Trạm y tế lưu động trong bình thường mới hoạt động ra sao?
09/10/2021 | 09:35 AM
Không để đứt gãy dịch vụ y tế, người dân cần được tiếp cận y tế sớm nhất, nhanh nhất đó là mục tiêu quan trọng của các trạm y tế lưu động.
Số ca tử vong ở ngoài cộng đồng do COVID-19 của tỉnh Bình Dương hiện nay không còn. Điều này có được là do hoạt động hiệu quả của 169 trạm y tế lưu động trong toàn tỉnh. Các trạm y tế lưu động là cánh tay nối dài của trạm y tế xã, giúp phát hiện sớm, xử lý nhanh các diễn biến khó lường của người bệnh khi được cách ly, điều trị ở nhà.
Trạm y tế lưu động giảm gánh nặng điều trị ở khu cách ly tập trung và bệnh viện tầng 1
BS Nguyễn Thị Liên, Trưởng trạm y tế xã Thái Hòa, Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn còn nhiều khu phong tỏa vì qua xét nghiệm vẫn phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tại các khu vực phong tỏa này, trạm y tế lưu động có vai trò rất lớn trong điều trị, giám sát các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà.
"Trạm y tế lưu động có lực lượng quân y của Bộ Quốc phòng cắm chốt, giúp người dân yên tâm ở trong khu phong tỏa. Nhân viên y tế của xã, huyện vừa căng sức chống dịch, vừa thực hiện tiêm vaccine", BS Liên nói.
BS CKI Huỳnh Minh Chín, Giám đốc TTYT Thị xã Tân Uyên bổ sung, nhờ có hoạt động của trạm y tế lưu động mà thị xã đã điều trị và giám sát thành công các trường hợp điều trị F0 tại nhà. Qua đó, giảm gánh nặng điều trị cho các bệnh viện tầng 1 và các cơ sở cách ly tập trung.
Trạm y tế lưu động của Tân Uyên gồm 3 lực lượng chủ lực là Y tế, Công an, Quân sự với khoảng từ 7 đến 10 nhân sự đã nhanh chóng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện và phát hiện các trường hợp diễn biến nặng để chuyển tuyến kịp thời.
Bên cạnh đó, Trạm y tế lưu động còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh, sơ cứu chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để giúp Bình Dương điều trị sớm, giảm số ca tử vong, Bộ Quốc phòng đã chi viện 2.230 cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ Bình Dương phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh địa phương thiếu nhân lực. Trong số nhân sự này, Bình Dương thành lập 60 tổ quân y phục vụ tại các trạm y tế lưu động.
Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho rằng, với chỉ đạo quyết liệt ráo riết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng đã giúp tỉnh có mạng lưới trạm y tế lưu động "bám rễ" chắc tại địa bàn.
Các trạm y tế lưu động trên địa bàn thị xã đã chăm sóc hàng ngàn ca F0, ca nghi nhiễm, cấp cứu hàng trăm bệnh nhân tại nhà đồng thời cấp phát nhiều túi thuốc điều trị cho bệnh nhân F0 trên địa bàn. Mô hình trạm y tế lưu động khi đi vào hoạt động đã góp phần giảm tải rất nhiều cho các trạm y tế cố định và tuyến trên. Bên cạnh đó, với sự chăm sóc, sơ cứu ban đầu kịp thời đã giảm và đi đến chấm dứt các ca tử vong ngoài cộng đồng. "Đây là thành công và mô hình được đánh giá tốt của Bình Dương", ông Chương nói.
Người dân được chăm sóc y tế sớm nhất, nhanh nhất
TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp "điểm nóng" trước đó của dịch COVID-19. Mô hình trạm y tế lưu động cũng đã phát huy được hiệu quả.
Bà Hứa Cẩm Tú, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp có huyết áp lên đến 190, tại trạm y tế lưu động, bà được đội ngũ y, bác sĩ khám, tư vấn theo dõi huyết áp trước khi tiêm. "Người dân chúng tôi rất vui mừng khi có các Trạm y tế lưu động mà lại ở gần nhà. Đây là điều rất thuận tiện để khi cần thiết chúng tôi có thể được tư vấn hay khám bệnh. Đối với người cao tuổi như chúng tôi luôn cảm thấy sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ, nên rất yên tâm", bà Tú kể.
Trạm y tế lưu động xã Tân Phú Đông được bố trí điện thoại đường dây nóng, khi nhận được cuộc gọi thông tin, ê kip trực sẵn sàng lên đường đến các điểm cần trợ giúp bất kể thời gian ngày, đêm. Những trường hợp này sẽ được xử lý kịp thời, giữ an toàn ban đầu cho người bệnh sau đó phối hợp với đội cấp cứu 115 chuyển viện trên đối với những trường hợp thật sự cần thiết.
Theo BS Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai trạm y tế lưu động là rất cần thiết, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Qua theo dõi phản hồi của người dân, mô hình này được đánh giá tốt.
Các trạm y tế lưu động còn có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong cộng đồng; kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn.
Dịch COVID-19 đã được cơ bản khống chế ở các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương đang dần trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng vai trò của các trạm y tế lưu động vẫn được phát huy, đặc biệt khi xuất hiện các ca F0 mới, buộc phải phong tỏa diện hẹp, để người dân không bị đứt gãy dịch vụ y tế, luôn được chăm sóc y tế sớm nhất, nhanh nhất./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Người Việt mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao nhất châu Á, chuyên gia khuyến cáo gì?
- Nhân viên y tế thôn bản được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế
- Đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06
- TỔNG THUẬT: Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương
- Giới trẻ được coi là đối tượng đích của các công ty thuốc lá
- Canada: Thiếu niên nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở người hiện đang trong tình trạng nguy kịch
- Mời báo giá dịch vụ bảo dưỡng định kỳ thang máy