Triển khai đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025: Cần sự vào cuộc đồng bộ và toàn diện

09/10/2017 | 04:05 AM

 | 

Người Việt Nam có truyền thống tốt đẹp: Hiếu kính cha mẹ, phụng dưỡng ông bà, coi trọng người già; hệ thống chính sách về người cao tuổi (NCT) được ban hành và đang triển khai thực hiện; kinh tế xã hội và hệ thống y tế phát triển… Đó là những thuận lợi để triển khai Đề án Chăm sóc NCT giai đoạn 2017-2025. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức để có thể thực hiện được các chỉ tiêu mà Đề án đã đặt ra.

Chăm sóc sức khỏe cho NCT tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: H.A 
Chăm sóc sức khỏe cho NCT tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: H.A

Trung bình một NCT mắc 3 bệnh

Năm 2017, Việt Nam hiện có hơn 10 triệu NCT. Dự báo đến năm 2030, nước ta sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu NCT. Sự chuyển đổi nhân khẩu này mang đến những cơ hội và cả những thách thức lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương, cộng đồng và mỗi gia đình.

Các chuyên gia y tế cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe NCT tại Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Bệnh ở NCT chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm và mạn tính, khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Không những vậy, NCT còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác…

Với đời sống kinh tế - xã hội và hệ thống y tế phát triển, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng cao, với mức trung bình là 75,6 tuổi, đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng lớn, thời gian đau ốm trong cả cuộc đời khoảng 15,3 năm. Hiện nay, chúng ta đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, trung bình một NCT Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của NCT.

Bên cạnh những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe thì một khó khăn lớn nhất có thể thấy được là đời sống vật chất của NCT Việt Nam còn thấp. Có tới 68% NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. 72,3% số NCT sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng NCT sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Với sức khỏe của NCT còn nhiều hạn chế, thì việc phải sống một mình là một điều rất bất lợi với NCT, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.

Cần triển khai toàn diện

Thực tế cho thấy, hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT bước đầu được hình thành và phát triển từ Trung ương cho tới địa phương. Nhiều mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng được nhân rộng. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT hiện vẫn chưa bắt kịp với sự chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ này. Hiện, cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện tỉnh, thành phố có khoa Lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn Lão khoa. Khoa Lão vừa điều trị bệnh, vừa điều trị phục hồi chức năng cho NCT nên không chỉ cần thuốc men, trang thiết bị y tế mà cả chế độ dinh dưỡng, luyện tập cũng phải được lưu ý.

GS Phạm Thắng - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, NCT thường mắc các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ung thư, đột quỵ… cần nhiều thời gian điều trị hay thậm chí phải điều trị suốt đời. Mặt khác, NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc, do đó, chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần so với người trẻ tuổi. Theo GS Phạm Thắng, việc thành lập khoa Lão tại các bệnh viện là rất cần thiết bởi đặc điểm bệnh lý của NCT khác với các lứa tuổi khác, như: Cơ quan bị lão hóa, nhiều bệnh cùng một lúc, dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn đi và ngã, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, sử dụng nhiều thuốc, nguy cơ tai biến cao… đòi hỏi phải được chăm sóc một cách toàn diện và liên tục.

Đứng trước thực trạng và thách thức, ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Để triển khai Đề án ở địa phương, ngày 22/3/2017, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1376/BYT-TCDS về hướng dẫn kế hoạch về công tác DS-KHHGĐ năm 2017, trong đó, giao chỉ tiêu cơ bản là 15% NCT được chăm sóc toàn diện, khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi ốm đau tại cơ sở y tế. Tăng thêm 10% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Ngày 24/3/2017, Bộ Y tế tiếp tục gửi Công văn 1439/BYT-TCDS tới UBND các tỉnh, thành phố kèm theo hướng dẫn xây dựng Đề án/kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2015.

Đề án do Tổng cục DS-KHHGĐ chủ trì, điều phối và chịu trách nhiệm thực hiện. Hiện đã có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và trình phê duyệt Đề án/kế hoạch hành động. Ngày 28/8/2017, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tổ chức hội thảo tập huấn hướng dẫn triển khai Đề án và có lễ ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án với Trung ương Hội NCT Việt Nam.

Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho NCT cần được tiến hành toàn diện. Để làm được điều đó, không chỉ ngành DS-KHHGĐ mà cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, đoàn thể, nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.

Một số chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2025

- 80% NCT có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe.

- 80% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe.

- 90% NCT khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

- 100% bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có tổ chức lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT; khuyến khích thành lập mới bệnh viện lão khoa tại các bệnh viện trực thuộc Trung ương.

- 100% NCT có thẻ BHYT.

- 100% NCT không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng.


Thăm dò ý kiến