pathmanathan A. Radjadurai - Malaysia.

Đây là những bài báo cáo mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư.

Bệnh ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao do bệnh không lây nhiễm và đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển.

6.12.2018. ung buou 2.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Việt Nam, nguy cơ ung thư tăng lên đáng kể, uớc tính mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Dự đoán đến năm 2020, tại Việt Nam, số ca mắc mới khoảng 100.000 ca mỗi năm.

Tuy nhiên, ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa tốt dựa vào việc truyên truyền và tầm soát sớm, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và quốc gia.

Hiện nay, với sự phát triển của Y học hiện đại, các kĩ thuật mới như PET-CT, sinh thiết, xét nghiệm gen, phẫu thuật nội soi… nhằm chẩn đoán sớm đã được triển khai và đưa vào điều trị rộng rãi, giúp bệnh nhân ung thư có thêm nhiều cơ hội được chữa bệnh tốt nhất với các kỹ thuật hàng đầu trên thế giới.

Trong 02 ngày 06 và ngày 07/12/2018 sẽ có 19 phiên hội thảo chuyên đề về tổng quát, đầu cổ, tiêu hóa, tổng quát - huyết học,  phổi - lồng ngực, vú, nhi - phụ khoa, chăm sóc giảm nhẹ - điều dưỡng, giải phẫu bệnh và 6 phiên hội thảo vệ tinh được tổ chức.

Tại các phiên Hội thảo chuyên đề, Hội thảo lần này sẽ giới thiệu một số kỹ thuật điều trị mới đem lại kết quả đáng khích lệ:

“Áp dụng phẫu thuật trì hoãn trong tái tạo vú và núm vú trên tuyến vú trên tuyến vú đã xạ trị” của GS. BS. Albert Chao -  Đài Loan bàn về ung thư vú.

“Sinh thiết vú có hỗ trợ hút chân không (VABB) dưới hướng dẫn của siêu âm trong chẩn đoán và điều trị tổn thương vú” của TS. BS.Trần Việt Thế Phương - Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

“Kết quả thẩm mỹ sau phẫu thuật bảo tồn carcinôm vú giai đoạn sớm” của BS.CK2 Nguyễn Anh Luân - Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

“Cắt thanh quản bán phần trong điều trị ung thư thanh môn giai đoạn sớm” của TS. BS Nguyễn Hữu Phúc - Bệnh viện ung Bướu TP.HCM về ung thư đầu, cổ.

“Phẫu thuật nội soi vi phẫu thanh quản bằng laser CO2 trong điều trị ung thư thanh môn giai đoạn sớm” của BS.CKI Trương Công Tuấn Anh - Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

“Đánh giá bước đầu kết quả thử nghiệm hệ thống IBM Watson for Oncology” của BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM về ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng 4.0 vào Y tế…

Nhiều báo cáo khác đến từ các trung tâm, bệnh viện có chuyên khoa ung thư cũng cho thấy kết quả điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân dần đưc cải thiện.

Song song với các phiên Hội thảo chuyên đề, Ban tổ chức hội thảo đã tổ chức triển lãm poster với 39 đề tài, cũng là điểm mới của năm 2018. Các báo cáo viên tham gia trình bày và trao đổi trực tiếp với quý đại biểu tại khu vực triển lãm. Cuối hội thảo, ban tổ chức cũng sẽ bình chọn ra các poster đoạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích để trao giải.

Ngoài ra, Hội thảo tập hợp các bài nghiên cứu khoa học về chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ… trong điều trị ung thư và đăng tải trên Tạp chí ung thư học Việt Nam, số 04 và số 05 năm 2018.

Đây sẽ là những kinh nghiệm thực tiễn về nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học mới nhất trên thế giới, xu hướng phát triển cũng như tiềm năng ứng dụng những tiến bộ này vào công tác điều trị và phòng, chống ung thư ở nước ta./.

Nguồn: Bệnh viện ung bướu Tp. HCM


Thăm dò ý kiến