Bài thuốc xông chữa cảm cúm
13/08/2015 | 02:21 AM
Phương pháp dùng nồi xông để điều trị cảm cúm đã được dân gian sử dụng từ lâu đời. Nó cũng tỏ ra rất hiệu quả, cho nên phương pháp này vẫn được mọi người sử dụng và truyền cho nhau nhất là ở vùng nông thôn miền núi, nơi mà đời sống người dân còn thấp.
Cấu tạo của nồi lá xông
Với kinh nghiệm dân gian, quả thật là rất phong phú. Nhưng nhìn chung có thể thấy các loại lá để làm nồi xông gồm có các loại lá thơm có tinh dầu có tác dụng tân ôn giải biểu, trừ phong thông khiếu, kháng sinh khử trùng... Ở đây xin dẫn ra một số lá, một số cây mà bà con quen dùng: lá chanh, lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá mít, lá nhãn, cây cứt lợn, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu... Ngoài ra mỗi địa phương bà con còn dùng những loại lá theo kinh nghiệm của riêng mình.
Cách nấu và tiến hành xông
Các thứ lá trên rửa sạch cho vào xoong đổ vừa nước, lấy lá chuối bịt miệng, đậy nắp nấu sôi. Bệnh nhân được bố trí trong phòng kín tránh gió lùa. Đặt nồi xông trên giường, bệnh nhân trùm kín chăn ngồi xông từ 15-20 phút. Khi đã thoát được mồ hôi, bệnh nhân dùng khăn bông sạch lau khô người rồi mặc quần áo mới. Khi tiến hành xông cần có một người ở bên để phục vụ và chăm sóc người bệnh.
Khi nào thì dùng nồi lá xông?
Khi bị cảm cúm có các triệu chứng: Đau đầu, ngạt mũi, đau họng, rát họng, da khô không có mồ hôi, đau xương, đau mình, muốn nằm. Đông y cho đây là hiện tượng bế biểu do cảm phong hàn. Các lỗ chân lông bị bít lại, đường phế đạo đang bị ách tắc làm xuất hiện một loạt những triệu chứng kể trên.
Kết quả sau khi xông
Dùng các loại dược liệu cùng với nước nấu sôi, các chất trong lá đã biến thành hơi nước nên nó rất dễ dàng đi vào đường hô hấp đến tận phế nang. Hơi nước vào khoang miệng, vào niêm mạc mắt mũi và qua da để vào cơ thể. Tới đâu đều có sự trao đổi chất ở đó.
Sau khi xông, da của bệnh nhân trở nên mềm mại, nhuận và mát. Đường hô hấp được thông suốt, giảm đau, giảm tiết, hạ khí cho nên bớt đau đầu, chóng mặt, khó thở. Trong các lá xông có kháng sinh, có tinh dầu cho nên có tác dụng chống viêm, tuyên thông phế khí, giảm đau, hạ sốt... Các lỗ chân lông được thông thoáng, da tươi nhuận trở lại. Bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, nhẹ người, khoan khoái hẳn lên.
Sau khi vừa xông xong có thể cho bệnh nhân ăn cháo nóng có lá tía tô, hành, tiêu bắc, chanh ớt...
Những điều cần lưu ý:
Những trường hợp cảm cúm chỉ cần xông 1-2 lần là được. Không nên xông nhiều lần. Xông nhiều lần sẽ bị hao tân dịch, thoát dương, ảnh hưởng xấu đến toàn bộ sức khỏe. Không xông đối với trường hợp cảm thử (ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ, chao đảo, mệt lả).
Phương pháp dùng nồi xông là phương pháp đơn giản, dễ làm, rẻ tiền. Kết quả cũng như mặt tích cực của nó là rất đáng kể. Mỗi gia đình nên tích cực trồng cây dược liệu trong vườn, chắc chắn có nhiều khi cần đến nó.
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống
Tin liên quan
- Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- Đào tạo quốc tế giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại Việt Nam
- Dự phòng Zona ở người lớn
- Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng
- Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện ca mắc trong nhóm học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường
- Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính
- Người Việt mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao nhất châu Á, chuyên gia khuyến cáo gì?