Hội nghị tổng kết công tác pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc chữa bệnh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
16/01/2025 | 16:15 PM
|
Hội nghị tổng kết công tác pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc chữa bệnh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
Sáng ngày 16/01/2025, tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc chữa bệnh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đại diện Bộ, ngành: Công an, Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh/thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai; các tổ chức pháp y tâm thần và cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh trong cả nước.
TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh báo cáo tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo hoạt động lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh năm 2024. Theo đó, năm 2024 tổng số vụ việc giám định: 2.758 vụ, trong đó số ca giám định pháp y tâm thần trong các vụ án hình sự: 1.817 ca, số ca giám định sức khỏe tâm thần trong các vụ việc dân sự: 1.941ca, khám sức khỏe tâm thần/kết hôn: 12.470. Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn về nguồn nhân lực, chế độ đãi ngộ. Khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, áp lực tâm lý, nhận thức của dư luận xã hội về pháp y tâm thần, chế độ đãi ngộ chưa đảm bảo. Trong khi nhu cầu giám định pháp y tâm thần tăng mạnh, các đơn vị thường xuyên quá tải, thiếu nhân lực y tế nhất là cán bộ có trình độ sau đại học. Bác sỹ trình độ chuyên môn sâu ít và chưa đồng đều. Công tác tuyển dụng, đặc biệt đội ngũ bác sỹ có trình độ chuyên môn cao gặp nhiều khó khăn. Chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu còn thiếu tính thực tiễn, còn nhiều bất cập nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi phù hợp.
Cơ sở vật chất của Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Phân viện tại Nghệ An, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực đều ở nhờ đất của các Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện đa khoa hoặc Sở Y tế. Diện tích cơ sở chật hẹp; các tòa nhà, phòng làm việc, phòng bệnh,… của các đơn vị đều sửa chữa cải tạo chắp vá, không đồng bộ, liên hoàn, luôn quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ; cơ sở vật chất chưa thật sự hoàn thiện, công tác an ninh trật tự trong đơn vị chưa đảm bảo do đều là cơ sở ở nhờ trên đất bệnh viện tâm thần, người ra vào khó kiểm soát. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác giám định không thực hiện được do cơ sở chật hẹp, thiếu hạ tầng lắp đặt. Các đơn vị đã đảm bảo trang thiết bị tối thiểu phục vụ công tác giám định, tuy nhiên, xét nghiệm cận lâm sàng đều gửi Bệnh viện tâm thần và cơ sở chuyên khoa ngoại Viện.
Nguồn kinh phí Nhà nước cấp qua các năm có tăng nhưng tăng không nhiều, nguồn thu chủ yếu của đơn vị là thu hộ chi hộ trong khi nhu cầu chi phí lại lớn; chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi phí cho các hoạt động; chưa có điều kiện bổ sung tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chuyên môn, đời sống của cán bộ viên chức khó khăn. Sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp hồ sơ phục vụ giám định còn hạn chế.
Kết quả tiếp nhận, điều trị và quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh năm 2024, tổng số người bị bắt buộc chữa bệnh hiện còn đang điều trị là 510 bệnh nhân. Số có quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh 285 bệnh nhân. Thủ tục tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự, Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định về thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Các cơ sở ban hành các quy trình, quy chế chuyên môn tại đơn vị: Quy chế chung theo quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quy trình tiếp nhận, điều trị và quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. Việc tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh theo quy đinh Luật thi hành án hình sư và pháp luật có liên quan: Bố trí khu quản lý, điều trị riêng cho người bệnh bắt buộc chữa bệnh, có cửa sắt, khóa an toàn; thực hiện tổng kết tóm tắt bệnh án, hội chẩn định kỳ hằng quý; thực hiện quy định báo cáo hằng tuần trong Giao ban cấp 2 về tổng số người bệnh bị bắt buộc chữa bệnh, số đi điều trị chuyên khoa, các vấn đề đặc biệt trong quá trình quản lý, điều trị người bệnh….
Những khó khăn trong việc điều trị quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh liên quan đến trang thiết bị, nhân lực, công tác chuyên môn đặc thù và quản lý bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh. Công tác điều trị bắt buộc chữa bệnh, khoa/phòng thiết kế cho người bệnh bắt buộc chữa bệnh chưa có quy định; quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh cùng các bệnh nhân tâm thần khác rất khó khăn do tính chất người bệnh bắt buộc chữa bệnh ngoài vấn đề tâm thần còn các nét nhân cách, tính cách của phạm nhân rất khó lường, nguy hiểm.
Người bệnh bắt buộc chữa bệnh là các phạm nhân được cơ quan Giám định kết luận bị bệnh tâm thần đưa đến Bệnh viện điều trị. Bệnh viện không còn quyền chẩn đoán bệnh cũng như kết luận khỏi bệnh để cho ra viện. Gây khó khăn, thụ động cho Bệnh viện trong quá trình điều trị theo chẩn đoán của cơ quan khác cũng như cho ra viện những bệnh nhân đã ổn định. Nhiều trường hợp người bệnh bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, có quyết định đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh nhưng cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh không đến đón dẫn đến không thể giải phóng được người bệnh nên số lượng người bệnh bắt buộc chữa bệnh tăng, gây khó khăn trong công tác quản lý, chăm sóc, điều trị người bệnh.
Nhân viên y tế chỉ được đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ y tế, chưa được đào tạo kiến thức, trang bị các biện pháp hỗ trợ hay giao chức năng nhiệm vụ quản lý phạm nhân nên gặp nhiều khó khăn, bất cập khi điều trị, quản lý bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh. Về cơ cấu tố chức tại các cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh: các đơn vị đang thực hiện theo mô hình “Bệnh viện Tâm thần - Trại giam” với hai nhiệm vụ chính là “quản lý và điều trị” các đối tượng bệnh nhân tâm thần có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Trong khi đó nhân lực hiện nay vẫn cơ cấu theo mô hình bệnh viện tâm thần thông thường nên rất nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai hoạt động.
Báo cáo cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất đối với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong tăng cường phối hợp, hỗ trợ công tác giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trình bày các tham luận về việc phối hợp với các cơ quan tố tụng trong cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ giám định; phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, trụ sở làm việc, thiết bị y tế phục vụ công tác giám định và những vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác chuyên môn.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành thời gian qua và tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu đại diện các Bộ, ngành nhằm củng cố, tăng cường pháp lý và phát triển công tác giám định pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc chữa bệnh trong thời gian tới. Thứ trưởng đặc biệt lưu ý đến công tác xây dựng thể chế, công tác tổ chức giám định pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc, chi phí tài chính trong giám định và cơ sở vật chất của các đơn vị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu kết luận
Để triển khai nhiệm vụ năm 2025, Thứ trưởng yêu cầu các tổ chức pháp y tâm thần và cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh chủ động rà soát, cập nhật các bất cập, khó khăn trong áp dụng các văn bản hướng dẫn của cấp có thầm quyền trong hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực; kiến nghị, đề xuất phương án cụ thể, khả thi. Thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền thuộc lĩnh vực.
Lãnh đạo các tổ chức pháp y tâm thần và cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh chủ động lập kế hoạch theo quý, xây dựng đề cương kiểm tra, giám sát trên cơ sở thực tiễn của đơn vị; phân công đơn vị đầu mối thực hiện kiểm tra, giám sát; đưa vào chỉ tiêu thi đua, khen thưởng hằng quý, hằng năm của đơn vị.
Đối với công tác chuyên môn các tổ chức pháp y tâm thần căn cứ quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế “Ban hành Quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần” và các văn bản pháp luật có liên quan rà soát và sửa đổi, bổ sung các quy trình nội bộ, quy chế liên quan đến chuyên môn giám định pháp y tâm thần tại đơn vị: quy trình tiếp nhận hồ sơ giám định, phân công người thực hiện giám định và người giúp việc; quy trình giám định; quy trình họp hội đồng; ban hành kết luận giám định….; xây dựng bảng kiểm việc thực hiện các quy trình tại đơn vị, đưa vào đề cương kiểm tra để thực hiện đánh giá hằng quý, hằng năm. Chủ động phối hợp và mời giám định viên pháp y tâm thần của các tổ chức pháp y tâm thần khi thực hiện giám định lại; giám định sau điều trị bắt buộc chữa bệnh. Viện Pháp y tâm thần Trung ương; Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyến; đồng thời báo cáo về Cục QLKCB để phối hợp trong kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tuyến tại các tổ chức pháp y tâm thần; đảm bảo tiết kiệm kinh phí, nhân lực và hiệu quả.
Các cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh thực hiện nghiêm theo các quy định hiện hành; chủ động ký hợp đồng với các cở sở khám bệnh, chữa bệnh để chuyển người bệnh bắt buộc chữa bệnh tới khám và điều trị khi mắc các bệnh thuộc chuyên khoa khác. Chủ động xây dựng các quy trình: Tiếp nhận; điều trị; hội chẩn; chuyển khám chuyên khoa; truy tìm khi người bệnh bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn… trên cơ sở các hướng dẫn của cấp có thẩm quyền nhưng phù hợp với thực tiễn của đơn vị.
Về công tác đảm bảo an ninh, an toàn và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan cần bố trí, lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn đơn vị; giám sát các khu vực đông người qua lại; khu vực dễ xảy ra xung đột, khu vực bắt buộc phải lắp đặt camera theo yêu cầu; định kỳ rà soát sửa chữa, thay thế. Các đơn vị chủ động ký kết với cơ quan công an trên địa bàn trong việc bảo đảm an ninh, an toàn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chủ động xây dựng kế hoạch và mời cơ quan công an tập huấn đối với nhân viên trong bệnh viện cũng như lực lượng bảo vệ về an ninh, an toàn trong bệnh viện. Giữ mối quan hệ công tác với các cơ quan liên quan và các cơ sở y tế trên địa bàn để phối hợp xử lý trong quá trình thực hiện các hoạt động chuyên môn.
Về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trụ sở cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Chủ động phối hợp với các trường đại học để chiêu mộ, tìm nguồn nhân lực kế cận của đơn vị./.
Tin liên quan
- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thăm, kiểm tra, chúc Tết Bệnh viện Xanh Pôn
- Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Mỗi khoa, phòng phải có một đội phòng cháy chữa cháy'
- Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức gặp mặt, chúc Tết Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia
- Bàn giao Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương về Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương
- Lễ công bố bổ nhiệm lại chức vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách kinh tế Trường Đại học Y Hà Nội
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Chợ Tết yêu thương mang món quà ý nghĩa thiết thực đến bệnh nhân nghèo