Thứ trưởng Bộ Y tế: Tế bào gốc mở ra cơ hội mới cho nghiên cứu điều trị nhiều bệnh lý
28/10/2024 | 08:00 AM
|
Ngành công nghệ tế bào gốc đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Với những tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu và ứng dụng, tế bào gốc đã mở ra những cơ hội mới cho việc nghiên cứu điều trị nhiều bệnh lý.
Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Ngân hàng Tế bào gốc MEKOSTEM, diễn ra vào ngày 28/10, tại TPHCM.
Nhận định về công nghệ tế bào gốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Hiện nay ngành công nghệ tế bào gốc đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Với những tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu và ứng dụng, tế bào gốc đã mở ra những cơ hội mới cho việc nghiên cứu điều trị nhiều bệnh lý.
Trên thế giới, tế bào gốc đã được ứng dụng để điều trị các bệnh về máu, thoái hóa thần kinh, viêm khớp và các chấn thương. Không chỉ dừng lại ở việc điều trị, công nghệ tế bào gốc còn góp phần về nghiên cứu thuốc và liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư. Sự ra đời và phát triển của các ngân hàng tế bào gốc là một bước đi chiến lược, giúp Việt Nam bắt kịp xu thế công nghệ tiên tiến của thế giới".
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ các vấn đề về công nghệ tế bào gốc. Ảnh: Xuân Dự
"Liên quan đến các hoạt động về tế bào gốc, pháp luật Việt Nam đã có những quy định nhằm đảm bảo an toàn và tính pháp lý trong việc thu thập, lưu trữ và sử dụng. Các quy định này được cụ thể hóa trong một số văn bản pháp luật quan trọng, như Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định một số điều của Luật khám chữa bệnh và Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật khám chữa bệnh. Các văn bản này nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn cho bệnh nhân, cũng như nâng cao niềm tin của cộng đồng đối với các phương pháp điều trị mới", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ.
Tại Hội nghị, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng dành thời gian chia sẻ về vấn đề thành tựu, gợi mở nghiên cứu về tế bào gốc nói chung và tế bào gốc dây rốn.
Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, tế bào gốc dây rốn có nhiều ưu việt như thu hoạch dây rốn không gây xâm lấn, số lượng tế bào gốc rất lớn và có nhiều loại tế bào gốc (máu, mô, màng), thuộc loại tế bào gốc không quá non mà lại chưa trưởng thành. Ngoài ra, tế bào gốc dây rốn không có tính sinh miễn dịch cao và không gây thải ghép, có thể tận dụng các sản phẩm khác ngoài tế bào gốc như plasma, mô mỡ chứa nhiều collagen.
Gợi mở về hướng thực hành, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho biết: "Có thể tiếp tục ghép tế bào gốc máu dây rốn điều trị các bệnh về máu, đặc biệt là Thalassemia. Sử dụng tế bào gốc trung mô dây rốn để cải thiện sức khỏe cho người cao tuổi và điều trị một số bệnh suy cơ quan mạn tính trên cơ sở điều biến miễn dịch. Kết hợp tế bào gốc với công nghệ in 3D để tạo ra các mô và cơ quan thay cho cơ thể bệnh nhân hoặc người tình nguyện để thử thuốc trên lâm sàng, từ đó tạo ra các cơ quan để khắc phục tình trạng khan hiếm cơ quan ghép".
Các nhà khoa học, nhà quản lý được tri ân vì những đóng góp trong quá trình hình thành và phát triển Ngân hàng Tế bào gốc Ảnh: Xuân Dự
"Cần phải có một đơn vị điều phối về nghiên cứu của từng nhóm và loại công nghệ trong tổ hợp công nghệ 4.0, trong đó có tế bào gốc, vừa điều phối trong lĩnh vực của nhóm vừa phối hợp với các nhóm. Cần có chính sách về phối hợp tài chính để đột phá một số đề tài mau đến thành công và phát triển áp dụng.
Đồng thời, cần đổi mới cách tổ chức và hoạt động hội đồng thẩm định các nhóm đề tài thử nghiệm lâm sàng, trong đó xây dựng một quy chế hoạt động của hội đồng, đề cao tính bí mật và khách quan, minh bạch trong hoạt động từ chọn thành phần đến cách đánh giá. Khi xem xét cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân, cần tính đến ưu tiên cho các cơ sở đã được quốc tế công nhận về chất lượng quản lý và chất lượng kỹ thuật", GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng đề xuất./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Y dược cổ truyền kết hợp y dược hiện đại trong điều trị bệnh không lây nhiễm
- Bộ Y tế kêu gọi cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai
- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Tiếp tục phát triển mạnh mẽ chuyên ngành Huyết học - Truyền máu, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng
- Năm 2024 ngành Y tế đạt được 8 kết quả nổi bật, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu lớn được Chính phủ giao
- Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
- Lễ kỉ niệm 16 năm thành lập Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam