Vì những công dân biển khỏe mạnh
26/01/2015 | 08:08 AM




Thời gian qua, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã tích cực, chủ động tham gia phối hợp với ngành DS- KHHGĐ tỉnh, thực hiện hiệu quả công tác dân số, đặc biệt là ở khu vực biên giới biển của tỉnh thông qua mô hình “Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ trên khu vực biên giới biển giai đoạn 2010 – 2015”.
Những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã sát cánh cùng ngành DS-KHHGĐ trong việc tuyên truyền người dân vùng biển đảo thực hiện tốt chính sách dân số. ảnh: C. Tạo
Bộ đội Biên phòng cùng vào cuộc
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định hiện được giao quản lý 72 km bờ biển, với 4 cửa sông lớn là cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Hà Lạn (sông Sò), cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ), cửa Đáy (sông Đáy) và 2 khu vực cồn nổi là Cồn Lu (huyện Giao Thủy) và Cồn Mờ (huyện Nghĩa Hưng). Khu vực biên giới biển của tỉnh Nam Định gồm 18 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với dân số là 156.000 người, tỷ lệ giáo dân chiếm 41,3%. Dọc 72 km bờ biển của tỉnh có 30 khu vực bến đậu tàu thuyền cũng là nơi thu mua thủy hải sản. Số phương tiện thường xuyên hoạt động trong địa bàn là 2.562 tàu thuyền, mủng, với trên 12.000 lao động và có trên 2.000 lều chòi với hàng nghìn lao động nuôi trồng thủy hải sản…
Vào mùa khai thác ngao vạng giống, số lao động đến khu vực này lên tới hàng chục nghìn người, chủ yếu là lao động trẻ trong độ tuổi sinh sản. Nhiều năm qua, hậu quả của việc sinh nhiều con ở khu vực biên giới biển đã để lại nhiều hệ lụy do trình độ dân trí còn thấp, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, cố đẻ để có người “nối dõi tông đường” còn đè nặng lên vai nhiều cặp vợ chồng trẻ, nhất là phụ nữ. Bên cạnh đó, việc phân tán khỏi địa bàn khu dân cư đi làm ăn theo mùa vụ trên biển, đầm bãi đã ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyên truyền, hạn chế kết quả thực hiện các biện pháp KHHGĐ gây ra tình trạng gia tăng dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh…
Trong năm vừa qua, nhằm tiếp tục tăng cường hoạt động của mô hình “Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ trên khu vực biên giới biển giai đoạn 2010 – 2015” góp phần nâng cao nhận thức và thực hiện tốt chính sách về dân số cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả cao.
Xác định tuyên truyền, vận động vẫn là hoạt động trọng tâm, quan trọng nhất, từ đầu năm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cùng các đồn biên phòng phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ 3 huyện tuyến biển và cộng tác viên dân số các xã, thị trấn khu vực biên giới biển xác định địa bàn, đối tượng và có những biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp.
Nhân rộng mô hình quân - dân - y kết hợp
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tập trung vào 2 biện pháp tuyên truyền chính là thông qua các hội nghị lồng ghép và tuyên truyền tập trung thành từng điểm, lấy các chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên… làm đơn vị tuyên truyền, gắn với tuyên truyền cá biệt thông qua cộng tác viên. Đặc biệt, hình thức tuyên truyền có sự đổi mới, trong đó chuyển sang tập trung vào hình thức tuyên truyền miệng để tăng hiệu quả.
Năm 2014, các đồn biên phòng đã chỉ đạo lực lượng vận động quần chúng, quân y sỹ của đơn vị tăng cường phối hợp với ban DS-KHHGĐ, cộng tác viên dân số, cán bộ thôn, xóm, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong dòng họ và các khu dân cư tăng cường tuyên truyền công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em, vệ sinh môi trường, tuyên dương những gương gia đình điển hình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số... Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cấp phát hàng trăm tài liệu truyền thông, 1.200 tờ rơi tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ cho ngư dân làm ăn trên biển, đầm bãi nuôi trồng thủy hải sản.
Ngoài kết hợp tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh được 240 lượt/18,5 giờ, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng tổ chức được 288 buổi sinh hoạt với 5.670 lượt người tham gia của Câu lạc bộ “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” và các chi đoàn thanh niên, các tổ tự quản. Đồng thời, tổ chức 8 buổi nói chuyện chuyên đề với 768 lượt người tham gia, thông tin truyền thông 6 buổi cho ngư dân đi biển tại các trạm kiểm soát biên phòng, các khu vực neo đậu tàu thuyền và vận động được 61 ca đình sản cùng với nhiều hội viên phụ nữ ký cam kết không sinh con thứ 3.
Lồng ghép với các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” theo định kỳ là hoạt động cấp phát dụng cụ tránh thai, tờ rơi cho hội viên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Trong năm 2014 đã cấp phát 3.500 tờ rơi, 3.121 bao cao su tránh thai. Đồng thời, Bộ đội Biên phòng cũng duy trì 2 trạm quân - dân - y kết hợp tại địa bàn cụm dân cư xã Giao An (Giao Thủy) và xã Nam Điền (Nghĩa Hưng). Các trạm quân y này đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế, ban dân số các xã, thị trấn khu vực biên giới biển tổ chức khám, tư vấn về SKSS/KHHGĐ cho 1.650 lượt phụ nữ, nam thanh niên trong độ tuổi sinh sản và cấp thuốc miễn phí. Trong năm vừa qua, đã có hàng nghìn lượt phụ nữ đến trạm y tế các xã, thị trấn khu vực biên giới biển khám sức khỏe sinh sản và 100% trẻ sơ sinh được tiêm phòng đầy đủ…
Trong năm 2015, thông qua mô hình “Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ trên khu vực biên giới biển giai đoạn 2010 – 2015”, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là phụ nữ và nam thanh niên, trung niên chấp hành nghiêm chính sách dân số. Đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả của 2 trạm quân - dân y trong công tác khám, tư vấn sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho bà mẹ và trẻ em, trọng tâm là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản. Ngoài ra, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ cùng phối hợp với các địa phương hỗ trợ cho những cặp vợ chồng thực hiện nghiêm chính sách dân số có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giải quyết vấn đề dân số ở khu vực biên giới biển Nam Định. |
Tin liên quan
- Tinh thần và trách nhiệm trong chuyển đổi số
- Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Văn phòng các cơ quan hành chính Nhà nước
- Yêu cầu đẩy mạnh kê đơn thuốc điện tử, liên thông đơn thuốc và bán thuốc theo đơn
- Hưởng ứng Ngày Quốc tế Điều dưỡng tại Việt Nam: Từ tôn vinh đến thúc đẩy cơ chế, chính sách nghề nghiệp
- Khuyến cáo quan trọng xử trí, phòng ngừa hóc dị vật ở trẻ
- Ngành sản phụ khoa Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, không để phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau
- Bảo đảm công tác kiểm soát an ninh tại bệnh viện sau các vụ y bác sĩ bị hành hung