Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam
02/01/2024 | 16:49 PM
Ngày 02/01/2024, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam, phổ biến Nghị định số 88/2023/NĐ-CP ngày 11/12/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và Thông tư số 23/2023/TT-BYT ngày 30/11/2023 của Bộ Y tế sửa đổi Thông tư 01/2018/TT-BYT quy định về ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị.
Tham dự có đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh/thành phố và một số đơn vị liên quan.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: thời gian qua ngành Dược Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là công tác xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế. Từ tháng 10/2023 đến nay, Bộ Y tế đã trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền một số văn bản quan trọng liên quan đến lĩnh vực dược, cụ thể:
Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn bản hết sức quan trọng, thể hiện định hướng, mục tiêu và các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, bao gồm các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn…, trong đó trọng tâm tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá để phát triển ngành dược trong giai đoạn tới như sau:
Phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO;
Nâng cao vai trò của ngành Dược không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần đảm bảo cung cấp sản phẩm dược mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cả cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế, thông qua đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý;
Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh, từ đó có các chính sách quản lý ngành dược phù hợp nhằm sẵn sàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thuốc trong các tình huống khẩn cấp (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh); đồng thời dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc;
Chiến lược đưa ra 10 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 với 23 chỉ tiêu bao gồm tất các lĩnh vực từ nghiên cứu phát triển thuốc sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn… trên cơ tiếp tục triển khai những kết quả đã đạt được theo Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định 68/2014 của TTg CP (Chiến lược 68), đồng thời bổ sung/điều chỉnh một số chỉ tiêu để đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển ngành Dược trong giai đoạn tới như: Chỉ tiêu về phát triển sản xuất gia công/nhượng quyền các thuốc biệt dược gốc; về quy hoạch phát triển dược liệu; về nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về dược; về phát triển dược lâm sàng; về nâng cao tiêu chuẩn GPS trong sản xuất thuốc về tăng cường ứng dụng CNTT, số hóa và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm.
Các điểm cầu tham dự hội nghị.
Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2023/NĐ-CP ngày 11/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 23/2023/TT-BYT ngày 30/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2018/TT-BYT ngày 18/01/2018 của Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc.
Các văn bản trên được ban hành đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu dược liệu, bán thành phẩm dược liệu; về nhập khẩu, đăng ký lưu hành bán thành phẩm và vỏ nang để sản xuất thuốc có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nhập khẩu, đăng ký lưu hành tá dược, vỏ nang được sử dụng để kiểm nghiệm, nghiên cứu hoặc để sản xuất thuốc xuất khẩu; quy định về đánh giá cơ sở sản xuất nước ngoài đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc; quy định về rà soát giá thuốc kê khai và ghi nhãn thuốc.
“Việc xây dựng, trình ban hành chiến lược phát triển ngành dược với nhiều mục tiêu kỳ vọng và tập trung hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực dược trong thời gian qua đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ Y tế về việc đẩy mạnh phát triển ngành Dược trong giai đoạn tới, trong đó trọng tâm là bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý; xây dựng ngành dược Việt Nam phát triển là ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”- Thứ trưởng phát biểu.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược tham luận tại hội nghị.
Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược tham luận tại hội nghị.
Bà Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế tham luận tại hội nghị.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Cục Quản lý Dược tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện dự thảo kế hoạch của Bộ Y tế triển khai Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo lãnh đạo Bộ. Tổng hợp và đưa lên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược các câu hỏi của đại biểu và các câu trả lời liên quan đến Nghị định số 88/2023/NĐ-CP ngày 11/12/2023 của Chính phủ và Thông tư số 23/2023/TT-BYT ngày 30/11/2023 của Bộ Y tế
Đề nghị các Bộ/ngành, UBND các tỉnh/thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các Sở Y tế nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành Dược đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đồng thời triển khai phổ biến các chủ trương, các quy định mới ban hành trong lĩnh vực dược tới các đối tượng có liên quan trên địa bàn.
Các cơ sở khám chữa bệnh, các Viện/Trung tâm kiểm nghiệm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đăng ký thuốc chủ động và nâng cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu, triển khai chiến lược và các văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình triển phát hiện các bất cập, khó khăn vướng mắc, kịp thời đề xuất để sửa đổi các văn bản cho phù hợp.
Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe một số nội dung chính Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2045; Phổ biến Nghị định số 88/2023/NĐ-CP ngày 11/12/2023 của Chính phủ bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ; Phổ biến Thông tư số 23/2023/TT-BYT ngày 30/11/2023 của Bộ Y tế sửa đổi Thông tư 01/2018/TT-BYT; nghe các tham luận về thực trạng, kinh nghiệm triển khai các công tác dược của một số đơn vị; thảo luận, trao đổi, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đối với những văn bản liên quan nhằm giúp các đơn vị triển khai thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và đúng quy định.../.
Tin liên quan
- Đảm bảo mọi trẻ sinh non được chăm sóc sức khỏe tốt nhất
- 45 năm thành lập Trường Đại học Y Dược Hải Phòng: Đào tạo sinh viên vừa đủ cả tài và đức đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội
- Đại học Dược Hà Nội, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của khu vực và thế giới
- Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế Việt Nam và chính quyền tỉnh Kanagawa
- Hội nghị công tác truyền thông khu vực phía Bắc năm 2024
- Nhân viên y tế thôn bản được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế
- Bộ trưởng Bộ Y tế trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia và quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ Y tế