Ghép tạng còn vướng quan niệm “chết toàn thây”

18/11/2013 | 09:00 AM

 | 

GiadinhNet - Ngày 16/11, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị ghép mô- tạng và điều phối ghép mô –tạng tại Việt Nam. Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên và các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức, từ ca ghép gan đầu tiên năm 1992 đến nay, Việt Nam đã có gần 900 người được ghép thận, 36 người được ghép gan và 9 người được ghép tim. Ông cũng cho biết, trình độ kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam hiện nay không thua kém các nước trên thế giới. Một ca ghép gan tại BV Việt Đức chỉ thực hiện mất 4 giờ và người ghép không mất nhiều máu.

 

Việc ghép tạng đã đem lại lợi ích về cả sức khỏe lẫn kinh tế cho người bệnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam nguồn tạng rất khan hiếm. Nếu ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, hơn 50% số ca chết não được hiến tạng, thì ở nước ta, mỗi năm có khoảng 2.500 người chết não, nhưng 4 năm qua, BV Việt Đức mới vận động được 19 ca hiến tặng. Rào cản lớn nhất là quan niệm “chết toàn thây”, nên việc hiến tạng vẫn còn nhiều hạn chế làm lãng phí rất lớn nguồn tạng quý giá từ người chết não để đem đến sự sống cho nhiều người.


PGS.TS Hoàng Mạnh An - Giám đốc BV Quân y 103 cho rằng, khó khăn trong việc ghép tạng còn cả do thiếu sự vận động đồng bộ, thiếu các văn bản dưới Luật hiến tạng… làm mất cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.


Hiện nay, trên cả nước có 12 cơ sở đủ điều kiện để ghép tạng. Trước bối cảnh nhu cầu bệnh nhân cần hiến ghép tạng,Trung tâm Điều phối quốc gia tạng ra đời sẽ giúp điều phối tạng và điều phối về tổ chức, giúp các bệnh viện liên kết, hỗ trợ cho nhau về cơ sở vật chất, giảm kinh phí do mỗi bệnh viện ghép tạng phải mua sắm trang thiết bị riêng. Trung tâm này sẽ vận động người cho tạng, nhận đăng ký chờ ghép của bệnh nhân, lưu trữ dữ liệu về người đăng ký hiến tạng và người chờ nhận tạng.

 ​Tri Thường​


Thăm dò ý kiến