Tiếp tục triển khai các hoạt động quản lý, phòng, chống lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và kháng kháng sinh

04/09/2024 | 14:51 PM

 | 

Ngày 04/9/2024, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện khởi động dự án “Đối tác Sydney Châu Á Thái Bình Dương về đổi mới y tế và hệ sinh thái bền vững” (SAPPHIRE) do Viện Đại học Sydney Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại sự kiện.

 

Tham dự sự kiện có bà Renée Deschamps, Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam; TS.Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam; TS.Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam; GS. Greg Fox, Đồng Chủ nhiệm dự án Đối tác Sydney Châu Á Thái Bình Dương về đổi mới y tế và hệ sinh thái bền vững - SAPPHIRE; GS. Navneet Dhand, Giám đốc Hiệp hội dịch tễ học thú y Châu Á Thái Bình Dương – APCOVE và các đơn vị liên quan.

PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: tại Việt Nam, chiến lược quốc gia phòng, chống lao với tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục giảm số tử vong do bệnh lao, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 dân và hướng tới mục tiêu người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao. Tuy nhiên, tình hình bệnh lao hiện nay vẫn còn nhiều mối lo ngại: có tới 40% số người mắc lao không được phát hiện; năm 2018, Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng cao về bệnh lao và do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đứng thứ 7 trong 10 nước có tỷ lệ giảm phát hiện lao cao trên thế giới.

Bên cạnh đó, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và các bệnh lý đường hô hấp mãn tính khác rất phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam với các nguyên nhân chính như do hút thuốc lá, thường xuyên hít phải khói thuốc lá, môi trường sống ô nhiễm. Các bệnh lý đường hô hấp mạn tính này đang trở thành gánh nặng về y tế trên toàn cầu.

Các đại biểu tham dự sự kiện.

Cùng với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, kháng kháng sinh là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe và sự phát triển toàn cầu. Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh; bán thuốc kháng sinh không kê đơn và kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý đang diễn ra phổ biến.

Thời gian vừa qua, ngành Y tế đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong nhiều lĩnh vực, nhất là với các chương trình ưu tiên, trọng tâm của ngành.

Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2014, đến nay qua 10 năm triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả tích cực như đã phát hiện và thu dung điều trị cho hơn 1,3 triệu bệnh nhân lao và điều trị cho hơn 1,2 triệu bệnh nhân với tỷ lệ khỏi bệnh cao trong giai đoạn 2011- 2022. Số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện, thu dung điều trị cũng tăng dần qua từng năm. Bộ Y tế cũng thường xuyên tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh lao; năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 25/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong các bệnh không lây nhiễm ưu tiên đã được đưa vào trong chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015 với mục tiêu chung là khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm.

Về vấn đề kháng kháng sinh, Bộ Y tế đã xác định phòng, chống kháng kháng sinh là một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành Y tế và từ năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chung là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh “Lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, kháng kháng sinh là các vấn đề y tế toàn cầu và yêu cầu các hành động đáp ứng liên ngành, đa quốc gia để có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của ngành Y tế, chúng tôi đánh giá cao và mong muốn sự phối hợp chặt chẽ với các ngành và các tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác và cam kết chung tay để kiểm soát các vấn đề y tế công cộng, các yếu tố nguy cơ, góp phần trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ người dân và ổn định để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương gửi lời cảm ơn WHO, FAO, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Đại học Sydney, Viện Đại học Sydney Việt Nam và các đối tác, tổ chức quốc tế đã hỗ trợ, ủng hộ, tạo điều kiện để Việt Nam tham gia dự án SAPPHIRE và triển khai các hoạt động quản lý, phòng, chống lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và kháng kháng sinh góp phần thực hiện mục tiêu của các chiến lược quốc gia.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các đối tác, tổ chức quốc tế để đề xuất giải pháp, hoạt động phù hợp và tổ chức triển khai hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ, đảm bảo đúng quy định để góp phần đạt được các mục tiêu đề ra của dự án.

 

TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu.

Theo TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam: Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc của Chính phủ là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì vậy, cần hành động, phối hợp chung tay mạnh mẽ hơn từ các cá nhân, tất cả các lĩnh vực của xã hội, bao gồm sức khoẻ con người, sức khỏe động vật, thực vật và môi trường để hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả các chiến lược trên.

Toàn cảnh sự kiện.

Tại hội nghị, đại diện WHO, FAO, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Đại học Sydney, Viện Đại học Sydney Việt Nam, các đối tác và tổ chức quốc tế bày tỏ tiếp tục cùng Việt Nam trong hoạt động quản lý, phòng, chống lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và kháng kháng sinh.

Sự kiện diễn ra từ ngày 04/9/2024 đến 05/9/2024.

 

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại sự kiện khởi động dự án “Đối tác Sydney Châu Á Thái Bình Dương về đổi mới y tế và hệ sinh thái bền vững”

Dự án SAPPHIRE là dự án giữa Đại học Sydney và các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực y tế công cộng, học thuật và chính sách trên khắp khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chương trình tổng thể bao gồm các dự án được triển khai tại Việt Nam, Campuchia...

 Dự án tập trung vào kiểm soát bệnh lao, sức khỏe hành tinh, quản lý bệnh mãn tính và kháng kháng sinh. Vào tháng 09 năm 2024, các hợp phần của dự án nghiên cứu tại Việt Nam và Campuchia sẽ được chính thức khởi động, đưa các đối tác hàng đầu của hai quốc gia cùng nhau bắt đầu giai đoạn tiếp theo và xây dựng, phát triển kế hoạch nghiên cứu trong ba năm tới (2024-2027).

Sự kiện khởi động dự án SAPPHIRE với mục đích trao đổi, lập kế hoạch cho dự án SAPPHIRE và dự án APCOVE (Hiệp hội Dịch tễ học thú y Châu Á Thái Bình Dương); Xây dựng kế hoạch triển khai các cấu phần dự án (Lao, kháng kháng sinh, bệnh mãn tính, công bằng giới, khuyết tật và hòa nhập xã hội); Tăng cường mối quan hệ giữa các đối tác trong mạng lưới SAPPHIRE; Xây dựng kế hoạch cho các đề xuất tài trợ trong tương lai dựa trên chương trình SAPPHIRE và các dự án khác do các nhà khoa học của Đại học Sydney triển khai tại Việt Nam.

 


Thăm dò ý kiến