Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, nhiều trường hợp nặng
05/10/2024 | 10:47 AM
|
Số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng ở một số tỉnh thành sau khi ngập lụt và ở các địa phương đang vào mùa mưa. Đây là bệnh lý có thể phòng tránh nhưng nhiều người mắc và có thể phát thành ổ dịch.
Tình hình sốt xuất huyết tại nhiều địa phương có dấu hiệu gia tăng, trong đó có nhiều ca nặng. Hơn nữa bệnh ngày càng trở nên có nghiêm trọng vì không còn xuất hiện theo chu kỳ mà trở thành bệnh lưu hành hàng năm. Trước đó ở nước ta ghi nhận cứ 10 năm sẽ xuất hiện đỉnh dịch 1 lần thì hiện nay Việt Nam có 2 đỉnh dịch chỉ trong vòng 4 năm là 2019 với hơn 300.000 ca và 2022 với 361.813 ca.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue lây truyền qua muỗi vằn gây ra. Đây là căn bệnh được WHO đánh giá là 1 trong 10 mối đe dọa hàng đầu với sức khỏe cộng đồng. WHO cũng đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng do sốt xuất huyết.
Theo BSCKII Vũ Hoài Nam (Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Hữu Nghị), khi bị virus Dengue tấn công, người bệnh có thể có một số dấu hiệu nghi ngờ là sốt xuất huyết như:
- Nhức đầu, buồn nôn;
- Sốt cao đột ngột và liên tục;
- Chán ăn;
- Người đau mỏi, đau cơ, đau khớp và nhức 2 hốc mắt;
- Da xuất hiện xung huyết;
- Sau khi sốt đến ngày thứ 4 dưới da có chấm đỏ hoặc xuất hiện chảy máu cam, chảy máu chân răng.
Một người đã từng mắc sốt xuất huyết vẫn có khả năng mắc lại do sốt xuất huyết Dengue có 4 type huyết thanh gây bệnh và việc người bệnh đã nhiễm 1 trong 4 type thì không xuất hiện miễn dịch chéo ở các type khác. Người bệnh cần lưu ý, sốt xuất huyết sẽ diễn biến theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 thường kéo dài từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 4. Trong giai đoạn này người bệnh chủ yếu sốt và đau đầu, toàn thân mệt mỏi, khó chịu. Người bệnh có thể điều trị tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế và theo dõi các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm để nhập viện nếu có. Người bệnh cần làm xét nghiệm tiểu cầu hàng ngày để theo dõi.
- Giai đoạn 2, đây là giai đoạn nguy hiểm kéo dài từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Một số trường hợp như người cao tuổi, người mắc bệnh nền kèm theo cần lưu ý phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
Một trường hợp bệnh nhân nguy kịch do sốc đa chấn thương, kèm sốc do sốt xuất huyết.
- Giai đoạn 3, đây là giai đoạn hồi phục của bệnh nhân. Sau khoảng 2 tuần sau khi sốt người bệnh sẽ hồi phục dần dần.
Trong quá trình chăm sóc người bệnh tại nhà, cần lưu ý chế độ dinh dưỡng bởi lúc này chức năng gan bị ảnh hưởng có thể khiến bệnh nhân ăn không ngon miệng. Người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn, ưu tiên cách chế biến mềm, lỏng để dễ hấp thu và quan trọng cần bổ sung đủ nước giúp làm mát cơ thể như oresol, nước dừa, nước hoa quả…
Sốt xuất huyết có thể khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng gì nếu điều trị đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện tại, Bộ Y tế đã phê duyệt vaccine sốt xuất huyết và đây được xem như giải pháp giúp góp phần hoàn thiện chiến lược phòng sốt xuất huyết hiện nay.
PGS.TS.BSCKII Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM nhận định: "Vaccine có hiệu quả bảo vệ khá cao, là biện pháp phòng bệnh chủ động, đặc hiệu cho số đông. Các kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine phòng sốt xuất huyết an toàn, dùng được cho đối tượng là trẻ em".
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tuần 39 ghi nhận 370 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Còn tại Hà Nội, trong tuần từ 20 đến 27/9 có 279 ca mắc sốt xuất huyết. Tại Quảng Ninh, chỉ riêng trong tháng 9 đã có 46 ca mắc mới xuất hiện tại nhiều thị xã, huyện. Tỉnh Thái Bình cũng đang trong đỉnh dịch sốt xuất huyết với 43 trường hợp mắc từ ngày 23-29/9.
Để phòng chống sốt xuất huyết, ngoài việc ngủ phải mắc màn, những người ở chung cư nói riêng và toàn bộ người dân nói chung cần phải vệ sinh nơi ở gọn gàng, sạch sẽ; Đối với trẻ em nên mặc quần áo sáng màu, dùng tã quần xua muỗi; Dùng các sản phẩm xua muỗi có hương sả tự nhiên, an toàn khi sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt vào buổi tối; Lật úp các dụng cụ chứa nước xung quanh nơi ở, thay nước ở lọ hoa, diệt loăng quăng/bọ gậy...
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Số ca mắc sởi tăng 130 lần, cần tuân thủ 5 khuyến cáo phòng chống bệnh này
- Bộ Y tế đề xuất không xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ 3
- 3 quy định mới về BHYT tạo thuận lợi cho người dân từ 1/1/2025
- Bệnh tim mạch đang ngày càng trẻ hoá, mỗi năm 200.000 người Việt tử vong vì bệnh này
- Kosovo phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở một người trở về từ châu Phi
- Bộ Y tế đề xuất quy định mới áp dụng tiêu chuẩn GMP với các thuốc có nguy cơ cao
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói