8 địa phương sẽ triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình

03/06/2014 | 02:08 AM

 | 

Từ ngày 15/7/2014, mô hình bác sĩ gia đình trong đó khám cho cả người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được thí điểm triển khai tại 8 tỉnh, thành phố trong cả nước

Đây là nội dụng được quy định tại Thông tư hướng dẫn thí điểm về Bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình mà Bộ Y tế vừa ban hành. Theo Thông tư này, tám tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang là những địa phương đầu tiên áp dụng thí điểm mô hình bác sĩ gia đình. Trong đó thực hiện khám cho cả người có thẻ bảo hiểm y tế.

Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, hộ gia đình; sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh tật; cấp cứu, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng với phạm vi chuyên môn được phép; tư vấn về sức khỏe, phòng bệnh, phòng chống nguy cơ…

Bác sĩ gia đình là người được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình. Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục, lồng ghép và phối hợp cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; tư vấn sức khỏe, phòng bệnh, phòng chống các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong việc tự bảo vệ và nâng cao sức khoẻ và các nhiệm vụ khác phù hợp với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề.

3-6-2-2014. BSGD1.png
Bác sĩ gia đình được kỳ vọng góp phần giảm tải cho các bệnh viện.

 Thông tư này cũng quy định cụ thể điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình đối với người Việt Nam, người nước ngoài. Phòng khám bác sĩ gia đình phải có hồ sơ quản lý toàn diện về sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình. Đồng thời, có trách nhiệm giữ bí mật thông tin cá nhân của người đăng ký quản lý sức khỏe theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Bộ Y tế, phòng khám bác sĩ gia đình có thể là phòng khám tư nhân độc lập do cá nhân bác sĩ gia đình thành lập và đăng ký hoạt động; có thể thuộc phòng khám đa khoa tư nhân. Ngoài ra, cũng có mô hình phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa; hay trạm y tế xã cũng có thể lồng ghép, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình nếu đảm bảo những điều kiện nhất định. Nếu phòng khám là của cơ sở công lập thì giá dịch vụ khám chữa bệnh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị tư nhân được quyền quyết định giá nhưng phải niêm yết công khai. Phòng khám cũng được phép thực hiện việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Trao đổi về mô hình này, ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, sác sĩ gia đình hoàn toàn khác với bác sĩ đến khám tại nhà. Khám tại nhà chỉ là đến khám và đi về, mang tính nhất thời, còn bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục và có tính cộng đồng cao, bởi họ còn có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mãn tính. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về y học gia đình.

Đề án bác sĩ gia đình là một trong những hoạt động Bộ Y tế kỳ vọng giúp giảm tải tại các bệnh viện. Hệ thống phòng khám này cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

PGS. TS Nguyễn Phương Hoa- Phó chủ nhiệm Bộ môn Y học gia đình (Đại học Y Hà Nội): Bác sĩ gia đình thường chiếm được lòng tin của người bệnh

Bác sĩ gia đình với sự kết hợp chức năng của một bác sĩ lâm sàng với bác sĩ dự phòng và nhà tâm lí, đáp ứng khoảng 90% các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, thích hợp làm việc tại các phòng khám thuộc hệ thống y tế công và tư nhân ở mọi tuyến từ Trung ương đến cơ sở (trạm y tế xã), đặc biệt là tuyến y tế cơ sở để giải quyết các vấn đề sức khỏe/bệnh mà người dân trong cộng đồng thường gặp. Các bác sĩ gia đình thường chiếm được lòng tin của người bệnh do gần gũi, tiếp xúc thường xuyên và ở tất cả các giai đoạn sức khỏe ngay từ khi chưa mắc bệnh đến khi bệnh nhân đã ổn định. Chính điều này đặt người thực hành y học gia đình vào tuyến y tế ban đầu, nơi được xem là điểm tiếp xúc đầu tiên của hệ thống y tế với người bệnh, với cộng đồng dân cư.

 ​


Thăm dò ý kiến