Đương đầu với bệnh tăng huyết áp ở khu vực thành thị Việt Nam
18/07/2024 | 21:00 PM
TS. BS Hà Anh Đức – Chánh Văn phòng Bộ Y tế, đồng chủ trì nghiên cứu phát biểu khai mạc hội thảo
Ngày 18/7/2024, tại Hải Phòng, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thành phố Hải phòng tổ chức hội thảo khởi động hợp tác nghiên cứu “Đương đầu với bệnh tăng huyết áp ở khu vực thành thị Việt Nam” (HTN-URBAN). Tham dự hội thảo có các đồng chí: TS. BS Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế; TS. Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế; TS. Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; TS. Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng.
Tại hội thảo, TS. Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, đồng chủ trì nghiên cứu cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh không lây nhiễm (NCD) ước tính gây ra cho khoảng 74% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới. Hơn 3/4 số ca tử vong do NCD và 86% trong số 17 triệu người chết sớm hoặc trước 70 tuổi xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong số tất cả các trường hợp tử vong do NCD, 77% là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Các bệnh tim mạch chiếm phần lớn các ca tử vong do NCD, tiếp theo là ung thư, bệnh hô hấp mãn tính và tiểu đường - 4 nhóm bệnh này chiếm hơn 80% tổng số ca tử vong sớm do NCD. NCD gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, đồng thời đe dọa làm quá tải hệ thống y tế. Các chi phí kinh tế xã hội liên quan đến NCD làm cho việc phòng ngừa và kiểm soát các bệnh này trở thành một yêu cầu phát triển quan trọng trong thế kỷ 21.
Tại Việt Nam, gánh nặng bệnh tật và tử vong của các bệnh không lây nhiễm đã tăng nhanh chóng ở Việt Nam trong vài thập kỷ qua và bệnh tim mạch hiện đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Các cuộc điều tra quốc gia gần đây đã cho thấy sự tăng lên đáng lo ngại trong tỷ lệ mắc tăng huyết áp (THA) ở những người ở đội tuổi từ 25 đến 64 tuổi. Các cuộc khảo sát này đều ghi nhận sự gia tăng đáng kể của tỉ lệ mắc THA của người dân sống ở khu vực thành thị và nông thôn từ năm 2015 đến 2021.
Trước thực trạng đó, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Trường Đại học Y khoa Massachusett Chan - Hoa Kỳ xây dựng dự án nghiên cứu “Đương đầu với bệnh tăng huyết áp ở khu vực thành thị Việt Nam” (HTN-URBAN). Đây là hoạt động phối hợp tiếp theo sau khi thực hiện thành công dự án “Đương đầu với bệnh Tăng huyết áp ở Việt Nam: Giải pháp từ y tế cơ sở” đã được triển khai tại tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn 2017-2021.
TS. Nguyễn Khánh Phương – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo
Dự án nghiên cứu “Đương đầu với bệnh tăng huyết áp ở khu vực thành thị Việt Nam” (HTN-URBAN) có kế hoạch triển khai trong giai đoạn từ 2024 - 2029 tại 7 quận, 14 phường của Thành phố Hải Phòng; với mục tiêu đóng góp vào việc kiểm soát THA cho người trưởng thành sinh sống tại thành phố Hải Phòng, góp phần tăng cường kiểm soát hiệu quả các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng ở Việt Nam.
TS. Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng phát biểu tại hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe giới thiệu về nội dung, hoạt động của hợp tác nghiên cứu “Đương đầu với bệnh tăng huyết áp ở khu vực thành thị Việt Nam” (HTN-URBAN); báo cáo về thực trạng tăng huyết áp và công tác quản lý tăng huyết áp tại thành phố Hải Phòng…
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế và Sở Y tế Hải Phòng thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai nghiên cứu “Đương đầu với bệnh tăng huyết áp ở khu vực thành thị Việt Nam”
Cũng tại Hội thảo, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế và Sở Y tế Hải Phòng thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai giữa các bên liên quan. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai từ tháng 7/2024 đến tháng 2/2025; Giai đoạn 2 từ năm 2025 đến năm 2029 với mục tiêu nhằm thử nghiệm các biện pháp can thiệp trong việc quản lý và điều trị tăng huyết áp tại khu vực thành thị góp phần tăng cường kiểm soát hiệu quả các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng ở Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
Qua đó, nhằm đánh giá thực trạng và nhu cầu kiểm soát tăng huyết áp tại khu vực thành thị của Hải Phòng; xây dựng và triển khai thử nghiệm can thiệp kiểm soát tăng huyết áp tại cộng đồng và tại các phường được chọn can thiệp của Hải Phòng từ đó đề xuất các giải pháp can thiệp cho chương trình phòng chống tăng huyết áp và tăng cường hiệu quả kiểm soát tăng huyết áp tại cộng đồng./.
Tin liên quan
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc
- Kết hợp Đông – Tây y phòng và điều trị bệnh trị đột quỵ não