Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Tăng cường tiếp cận công nghệ tiên tiến, hợp tác quốc tế để thúc đẩy dược sinh học tại Việt Nam
08/05/2023 | 14:15 PM
|
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc áp dụng các thành quả, tiến bộ của công nghệ sinh học trong sản xuất dược phẩm tại Việt Nam hiện còn khá mới mẻ. Việt Nam hiện mới chỉ có 14 doanh nghiệp/đơn vị trong nước sản xuất các sản phẩm dược sinh học...
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế
Phát biểu tại buổi thảo luận về sáng kiến “Toàn cầu hóa ngành dược sinh học Việt Nam” do Bộ Y tế, Tổng Công ty Dược Việt Nam và Edelman tổ chức sáng 8/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Công nghệ sinh học nói chung và việc áp dụng các thành quả, tiến bộ của công nghệ sinh học trong sản xuất dược phẩm tại Việt Nam hiện còn khá mới mẻ và đang phát triển, có tiềm năng lớn trong tương lai.
Đảng và Chính phủ Việt Nam có những chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển công nghệ sinh học áp dụng trong một số lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực y dược. Ngày 30/01/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi thảo luận về sáng kiến “Toàn cầu hóa ngành dược sinh học Việt Nam”.
Nghị quyết 36-NQ/TW đưa ra 3 quan điểm về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, bao gồm:
Thứ nhất, phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới; là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân.
Thứ hai, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của quốc gia đi sau. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, nhất là tận dụng ưu thế về đa dạng sinh học nước ta.
Thứ ba, phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học.
Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu tổng quát: Tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.
Đối với lĩnh vực Y tế: Nghị quyết có nêu “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế. Tập trung nghiên cứu, sản xuất thuốc, vaccine đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gen, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược”.
Hiện chỉ có 14 doanh nghiệp/đơn vị trong nước sản xuất các sản phẩm dược sinh học
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, ngành dược Việt Nam hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm theo công nghệ hóa dược - thực hiện nghiên cứu phát triển sản phẩm dược từ các hợp chất hóa học và hóa tổng hợp. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là rất lớn...
Trong khi đó, việc nghiên cứu sản xuất và thu hoạt chất dược từ chiết xuất hoặc cải biến các hệ thống sống (động vật, thực vật và vi sinh vật) hay còn gọi là dược sinh học chưa thực sự phát triển tại Việt Nam vì nhiều nguyên nhân. Hiện nay, mới chỉ có 14 doanh nghiệp/đơn vị trong nước sản xuất các sản phẩm dược sinh học (bao gồm vaccine và sinh phẩm).
Tại Việt Nam, dược sinh học là một ngành còn rất mới và từ trước đến nay chưa có nghiên cứu chính thức nào về thực trạng ngành dược sinh học...
Thứ trưởng cũng đề nghị và mong muốn, qua buổi thảo luận các doanh nghiệp/đơn vị trong nước có thêm thông tin để tìm kiếm cơ hội hợp tác về phát triển dược sinh học trong tương lai; ông Joseph Damond, Chủ tịch cố vấn toàn cầu về Y tế Edelman và các chuyên gia/tổ chức nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp/đơn vị Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến, cũng như tăng cường các mối quan hệ hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực dược sinh học.
Tại buổi thảo luận, ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Công ty Dược Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng những kết quả thu được từ buổi thảo luận hôm nay cùng với chuyến công tác tham dự Hội nghị sinh học quốc tế tổ chức tháng 6/2023 tại Boston Hoa Kỳ sẽ là cơ hội hữu ích để các đại biểu, các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty, doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam được tiếp cận thông tin chuyên sâu và mới nhất về lĩnh vực dược sinh học;
Đồng thời gợi mở ra các kế hoạch phát triển mới cho doanh nghiệp và từng bước hội nhập với ngành dược sinh học của thế giới trong sự định hướng, chỉ đạo, dẫn dắt, hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam, các chuyên gia hàng đầu đến từ các nước phát triển và các tập đoàn dược phẩm hàng đầu trên thế giới./.
Theo: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức chúc mừng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
- Quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Công an trở thành kim chỉ nam cho nhiều hoạt động liên ngành
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
- Thứ trưởng Bộ Y tế tiếp đoàn công tác tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
- Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở 3 vấn đề đối với ngành giáo dục và đào tạo
- Bộ trưởng Đào Hồng Lan chúc mừng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo cùng các thầy cô giáo ngành y
- Đảm bảo mọi trẻ sinh non được chăm sóc sức khỏe tốt nhất