Thứ trưởng Bộ Y tế dự Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN về dịch COVID-19

22/07/2021 | 14:43 PM

 | 

 

Sáng ngày 22/72021 diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN về COVID-19 chủ đề “Một năm sau đại dịch” dưới hình thức trực tuyến. Hội nghị đã ra Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Y tế ASEAN. Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn thay mặt Bộ Y tế Việt Nam tham gia và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến.

Tham dự tại điểm cầu Bộ Y tế Việt Nam có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ/Cục/Văn phòng thuộc Bộ Y tế.

Hình ảnh trực tuyến Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN về COVID-19 chủ đề “Một năm sau đại dịch”

Hội nghị đã ra Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Y tế ASEAN về ứng phó với đại dịch COVID-19 sau một năm.

Tuyên bố chung nhấn mạnh sau 1 năm, các quốc gia thành viên ASEAN từng nước và cùng nhau đã đạt tiến bộ đáng kể trong ứng phó dịch COVID-19 trên toàn khu vực trong việc kiểm soát đại dịch và triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. 

Dịch COVID-19 hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu mặc dù chương trình tiêm phòng bước đầu triển khai trên toàn thế giới. Những nguy cơ mới nổi lên do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

ASEAN nhận ra tầm quan trọng của việc củng cố đối tác và hợp tác đa ngành nhằm vượt qua đại dịch vốn đang gây ra sự mệt mỏi trong cộng đồng toàn cầu do tình trạng bất ổn, tin giả và thông tin sai lệch.

Những nỗ lực phối hợp đa ngành của ASEAN nhằm ứng phó với dịch COVID-19 nhấn mạnh tới việc tăng cường năng lực của ASEAN và cơ chế khu vực hiện có về y tế công và ứng phó với tình trạng khẩn cấp, cũng như thúc đẩy quá trình hồi phục ở khu vực, như đã được đề ra trong Tuyên bố Chủ tịch tại Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 ở Hà Nội vào ngày 12/11/2020.

Các Bộ trưởng Y tế ASEAN cũng hoan nghênh cam kết phối hợp của ASEAN nhằm chăm lo cho người dân và chuẩn bị cho những thách thức và cơ hội trong tương lai. Với mục tiêu đảm bảo sự thịnh vượng bền vững cho toàn thể khu vực ASEAN, ứng phó với đại dịch COVID-19 trong đó bao gồm cả sức khỏe tinh thần.

Các Bộ trưởng Y tế ASEAN khẳng định cam kết kiểm soát đại dịch COVID-19 hiện nay và chuẩn bị cho những tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai. Tiếp cận kịp thời và bình đẳng với vaccine và các biện pháp điều trị an toàn hiệu quả. Triển khai Nghị định thư Y tế ASEAN, thúc đẩy khu vực theo hướng cộng đồng ASEAN khỏe mạnh.

Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tăng cường năng lực xét nghiệm và xếp chuỗi gene virus SARS-CoV-2 để có thể sớm phát hiện và chia sẻ thông tin về các biến thể virus, đưa ra các biện pháp y tế công và kiểm soát sự lây nhiễm.

Các nước ASEAN sẽ tăng cường sự vào cuộc của toàn thể chính phủ và xã hội đẩy nhanh triển khai các nghị định thư y tế để thích nghi với Trạng thái Bình thường Mới và tiếp nhận vaccine, cũng như chống lại tin giả và tin sai sự thật.

ASEAN sẽ ban hành hướng dẫn về các sáng kiến y tế ASEAN, trong đó có việc thành lập Trung tâm các bệnh mới nổi và tình trạng y tế công khẩn cấp ASEAN (ACPHEED) cũng như triển khai Hệ thống phối hợp tình huống y tế khẩn cấp ASEAN (APHECS) nhằm đẩy nhanh sự chuẩn bị và ứng phó khu vực đối với các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.

ASEAN sẽ ban hành hướng dẫn và hỗ trợ việc triển khai tiêm phòng vaccine phòng COVID-19  ở tất cả quốc gia thành viên.

 Các cơ chế khu vực hiện có và sắp tới gồm Quỹ Ứng phó COVID-19 ASEAN, Kho dự trữ trang thiết bị y tế khu vực ASEAN (RRMS), Thỏa thuận hành lang du lịch ASEAN (ATCAF), Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công khẩn cấp (ASF-PHE)

Chương trình hồi phục toàn diện ASEAN nhằm tăng cường các hệ thống y tế phản ánh tầm quan trọng của phối hợp đa ngành nhằm nâng cao khả năng chống chịu và hồi phục hậu COVID-19 trong ASEAN.

GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tham dự Hội nghị dưới hình thức trực tuyến

Việt Nam sẽ triển khai chiến dịch tiêm phòng lớn nhất với 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cho biết:  đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu trong đó có khu vực ASEAN và đe dọa tới hệ thống y tế, cuộc sống của người dân và các nền kinh tế.

Trong bối cảnh y tế toàn cầu, lĩnh vực y tế ASEAN đã có hành động kịp thời trong việc kích hoạt các mạng lưới khẩn cấp về y tế công trong khuôn khổ ASEAN cùng với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm phối hợp ứng phó khẩn cấp ASEAN trước dịch COVID-19.

Việt Nam đã trải qua đợt bùng phát các ca nhiễm COVID-19 mới tuần qua do biến thể Delta dễ lây truyền hơn ở những cộng đồng chưa được tiêm phòng. 56/63 tỉnh thành ghi nhận ca nhiễm COVID-19, đặc biệt ở những nơi đông dân cư và khu công nghiệp đông đúc.

Nghị quyết của Chính phủ phê chuẩn thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 của Việt Nam ban hành nhằm tiếp nhận, huy động  nguồn tài chính quyên góp và vaccine hiến tặng cũng như sự trợ giúp từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Nguồn huy động này sẽ được dùng để mua sắm và nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19, nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước để tiêm phòng cho người dân.

GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tham luận tại Hội nghị

Việt Nam cũng đang thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng, từ trạng thái phòng ngừa sang chủ động với chiến lược tiêm phòng vaccine.

Ngoài ra, Việt Nam đã phát động chiến dịch tiêm phòng lớn nhất với khoảng 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 triển khai trên toàn quốc kể từ tháng 7/2021. Với chiến lược này, Việt Nam hướng tới đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022 với mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 70 triệu người dân.

Nhân dịp này, Việt Nam cũng bày tỏ sự trân trọng tới các nước thành viên ASEAN và các tổ chức quốc tế về sự hỗ trợ quý báu. Hiện nay, chúng ta đang ở trong thời điểm khủng hoảng y tế công mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết được. ASEAN có thể cùng nhau chứng tỏ khả năng chống dịch thông qua hành động chung và nỗ lực phối hợp.

Đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam tham dự Hội nghị

Theo đó, các thành viên ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường chia sẻ thông tin về COVID-19, các biến thể của virus SARS-CoV-2, chiến lược xét nghiệm và chữa trị, chiến lược ứng phó/triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 quốc gia, phối hợp trong hỗ trợ kỹ thuật/tài chính ứng phó với đại dịch, hỗ trợ các sáng kiến khu vực và chia sẻ nguồn vaccine./.


Thăm dò ý kiến