Dồn sức điều trị, tiêm chủng ở TP Hồ Chí Minh

05/08/2021 | 08:02 AM

 | 

Những ngày này, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới COVID-19. Đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm nỗ lực không ngừng nghỉ để giành giật lại sự sống của từng bệnh nhân. Tại các điểm tiêm chủng, các nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện đang khẩn trương tiêm nhanh nhất, an toàn nhất cho người dân để Thành phố sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Chiều 4/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19, đã thị sát công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Trường THCS Võ Thị Sáu (phường 3, quận Bình Thạnh).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là công tác điều trị các bệnh nhân COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

“Không từ chối bất cứ một ai”

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định Nguyễn Văn Dũng cho biết trong đợt dịch lần thứ 4, đơn vị đã nỗ lực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngay tại bệnh viện và hỗ trợ các đơn vị khác trên địa bàn Thành phố.

Bệnh viện đã nhanh chóng triển khai đơn vị cách ly y tế để xử lý các tình huống dịch bệnh. Khi số ca mắc COVID-19 tăng cao, từ ngày  27/7, bệnh viện triển khai giai đoạn 1 gồm 57 giường hồi sức điều trị các ca mắc COVID-19 ở tuyến cuối, bao gồm các kỹ thuật như thở máy, lọc máu… Trước số lượng bệnh nhân tăng cao, chỉ 2 ngày sau, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 70 bệnh nhân điều trị ở tuyến cuối.

“Mỗi ngày, khu cấp cứu đều thu dung, tiếp nhận một số trường hợp mắc COVID-19, trong khi đó, mặt bằng bệnh viện hạn hẹp, hoạt động theo mô hình cấp cứu đa khoa, một nửa lực lượng y bác sĩ được phân công làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, phong tỏa, Bệnh viện Hồi sức COVID-19…”, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.

Với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện sẽ “cố gắng hết mình, làm hết khả năng, công sức để không từ chối bất cứ ai”.

Nói là làm, bệnh viện hiện đang triển khai kế hoạch giai đoạn 2 để mở rộng, chia tách bệnh viện, nâng công suất điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 lên 400 giường hồi sức tích cực để trước mắt đáp ứng tình hình dịch bệnh. Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định khẳng định, lực lượng y bác sĩ của bệnh viện sẽ cố gắng hết sức, trong vòng 2 ngày tới mở rộng khu thu dung và điều trị, quyết tâm thực hiện hết khả năng hiện có để cứu chữa bệnh nhân COVID-19.

“Cứu được bao nhiêu bệnh nhân, chúng tôi phải làm ngay, cố hết sức, theo đúng tinh thần chỉ đạo “tuyệt đối không từ chối tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nặng nếu vẫn còn khả năng tiếp nhận”, ông Nguyễn Anh Dũng bày tỏ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh phải có cơ chế để bảo đảm trang thiết bị điều trị, đồ phòng hộ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam.

“Con mời bác đến bàn khám”

Chiều 4/8, tại điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 đặt ở Trường THCS Võ Thị Sáu, nhiều người dân không khỏi ngạc nhiên khi thấy Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xuất hiện, chào hỏi và kiểm tra công tác tổ chức tiêm chủng tại đây.

Trong số những người đang chờ tiêm chủng có rất nhiều người cao tuổi. Những hàng ghế nhựa được sắp xếp ngay ngắn, đúng khoảng cách. Nhiều chú, bác được hẹn tiêm vào lúc 3 giờ chiều nhưng đã có mặt từ 1 giờ chiều.

Thời tiết nắng nóng, mặc bộ đồ bảo hộ kín mít nhưng trên tiếng loa phát thanh, chị Nguyễn Thị Cẩm Thy (nhân viên phòng Dược, Bệnh viện Bình Thạnh, quận Bình Thạnh) vẫn mời các bác lớn tuổi đến khám, tiêm bằng chất giọng nhẹ nhàng “con mời bác”, “con mời cô”…

Mỗi ngày điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 đặt ở Trường THCS Võ Thị Sáu tiêm được cho khoảng 800 người, chủ yếu là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Ngay sau đó, lập tức có nhân viên y tế hỗ trợ người được đọc tên đến khám sàng lọc trước khi tiêm. Chị Cẩm Thy chia sẻ: “Hôm nay hầu hết là các bác đã trên 65 tuổi, nên chúng tôi phải nói to và nhắc lại nhiều lần để các bác biết được số thứ tự hay thông tin của mình. Tôi luôn xác định phải hỗ trợ thật nhiệt tình để các bác được tiêm đúng với tiến độ, nhất là những ai đi lại khó khăn thì mình phải hỗ trợ kịp thời”.

Bác Hà Minh Thông (trên 80 tuổi, ở 93 Nơ Trang Long, phường 11, Quận Bình Thạnh) nhận xét điểm tiêm sắp xếp rất khoa học, trình tự không ùn ứ, đảm bảo giãn cách nên tạo tâm lý yên tâm cho những người lớn tuổi rồi. “Tôi rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ, Thành phố về việc giãn cách xã hội và phải triệt để đến chừng nào hết dịch. Tôi ở nhà cũng rất tuân thủ, không có việc cần thì không ra ngoài, đi chợ thì theo phiếu đi chợ theo ngày được phát”, bác Hà Minh Thông cho biết.

Còn ông Lê Thành Vũ Hải (phường 12, quận Bình Thạnh) rất cảm động khi được tiêm phòng COVID-19. Sau khi tiêm xong ông Hải cho biết sẽ vẫn tuân thủ đầy đủ các biện pháp 5K.

Giám đốc Bệnh viện Bình Thạnh Trần Trung Đệ cho biết đơn vị được giao phụ trách điểm tiêm chủng ở Trường THCS Võ Thị Sáu, chủ yếu là người cao tuổi có bệnh nền nên công tác khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm dài hơn so với đối tượng khác. Hiện mỗi ngày bệnh viện tiêm được khoảng 800 người và đang phấn đấu để có thể tiêm hết những người trên 65 tuổi ở quận này trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tập trung tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nặng

Trong cuộc làm việc với Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, lãnh đạo Sở Y tế, Tài chính Thành phố… vào chiều muộn 4/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh phải tập trung vào công tác điều trị. Trong những ngày tới phải bố trí đủ chỗ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Tăng Chí Thượng cho biết, Sở Y tế đã thành lập Đội đặc nhiệm hồi sức cấp cứu để tư vấn từ xa, hỗ trợ tại chỗ, “cầm tay, chỉ việc” cho các bệnh viện ở tầng điều trị thứ 3, nhằm xử lý kịp thời các bệnh nhân nặng. Ngành Y tế đã hình thành hệ thống chuyển tuyến hai chiều (chuyển lên tầng điều trị cao hơn khi bệnh nhân diễn biến nặng, chuyển xuống tầng điều trị dưới khi thuyên giảm). Mỗi phường, xã đều có xe vận chuyển bệnh nhân. Các khu tiếp nhận F0 không triệu chứng bắt đầu hình thành phòng cấp cứu tiếp nhận người có triệu chứng nặng.

Trao đổi kinh nghiệm vận hành mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” trong những ngày qua tại Quận 7, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo quốc gia cho biết, khoảng 3.000 thầy thuốc đã tham gia hỗ trợ tư vấn, động viên, khám sàng lọc từ xa để xác định những trường hợp thật sự cần cấp cứu.

 

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng cần hình thành mô hình cấp cứu trước khi nhập viện, sử dụng sinh viên ngành y, nhân viên y tế sau khi lực lượng lấy mẫu xét nghiệm được tổ chức lại, để hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp các vấn đề khẩn cấp trong khi chờ xe cấp cứu. “Chúng ta cần sử dụng thêm những nguồn lực khác nhau để hỗ trợ, giảm tải cho ngành y tế”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề xuất.

Cuộc họp cũng thống nhất, Thành phố sẽ có văn bản chỉ đạo các bệnh viện chủ động mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao để phục vụ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Đối với đồ bảo hộ cho các y bác sĩ, Bộ Y tế sẽ mua sắm tập trung, cấp phát cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. “Nên tận dụng mọi thời cơ mua sắm đầy đủ trang thiết bị, vật tư tiêu hao cho các bệnh viện”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh./.

Nguồn: Chinhphu


Thăm dò ý kiến