Dịch COVID-19: Thế giới chạy đua ngăn chặn biến thể mới Omicron
28/11/2021 | 20:12 PM
Omicron, biến thể nguy hiểm hơn Delta đã lan sang châu Âu. Nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu hành động nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể COVID-19 mới nhất này. Pfizer/BioNTech và Moderna xem xét thiết kế vaccine trúng đích Omicron hơn.
Một loạt nước châu Âu đã thông báo ca nhiễm biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao này. Trong khi đó, chính phủ các nước trên thế giới bắt đầu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn biến thể COVID-19 mới Omicron.
Ngăn ngừa biến thể mới Omicron từ "trứng nước"
Anh, Đức và Italy đã xác nhận các ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Trong khi đó, Chính phủ Hà Lan đang phải tiến hành cách ly 61 hành khách từ Nam Phi đã có kết quả dương tính với virus.
Nam Phi, quốc gia là nơi biến thể Omicron khởi phát, hiện đang bị nhiều nước ra quyết định ngăn chặn việc đi lại bằng đường hàng không, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Omicron là biến thể đáng quan ngại.
Hàng loạt quốc gia trên thế giới bắt đầu ban hành lệnh cấm đi lại tới khu vực, trong nỗ lực ngăn chặn từ "trứng nước" mối nguy hiểm của biến thể mới nhất.
Các nhà khoa học hiện vẫn đang chạy đua nhằm đánh giá mức độ nguy hiểm của biến thể mới mang nhiều đột biến này, xem liệu nó có kháng lại vaccine hay không? Omicron đã chứng tỏ dễ lan truyền hơn biến thể chủ đạo Delta hiện nay.
Trước lệnh cấm trên, nhiều khách nước ngoài hiện đang ở Nam Phi vội vã đổ dồn về sân bay Johannesburg để lên các chuyến bay về nước. Nhiều du khách phải cắt ngắn kỳ nghỉ để kịp về nước trước lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ Nam Phi.
Hiện tại, các ca nhiễm Omicron đã được phát hiện ở châu Âu, Hong Kong, Israel và các nước ở miền Nam châu Phi.
Israel cho biết sẽ cấm nhập cảnh đối với tất cả khách nước ngoài và tái áp dụng công nghệ dò tìm vị trí qua điện thoại để truy vết (vốn trước đây được dùng trong chống khủng bố) nhằm ngăn ngừa sự lây lan của biến thể Omicron.
Anh tuyên bố sẽ áp quy định nhập cảnh khắt khe hơn đối với tất cả hành khách, bắt buộc người dân đeo khẩu trang trở lại sau khi phát hiện 2 ca nhiễm đầu tiên biến thể COVID-19 mới nhất này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại một cuộc họp báo cho biết, Anh bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng.
Đức cho biết phát hiện 2 trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại sân bay Munich, là du khách nhập cảnh từ Nam Phi. Italy cho biết ca nhiễm đầu tiên là một du khách nhập cảnh từ Mozambique.
Hà Lan nghi trong số 61 hành khách trên 2 chuyến bay KLM từ Nam Phi có thể có ca nhiễm Omicron và hiện đang tiến hành xét nghiệm, cách ly số du khách này tại một khách sạn riêng. Quốc gia này cũng đã ban hành lệnh cấm đi lại/nhập cảnh từ Nam Phi và một số nước châu Phi lân cận.
Czech đang tiến hành thêm xét nghiệm một người phụ nữ trở về từ Namibia và nghi nhiễm biến thể mới Omicron, Thủ tướng Czech Andrej Babis cho hay.
Áo và Bỉ đã cấm tất cả các chuyến bay từ 9 nước thuộc miền Nam châu Phi.
Hàn Quốc và Thái Lan, tương tự như Mỹ, Canada, Brazil và Saudi Arabia đã hạn chế các chuyến bay từ 8 nước ở miền Nam châu Phi.
Trong một cuộc họp khẩn, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) thúc giục 27 nước thành viên hạn chế đi lại tới các quốc gia phía Nam châu Phi. Thực tế, nhiều nước EU đã ra các quyết định tương tự.
Tăng cường tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, phát triển vaccine chống biến thể Omicron
Người đứng đầu hội đồng y khoa của chính phủ Anh Chris Witty tại họp báo cùng Thủ tướng Anh Borris Johnson cho biết dù còn nhiều điều chưa chắc chắn về biến thể mới Omicron, nhưng ít nhất tiêm phòng có thể giúp ngăn ngừa biến thể này. Theo ông, độ bao phủ rộng trong tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 có thể ngăn ngừa sự lây lan của Omicron.
Tại Mỹ, theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một buổi họp báo ngắn liên quan tới biến thể mới Omicron, đồng thời cho biết các quan chức Mỹ đang theo dõi sít sao tình hình.
Cố vấn Y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu như chẳng may biến thể Omicron có mặt ở nước Mỹ, mặc dù hiện tại Mỹ chưa phát hiện ca nhiễm Omicron nào. Với một loại virus như thế này, khả năng lây lan là khó tránh khỏi, ông Fauci nói trong buổi trò chuyện trên kênh truyền hình NBC.
Vào ngày 26/11, Bỉ công bố ca nhiễm Omicron đầu tiên từ một hành khách chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 trở về từ nước ngoài.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có thể mất thêm vài tuần để hiểu rõ về biến thể này, với cái tên ban đầu của nó là B.1.1.529.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các nước giàu viện trợ thêm vaccine COVID-19 và từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine nhằm giúp đẩy nhanh tiến trình sản xuất vaccine trên toàn cầu.
Sự xuất hiện của loại biến thể mới càng khiến chúng ta hiểu rõ rằng đại dịch COVID-19 sẽ không thể kết thúc cho tới khi đạt được tiêm chủng toàn cầu, Tổng thống Mỹ nói.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã phải hủy một hội nghị cấp bộ trưởng, một sự kiện lớn nhất trong vòng 4 năm qua của WTO vào phút chót do lo ngại sự lây lan của Omicron.
Trước mối đe dọa của biến thể mới nhất này, các nhà phát triển vaccine đang hy vọng "chỉnh sửa" vaccine ngừa COVID-19 hiện nay để giúp trúng đích biến thể Omicron hơn.
Hai hãng dược phẩm BioNTech của Đức và Pfizer của Mỹ hy vọng sẽ đưa ra dữ liệu muộn nhất trong vòng 2 tuần tới để xem có thể điều chỉnh liều tiêm hay không.
Moderna cho biết sẽ phát triển liều tiêm bổ sung vaccine ngừa COVID-19 chuyên dụng dành cho biến thể mới Omicron.
Sự xuất hiện của biến thể mới này cũng đưa ra lời cảnh tỉnh đối với tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 và dân số thế giới đã đi xa tới đâu trong tiêm phòng COVID-19. Trong khi nhiều nước phát triển đang tiến hành tiêm liều thứ 3 bổ sung, chưa đến 7% người dân ở các nước thu nhập thấp được nhận liều tiêm đầu tiên.
Seth Berkley, CEO của Liên minh Vaccine GAVI-tổ chức đồng dẫn đầu sáng kiến COVAX cho biết, cần phải đẩy nhanh phân phối vaccine COVID-19 công bằng trên toàn cầu hơn nữa, trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn.
"Trong khi chúng ta vẫn cần phải biết thêm về Omicron, chúng ta biết rằng còn nhiều người dân trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng. Các biến thể mới sẽ tiếp tục xuất hiện, và đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục kéo dài", ông nói. "Chúng ta sẽ chỉ có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của các biến thể mới nếu như có thể bảo vệ tất cả người dân trên thế giới, chứ không chỉ ở các nước giàu."
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Cập nhật những tiến bộ mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch
- Kiến tạo hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu
- Công nhận kết quả tuyển dụng viên chức Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế
- Mời mời báo giá dịch vụ đèn chiếu sáng.
- Điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Lào Cai
- Kiến tạo hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu
- Bộ Y tế phát động cuộc thi sáng tác Logo ngành dân số