Bệnh viện Phổi Hà Nội: Mít tinh hướng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao

23/03/2018 | 00:20 AM

 | 

Sáng ngày 23/3/2018, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao 24/3. So với nhiều năm trước đây, số người mắc mới và tử vong do lao ở nước ta đến nay đã giảm đáng kể, tuy nhiên cuộc chiến với bệnh lao vẫn còn nhiều thách thức.



Bệnh lao là một trong những căn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới. Toàn cầu mỗi năm có khoảng 11 triệu người mắc lao, trong đó số người tử vong vì bệnh lao lên tới 1,7 triệu người. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, năm 2016 có khoảng 126.000 người mắc lao, số ca tử vong lên tới 13.000 người, cao hơn nhiều so với số chết do tai nạn giao thông, nhưng đây lại là căn bệnh người dân ít khi chú ý. So với năm 2000, Việt Nam đã giảm 50% số hiện mắc và mắc mới cũng như số tử vong vì bệnh lao. Hiện số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm khoảng 5 - 6%, số tử vong vì bệnh lao giảm nhanh hơn số mắc do chúng ta tăng được tỷ lệ phát hiện. Trong hai năm 2015 - 2016, cả nước đã giảm được 3.000 người chết vì lao, đó là một thành tựu rất đáng mừng. Nguyên nhân là bệnh nhân được phát hiện sớm, chủ động và nhiều hơn

Tại Hà Nội, mỗi năm phát hiện, đưa vào quản lý và điều trị dự phòng khoảng 5.000 bệnh nhân lao các thể. Với lao phổi mới (nguồn lây chính của bệnh lao), tỷ lệ điều trị khỏi khoảng hơn 90%. Tuy nhiên, lao kháng đa thuốc đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng. Ở Hà Nội chưa có điều tra dịch tễ về lao kháng thuốc. Tuy nhiên, theo số liệu của Chương trình chống lao quốc gia tỷ lệ kháng đa thuốc ở nhóm người bệnh lao mới là 2,7%, còn nhóm đã điều trị là 19%. Nếu như năm 2011, toàn thành phố chỉ có 28 trường hợp bệnh nhân mắc lao kháng thuốc, thì năm 2017, con số này là 186 ca. Đáng lo hơn, trong những năm qua, Hà Nội cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc lao bị kháng đa thuốc.

ThS.BS Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình chống lao thành phố Hà Nội cho biết, việc điều trị bệnh lao đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi nhận thức của người dân còn hạn chế. Trước đây, ai cũng nghĩ lao là bệnh của người nghèo, nhưng nay thì đó là bệnh của bất kỳ ai nếu chủ quan. Sự chủ quan khiến nhiều người đi khám chậm, khi bệnh đã ở tình trạng rất nặng. Hơn nữa, điều trị lao mất thời gian dài và đòi hỏi tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị. Tuy nhiên có những bệnh nhân không kiên trì, không điều trị dứt điểm nên bệnh dễ tái phát, thậm chí chuyển sang giai đoạn lao kháng thuốc. Theo ThS.BS Phạm Hữu Thường, tình hình lao kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc rất đáng lo ngại và cũng là thách thức trong "cuộc chiến" với bệnh lao hiện nay. Nếu những bệnh nhân này không được quản lý, vẫn cư trú tại cộng đồng thì bệnh dễ lây lan. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải kêu gọi những bệnh nhân mắc lao hay có vi trùng lao trong đờm, trong phổi điều trị sớm. Nếu điều trị quá muộn hoặc bỏ điều trị sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. Hiện nay, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã áp dụng kỹ thuật cao GeneXpert để chẩn đoán lao, lao kháng thuốc. Đây là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, chỉ trong 2 giờ là có thể xác định có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc hay không.


23.3 BV phoi anh 1.jpg
ThS Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại buổi lễ mít tinh.

           

Với chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao 24/3 năm nay đó là “ Lãnh đạo cam kết hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao” và “Mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam”, tại buổi mít tinh, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã kêu gọi lãnh đạo các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng toàn thể nhân dân hãy cũng chung tay hành động đẩy lùi bệnh lao. Hiện nay, chương trình chống lao tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức mới trong đó có việc quản lý bệnh nhân lao kháng đa thuốc, bệnh lao ở người nhiễm HIV, bệnh lao ở trẻ em, khó khăn trong thiếu hụt nguồn nhân lực trong công tác phòng chống lao, thiếu hụt kinh phí hoạt động…

            Vì vậy với chủ đề năm nay, bà Trần Thị Nhị Hà đã nhấn mạnh mỗi cá nhân trong cộng đồng dù ở vị trí công tác hay địa vị xã hội nào cũng cần đóng góp phát huy trách nhiệm của mỗi người trong công tác phòng chống lao. Ngày thế giới phòng chống lao năm nay tập trung vào xây dựng những cam kết chính trị nhằm chấm dứt bệnh lao ở tất cả các cấp chính quyền, lãnh đạo cộng đồng những người làm công tác xã hội, nhân viên y tế, các tổ chức phi chính phủ, những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao… tất cả đều đóng góp nỗ lực và hành động để đóng góp phần giải quyết những thách thức to lớn trong công cuộc phòng chống lao.

Về phía Bênh viện Phổi Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, trong vài năm gần đây, dù kinh phí dành cho chương trình chống lao từ bị cắt giảm so với những năm trước, song Hà Nội vẫn nỗ lực triển khai nhiều hoạt động phòng chống lao thiết thực. Trong đó, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông phù hợp với đặc thù của người dân sinh sống ở các vùng xa trung tâm thành phố, người dân di cư, người nhiễm HIV… để mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết và chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế Hà Nội cung cấp. Đặc biệt, Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện điều trị thuốc mới Bedaquiline cho người bệnh lao kháng thuốc nặng (tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc) và áp dụng phác đồ điều trị ngắn hạn (từ 20 tháng trước đây xuống còn 9 tháng) trong điều trị người bệnh lao đa kháng thuốc. Bên cạnh đó, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã áp dụng nhiều kỹ thuật cao như kỹ thuật GeneXpert để chẩn đoán lao, lao kháng thuốc; kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính, Xquang kỹ thuật số giúp việc chẩn đoán lao chính xác, rút ngắn thời gian chẩn đoán. Đến nay, bệnh viện đã chuyển giao những kỹ thuật này xuống cơ sở, đồng thời thực hiện liên kết kết quả xét nghiệm qua mạng internet. Nhờ đó, 90% các đối tượng trong diện cần dự phòng bệnh lao bao gồm trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc với nguồn lây, người nhiễm HIV… được tiếp cận với dịch vụ phòng lao./.


Thăm dò ý kiến