Hội thảo triển khai Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025
24/06/2020 | 17:51 PM
Ngày 23/6/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo triển khai Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025. GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế chủ trì hội thảo. Tham dự còn có PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; các đồng chí Lãnh đạo Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện, các doanh nghiệp dịch vụ…
Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được. Các hoạt động này cần có hoạt động khám, chữa bệnh từ xa trợ giúp. Việc thực hiện Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau. Thứ trưởng thường trực cũng khuyến khích các bác sĩ tuyến trên kết bạn và thành lập nhóm với các bác sĩ tuyến dưới để thuận tiện trong trao đổi nghiệp vụ, hỗ trợ chuyên môn: “Các bác sĩ tuyến trên nên bớt chút thời gian kết bạn với các bác sĩ tuyến dưới. Tiếc gì mà không kết thêm một người bạn để hỗ trợ nhau về chuyên môn...”.
Ngày 22/6/2020 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu: "Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân".
Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 - 2025 bao gồm 5 mục tiêu cụ thể:
1. Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.
2. Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới (bệnh viện tuyến dưới) gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.
3. Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt người dân vùng sâu, xa, khó khăn.
5. Giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phó tiền túi của người dân.
Các hoạt động chính:
1. Tư vấn y tế từ xa (tele-health): thành lập và duy trì bộ phận khám, chữa bệnh từ xa tại bệnh viện; tư vấn sức khỏe từ xa, từ bác sỹ đến người dân bao gồm bác sỹ trong và ngoài nước.
2. Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa: từ bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới tới trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám tuyến huyện, xã.
3. Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa: Giải pháp chẩn đoán hình ảnh từ xa hiện được các nhà cung cấp triển khai ở một địa điểm để gửi hình ảnh chụp của người bệnh cho một chuyên gia chẩn đoán hình ảnh tại một địa điểm khác và nhận được lời khuyên nhanh nhất về tình trạng người bệnh.
4. Hội chẩn tư vấn huyết học, truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh. Giải pháp hội chẩn xét nghiệm, giải phẫu bệnh từ xa cho phép các bác sĩ và chuyên gia trao đổi, chia sẻ kết quả, tình trạng bệnh lý… để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo.
5. Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa: giải pháp phẫu thuật từ xa có thể sử dụng công nghệ mới như robot và trang bị hệ thống các phòng mổ thông minh, tích hợp theo dõi thông tin của các thiết bị trên thiết bị đầu cuối thông minh điều hành cuộc phẫu thuật.
6. Hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật: xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận những dịch vụ, kỹ thuật tốt của các cơ sở y tế với nhau.
7. Sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh trong một số dịch vụ y tế, ví dụ:
- Giải pháp tim mạch từ xa cung cấp hệ thống lưu trữ, chẩn đoán từ xa các vấn đề về tim mạch; đặc biệt bao gồm hệ thống giải pháp lưu trữ và truyền tải tín hiệu điện tim đồ (ECG), đồng thời cung cấp các công cụ phân tích dữ liệu cho phép chuyên gia xem từ xa.
8. Truyền thông cho người dân, khuyến khích sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa.
9. Xây dựng hướng dẫn hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, bao gồm hướng dẫn chuyên môn, chuẩn về phòng khám tư vấn và các chuẩn công nghệ liên quan, bảo đảm việc kết nối phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh từ xa.
Phân kỳ thời gian triển khai:
a) Giai đoạn 2020-2021: Ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm… Dự kiến đầu tư các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.
b) Giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục đầu tư bệnh viện tuyến trên có các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các chuyên khoa khác có nhu cầu. Các bệnh viện tuyến dưới được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện tuyến trên.
c) Giai đoạn sau năm 2025: Đánh giá hiệu quả hoạt động đề án, tiếp tục duy trì mặt tích cực và các kết quả tốt của Đề án giai đoạn 2020-2025, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế để mở rộng Đề án.
Hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn khám, chữa bệnh từ tuyến trên cho tuyến dưới hoặc cho các bệnh viện cùng tuyến được tổ chức thực hiện trên cơ sở kết nối giữa bệnh viện với bệnh viện, hoặc giữa bệnh viện – thầy thuốc kết nối tới người dân với các hình thức và nguyên tắc chính như sau:
I. BỆNH VIỆN TUYẾN TRÊN HỖ TRỢ BỆNH VIỆN TUYẾN DƯỚI
1. Bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh
Căn cứ trên nhu cầu và khả năng thực tế, bệnh viện tuyến tỉnh lập danh sách các chuyên khoa cần hỗ trợ từ bệnh viện tuyến trên. Bệnh viện tuyến Trung ương sẽ kết nối và hỗ trợ chuyên môn cho một hoặc nhiều bệnh viện tuyến tỉnh.
2. Bệnh viện tuyến Trung ương phối hợp với bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện
Các bệnh viện tuyến trên cùng phối hợp để hỗ trợ chuyên môn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối với bệnh viện tuyến huyện trên nền tảng số. Bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện, năng lực sẽ được nhận sự hỗ trợ trực tiếp, đồng thời của bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh. Việc này giúp bệnh viện tuyến huyện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng chuyên môn tốt của tuyến trên ngay tại tuyến huyện.
3. Bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện
Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh tạo liên kết và hỗ trợ, tư vấn theo lịch khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế hoặc tại nhà của bệnh viện tuyến huyện. Người dân tại tuyến y tế cơ sở được hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa bởi các bác sỹ của tuyến tỉnh, hạn chế việc phải đi xa.
II. THẦY THUỐC TUYẾN TRÊN HỖ TRỢ THẦY THUỐC TUYẾN DƯỚI
1. Một thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ, hướng dẫn cho nhiều thầy thuốc tuyến dưới
Để bảo đảm chất lượng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, dựa trên nhu cầu thiết yếu, cần thiết của các thầy thuốc tuyến dưới; quy định một thầy thuốc tuyến trên sẽ được đăng ký hỗ trợ, hướng dẫn cho 10 thầy thuốc tuyến dưới tại cùng thời gian, giai đoạn (ví dụ giai đoạn 6 tháng hoặc 1 năm). Các thầy thuốc tuyến dưới gồm 4 thầy thuốc tuyến tỉnh, 4 thầy thuốc tuyến huyện và 2 thầy thuốc tuyến xã. Sau mỗi giai đoạn, thầy thuốc tuyến trên nhận xét về năng lực chuyên môn, tính chuyên cần và khả năng đáp ứng của thầy thuốc tuyến dưới. Trong trường hợp thầy thuốc tuyến trên nhận xét thầy thuốc tuyến dưới không phù hợp cho giai đoạn hỗ trợ tiếp theo hoặc đã có đủ trình độ không cần hỗ trợ, thầy thuốc tuyến trên được nhận người khác để thay thế cho người không phù hợp.
2. Nhiều thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ cho một thầy thuốc tuyến dưới
Căn cứ vào phạm vi hành nghề, năng lực chuyên môn, nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh viện và người dân; một thầy thuốc tuyến dưới có thể đăng ký để nhận hỗ trợ, hướng dẫn từ nhiều thầy thuốc tuyến trên./.
Tin liên quan
- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan gửi thư chúc mừng Thầy giáo, Cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động thuộc các cơ sở đào tạo và các cơ sở thực hành đào tạo nhân lực lĩnh vực y tế
- Chia sẻ kinh nghiệm của các nước khu vực ASEAN về kiểm soát thuốc lá
- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn làm việc với Liên minh Phòng, chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á
- Thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm
- Chính thức triển khai bệnh án điện tử tại bệnh viện hạng đặc biệt thuộc Bộ Y tế
- 'Em bé Làng Nủ' xuất viện: 50 ngày hồi sinh thần kỳ ở Bạch Mai
- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam