Bộ Y tế triển khai hoạt động hợp tác Chăm sóc sức khỏe Việt
10/11/2021 | 17:24 PM
Sáng ngày 10/11/2021 tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế phối hợp với Công ty DAVIPHARM tổ chức cuộc họp triển khai hoạt động hợp tác “Chăm sóc sức khỏe Việt”. GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp.
Tham dự có ông Michal Wieczorek, Giám đốc Công ty DAVIPHARM, đại diện Lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, WHO và cán bộ Công ty DAVIPHARM.
GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Ngày 20/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025. Ngày 02/9/2018, Thủ tướng cũng đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam nhằm kết nối và thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về bảo vệ, nâng cao sức khoẻ và tầm vóc người Việt Nam, gắn với phát triển y tế cơ sở, phòng chống các yếu tố nguy cơ và dự phòng bệnh không lây nhiễm.
Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra các nhiệm vụ quan trọng trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có mục tiêu đến năm 2025 có 95% và đến năm 2030 có 100% số trạm y tế xã triển khai dự phòng và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm.
Việt Nam hiện đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính mỗi năm tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đồng thời, số liệu cũng cho thấy trên thế giới cũng như tại Việt Nam đa số những người tử vong do bệnh dịch COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác.
Bên cạnh những bệnh nêu trên thì nước ta cũng đang phải giải quyết gánh nặng do các rối loạn sức khỏe tâm thần gây ra. Ước tính khoảng 15% dân số (tương đương 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần. Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, đô thị hóa, thay đổi môi trường và thói quen sống, các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm đang ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu điều tra năm 2015: tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 45%; hiện có tới 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với mức khuyến nghị của WHO; khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ thừa cân béo phì tăng trung bình 1%/năm.
Có thể nói các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội do bệnh phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng xuất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần đang là một nội dung ưu tiên trong chính sách y tế của Việt Nam.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa Cục Y tế dự phòng và Công ty DAVIPHARM trong lĩnh vực truyền thông, sàng lọc phát hiện sớm và chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho người dân tại một số địa phương.
Thứ trưởng đề nghị, trong giai đoạn tới công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong xây dựng, thực thi các chính sách để kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh, tập trung vào tăng cường vận động thể lực, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là giảm tiêu thụ muối và nước ngọt, phòng chống tác hại của rượu, bia và thuốc lá.
Thứ hai, phải tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe đặc biệt là truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết tự phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để đi khám, chữa kịp thời, biết tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh.
Thứ ba, cần phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế các tuyến, tăng cường y tế cơ sở để tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động sàng lọc, phát hiện bệnh sớm và thực hiện quản lý, điều trị, chăm sóc lâu dài người mắc bệnh, tập trung giải quyết các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và các rối loạn tâm thần phổ biến.
Ông Michal Wieczorek, Giám đốc Công ty DAVIPHARM phát biểu tại cuộc họp
Chia sẻ tại cuộc về hợp tác triển khai hoạt động hợp tác “Chăm sóc sức khỏe Việt” phòng, chống bệnh không lây nhiễm cũng như các hoạt động khác giữa Bộ Y tế và DAVIDPHARM, ông Michal Wieczorek, Giám đốc Công ty mong muốn trở thành công ty nội địa tiên phong với cam kết đồng hành dài hạn cùng ngành Y tế, đóng góp một phần vào chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2020-2030 của Chính phủ Việt Nam.
Quang cảnh cuộc họp
Các đại biểu chụp ảnh niệm tại cuộc họp
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn giao Cục Y tế dự phòng, căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các đơn vị, đối tác liên quan triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm./.
Tin liên quan
- Hội nghị triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW tại Yên Bái
- Tiếp cận Y tế toàn diện – vì một Việt Nam khỏe mạnh
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Bộ Y tế gặp mặt cán bộ, công chức, người lao động là cựu chiến binh, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Bộ Y tế ghi nhận, biểu dương những đóng góp của toàn bộ đoàn viên ngành Y tế cả nước
- Bộ Y tế gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất tỵ 2025
- Xác định những hướng đi đột phá đóng góp tích cực vào sự vươn lên của đất nước trong kỷ nguyên mới