Hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022
26/12/2022 | 15:58 PM
|
Sáng ngày 26/12/2022 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022. GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại hội thảo.
Tham dự có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình sáng kiến phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), một số trường học tại Hà Nội và các đơn vị liên quan.
GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau khi có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012, Bộ Y tế đã hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các tổ chức Chính trị xã hội và Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn ngừa hút thuốc trong thanh thiếu niên, bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi các tổn thất về sức khỏe do việc sử dụng thuốc lá.
Nhằm hỗ trợ giám sát hiệu quả tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên, Chương trình sáng kiến phòng, chống tác hại thuốc lá của WHO và Trung tâm phòng, chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã xây dựng Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên (GYTS).
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của CDC Hoa Kỳ và WHO, Việt Nam đã thực hiện điều tra GYTS vào các năm 2004, 2007, 2014, 2022. Kết quả điều tra cho thấy công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thanh thiếu niên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nhóm tuổi 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022; Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhà ở học sinh giảm từ 47,7% năm 2014 xuống 24,5% năm 2022; Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh tại khu vực trong nhà của địa điểm công cộng giảm từ 66,5% xuống 22,2%; Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trường học giảm từ 48,6% xuống 35,7%...
Việc truyền thông về tác hại các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đã được quan tâm và có sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo như đưa nội dung tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đối với thế hệ trẻ vào kế hoạch năm học; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha trong cơ sở giáo dục, cũng như bán thuốc lá ngoài cổng, cơ quan, đơn vị, trường học. Năm 2022, 78,7% học sinh có nhận thức về tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với sức khoẻ; 57,5% học sinh được dạy ở trường về tác hại của thuốc lá trong 12 tháng qua.
“Các kết quả điều tra thu được trong những năm qua hỗ trợ cho Việt Nam vận động xây dựng luật, chiến lược quốc gia và các chính sách can thiệp phòng, chống tác hại của thuốc lá” - Thứ trưởng nói.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng chỉ ra một số khó khăn và thách thức như:
Thứ nhất: Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022.
Thứ hai: Tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
Thứ ba: Các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin, trong đó có nhiều thông tin chưa kiểm chứng hoặc dễ gây ra những cách hiểu không chính xác về tác hại cũng như mức độ nguy hại của các dòng sản phẩm so với thuốc lá điếu.
Thứ tư: Thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua các trang mạng xã hội và Iinternet.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo thẳng thắn đóng góp ý kiến, đưa ra những giải pháp chính sách dựa trên bằng chứng khoa học để duy trì những thành quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thời gian qua.“Những giải pháp hiệu quả sẽ nhằm giảm tỉ lệ mắc và tử vong do thuốc lá gây ra, bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ tương lai, đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam” - Thứ trưởng nói.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận một số nội dung: Các giải pháp tăng cường biện pháp ngăn ngừa sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên; Tình hình sử dụng thuốc lá ở học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022; Tính đa dạng và nhận diện các sản phẩm thuốc lá mới; Tình hình sử dụng thuốc lá điện tử và một số hình thức quảng cáo của ngành công nghiệp thuốc lá tiếp cận giới trẻ; Tìm hiểu khía cạnh giới trẻ và vai trò nam giới trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; Báo cáo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại tỉnh Thái Nguyên năm 2022; Báo cáo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022./.
Tin liên quan
- Tọa đàm khoa học "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế toàn dân trong giai đoạn mới"
- Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế và Tổ chức Di cư Quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc
- Trường Đại học Y Hà Nội khai giảng năm học 2024-2025: Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm
- Bộ Y tế trao 1,6 tỷ đồng ủng hộ người dân và nhân viên y tế tỉnh Tuyên Quang
- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, học viên Quân y đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược
- Phối hợp triển khai Đề án “Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030”