Phản ứng sau tiêm của vắc xin Pfizer:
Những phản ứng bất lợi thường gặp nhất ở trẻ vị thành niên từ 12 đến 15 tuổi là đau tại vị trí tiêm (> 90%), kiệt sức và đau đầu (> 70%), đau cơ và ớn lạnh (> 40%), đau khớp và sốt (> 20%).
Các phản ứng bất lợi ở những người tham gia từ 16 tuổi trở lên là đau tại vị trí tiêm (>80%), kiêṭ sức (> 60%), đau đầu (> 50%), đau cơ và ớn lạnh (> 30%), đau khớp (> 20%), sốt và và thường có cường độ nhẹ hoặc vừa và khỏi trong vòng một vài ngày sau khi tiêm vắc xin. Tần suất của các biến cố sinh phản ứng hơi thấp hơn ở lứa tuổi cao hơn.
Các phản ứng ít gặp (≥ 1/1.000 đến < 1/100) bao gồm:
+ Nổi hạch
+ Các phản ứng quá mẫn (ví dụ: phát ban, ngứa, ban, mày đay, phù mạch)
+ Mất ngủ
+ Đau chi
+ Khó chịu; ngứa tại vị trí tiêm
Phản ứng sau tiêm của vắc xin AstraZeneca:
Các phản ứng ngoại ý thường được ghi nhận là nhạy cảm đau chỗ tiêm (> 60%); đau chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi (> 50%); đau cơ, khó chịu (> 40%); sốt, ớn lạnh (> 30%); và đau khớp, buồn nôn (> 20%). Phần lớn các phản ứng ngoại ý ở mức độ nhẹ đến trung bình và thường hết vài ngày sau khi tiêm. Đến ngày thứ 7, tỷ lệ các đối tượng có ít nhất một phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân tương ứng là 4% và 13%. Khi so sánh với liều đầu tiên, các phản ứng ngoại ý được báo cáo sau liều thứ hai nhẹ hơn và ít xảy ra hơn.
Các phản ứng ít gặp (≥ 1/1.000 đến < 1/100) bao gồm:
+ Nổi hạch
+Giảm cảm giác thèm ăn
+ Chóng mặt
+ Đau bụng
+ Tăng tiết mồ hôi; ngứa tại vị trí tiêm
Như vậy, so với vắc xin AstraZeneca thì các phản ứng đau tại chỗ và mệt mỏi sau tiêm vắc xin Pfizer nhiều hơn. Tuy nhiên các triệu chứng như sốt và rối loạn tiêu hoá sau tiêm vắc xin AstraZeneca lại nhiều hơn sau tiêm vắc xin Pfizer.
Biến chứng thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca có tỷ lệ 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất. Còn với vắc xin Pfizer, tỷ lệ này là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất.
2. Người đã tiêm vắc xin AstraZeneca mũi đầu tiên, mũi 2 tiêm vắc xin Pfizer có được không? Nếu có thì khoảng cách giữa 2 mũi là bao lâu?
Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang xem xét đồng thuận về việc chuyển đổi giữa các loại vắc xin khác nhau trong một liệu trình tiêm chủng vắc xin COVID-19: đó không chỉ là sử dụng vắc xin do hai hãng khác nhau sản xuất, mà còn là phối hợp hai cách kích hoạt phản ứng miễn dịch khác nhau do công nghệ bào chế vắc xin khác nhau vì vậy có thể đạt hiệu lực bảo vệ tốt hơn đồng thời tăng khả năng chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Đến tháng 6 năm 2021, các nghiên cứu và khuyến nghị từ Uỷ ban Tiêm chủng Quốc gia của Canada và một số quốc gia Châu Âu (Tây Ban Nha, Đức, Anh...): những người đã tiêm vắc xin AstraZeneca liều đầu tiên có thể tiêm được vắc xin vắc xin mRNA (Pfizer, Moderna) cho liều thứ hai, trừ khi có chống chỉ định. Tuỳ theo nghiên cứu, khoảng cách thời gian tối thiểu giữa 2 liều vắc xin AstraZeneca – vắc xin Pfizer có thể ngắn là 4 tuần hoặc có nghiên cứu ghi nhận là 8-12 tuần. Tuy nhiên theo các nghiên cứu khi phối hợp giữa 2 vắc xin COVID-19 với nhau, khoảng thời gian giữa 2 liều vắc xin càng cách xa nhau (8 hoặc 12 tuần) dường như sẽ giảm được các phản ứng phụ thường gặp sau tiêm chủng nhiều hơn khoảng thời gian ngắn (4 tuần).