Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho các chuyên gia của UNAIDS và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam
25/08/2020 | 22:04 PM
Chiều ngày 25/8/2020, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức Lễ trao Kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” cho Bà Marie- Odile Emond, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam, Ông John Michael Blandford, Giám đốc và Bà Paula Morgan, Phó Giám đốc cơ quan dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ nhằm ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia đối với ngành y tế nói chung và công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam nói riêng.
Tới tham dự buổi Lễ, có GS.TS.Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS.Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ truyền thông và Thi đua, Khen thưởng; Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cùng các đồng chí Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Lãnh đạo Văn phòng Bộ và các Phòng của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Truyền thông và Thi đua, Khen thưởng. Về phía các tổ chức quốc tế, có ông Mark Troger, Giám đốc Điều phối Chương trình PEPFAR tại Việt Nam; Bà Ritu Sigh, Giám đốc Chương trình Y tế, tổ chức USAID tại Việt Nam; Bà Phùng Thị Mai, Giám đốc DOD tại Việt Nam cùng các chuyên gia đến từ tổ chức UNAIDS, CDC tại Việt Nam.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao Kỷ niệm chương”Vì sức khỏe nhân dân” cho các chuyên gia
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao tặng Kỷ niệm chương cho các chuyên gia. Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân” là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Y tế để ghi nhận công lao của các cá nhân đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Trong thời gian qua ngành Y tế Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ và ủng hộ của các tổ chức quốc tế, chuyên gia đến từ các tổ chức và từ các nước trên thế giới để giúp ngành y tế trong các lĩnh vực dịch tễ học, y tế dự phòng....
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ghi nhận, đánh giá cao và bày tỏ lời cảm ơn chân thành về những đóng góp cao cả của người bạn đồng nghiệp trong suốt thời gian qua, đã kề vai, sát cánh cùng Bộ Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS đấu tranh không mệt mỏi cho sự thành công của công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt nam. Điển hình là các vấn đề điều phối nguồn lực, hỗ trợ chính sách, tham vấn đối với các cơ quan của Chính phủ để hình thành nên những chiến lược phòng, chống HIV/AIDS. Với những nỗ lực của ngành Y tế, các Bộ Ngành liên quan và sự phối hợp tích cực của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia quốc tế, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030. Cho đến thời điểm hiện nay, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là một trong những điểm sáng trên toàn thế giới trong vấn đề đối phó với đại dịch. Liên tục từ 2008 đến nay, số các ca nhiễm và tử vong liên tục giảm. Việt Nam cũng là một trong 4 quốc gia có tỷ lệ tuân thủ điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đưa ra nhiều giải pháp rất quan trọng trong việc hình thành những chiến lược 90-90-90 để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia của UNAIDS tại Việt Nam từ năm 2017. Trong thời gian qua, Bà có nhiều đóng góp cho việc củng cố, tăng cường công tác điều phối ở cấp quốc gia như điều phối hoạt động của các nhà tài trợ để vận động nguồn lực và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực tài trợ cho Việt Nam (PEPFAR và Global Fund); Hỗ trợ về điều phối phòng, chống HIV/AIDS với Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Vận động hỗ trợ Việt Nam xây dựng các văn bản pháp luật và các chính sách trong lĩnh vực phòng, chống HIV; Hỗ trợ duy trì cam kết chính trị trong phòng, chống HIV/AIDS và các sáng kiến để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu quốc gia trong phòng, chống HIV/AIDS thông qua các hoạt động hợp tác và quan hệ đối tác với lãnh đạo Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, và các Bộ ban Ngành có liên quan; Hỗ trợ xây dựng năng lực, tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng của các nhóm chịu ảnh hưởng chính bởi HIV; Đóng góp tích cực vào việc giảm sự bất bình đẳng để không người dân Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau như ủng hộ quyền lợi của các trẻ em và phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV; Vận động cho các giải pháp chính sách linh hoạt để tháo gỡ các rào cản trong tiếp cận và sử dụng BHYT trong điều trị HIV, nhằm đảm bảo không người sống với HIV nào bị bỏ lại phía sau trong chăm sóc, điều trị HIV.
Ông John Michael Blandford, Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong vai trò Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, TS. John Michael Blandford hoạt động của các chương trình đầu tư của CDC tại Việt Nam. Ông khởi xướng và tiên phong trong việc sử dụng các kết quả K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) cho các ưu tiên về sức khỏe cộng đồng HIV trong toàn bộ chuỗi đa bậc HIV, từ bắt đầu điều trị, duy trì và tuân thủ điều trị; kiến thức và nhu cầu về làm tải lượng vi rút; giảm kỳ thị, tìm ca HIV – xây dựng chiến dịch K=K và chương trình y tế công cộng có liên quan như một mô hình toàn cầu; Đảm bảo sự tham gia và quyết tâm để làm cho Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Châu Á, quốc gia dẫn đầu trong chương trình PEPFAR và là quốc gia thứ ba trên toàn cầu ban hành chính thức hướng dẫn của Bộ Y tế về việc thực hiện truyền thông K=K; Điều phối một chiến dịch truyền thông xã hội rất thành công hướng tới công chúng để giảm kỳ thị về HIV. Đồng thời, ông cũng thúc đẩy việc nhân rộng quy mô và thể chế hóa xét nghiệm mới nhiễm cho công tác giám sát HIV và xét nghiệm bạn tình, bạn chích; Lãnh đạo công cuộc vận động chính sách và các nỗ lực nhằm thông qua các chính sách quốc gia về HIV. Góp phần đưa CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt vị trí tiên phong trong việc thực hiện các chương trình PEPFAR trên toàn cầu.
Bà Paula Morgan, trong thời gian giữ vị trí Phó Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cùng với Giám đốc Quốc gia, đồng chỉ đạo việc xây dựng 4 kế hoạch hoạt động quốc gia hàng năm (COPs) của Chương trình PEPFARvà CDC giai đoạn 2016-2020 để đảm bảo nguồn tài trợ cho chương trình HIV tạo điều kiện Việt Nam thông qua việc thiết lập các ưu tiên về khoa học và kỹ thuật, rà soát và thiết lập lại các mục tiêu hàng năm cho các hoạt động tìm ca và bắt đầu điều trị HIV; Phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam giám sát chương trình hợp tác về HIV qua hai giai đoạn, bao gồm Thỏa thuận Hợp tác CDC Hoa Kỳ -VAAC (2015-2019) và Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) (2020-2024) để đáp ứng các mục tiêu và mục đích của Chương trình quốc gia về HIV của Việt Nam; Chỉ đạo và điều phối việc đưa xét nghiệm tải lượng virus thường quy và xét nghiệm mới nhiễm HIV vào áp dụng tại Việt Nam; Chỉ đạo việc xây dựng nền tảng Hỗ trợ Kỹ thuật quốc gia (đang triển khai) với Bộ Y tế để Bộ có thể cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật về lâm sàng và theo dõi, báo cáo về HIVcho các tỉnh, giúp kiểm soát dịch một cách bền vững và đảm bảo trọng tâm của Chương trình HIV Quốc gia theo với mô hình ứng phó y tế công cộng.
Vinh dự và tự hào khi nhận Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân", các chuyên gia đã trân trọng cảm ơn đến Bộ Y tế Việt Nam và Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã tạo cơ hội được hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động y tế nói chung cũng như phòng, chống HIV/AIDS nói riêng và tin tưởng, với việc triển khai quyết liệt các cuộc vận động chính sách cũng như các chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu Kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn, trong thời gian tới các chuyên gia, tổ chức nước ngoài tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đối với công tác hợp tác quốc tế, ngành Y tế Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để cùng chung tay chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. “Ngành Y tế Việt Nam sẵn sàng mở cửa, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức quốc tế với mong muốn hợp tác quốc tế, phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn”./.
Nguồn: VAAC
Tin liên quan
- Đại học Dược Hà Nội, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của khu vực và thế giới
- Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế Việt Nam và chính quyền tỉnh Kanagawa
- Hội nghị công tác truyền thông khu vực phía Bắc năm 2024
- Nhân viên y tế thôn bản được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế
- Bộ trưởng Bộ Y tế trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia và quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ Y tế
- Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho Giám đốc Quốc gia, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UNDP-WHO hỗ trợ giải quyết ô nhiễm không khí tại Việt Nam