Việt Nam đối mặt với gánh nặng bệnh tật do sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm
28/06/2023 | 06:53 AM
|
Báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú mắc các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh viện, khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch đều rất đông bệnh nhân. Sức khỏe tâm thần cũng đang là thách thức rất lớn...
Những thông tin trên được đưa ra tại "Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 2 về phòng chống các bệnh không lây nhiễm" tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 27/6. Đây sự kiện đầy ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Đồng chí Tô Huy Rứa - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; Ngài Yamada Takio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng đại diện Lãnh đạo các vụ/cục thuộc Bộ Y tế, chuyên gia đến từ Nhật Bản, Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác cùng chụp ảnh lưu niệm.
Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng, quan tâm và đánh giá cao vai trò của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong phát triển đất nước. Đặc biệt trong 3 năm chống dịch COVID-19 vừa qua, không thể nói hết những hy sinh của các nhân viên y tế giúp đất nước vượt qua đại dịch và cùng với đó là sự đóng góp và hỗ trợ rất hiệu quả của các quốc gia, bạn bè trên thế giới trong đó có đất nước Nhật Bản.
Trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác y tế giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được mở rộng và phát triển. Thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngành Y tế Việt Nam nhiều dự án viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi. Các dự án hợp tác với Nhật Bản đều được thực hiện rất hiệu quả, toàn diện và bền vững, mang lại những đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường cơ sở hạ tầng bệnh viện, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và quản lý bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ trên thế giới, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất với hầu hết các quốc gia và khu vực. Số liệu năm 2019 cho thấy gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 62,5% tổng gánh nặng bệnh tật do mọi nguyên nhân, trong khi gánh nặng bệnh tật do bệnh truyền nhiễm, bệnh lý bà mẹ, chu sinh, rối loạn dinh dưỡng chỉ chiếm khoảng 27%. Đây là những bệnh có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội thảo.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, những bệnh không lây nhiễm thường có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được, vì vậy kiểm soát những yếu tố nguy cơ chung của bệnh không lây nhiễm có vai trò quan trọng hàng đầu.
Bộ Y tế đang hợp tác với các quốc gia trong đó có Nhật Bản để chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, quản lý bệnh viện và nhiều lĩnh vực y tế khác.
Người đứng đầu ngành y tế bày tỏ, đây còn là dịp trao đổi về thực trạng, thách thức, chiến lược kiểm soát và quản lý các bệnh không lây nhiễm, mà trở thành diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y tế giữa hai nước và từ đó đưa ra các định hướng về hợp tác, phát triển trong tương lai.
Cần tập trung phòng, điều trị bệnh không lây nhiễm để giảm những 'kẻ giết người thầm lặng'
Liên quan đến bệnh không lây nhiễm, trao đổi với báo chí, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết thêm, hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,…
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê.
Những bệnh không lây nhiễm được coi như là 'kẻ giết người thầm lặng' vẫn luôn đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng do tỷ lệ mắc ngày càng cao và những hậu quả, di chứng nặng nề. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm sẽ giúp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, sau đại dịch COVID-19, chúng ta sẽ đối mặt với đại dịch các bệnh không lây nhiễm. Do đó, bên cạnh việc phòng các bệnh truyền nhiễm mới nổi như COVID-19..., các nước cần tập trung phòng, điều trị bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tâm thần. Ngoài ra, còn thêm mặt bệnh đó là chấn thương do tai nạn thương tích.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ phát biểu tại hội thảo.
Theo ông Khuê, báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú là mắc các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh viện, khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch đều rất đông bệnh nhân. Sức khỏe tâm thần cũng đang là thách thức rất lớn.
Thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoảng 6-7% dân số mắc đái tháo đường, theo Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, "sát thủ thầm lặng" là bệnh tăng huyết áp chiếm 25% số người trên 25 tuổi. Tất cả bệnh không lây nhiễm đều gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị.
Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu bia rất nhiều nên làm gia tăng tai nạn thương tích, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh từ ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch...
Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 2 về phòng chống các bệnh không lây nhiễm lần này có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ Nhật Bản và Việt Nam, tập trung những bài báo cáo về thực trạng, thách thức, chiến lược kiểm soát và quản lý các bệnh không lây nhiễm. Các chủ đề về Tim mạch, Đột quỵ, Đái tháo đường, Hô hấp… sẽ được báo cáo trong 3 phiên toàn thể, 4 phiên chuyên đề với tổng số 28 bài báo cáo. Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản sẽ trao đổi, chia sẻ trực tiếp và đưa ra các giải pháp, chiến lược quản lý trong phần thảo luận sau mỗi phiên.
Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã hợp tác với Nhật Bản thông qua nhiều chương trình, dự án. Một trong số những dự án hợp tác lớn đầu tiên được chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại chính là Dự án "Nâng cấp Bệnh viện Bạch Mai" nhằm hỗ trợ bệnh viện nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, một số cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai đã được sang đào tạo, tập huấn tại Nhật Bản về công tác quản lý và vận hành kỹ thuật, trang thiết bị./.
Theo: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Ung thư cổ tử cung - Tác động và cơ hội loại trừ
- Thủ tướng chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Y tế
- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tiếp Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc
- Tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV
- Kêu gọi ủng hộ người bệnh ung thư qua chiến dịch “Triệu nghĩa tình trao gửi bệnh nhân ung thư”