Chiều 25/12: Việt Nam đã tiếp nhận 181,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19; Gần 98% dân số trên 18 tuổi tiêm mũi 1
25/12/2021 | 21:21 PM
Đến nay nước ta đã tiếp nhận khoảng 181,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, cơ quan chuyên môn đã phân bổ 110 đợt với tổng số 166,8 triệu liều; Gần 98% dân số trên 18 tuổi ở nước ta đã tiêm mũi 1; Bệnh nhân COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ phải được uống thuốc Molnupiravir ngay trước khi đi cách ly...
Việt Nam tiếp nhận 181,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã phân bổ 166,8 triệu liều
Bộ Y tế cho biết, đến nay nước ta đã tiếp nhận khoảng 181,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 110 đợt với tổng số 166,8 triệu liều, còn khoảng 14,7 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine.
Cập nhật đến 13h30 ngày 25/12, cả nước đã tiêm trên 144,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 24/12, tiêm được 993,315 liều. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.
Đến ngày 24/12, số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 132.808.696 liều, trong đó có 69.495.746 mũi 1; 61.279.724 mũi 2; 1.111.749 mũi 3 (đối với vaccine Abdala ); 300.874 liều bổ sung và 620.603 liều nhắc lại.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 97,9% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là 86,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 94,5% và 81,8%; miền Trung là 96,3% và 85,9%; Tây Nguyên là 90,8% và 72,3%; miền Nam là 100% và 90,9%.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên: 32/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 95%; 15/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ từ 90-95%; 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ dưới 90%, trong đó 05 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là Hà Giang (78,9%), Hưng Yên (83,7%), Cao Bằng (84,7%), Yên Bái (84,8%) và Ninh Bình (84,8%).
Tỷ lệ bao phủ đủ liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên: 22/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90%; 35/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều từ 70 – dưới 90%; 6/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều dưới 70%.
Về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 10.711.768 liều, trong đó có 7.183.756 mũi 1 và 3.528.012 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 79,0% và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 38,8% dân số từ 12 -17 tuổi. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 73,4% và 23,2%; miền Trung là 64,6% và 23,9%, Tây Nguyên là 74,8% và 1,6%, Miền Nam là 91,6% và 69,4%.
Các tỉnh thành phố đã cơ bản bao phủ đủ 02 liều vaccine cho nhóm tuổi này là Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang...
Tại Công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo và tổ chức thần tốc hơn nữa việc tiêm chủng vaccine, trong đó: Chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 02 cho người từ 18 tuổi trở lên, không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; Hoàn thành tiêm mũi 02 cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng 01/2022; Hoàn thành tiêm mũi 03 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I/2022.
Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định. Đặc biệt, Bộ lưu ý việc ưu tiên tiêm chủng cho người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.
Bệnh nhân COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ phải được uống thuốc Molnupiravir ngay trước khi đi cách ly
Sở Y tế TP HCM cho biết tất cả trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ phải được uống gói thuốc C ngay trước khi đi cách ly và không cần phải có triệu chứng. Còn F0 không thuộc nhóm nguy cơ được phát thuốc Molnupiravir khi có triệu chứng nhẹ.
Theo Sở Y tế TP HCM, tính đến ngày 22/12, sau 15 ngày "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", TP đã ghi nhận 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó phát hiện 24.420 người chưa tiêm vaccine, xét nghiệm tầm soát phát hiện 3.918 người đang bị nhiễm COVID-19 kịp thời điều trị.
Tất cả trung tâm y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vaccine ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ, trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà.
Sở Y tế đề nghị các quận huyện tăng tốc thực hiện công tác xét nghiệm, phấn đấu thực hiện xong công tác xét nghiệm đợt 1 vào ngày 26/12 và sẽ xong đợt 2 vào ngày 2/1/2022. Sau thời gian trên, ngành y tế TP tiến hành sơ kết 1 tháng triển khai Chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ và báo cáo UBND TP.
Quảng Bình: Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.rong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 24/12 đến 6 giờ ngày 25/12), Quảng Bình ghi nhận thêm 69 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 63 ca tại cộng đồng, 37 ca liên quan đến chùm ca bệnh Phù Ninh (xã Quảng Thanh, Quảng Trạch).
Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 3.572; số ca điều trị khỏi là 3.101, còn 310 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 84 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
Hiện gần 95% người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; mũi 2 là gần 87,14%;
Bến Tre: Từ 18 giờ ngày 24/12/2021 đến 11 giờ ngày 25/12.2021, tỉnh ghi nhận 119 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 24.369 ca. Trong đó, có 12.962 ca điều trị khỏi bệnh, 145 ca tử vong.
Nguồn: SKĐS
Tin liên quan
- Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- Đào tạo quốc tế giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại Việt Nam
- Dự phòng Zona ở người lớn
- Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng
- Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện ca mắc trong nhóm học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường
- Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính
- Người Việt mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao nhất châu Á, chuyên gia khuyến cáo gì?