Tổng thuật trực tiếp sáng 27/5: Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
27/05/2024 | 08:12 AM
|
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Điều hành nội dung phiên họp ngày 27/05, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo chương trình làm việc, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
8h01: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Báo cáo tại Phiên họp về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban
Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:
+ Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:
Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.
Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
+ Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua” – Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về giao dịch điện tử trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội.
Về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi bổ sung chế tài tạm hoãn xuất cảnh quy định theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cơ chế “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Về đối tượng chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tại khoản 1 của Điều 3 theo hướng “Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh”.
Về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện tương tự như việc giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước; bổ sung và thể hiện tại khoản 2 Điều 132 việc giải quyết tố cáo đối với thời gian trước năm 1995 do cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết.
Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần và Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu. Do đó, cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương và cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, để bảo đảm mức trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với từng thời kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý đã bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 21 theo hướng: “Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội báo cáo Quốc hội khi trình Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm”.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 147 điều (tăng 1 chương và tăng 11 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình) cùng 15 điểm mới.
8h19: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 6. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, các nhà khoa học để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là dự án luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội hóa cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rất rộng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều cuộc họp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để cho ý kiến hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội. Cho đến nay, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu tối đa, giải trình cụ thể ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan tổ chức có liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về những vấn đề trọng tâm báo cáo đã nêu và những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
8h24: Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, tại khoản 5 Điều 7, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “tự nguyện” nhằm đạt được mục tiêu bao phủ đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết 28 của Trung ương, Ngân sách Nhà nước cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện tùy vào khả năng cân đối ngân sách của từng thời kỳ. Vấn đề này, pháp luật về bảo hiểm y tế cũng đã có giải pháp từ những năm trước và đạt được tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế kỳ vọng.
Tại khoản 2 Điều 43, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị quy định thêm thời gian nghỉ chăm sóc con ốm đau, với trường hợp con dưới 16 tuổi hoặc quy định người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 và khoản 2 Điều 44 Luật này.
Tại điểm b khoản 1 Điều 48 quy định “trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu có bản tóm tắt hồ sơ bệnh án”, đại biểu đề nghị thay bằng “bản chứng hoặc bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh quá trình điều trị nội trú hoặc bán trú, hoặc các giấy tờ ghi rõ ngày nhập viện”. Đồng thời đề nghị cân nhắc quy định như cũ, thay bằng “bản sao giấy báo từ” để thuận lợi cho quá trình chứng minh.
Tại khoản 1 Điều 53, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị nghiên cứu tăng số lần đi khám thai tối thiểu là 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
8h31: Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp
Đề cập về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật, đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, khoản i và khoản n của Điều 3 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm người quản lý doanh nghiệp. Theo Khoản 24, Điều 4 Luật Doanh nghiệp sửa đổi thì người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty. Còn theo khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có quy định: Người quản lý doanh nghiệp bao gồm Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng.
Như vậy, cùng một thuật ngữ người quản lý doanh nghiệp nhưng tại hai luật trên đã có cách giải thích khác nhau. Để thống nhất cách hiểu và tránh việc áp dụng tùy tiện trong thực tế, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ đối với thuật ngữ “người quản lý doanh nghiệp” để áp dụng trong phạm vi của Luật này.
Thứ hai, về giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 năm quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật, đại biểu Vương Thị Hương khẳng định: Chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển, tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như quy định tại Khoản 5, Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đây là điều mà nhiều người lao động đang rất băn khoăn và lo ngại có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống.
8h37: Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Làm rõ những tác động, ảnh hưởng của các chính sách mới
Đại biểu Trần Thị Thu Phước bày tỏ thống nhất cao với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được đã tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời cho rằng dự thảo Luật trình tại Kỳ họp lần này đã đảm bảo đáp ứng cả về cơ sở lý luận và thực tiễn. Theo đại biểu, điều này có ý nghĩa to lớn trong điều kiện nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới đang gặp nhiều khó khăn do những hậu quả của dịch bệnh Covid- 19 cũng như những xung đột chính trị thế giới tác động rất lớn đến thu nhập, việc làm của người lao động…
Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, cần phải làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động, ảnh hưởng của những chính sách mới được đưa ra trong dự thảo Luật, đồng thời phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẻ chia những khó khăn, nguyện vọng của người lao động. “Vì đối với họ, chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành sẽ quyết định đến cả vấn đề an sinh của cả cuộc đời.”, đại biểu Phước nói.
8h42: Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số quy định của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Tri Thức cho biết, tại Điều 47 về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau có những từ ngữ vẫn chưa rõ ràng như: nghỉ 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa hồi phục, 07 ngày đối với người chưa hồi phục sau thời gian phẫu thuật,… Đại biểu Nguyễn Tri Thức đánh giá quy định này vẫn còn mơ hồ, nên để cho các nhà chuyên môn có quyết định theo từng trường hợp cụ thể.
Tại Điều 53, đối với việc khám thai, Đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng nên chia ra thành 02 nhóm là thai bình thường và thai bệnh lý và tại Điều 54, chưa có cơ sở phân chia tuổi thai. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại 02 Điều này.
Cuối cùng tại mục 1, khoản c, Điều 74 quy định đối tượng được rút bảo hiểm xã hội một lần là người đang mắc một trong những bệnh: ung thư, bại liệt, sơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS. Đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị bỏ khoản này vì có một số bệnh có thể điều trị được dứt điểm và người lao động có thể quay lại lao động bình thường. Đại biểu Nguyễn Tri Thức cũng cho biết, những khái niệm trên chưa cập nhật kiến thức y khoa, nếu đưa vào Luật là không phù hợp. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị bỏ khoản này và đối với từng trường hợp nên xác định khả năng lao động và khả năng lao động do Hội đồng giám định y khoa xác định.
8h47: Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đại biểu Trần Thị Kim Yến quan tâm đến quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động nhưng có nội dung thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện bằng việc làm có trả công, tiền lương và có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, quy định tại a khoản 1 của Điều 3 của dự thảo luật.
Theo đại biểu, nếu đánh giá về bản chất là phù hợp với quy định về hợp đồng lao động được quy định tại Bộ Luật Lao động (Điều 13) tuy nhiên xét về hình thức, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản đối với loại hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng trở lên và đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định của Bộ Luật Lao động. Vì vậy, nếu đã xác định là tồn tại quan hệ lao động và hai bên chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động, phải có sự điều chỉnh kịp thời. Việc thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm cần phải được xác định và căn cứ trên hợp đồng lao động hợp pháp. Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát mới có thể thực hiện tốt.
Nhiều ý kiến đánh giá, quy định này sẽ mở đường và gián tiếp thừa nhận các loại hình hợp đồng có tên gọi khác này, tuy nhiên trên thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng cách này để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động. Vì vậy, nếu phát hiện ra loại hình hợp đồng lao động này cần thiết phải điều chỉnh về hình thức và nội dung, từ đó sẽ xác định rõ nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm.
Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu đánh giá bổ sung một đối tượng cần được mở rộng trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đó là lao động không chọn thời gian, ví dụ như là lao động xe công nghệ. Nếu chiếu theo điều 13 của Bộ Luật Lao động, đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, nên cần bổ sung đây là đối tượng cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết 28.
Dự thảo luật cũng bổ sung tại điểm m khoản 1 của Điều 3 là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Đại biểu cho rằng, bản chất nhóm đối tượng này khác với người lao động làm công ăn lương. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang bảo hiểm xã hội bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đại biểu cũng đề xuất là bổ sung vào Điều 16 về quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội, bởi trên thực tế cho thấy rằng là trong thời gian vừa qua khi tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ khởi kiện người sử dụng lao động vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội, việc tiếp cận thu thập chứng cứ, tiếp cận tài liệu dữ liệu liên quan đến bảo hiểm xã hội rất khó khăn.
Đại biểu đề xuất bổ sung các chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, bởi Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh; đồng thời bổ sung chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, tức là bổ sung vào nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đi khám và điều trị hiếm muộn…
8h54: Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động
Đại biểu Trần Khánh Thu đánh giá nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Dự án Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 Chương và 147 Điều, tăng 11 điều mới và chỉnh lý ở hầu hết các điều.
Về điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu cho rằng, hai phương án được đưa ra trong Dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao. Trong đó Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn.
Để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua. Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội; hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai khi về già trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lao động - việc làm. Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật, ... để vượt qua khó khăn trước mắt.
9h01: Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Cần bổ sung lựa chọn về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai cho người lao động
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi tán thành và thống nhất với đa số các nội dung của dự thảo Luật, đánh giá cao sự tiếp thu đối với những vấn đề mà ĐBQH đặt ra, góp ý tại kỳ họp thứ 6 và tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu góp ý một số nội dung:
Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết, tại Điều 53 khoản 1 quy định: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 05 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 02 ngày cho 01 lần khám thai”.
Thực tế qua tiếp xúc cử tri là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, có nhiều ý kiến đối với nội dung này khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sỹ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày. Tuy nhiên theo quy định hiện hành và dự thảo Luật quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần. Nếu thai phát triển trong điều kiện bình thường, còn nếu thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày,... phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi. Như vậy thời gian quy định như dự thảo Luật và Luật hiện hành chỉ được nghỉ không quá 5 lần là quá thấp đối với những trường hợp thai phát triển không bình thường. Để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt cho phụ nữ lao động đang mang thai yên tâm làm việc, đại biểu đề nghị cũng cần nên xem xét, quy định lựa chọn có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9 - 10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt.
Về Bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu đề xuất lựa chọn Phương án 1, tức là «Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, Phương án 1 để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án này quá trình lấy ý kiến cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đây là phương án an toàn hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp
Về lâu dài, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lao động - việc làm. Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật, ... để vượt qua khó khăn trước mắt.
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại; khởi kiện đối với quyết định, hành vi về BHXH của cơ quan BHXH, Tại điểm b, Khoản 3 dự thảo Luật quy định: “Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp trên có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp dưới trực tiếp đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết”.
Đại biểu đề nghị nên tiếp tục kế thừa quy định về trình tự giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về BHXH tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 119 Luật BHXH năm 2014 sẽ phù hợp với thực tiễn hơn, tức là giao cơ quan quản lý nhà nước về lao động (Ủy ban nhân dân các cấp) giải quyết khiếu nại lần 2 sẽ khách quan, thuyết phục hơn.
Về Tố cáo, giải quyết tố cáo về BHXH (Điều 132), tại Khoản 2 Điều 132 dự thảo Luật quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trước năm 1995 thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết trên cơ sở tham mưu của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh”.
Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “trên cơ sở tham mưu của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh” vì chưa phù hợp và cho rằng về nguyên tắc xây dựng Luật, Luật chuyên ngành chỉ cần quy định thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết tố cáo.
9h08: Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ bày tỏ cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đã tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Về vấn đề cụ thể, dự thảo Luật đã mở rộng thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương,... Quan nghiên cứu, đại biểu cho biết, quy định như trong dự thảo Luật thì chủ hộ kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương sẽ phải gánh hai vai, vừa là người lao động, vừa là người sử dụng lao động và phải đóng tổng mức 25%.
Đại biểu nêu rõ, tác động tích cực là khi mở rộng các đối tượng trên sẽ gia tăng người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, tăng quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đối với lợi ích của các đối tượng chịu tác động, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chỉ đưa ra nhận định rất định tính, không có số liệu chứng minh nhóm đối tượng này có nhu cầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi dự thảo Luật, đảm bảo công bằng giữa những đối tượng này với các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội khác, không vì mục tiêu gia tăng số người nộp bảo hiểm xã hội mà bỏ qua nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, cân nhắc thêm các đối tượng trên nên tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện.
Đối với người lao động là người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại biểu cho biết, thực tiễn thời gian qua, nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội tại các địa phương phản ánh rất khó thu bảo hiểm xã hội của các đối tượng này. Đại biểu phân tích, những đối tượng này có thể xảy ra tình trạng sau thời gian 3 đến 5 năm đi lao động ở nước ngoài muốn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hưu trí và tử tuất phải đóng thêm 12 - 15 năm nữa nếu không muốn bị mất số tiền đã đóng. Do đó, cần có cơ chế vận dụng linh hoạt về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nước trong trường hợp thu nhập không ổn định và liên tục, bảo đảm thu đúng, thu đủ nhưng cũng đáp ứng được quyền lợi cho người lao động.
9h15: Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ: Đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động
Đại biểu Đào Chí Nghĩa cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh hiện nay quy định tại dự thảo luật hiện rất rộng, khó quản lý đối với cơ quan chức năng. Hiện chưa có cơ sở dữ liệu về lao động nên tính khả thi chưa cao. Do đó, đề nghị nghiên cứu nội dung này rõ hơn, bảo đảm tính khả thi.
Về trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Điều 12, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội tại Điều 17, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng quy định thời gian cơ quan bảo hiểm xã hội báo cáo với Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội và định kỳ 5 năm đánh giá khả năng cân đối Quỹ hữu trí, tử tuất trong báo cáo tình hình quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội là quá dài và không kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh tồn tại. Do đó, đại biểu đề nghị giảm thời gian quy định tại Điều này theo hướng: Cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ 3 tháng báo cáo với cơ quan quản lý, 6 tháng báo cáo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ có liên quan; 6 tháng báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp và định kỳ 3 năm sẽ đánh giá, dự báo khả năng cân đối quỹ.
Về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm…để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. Quy định này cũng nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch.
Về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Đào Chí Nghĩa tán thành với phương án 2. Đại biểu cho rằng phương án này dù không chấm dứt tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng đảm bảo quyền lựa chọn của người tham gia bảo hiểm xã hội; giữ chân người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài và về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội.
09h21: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Cần hoàn thiện, bổ sung theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động là đối tượng ưu tiên hàng đầu
Qua nghiên cứu dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nhận thấy, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa các ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp trước và bày tỏ thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội.
Về bảo vệ quyền lợi của người lao động khi xử lý vi phạm về BHXH, bảo hiểm y tế và thực hiện thủ tục phá sản, đại biểu cho biết, về thứ tự ưu tiên, căn cứ vào điều 54 của Luật Phá sản năm 2014, những chi phí mà doanh nghiệp cần ưu tiên thanh toán: chi phí quản tài viên doanh nghiệp quản lý, chi phí kiểm toán, chi phí thanh lý tài sản…; thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động và những quyền lợi khác theo hợp đồng lao động mà công ty đã kí kết… Do đó, đại biểu cho rằng, việc chăm lo, bảo vệ, tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững là yếu tố sống còn giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Từ Điều 37 đến Điều 40, đại biểu nhận thấy dự thảo Luật đã quy định rõ, phù hợp với bối cảnh hiện nay, nguyên tắc là vi phạm tới đâu thì xử lý tới đó.
Về các nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù tại Điều 41, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, đây là quy trình thực hiện BHXH đồng bộ với điểm a khoản 1 Điều 54 về thứ tự phân chia tài sản tại Luật Phá sản năm 2014. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bất cứ trường hợp nào cũng được xem xét là đối tượng ưu tiên hàng đầu, phải thực hiện các thủ tục pháp lý về phá sản và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT với doanh nghiệp.
Về biện pháp xử lý vi phạm chậm, trốn đóng BHXH đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 37 đến Điều 40, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nhận thấy, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, có sự chưa tương thích giữa Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vào xử lý hoặc chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm.
9h45: Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ: Dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 7 có nhiều điểm tiến bộ
Cơ bản nhất trí với các nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, thời gian qua, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan Quốc hội đã hết sức trách nhiệm trong việc tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi làm việc để làm rõ những ý kiến khác nhau đối với dự thảo Luật này; đồng thời đã đôn đốc Chính phủ rà soát và chỉnh sửa các nội dung để hoàn thiện dự thảo Luật trình ra Kỳ họp lần này với nhiều tiến bộ, nhất là nội dung về bảo hiểm hưu trí.
Quan tâm đến nội dung về bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 74 của dự thảo Luật (khoản 1 của Điều này), đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh bày tỏ ủng hộ Phương án 2, bởi phương án này vừa đảm bảo quyền lựa chọn cho người tham gia bảo hiểm xã hội và giữ được an sinh tối thiểu cho người tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo đại biểu, phương án này lại chưa giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động. Bởi đa phần những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều có khó khăn trong cuộc sống. Do đó, họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt. “Vì vậy tôi cho rằng, để giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội và hạn chế được tình trạng rút bảo hiểm một lần, dự thảo Luật cần thiết kế thêm chế độ để người tham gia bảo hiểm tự nguyện yên tâm hơn khi có khó khăn trong cuộc sống”.
9h50: Đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Xem xét bổ sung cách tính mức lương hưu hàng tháng để các đối tượng trong một số ngành đặc thù trong quân đội được hưởng mức lương hưu tối đa
Đề cập về thực hiện bảo hiểm xã hội trong quân đội, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho biết, qua thực tiễn thực hiện bảo hiểm xã hội, một số cán bộ công tác trong một số ngành, lĩnh vực đặc thù của quân đội khi nghỉ hưu thì chưa được hưởng mức lương hưu tối đa 75%. Một số lĩnh vực ngành như là phi công, thủy thủ tàu ngầm, lực lượng radar, kỹ thuật hàng không, hóa học và một số lực lượng trọng yếu khác thì cán bộ trong lĩnh vực này hiện nay rất là khó tuyển do yêu cầu đòi hỏi cao, rất toàn diện về mọi mặt, khắt khe về sức khỏe, chuyên môn nghiệp vụ, chi phí đào tạo công phu, tốn kém. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc nên tuổi đời công tác có giới hạn nhất định và hiện nay một số ngành thì yêu cầu tuổi đời không quá 40, 45 hoặc là 48 tuổi. Như vậy, trừ thời gian đào tạo, thời gian công tác ở một số ngành chỉ đến 12, 15 hoặc là 18 năm là phải chuyển công tác hoặc là nghỉ hưu.
Mặt khác, môi trường công tác trong các lĩnh vực này chịu tác động ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý, sức khỏe như các loại sóng điện tử, bức xạ nhiệt, tiếng ồn, hóa chất độc hại, bụi công nghiệp. Do tính chất công việc căng thẳng, chịu áp lực lớn, có nguy cơ rủi ro và mất an toàn cao và nhiều trường hợp hy sinh, bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ. Những trường hợp này nếu không bố trí sử dụng được công việc khác và không thể chuyển ngành được, nếu đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì nghỉ hưu và như vậy sẽ không được hưởng lương hưu tối đa 75% vì không đủ 35 năm tham gia bảo hiểm xã hội. Chưa kể các đối tượng trên khi tuổi cao sức yếu thường mắc một số bệnh nền mãn tính, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe do môi trường hoạt động công tác trước đó.
Như vậy, khi nghỉ hưu, cán bộ công tác trong một số lĩnh vực này sẽ rất thiệt thòi, có tác động ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của cán bộ, gia đình và chính sách hậu phương quân đội, đồng thời không khuyến khích, không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào quân đội công tác, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng quân đội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ 13, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa 13, Nghị quyết 230 của Quân ủy Trung ương về tổ chức quân đội nhân dân Việt Nam đã xác định.
Từ những vấn đề nêu trên, ngoài các chính sách bảo hiểm xã hội chung để thể hiện sự quan tâm, ưu đãi của Đảng, Nhà nước và phù hợp với hoạt động quân sự, quốc phòng, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị cơ quan soạn thảo Quốc hội xem xét bổ sung vào một khoản tại Điều 70 của dự thảo luật quy định cách tính mức lương hưu hàng tháng để các đối tượng trên được hưởng mức lương hưu tối đa theo dự thảo sửa đổi luật lần này. Phương án là từ năm thứ 21 đối với nam và từ năm thứ 16 đối với nữ, mỗi năm được hưởng thêm 3% đến tối đa 75 % hoặc là nội dung này thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết đối với một số ngành, lĩnh vực hoạt động đặc thù, trong đó có hoạt động của Quân đội và Công an.
9h58: Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Cân nhắc việc giảm thời gian xem xét rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động từ 12 tháng xuống 03 đến 06 tháng
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Đối với điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho đây là vấn đề khó, phức tạp và được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như người lao động quan tâm. Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên phương án 1 lại tạo ra lát cắt, chia thành 02 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau ngày Luật này có hiệu lực. Mặc dù, cho rằng đây là phương án tối ưu song đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhận thấy vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, trong tháng 4 vừa qua, việc rút bảo hiểm xã hội một lần đã tăng 39% trong quý I năm 2024. Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, nếu không có giải pháp hiệu quả, khả thi thì chắc chắn trong thời gian tới, việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng thêm. Do đó, việc cho rằng phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội là chưa chính xác.
Đối với phương án 2, cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động. Bởi việc rút bảo hiểm xã hội một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề xuất giảm thời gian xem xét xuống từ 03 đến 06 tháng để đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.
Liên quan đến việc người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng quy định này là chưa rõ ràng. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị đối với vấn đề này nên kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2, người lao động có quyền rút bảo hiểm một lần đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng. Phương án trên đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng. Người lao động chỉ trực tiếp đóng 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Phần 14% được xem là nguồn đóng để cho người lao động nhằm đảm bảo chế độ hưu trí và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.
Về thời gian thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (Sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hoa Ry bày tỏ sự thống nhất với những đại biểu đã cho ý kiến trước, nên thông qua Luật này sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
10h04: Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội đảm bảo cuộc sống về già cho người lao động
Đại biểu Võ Mạnh Sơn quan tâm đến quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm còn 15 năm, nếu phương án này được thông qua sẽ có một nhóm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn, tức là khoảng 45 - 47 tuổi mới tham gia hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng. Tuy vậy, định kỳ mức lương hưu sẽ được nhà nước điều chỉnh đồng thời trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế. Do vậy, đại biểu cho rằng, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hàng tháng ổn định, định kỳ được nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già cho người lao động.
Về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu cho rằng phương án 2 như dự thảo luật rất nhân văn, với mục tiêu đảm bảo cho người tham gia có cơ hội tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, hiện nay người lao động còn đang rất băn khoăn, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội. Để đảm bảo luật đi vào cuộc sống, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu cho rằng nên thực hiện theo phương án 1. Nhiệm vụ của các cấp các ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, không nên dùng các quy định của pháp luật để bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn.
Về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị cần có các mức số tiền khác nhau về hành vi chậm đóng bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm, không nên quy định mức giống nhau như dự thảo luật. Đồng thời, cần xác định làm rõ việc nộp số tiền này có đồng nghĩa với việc nộp phạt hành vi vi phạm hay không để tránh trùng lặp với các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Cần phân hóa các mức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau giữa chậm đóng, trốn đóng do tính chất và mức độ vi phạm giữa chậm đóng và trốn đóng là khác nhau…
10h09: Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Hai phương án về điều kiện hưởng BHXH một lần đều vẫn còn hạn chế
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cơ bản thống nhất với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này. Quan tâm tới quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu cho rằng hai phương án quy định tại dự thảo Luật đều có những hạn chế, chưa phải là những phương án tối ưu nhất.
Đại biểu phân tích, không nên chọn Phương án 2 vì chúng ta giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải bằng cách giữa 50% số tiền ít ỏi của người lao động. Tuy nhiên, Phương án 1 thì cũng vẫn còn có những băn khoăn, bởi vì những người đóng BHXH sau ngày Luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng BHXH một lần.
Báo cáo của UBTVQH cũng đánh giá cả hai phương án Chính phủ trình đều chưa phải là phương án tối ưu, do đó, nếu chưa có phương án tối ưu thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, tránh sự xáo trộn xã hội và cho người lao động được lựa chọn, kể cả việc tham gia BHXH trước hay sau khi Luật này có hiệu lực.
Đồng thời đại biểu cũng đề xuất chính sách để có thể hạn chế người lao động rút BHXH một lần, đó là giao cho BHXH phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho người lao động vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp; mức vay tối đa bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút BHXH một lần.
10h13: Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tranh luận
Phát biểu tranh luận về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Phan Thái Bình nêu rõ, hai phương án Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phương án này là thời điểm tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là trước hoặc sau khi luật có hiệu lực. Nếu đóng bảo hiểm trước ngày 01/7/2025 thì được hưởng bảo hiểm xã hội rút một lần, sau ngày này thì không được hưởng.
Đại biểu nhấn mạnh, nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng bảo hiểm xã hội trước hay sau khi luật này có hiệu lực.
Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của hai phương án, đại biểu đề xuất tích hợp hai phương án trên theo đề nghị của đại biểu Trần Thị Hoa Ry. Từ đó giải quyết được vấn đề trước mắt theo yêu cầu của người lao động. Về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.
10h15: Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 3), đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị nên bổ sung đối tượng thành viên là cá nhân của các tổ hợp tác (tổ hợp tác có đăng ký kinh doanh) vào khoản 1 Điều 3 Dự thảo để tương đồng với hai đối tượng mới được bổ sung trong Dự thảo là chủ hộ kinh doanh (hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh) hoặc người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương. Về các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị làm rõ quy định cấm hành vi: “Thông đồng, móc nối, bao che, giúp sức cho tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH”. Đồng thời dự thảo cần quy định chung đối với các hành vi: “Cầm cố, chuyển nhượng sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức”.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, dự thảo Luật đang xác định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là: Đủ 75 tuổi trở lên; không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ; mức hưởng gồm trợ cấp hằng tháng, bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng. Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng quy định trên là một bước tiến trong bảo vệ, hỗ trợ cho người cao tuổi không có lương hưu. Tuy nhiên, cũng cần xét đến mức hưởng có lợi nhất cho các chủ thể đủ điều kiện áp dụng và cân đối chi phí từ ngân sách nhà nước, đồng thời cũng cần căn cứ trên tuổi thọ bình quân của người Việt Nam.
Về rút bảo hiểm xã hội một lần (Điều 74), đại biểu thống nhất cần hạn chế và tiến tới chấm dứt cho người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên cần tăng cường tuyên truyền lợi ích của bảo hiểm xã hội để người lao động nhận biết đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, hỗ trợ họ cả trong thời gian lao động và khi hết tuổi lao động.
10h20: Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Cân nhắc quy định điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng
Đại biểu Hà Hồng Hạnh cơ bản nhất trí với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đã tham gia góp ý một số nội dung cụ thể như về trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm xã hội tại Điều 10, chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí; vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần; về hồ sơ để làm căn cứ giải quyết các chế độ có yếu tố nước ngoài; thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai…
Đại biểu Hà Hồng Hạnh đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng bằng mức hưu trí xã hội đối với người lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng mà Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội, do đây là từ 02 nguồn khác nhau (hưu trí xã hội là căn cứ trên khả năng của Ngân sách Nhà nước nhưng trợ cấp là chi trả hoàn toàn từ quỹ bảo hiểm xã hội trên nguyên tắc đóng-hưởng) trường hợp mức trợ cấp hưu trí xã hội được Chính phủ điều chỉnh chênh lệch cao so với mức hiện hưởng sẽ tác động lớn đến Quỹ bảo hiểm xã hội.
Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại Điều 74, đại biểu Hà Hồng Hạnh lựa chọn phương án 01. Đại biểu cho rằng phương án này khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của thời gian qua, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Quy định này không ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội nên dễ nhận được sự đồng thuận của người lao động. Tương tự với lý do trên, đối với quy định về bảo hiểm xã hội một lần tại Điều 107 dự thảo, đại biểu cũng lựa chọn phương án 1.
Về hồ sơ để làm căn cứ giải quyết các chế độ có yếu tố nước ngoài, đại biểu Hà Hồng Hạnh cho rằng hiện nay quy định rất khó thực hiện vì mỗi nước có cách quản lý công dân riêng, nội dung thể hiện trên các hồ sơ làm căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội ở nước ngoài không đồng nhất với Việt Nam (như giấy khai sinh, chứng tử, hồ sơ bệnh án…). Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn về hồ sơ tham gia, hưởng bảo hiểm xã hội có yếu tố nước ngoài.
Về thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau tại Điều 45 dự thảo Luật, đại biểu Hà Hồng Hạnh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu có chính sách quy định thời gian hưởng chế độ cho người lao động chăm sóc con ốm đau ở độ tuổi độ tuổi từ 7 đến dưới 16 tuổi.
Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai, để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi và người mẹ trong suốt quá trình mang thai, đại biểu Hà Hồng Hạnh đề nghị sửa đổi mức nghỉ lên tối đa là 9 ngày.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để đưa đối tượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản.
10h24: Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng: Cần có định hướng truyền thông để hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động
Về hưởng BHXH một lần, đại biểu Lã Thanh Tân chọn phương án 1 để đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện, đồng thời đề nghị cần có định hướng truyền thông để hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với người lao động mất việc làm, bệnh tật… để vượt qua khó khăn trước mắt.
Đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn việc xác định về thời hạn 12 tháng không tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng BHXH một lần trong trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội đã ban hành quyết định, sau đó người lao động mới giao kết hợp đồng lao động và đóng BHXH cả tháng để xác định rõ ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm, điều kiện hưởng 12 tháng không tham gia BHXH thì được hưởng BHXH một lần.
Về Điều 41 cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động, đại biểu đề nghị tại khoản 1 Điều 41 bỏ cụm từ “do cưỡng chế về quản lý thuế”, bỏ đối tượng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể vì theo khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ được giải thể khi thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài…
10h28: Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ: Đề nghị quy định Điều 40 theo hướng rút gọn thành 2 khoản
Đại biểu Nguyễn Thành Nam bày tỏ thống nhất với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, cho rằng dự thảo Luật lần này đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Quan tâm đến biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 39, Điều 40 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết, hai Điều này quy định về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm bắt buộc. Cụ thể, Điều 39 quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, Điều 40 xử lý vi phạm bị trốn đóng. Tuy nhiên, nội dung biện pháp xử lý của hai Điều này cơ bản là giống nhau, riêng việc trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, dự thảo Luật nên thiết kế quy định Điều 40 theo hướng rút gọn thành 2 khoản. Theo đó, khoản 1 là các biện pháp xử lý như quy định tại Điều 39; khoản 2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
10h33: Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Cân nhắc chia sẻ thông tin dữ liệu về người lao động, thành viên, hội viên của mình với cơ quan bảo hiểm xã hội
Qua nghiên cứu, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng dự thảo Luật trình tại kỳ họp thứ 7 đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung đầy đủ, chặt chẽ các điều khoản trong Luật và cẩn trọng khi đưa ra những vấn đề mới phát sinh. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu góp ý một số nội dung:
Về phương án rút BHXH 1 lần tại điểm đ, khoản 1, Điều 74, đại biểu nhất trí với phương án 1 với các lý do như dự thảo như báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, mặc dù chưa phải là phương án tối ưu nhưng phương án này tạo điều kiện cho người lao động đang đóng BHXH được thoải mái tâm lý khi còn băn khoăn có được rút BHXH vào thời điểm đang khó khăn này không, phương án này cũng sẽ tạo tâm thế sẵn sàng cho người lao động mới tham gia BHXH xác định sẽ không được rút BHXH mà chỉ phục vụ cho việc đảm bảo an sinh xã hội sau này.
Đại biểu cũng nhất trì với đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng dành cho người lao động.
Về một số điều khoản cụ thể, tại Khoản 12. Điều 4. Giải thích từ ngữ có quy định “Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, Quỹ BHXH”, đây là nội dung sẽ được sử dụng trong suốt quá trình thực hiện các chế độ đóng và hưởng BHXH khi thực hiện cải cách tiền lương, không còn mức lương cơ sở.
Đại biểu cho rằng việc thực hiện điều chỉnh với các tiêu chí như trên vẫn còn chung chung, đồng thời băn khoăn có ảnh hưởng đến mức đóng, hưởng của người lao động tại thời điểm trước sau khi tăng hoặc giảm chỉ số giá tiêu dùng hay không? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hoặc có giải trình rõ hơn.
Về Quyền và trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên có nêu “chia sẻ thông tin dữ liệu về người lao động, thành viên, hội viên của mình với cơ quan bảo hiểm xã hội”, về nội dung này đại biểu cho rằng dữ liệu cá nhân là vấn đề nhạy cảm, nhất là trong thời điểm lừa đảo qua mạng nhiều như hiện nay, bất cứ vấn đề gì liên quan đến dữ liệu cá nhân đều có thể bị các đối tượng xấu sử dụng để lừa đảo. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu bổ sung cụm từ “khi những thông tin đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động, thành viên, hội viên của mình”.
10h37: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Cân nhắc thêm quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm một lần
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm đến 02 phương án trong dự thảo luật về điều kiện hưởng bảo hiểm một lần, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc tích hợp áp dụng 2 phương án đã nêu. Đại biểu phân tích, cả hai phương án này vẫn chưa phải là phương án tối ưu, vì thực tế trong bối cảnh điều kiện của nước ta hiện nay nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải vượt qua những khó khăn trước mắt. Vì vậy, không thể hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1 và chắc chắn sẽ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó; đôi khi dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm.
Theo đại biểu, nếu chỉ áp dụng phương án 2, nhiều người đang tham gia bảo hiểm cũng sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, bị mất công bằng và cũng có tâm lý so sánh và ồ ạt rút bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực. Đại biểu nhấn mạnh, đây là nội dung lớn, rất cần có lộ trình vừa để người dân làm quen, tiếp cận và có thời gian để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của người dân. Đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục cân nhắc và nên tích hợp cả hai phương án này. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì áp dụng phương án 1; Còn đối với người tham gia bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực thì áp dụng phương án 2; đồng thời, đề nghị làm rõ 50% tổng thời gian đóng là giai đoạn nào.
Về thời gian nghỉ việc để khám thai tại Điều 53, dự thảo quy định tối đa 5 lần đối với lao động nữ, đại biểu cho biết, trong quá trình tiếp xúc cử tri, nhất là cử tri là công nhân lao động đều đề nghị tăng số lần nghỉ khám thai. Theo đại biểu, việc quy định này cần căn cứ vào những yêu cầu về chăm sóc và thăm khám sức khỏe thai kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hiện nay, theo khuyến cáo thông thường, trong thai kỳ người phụ nữ cần đi khám thai ít nhất là 8 lần vào mốc thời gian nhất định.
Vì vậy, đại biểu đề nghị với nội dung này cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia quy định về số lần được nghỉ khám thai của lao động nữ và cần phải đảm bảo ít nhất số lần tối thiểu phải khám thai theo khuyến cáo của y tế. Điều này vừa mang tính nhân văn và vừa đáp ứng được đông đảo nguyện vọng của cử tri.
10h42: Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Nghiên cứu có chính sách hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật
Đề cập vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần tại điểm d, khoản 1, Điều 74 và điểm d, khoản 1, Điều 107 dự thảo Luật, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị lựa chọn phương án 1 để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của bảo hiểm xã hội, tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, hưởng quyền lợi lâu dài và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện. Trong quá trình lấy ý kiến, phương án này cũng đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đây là phương án an toàn hơn.
Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, về lâu dài cũng cần có định hướng truyền thông tham gia bảo hiểm xã hội để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Việc khuyến khích tham gia và không hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế xã hội, lao động việc làm; đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật để vượt qua khó khăn.
Trước mắt, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị giao Chính phủ hoặc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc xác định về thời hạn 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội đã ban hành quyết định hưởng, sau đó người lao động mới giao kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội cả tháng đó. Ví dụ như người lao động có quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần vào ngày 05/5/2024. Ngày 10/5/2024, người lao động ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 5/2024 để xác định rõ ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm điều kiện hưởng 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
10h54: Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Bổ sung thêm các quy định về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp
Về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý hành vi được quy định tại Điều 37 và Điều 38, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị bổ sung thêm các quy định về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo sự đồng bộ trong việc xử lý trong khi chúng ta chưa sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc làm.
Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại tố cáo, đại biểu đề nghị tiếp tục về trình tự giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành vi về bảo hiểm xã hội tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 119 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đối với những vụ việc có liên quan đến những người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH vào trước năm 1995.
Về vấn đề giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nhất trí với dự thảo Luật đã được bổ sung nhiều quy định liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, nhất là có quy định mới, từ ngày 01/01/2026 thì sẽ thực hiện cấp sổ BHXH bằng bản điện tử cho người tham gia BHXH và Sổ BHXH bằng bản giấy thì chỉ được cấp khi người lao động có nhu cầu. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, hiện nay trong các quy định của dự thảo Luật, các nội dung này còn chưa đầy đủ.
Do đó, tại khoản 7 Điều 7 về chính sách của Nhà nước đối với BHXH, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung là ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số giao dịch tiện tử và yêu cầu về quản lý BHXH cho đầy đủ hơn.
Về các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 8, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị bổ sung thêm các hành vi cấm cho đầy đủ (như lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hành vi gian lận, giả mạo, chiếm đoạt trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử…) hoặc có thể quy định là các hành vi cấm theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
10h46: Đại biểu Lê Hoàng Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Làm rõ quy định chuyển tiếp nhằm giải quyết các chế độ BHXH đối với chủ hộ kinh doanh
Đại biểu Lê Hoàng Hải cơ bản tán thành các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật. Đây là dự án Luật khó, có nhiều nội dung phức tạp, các chính sách tác động trực tiếp và sâu sắc đến an sinh xã hội, đến đông đảo người lao động. Đại biểu đánh giá Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục.
Đại biểu phân tích, Luật BHXH năm 2006 và 2014 chưa quy định chủ hộ kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Và chủ hộ kinh doanh chỉ thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Do đó, việc các chủ hộ kinh doanh đã tham gia BHXH bắt buộc không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật BHXH hiện hành. Vì vậy, nếu đưa các chủ thể đó vào đối tượng chuyển tiếp của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) như tại khoản 11 Điều 142 thì không hợp lý. Bởi lẽ, bản chất quy định chuyển tiếp là quy định những nội dung đã thể hiện trong luật trước nhưng vì sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung luật thì có sự thay đổi, và để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng đã thuộc phạm vi điều chỉnh của luật trước thì có quy định chuyển tiếp cho đối tượng này.
Về mặt thực tiễn, đại biểu tán thành cao việc phải giải quyết chế độ cho đối tượng này vì về bản chất, đối tượng này đã phải đóng đủ số tiền BHXH mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, theo nguyên tắc đóng – hưởng thì Nhà nước phải có hướng giải quyết để họ được hưởng quyền lợi đã đóng.
Tuy nhiên, không nên luật hóa một sự việc để xử lý một tình huống. Đối với trường hợp này, đại biểu cho rằng, nên đưa nội dung này vào trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 thì hợp lý hơn. Việc đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp bên cạnh giải quyết được tình huống nêu trên về mặt pháp lý thì cũng giúp sớm phát sinh hiệu lực hơn so với quy định của Luật vì thực tế hiện nay, trong nhóm này có nhiều người đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được giải quyết chế độ hưu trí cũng như các chế độ khác.
10h51: Đại biểu Rơ Châm H’Phik - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai: Khắc phục tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Rơ Châm H’Phik nhận thấy, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội đã đảm bảo thể chế hóa kịp thời các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; các nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội của Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm hạn chế các vướng mắt, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện luật hiện hành.
Quan tâm đến vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu đề xuất lựa chọn phương án một. Theo đó, phương án này quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1 đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Nhóm 2 đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực không được nhận bảo hiểm xã hội một lần, chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 luật hiện hành...
Đại biểu cho rằng, phương án này sẽ khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Quy định này không ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nên dễ nhận được sự đồng thuận của người lao động.
10h58: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần
Góp ý về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Phạm Văn Hòa phản ánh thực trạng nghỉ việc nhiều của người lao động ở độ tuổi từ 35 đến 40, mà nguyên nhân có phần xuất phát từ các doanh nghiệp “suy dinh dưỡng”, ngưng hoạt động. Cùng với đó các doanh nghiệp ngoài nhà nước có xu hướng cho nghỉ việc nhiều đối với những người lao động ở độ tuổi này. Trong hoàn cảnh đó, người lao động buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, duy trì hoạt động để người lao động có việc làm. Khi người lao động không mất việc thì sẽ không cần rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng tán thành với cách quy định theo phương án 1, đồng thời đề nghị bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội phải cho vay đối với những đối tượng không rút bảo hiểm xã hội một lần, để khi nghỉ việc người lao động được vay tiền trang trải cuộc sống.
Để thuận lợi và phát huy dân chủ, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị tổ chức lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Cho rằng vấn đề trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội hiện đang rất nan giải, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ thống nhất quy định dự thảo Luật và đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng chậm đóng, để kịp thời chấn chỉnh.
Về một số chính sách mới, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần có cân nhắc để quy định kỹ trong luật nội dung đối với những đối tượng mà do doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì khi nghỉ việc cần nghiên cứu có chế độ chính sách để bảo đảm quyền lợi.
Về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề về tính lương để làm căn cứ đóng bảo hiểm của chủ thể là chủ hộ kinh doanh; của cán bộ không chuyên trách của xã, phường; đồng thời cần có sự quan tâm đến các đối tượng hưởng trợ cấp tính bằng mức lương cơ sở…
11h03: Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Hạn chế thấp nhất tình trạng rút BHXH một lần
Quan tâm đến nội dung về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 74 và Điều 107 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý bày tỏ ủng hộ phương án quy định người lao động được chia làm hai nhóm. Đại biểu cho biết, hiện tại Điều 74 của dự thảo Luật đang trình hai phương án. Mỗi phương án đều nhắm hướng tới mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài về an sinh xã hội cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, so sánh giữa hai phương án thì Phương án một có ưu điểm đảm bảo kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, không tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, tránh được những phản ứng tập thể.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ đảm bảo có những chính sách về tín dụng, ưu đãi dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp… để phát triển thị trường lao động cũng như giảm thiểu thấp nhất tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, để người lao động có thể được hưởng chế độ hưu trí.
11h08: Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Cần có giải pháp để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung báo cáo, tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đánh giá đây là Luật khó với nhiều chính sách mới, phức tạp liên quan đến nhiều vấn đề được người lao động và người sử dụng lao động cũng như dư luận xã hội quan tâm.
Liên quan đến vấn đề tiền lương hưu do nghỉ hưu sớm. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh chia sẻ, qua thực tế tìm hiểu nguyện vọng của người lao động và ý kiến của nhiều hiệp hội, ngành nghề trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (Sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị nghiên cứu, kế thừa Luật Bảo hiểm xã hội (2006), người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm được nghỉ hưu sớm. Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này cần bổ sung quy định cho phép người lao động hưởng lương hưu sớm và thời gian nghỉ sớm tối đa là 05 năm so với tuổi nghỉ hưu.
Về mức độ hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho biết, theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội (2014), mức hỗ trợ đối với nhóm lao động yếu thế, khu vực nông thôn hiện nay là quá thấp. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đã có bước phát triển, vì vậy đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này cần bổ sung quy định về việc nâng mức hỗ trợ của nhà nước lên cao hơn để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn.
Đồng thời, để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị cần nghiên cứu phương án hỗ trợ cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với người lao động thật sự khó khăn và có xác nhận của doanh nghiệp với thủ tục nhanh, gọn, thuận lợi, việc hỗ trợ cho vay cần dựa vào thời gian đóng bảo hiểm.
11h13: Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH Bình Thuận: Xem xét hạ độ tuổi và bổ sung thêm điều kiện được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Góp ý nội dung dự thảo Luật liên quan đến trợ cấp hưu trí xã hội, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, tại điểm a khoản 1 Điều 20 dự thảo (quy định đủ 75 tuổi trở lên). Đại biểu cho rằng độ tuổi này là quá cao so với tuổi thọ trung bình của dân số cả nước ta hiện nay (theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, tuổi thọ trung bình của dân số nước ta là 73,7 tuổi, năm 2022 là 73,6 tuổi). Về điều kiện để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu cho rằng thực tế hiện nay, có những người thỏa mãn cả 02 điều kiện tại điểm b khoản 1 dự thảo, nhưng lại có thu nhập rất cao từ các nguồn khác như: nguồn hỗ trợ của con cái hoặc các nguồn thu nhập hợp pháp khác, nhưng vẫn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị sửa đổi lại khoản 1 Điều 20 theo hướng hạ điều kiện về độ tuổi (tại điểm a khoản 1) xuống bằng hoặc thấp hơn tuổi thọ trung bình của nước ta hiện nay, đồng thời bổ sung thêm điều kiện không có nguồn thu nhập ổn định khác để phù hợp với tình hình thực tế.
Về điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu cho rằng nội dung này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong trước mắt và khi hết tuổi lao động. Đại biểu thống nhất với phương án tích hợp Phương án 2 vào nhóm 2 của Phương án 1. Theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ sau ngày 01/7/2025 thì vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần theo lộ trình giảm dần (mỗi năm giảm dần 20%) và chấm dứt vào năm 2030. Đồng thời, bổ sung thêm điều khoản quy định theo hướng có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần.
Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, đại biểu kiến nghị nên biên tập lại Điều 72 theo hướng tách thành hai trường hợp để người lao động có thể lựa chọn:
- Trường hợp người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với lao động nam, 30 năm đối với lao động nữ thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần, mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn được tính như quy định tại khoản 2 dự thảo.
- Trường hợp trường hợp người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với lao động nam, 30 năm đối với lao động nữ nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì người lao động được có thể được hoán đổi số năm đóng bảo hiểm cao hơn cho việc giảm tuổi để nghỉ hưu theo quy định.
11h19: Đại biểu Chau Chắc – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Làm rõ chế độ hưu trí liên quan đến quân nhân
Đại biểu Chau Chắc nhấn mạnh, theo mục tiêu phấn đấu của nước ta đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH và khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng các chế độ BHXH. Do đó, dự thảo Luật lần này từng bước hiện thực hóa mục tiêu trên, phù hợp với lòng dân và thể hiện tính nhân văn rất sâu sắc.
Quan tâm đến nội dung về chế độ hưu trí đối với quân đội, đại biểu cho biết quan việc tổng kết Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam ở cấp cơ sở- cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng, có nhiều ý kiến về chế độ hưu trí liên quan đến quân nhân. Đó là từ năm 2022 trở đi lao động nam tham gia BHXH đủ 35 năm, nữ 30 năm mới được hưởng lương hưu mức tối đa là 75%.
Xuất phát từ tính chất đặc thù của hoạt động quân sự, thời gian sử dụng ngắn, tuyển dụng khó hoạt động trong môi trường khắc nghiệt…các đối tượng phục vụ trong quân đội cần đáp ứng yêu cầu cao cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn yêu cầu khắt khe về tuổi đời, sức khỏe. Mặt khác theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và một số luật có liên quan thì hạn tuổi phục vụ cao nhất của quân nhân có quy định nhất định. Do đó, một số nhóm đối tượng sẽ có mức hưởng lương hưu thấp khi nghỉ hưu, không đạt mức tối đa 75%.
Đại biểu đề nghị, để đảm bảo phù hợp với đặc thù quân sự thì cần xem xét bổ sung quy định nam 25 năm, nữ 15 năm tham gia đóng BHXH thì được hưởng chế độ 45%. Từ năm thứ 21 đối với nam và năm thứ 16 đối với nữ mỗi năm được hưởng thêm 3% đến tối đã là 75%.
11h24: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Quy định chặt chẽ về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Về tính khả thi quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cần được quy định chặt chẽ, đại biểu Nguyễn Tạo cho biết: Điều 40 của dự thảo luật quy định việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhưng tại Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam không có quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luận cần xem xét vấn đề này bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Về đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, tại khoản 1 Điều 130 dự thảo luật quy định: Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại chính của cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này. Trong khi đó, tại Điều 94 của Luật thanh tra hiện hành lại quy định cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại quyết định hành chính hành vi hành chính của người tiến hành thanh tra và quyết định xử lý thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Như vậy, quy định này được áp dụng pháp luật nào cần phải được làm rõ.
Do đó, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đại biểu đề nghị dự thảo luật bỏ đoạn cuối của khoản 1 Điều 130, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này và bỏ khoản 2 Điều 130 của dự án luật.
11h28: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết thúc phiên thảo luận
Kết thúc phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tiếp đó, Cơ quan trình và Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội
Tin liên quan
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan
- Bệnh nhân ca ghép phổi khiến bác sĩ "cân não" được xuất viện