Nâng cao sức khoẻ cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của Nhân dân
21/02/2024 | 08:33 AM
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác thăm và làm việc tại Bộ Y tế
Nhân dịp Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955- 27/02/2024), sáng 20/02/2024. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác đã tới thăm và làm việc với Bộ Y tế.
Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản.
Về phía Bộ Y tế, tiếp và làm việc với đoàn, có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các đồng chí Thứ trưởng: Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Thị Liên Hương, Lê Đức Luận; đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ, một số bệnh viện.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, toàn ngành Y tế đã nỗ lực hoàn thành 03/03 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 được Quốc hội giao, trong đó vượt chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ), đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia BHYT (93,2%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại hội nghị.
Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và tập trung hoàn thiện. Trong năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và 02 Nghị quyết của Quốc hội (Nghị quyết số 99/2023/QH15, Nghị quyết số 80/2023/QH15); Ban Bí thư ban hành 01 Chỉ thị (Chỉ thị số 25-CT/TW); Chính phủ ban hành 05 Nghị định, 06 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 Quyết định; Bộ Y tế ban hành 34 Thông tư theo thẩm quyền. Bộ Y tế đã và đang tập trung xây dựng để trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều văn bản mang tính bản lề trong hoạt động của Ngành như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dân số, Luật Thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh,…
Trong năm 2023, Bộ Y tế cũng đã từng bước tháo gỡ các tồn tại, bất cập đã được bộc lộ thời gian qua về tháo gỡ một số vướng mắc cơ chế mượn trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và cơ chế vay vốn đầu tư đối với bệnh viện công lập; các quy định đối với người hành nghề và đối với người bệnh.
Dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, tập trung cùng với chính quyền địa phương bảo đảm công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch; tập trung phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng,…), các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm ngày càng được chú trọng, quan tâm.
Chất lượng, hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh được nâng cao. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19. Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ. Kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; công tác quản lý chất lượng bệnh viện có nhiều bước phát triển.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết, năm 2023, Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo toàn ngành hướng tới mục tiêu: phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế. Những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sẽ là:
1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y tế. Tập trung xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trọng tâm của ngành như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; đồng thời, tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y tế;
2. Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi. Tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng;
3. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của người bệnh. Đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị; đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh’
4. Tập trung triển khai các chính sách nâng cao hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân và công tác phòng, chống dịch bệnh;
5. Tiếp tục thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số y tế, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ các quy trình của ngành Y tế, giảm thiểu phiền hà cho người dân, doanh nghiệp;
6. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe. Tăng cường truyền thông các chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, các chính sách mới được ban hành.
Bộ Y tế đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế, tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần... Quan tâm, dành ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương có khó khăn đầu tư cho các trạm y tế xã, nhất là các trạm ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; đầu tư cho một số trung tâm y tế, bệnh viện huyện chưa được đầu tư.
Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của ngành Y tế, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các thành viên tham gia đoàn công tác đã trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến hoạt động của ngành Y tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, bác sĩ, nhân viên, người lao động ngành Y tế với những tình cảm chân thành, tri ân sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận.
Khẳng định, sức khỏe là vốn quý nhất của con người, chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khỏe Nhân dân sự nghiệp vô cùng vất vả, nặng nề, nhưng cũng hết sức vinh quang, vẻ vang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành Y tế đạt được thời gian qua đã góp phần trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, ngành Y tế đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách hệ thống pháp luật và việc tổ chức thực thi pháp luật, các luật liên quan đến lĩnh vực y tế, cũng như các Nghị quyết Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian vừa qua. Trong đó, ngành Y tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nỗ lực khắc phục những tồn tại, giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, về những tổn thất, hậu quả do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, Bộ Y tế đã tập trung tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là một dấu mốc, sự kiện mang tính chất quyết định đến sự phát triển của ngành Y, vừa tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hiện hữu, vừa tạo khuôn khổ hành lang pháp lý thuận lợi, công khai cho các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như công tác quản lý nhà nước. Điều này khẳng định sự cố gắng của cả Quốc hội và Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và ban hành Luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo Bộ Y tế.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ngành Y tế tiếp tục quán triệt đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của ngành Y, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần các Nghị quyết của Đảng về ngành, tập trung ở Nghị quyết 20-NQ/TW, Nghị quyết 21-NQ/TW của Trung ương.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh "Bác Hồ nói xây dựng một nền y học Việt Nam. Nghị quyết số 20-NQ/TW xác định xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Làm thấm đượm vấn đề này với mục tiêu cao cả là nâng cao sức khoẻ cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Ngành Y tế phải “nằm lòng” vấn đề này. Trị bệnh cứu người là một chức năng căn bản, còn sứ mệnh của ngành Y rộng hơn. Mục tiêu là xây dựng một hệ thống y tế công bằng chất lượng, hiệu quả của hội nhập quốc tế hướng tới bao phủ chính sách về chăm sóc sức khỏe toàn dân và bao phủ về y tế toàn dân. Hai khái niệm này có liên quan chặt chẽ":
Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực nền tảng. Bởi vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong hai lĩnh vực này còn rất lớn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi lạm dụng khoa học công nghệ, đẩy giá dịch vụ lên thì sẽ vô hiệu hóa y tế cơ sở. Vì thế y tế chuyên sâu phải được đồng bộ cùng y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại; kết hợp quân y với dân y; chú trọng công nghiệp dược liệu; tự chủ trang thiết bị y tế…
Cùng với đó, Bộ Y tế cần tiếp tục chủ trì, triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao, tuyệt đối không để nợ văn bản. Tập trung hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trong năm 2024; xây dựng lộ trình phù hợp, chắc chắn đối với các dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Tăng cường công tác xây dưng pháp luật, năng lực quản lí đầu tư. Bộ Y tế nghiên cứu tiếp thu cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Chính phủ hoàn thiện "Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành Y tế triển khai các chiến lược về y tế, sớm phê duyệt quy hoạch mạng lưới y tế; tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về cải cách hành chính và chuyển đổi số; hoàn thiện các tiêu chuẩn y đức; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở khám, chữa bệnh để tạo thuận lợi cho người dân với tinh thần người dân là trung tâm trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Nhấn mạnh, nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng được yêu cầu cả chuyên môn và y đức, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đào tạo, tuyển chọn, sử dụng sao cho hiệu quả. Trước mắt là cải cách chính sách tiền lương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Bộ Y tế.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân là công việc của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, đây là một trong những ưu tiên đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Cho nên cần phải tiếp tục đầu tư các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực một cách thích hợp cho ngành Y tế và phải nằm trong một chương trình tổng thể./.
Tin liên quan
- Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho Giám đốc Quốc gia, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UNDP-WHO hỗ trợ giải quyết ô nhiễm không khí tại Việt Nam
- Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan B,C tại tuyến y tế cơ sở
- Ký kết ghi nhớ giữa Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam và Cục Giám sát Dược phẩm Quốc gia nước CHND Trung Hoa
- Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Quản lý bệnh viện Châu Á năm 2025
- Tổng thuật chiều 11/11: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế
- Đảng ủy Bộ Y tế triển khai, quán triệt công tác tổ chức đại hội các cấp thuộc Đảng bộ Bộ Y tế