Bệnh viện được gỡ khó
30/10/2024 | 10:08 AM
|
Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về mua sắm cụ thể về đấu thầu đã tạo ra đầy đủ hành lang pháp lý cho công tác đấu thầu, từ đó bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác khám, điều trị.
Lắng nghe thực tiễn khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế của các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước sau đại dịch COVID-19, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành:
-
Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024;
-
Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế;
-
Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, hiện Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành - Nghị định, Thông tư đã có. Để hướng dẫn công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư để các đơn vị áp dụng như: Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Cùng đó, Bộ Y tế đã chủ trì, đầu mối báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội Khóa XV dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại kỳ họp trước và lần này theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy lưu hành thuốc nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lắng nghe, giải đáp các băn khoăn của thực tiễn...
Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh trung bình một ngày điều trị cho 2 nghìn bệnh nhân nội trú với giường kế hoạch là 1.500. Với bệnh nhân dịch vụ ngoại trú, trung bình một ngày tiếp nhận từ 5-6 nghìn, cao điểm lên tới 8 nghìn. Việc bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác khám, điều trị luôn là công việc rất cấp thiết.
Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược của bệnh viện, cho hay đến thời điểm này các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ, trong đó có nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: HQ.
Không còn khó khăn, vướng mắc
PV: Năm 2023, có thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh thiếu thuốc. Bệnh viện có thiếu thuốc không, nhất là trong đợt dịch tay chân miệng?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Nga: Về cơ bản, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh không thiếu thuốc thường quy. Trong thời gian chờ đợi Chính phủ và Bộ hướng dẫn, Bệnh viện đã lo đấu thầu trước. Chỉ có những thuốc không lựa chọn được nhà thầu thì có thể áp dụng Luật Đấu thầu với Nghị định 24 để mua sắm. Trong thời gian dịch bệnh, thí dụ như tay chân miệng thiếu thuốc hiếm nhiều năm, thiếu nhà cung ứng chứ không phải do văn bản quy phạm pháp luật chưa ra kịp thời để mua sắm.
PV: Vậy trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh có còn gặp khó khăn gì trong đấu thầu, mua sắm?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Nga: Kể từ khi Luật Đấu thầu 2023, Nghị định 24 và tiếp theo là Thông tư 07 của Bộ Y tế, hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh không còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị.
Kể từ ngày 17/5/2024, chúng tôi thực hiện một số gói thầu, chủ yếu gói thầu trong nhà thuốc bệnh viện. Trước đó, chúng tôi đã chuẩn bị gói thầu lớn nhất cho nội trú bảo hiểm y tế và ngoại trú bảo hiểm y tế, chúng tôi đã thực hiện được 3 gói thầu mua sắm trực tiếp thuốc cung ứng cho bệnh nhân dịch vụ tại nhà thuốc. Hiện tại, bệnh viện thực hiện 2 gói thầu rộng rãi qua mạng cung ứng cho bệnh nhân dịch vụ tại nhà thuốc. Tổng hai gói thầu này trị giá 170 tỷ.
Hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh không còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị. Ảnh: HQ
PV: Theo bà, Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn hiện nay đã đầy đủ chưa để thực hiện đấu thầu tại bệnh viện. Có một số cơ sở vẫn vướng mắc, thậm chí nhiều đơn vị chưa dám đấu thầu. Theo bà, nguyên nhân do đâu?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Nga: Với người làm công tác cơ sở và tham gia vào đấu thầu mua sắm thuốc từ lâu, tôi thấy với văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về mua sắm cụ thể về đấu thầu có đầy đủ hành lang pháp lý. Còn mỗi bệnh viện tùy theo tình hình khám chữa bệnh, tùy theo danh mục thuốc, vật tư sẽ vận dụng linh hoạt các hình thức đấu thầu để bảo đảm cung ứng đầy đủ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cơ quan quản lý, bệnh viện và người dân.
Hiện tại, có một số điểm ở cơ sở như chúng tôi chưa hiểu rõ quy định của Nghị định, Thông tư. Khi có vướng mắc, chúng tôi sẽ hỏi trực tiếp Sở Y tế - cơ quan chủ quản của mình và Sở Y tế có bộ phận hỗ trợ pháp lý đấu thầu, các anh chị cũng tư vấn và vấn đề gì không rõ sẽ hỗ trợ các bệnh viện hỏi cơ quan cao hơn. Những điểm vướng chỉ là chưa hiểu rõ quy định trong Nghị định, Thông tư. Sau khi nhận được hướng dẫn của Sở Y tế, chúng tôi cơ bản giải quyết được thắc mắc.
Thí dụ, điểm trước đây không hiểu về đánh giá năng lực kinh nghiệm của nhà thầu. Mình không hiểu yêu cầu nhà thầu phải chứng minh bằng hợp đồng cung cấp thuốc tương tự, cái này phải thông qua đấu thầu hay chỉ cần hợp đồng cung cấp thuốc hay không. Việc này chúng tôi có công văn gửi Sở Y tế, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch đầu tư. Và qua hội thảo hướng dẫn, Bộ Y tế đã có trả lời các đơn vị hiểu rõ. Chúng tôi muốn tuân thủ đúng quy định của Luật, Nghị định, Thông tư, muốn cung cấp đủ thuốc kịp thời cho bệnh nhân và đúng quy định pháp luật.
Chủ động xây dựng kế hoạch dự trù, linh hoạt đấu thầu dựa theo năng lực
PV: Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm trong mua sắm đấu thầu tại bệnh viện?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Nga: Luật Đấu thầu ra đời tháng 6/2023, thời điểm đó bệnh viện có dự kiến sẽ có Nghị định mới, Thông tư mới hướng dẫn về đấu thầu từ Chính phủ, Bộ Y tế nên bệnh viện đã chuẩn bị sẵn cho những tình huống trong thời gian chờ.
Kể từ lúc Luật Đấu thầu ra đời có hiệu lực 1/1/2024, phải đợi tới 27/2/2024 có Nghị định hướng dẫn, giữa tháng 5 Bộ Y tế mới có Thông tư hướng dẫn, tại bệnh viện cũng cố gắng nghiên cứu Luật Đấu thầu mới, Nghị định mới và cố gắng vận dụng linh hoạt hướng dẫn đã có của Chính phủ cũng như của các Bộ. Khi có Luật Đấu thầu, chúng tôi vận dụng mua 50 triệu, định mức chỉ định thầu rút gọn. Đến Nghị định 24 chúng tôi vận dụng mua chỉ định thầu 100 triệu. Trước thời điểm đó, bệnh viện tranh thủ đấu thầu thuốc năm 2024 cho bệnh viện, trước khi luật mới ban hành, nên bệnh viện cơ bản không có tình trạng thiếu thuốc, vật tư.
Khi Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực, bệnh viện vận dụng điều khoản chỉ định thầu rút gọn. Tiếp đến, khi Nghị định có hiệu lực, chúng tôi vận dụng chỉ định thầu có hạn mức, chỉ định thầu rút gọn trong thời gian chờ Bộ Y tế ra thông tư về đấu thầu thuốc. Khi Thông tư ra đời, bệnh viện có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện tổ chức mua sắm thuốc với nhiều hình thức khác, đặc biệt là với đấu thầu rộng rãi và mua sắm trực tiếp.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chúng tôi thường xuyên rà soát tình hình tồn kho của thuốc, số thuốc mua sắm theo hợp đồng còn hiệu lực, kể cả nghe ngóng tin tức cung ứng và theo dõi dự báo bệnh. Bệnh viện thường xuyên trải qua dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, biết được dự báo thời điểm bệnh tăng cao thì dự trữ thuốc. Hoặc giai đoạn năm ngoái 13 nhà cung ứng có giấy phép lưu hành cung cấp gamma điều trị tay chân miệng đều không thể cung ứng hết thì lúc đó chủ động xin ý kiến Sở Y tế và Bộ Y tế để có thuốc cung ứng cho bệnh viện để chống dịch.
Công tác đấu thầu đã được gỡ vướng. Ảnh: HQ.
PV: Thông qua mua sắm trực tiếp, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành bao nhiêu gói thầu, mua được vật tư trang thiết bị thế nào nhanh chóng, dễ dàng?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Nga: Khi tổ chức gói thầu lớn nhất của bệnh viện trong thời gian chờ Luật Đấu thầu mới có hiệu lực và chờ các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế, đã có những thuốc không lựa chọn được nhà thầu, hoặc thuốc cấp cứu, chống dịch như tay chân miệng, sốt xuất huyết. Khi Thông tư ra đời, bệnh viện đã mua sắm trực tiếp và đã mua được thuốc quan trọng. Đặc biệt, với Điều 16 của Thông tư 07 của Bộ Y tế nhờ mua sắm trực tiếp, bệnh viện đã mua sắm thuốc đáp ứng quy định Luật đấu thầu và đáp ứng đúng Thông tư 07 của Bộ Y tế, trong thời gian chờ đấu thầu rộng rãi để cung ứng cho bệnh nhân ở khu vực dịch vụ.
PV: Về Thông tư 22 thanh toán thuốc cho bệnh nhân BHYT. Xin bà cho biết, mình hướng đến thuốc, vật tư gì và với bệnh viện, việc thanh toán khó khăn gì không?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Nga: Thông tư 22 của Bộ Y tế vừa ban hành 18/10/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025, chúng tôi đang nghiên cứu. Qua đọc và theo cách hiểu hiện tại, thì tôi nghĩ thông tư này ban hành đáp ứng nguyện vọng của người dân, bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.
Nhưng có một số điểm đang suy nghĩ, đó là điều kiện để thanh toán thuốc trực tiếp cho người bệnh BHYT vì thứ nhất, thuốc phải thuộc danh mục thuốc hiếm và có nhiều điều kiện nữa, một trong những điều kiện đó là bệnh viện đáp ứng có kế hoạch lựa chọn nhà thầu qua hình thức đấu thầu rộng rãi, hạn chế, mua sắm trực tiếp chào hàng cạnh tranh hoặc chỉ định thầu. Trong trường hợp đó là thuốc chống dịch, cấp cứu thì tôi quan tâm danh mục thuốc hiếm ít không nhiều và thứ hai là bệnh viện phải chứng minh có kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc kể cả chỉ định thầu trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân mà không lựa chọn được, như vậy đối với người bệnh đi khám BHYT bình thường thôi có bảo đảm quyền lợi của họ hay không.
Tin liên quan
- 'Nếu không có những nghĩa cử cao đẹp ấy, tôi sẽ không bao giờ thấy lại được ánh sáng'
- Thuốc lá dẫn đến hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam, cần tăng thuế mạnh hơn
- Bỏ quy định sử dụng thuốc bảo hiểm y tế theo hạng bệnh viện
- Mời báo giá Thuê dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng xe ô tô
- Mời báo giá sửa chữa điều hòa không khí
- Có tới 65% ca tử vong trên toàn cầu không được ghi chép đầy đủ và chính xác
- Xin báo giá thuê trang trí cảnh quan cho dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán 2025 Cơ quan Bộ Y tế