Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2017 với chủ đề “Cùng nhau duy trì nuôi con bằng sữa mẹ”
18/08/2017 | 03:15 AM



Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) năm 2017 bắt đầu từ ngày 01/08 đến 05/08/2017 với chủ đề “Cùng nhau duy trì nuôi con bằng sữa mẹ”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và những đối tác khác để thúc đẩy các chính sách và chương trình nhằm cải thiện NCBSM.
PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: “NCBSM không chỉ đơn giản là việc của phụ nữ mà đòi hỏi phải có sự khuyến khích và hỗ trợ từ các cán bộ tư vấn, thành viên gia đình, nhân viên chăm sóc y tế, người sử dụng lao động, nhà hoạch định chính sách và những đối tác khác. Chúng tôi cam kết hợp tác với tất cả các bên để tạo ra môi trường thuận lợi giúp phụ nữ và trẻ em phát triển khỏe mạnh”.
Theo các chuyên gia, bằng chứng của thế giới được thực hiện gần đây cho thấy cải thiện các hoạt động NCBSM có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo WHO 2016 về NCBSM phát hiện rằng NCBSM giúp giảm chi phí y tế và góp phần tạo nên một lực lượng lao động mạnh mẽ hơn. Cái giá phải trả cho khả năng nhận thức thấp hơn của trẻ do không được bú sữa mẹ lên đến khoảng 300 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm 0,49 tổng thu nhập quốc dân.
Nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế học y tế hàng đầu trong báo cáo tổn thất từ việc không NCBSM ở Đông Nam Á, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Dự án Alive&Thrive, ước tính NCBSM tối ưu ở Việt Nam có thể tiết kiệm được 23,36 triệu đô la Mỹ mỗi năm cho hệ thống y tế do điều trị các bệnh nhi, đồng thời tránh thất thoát khoảng 70,4 triệu đô la Mỹ quỹ lương hàng năm nếu cải thiện được khả năng học tập của trẻ.
Chỉ 40% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn
Trên thế giới, chỉ 40% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn (sữa mẹ là thức ăn duy nhất) trong sáu tháng đầu đời. Đây là thông tin được đưa ra theo Bảng xếp hạng NCBSM toàn cầu, một báo cáo mới được UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm nay. Chỉ 23 quốc gia có tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trên 60%.
Một phân tích mới chỉ ra rằng chỉ cần đầu tư mỗi năm 4,70 đô la Mỹ cho một trẻ sơ sinh là đã giúp tăng tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đối với trẻ dưới sáu tháng tuổi lên 50% đến năm 2025. TS. Friday Nwaigwe, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển trẻ em của UNICEF Việt Nam, cho biết: “Phân tích mới của chúng tôi cho thấy rằng nếu đạt được mục tiêu này chúng ta có thể cứu sống 520.000 trẻ em dưới 5 tuổi và có khả năng tạo ra 300 tỷ đô la Mỹ cho tăng trưởng kinh tế trong 10 năm tới vì bệnh tật và chi phí chăm sóc y tế giảm và năng suất lao động tăng. Tại Việt Nam, cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu 2.011 trẻ em mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi./.
Tin liên quan
- Khi bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh án giấy có còn được sử dụng hay không?
- Bộ Y tế quy định mới nhất trình tự đánh giá thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc
- Cá thể hóa trong kê đơn thuốc ngoại trú, sát với tình trạng người bệnh
- Quy định mới của Bộ Y tế về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần
- Đã có vaccine não mô cầu thế hệ mới bảo vệ người cao tuổi và trẻ nhỏ
- Nữ bệnh nhân nguy kịch khi dùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
- Hướng dẫn thu hồi, xử lý thuốc vi phạm